Acanthurus lineatus

Acanthurus lineatus
Cá trưởng thành
Cá con
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Acanthuriformes
Họ (familia)Acanthuridae
Chi (genus)Acanthurus
Loài (species)A. lineatus
Danh pháp hai phần
Acanthurus lineatus
(Linnaeus, 1758)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Chaetodon lineatus Linnaeus, 1758
  • Acanthurus vittatus Bennett, 1828

Acanthurus lineatus là một loài cá biển thuộc chi Acanthurus trong họ Cá đuôi gai. Loài cá này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1758.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính từ định danh lineatus trong tiếng Latinh có nghĩa là "có sọc", hàm ý đề cập đến những đường sọc vàng và xanh xen kẽ trên cơ thể của loài cá này.[2]

Phạm vi phân bố và môi trường sống

[sửa | sửa mã nguồn]

Dọc theo đường bờ biển Đông Phi, A. lineatus được phân bố trải dài về phía đông đến quần đảo MarquisesTuamotu (Polynésie thuộc Pháp), băng qua phần lớn những vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngược lên phía bắc đến vùng biển phía nam Nhật Bản (gồm cả quần đảo Ryukyuquần đảo Ogasawara), giới hạn phía nam đến bờ đông Úc (gồm cả rạn san hô Great Barrier).[1][3] Chỉ có hai ghi nhận của A. lineatus lang thang tại quần đảo Hawaii.[1][4]

Việt Nam, A. lineatus được ghi nhận tại và cù lao Chàm (Quảng Nam),[5] đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi),[6] Ninh Thuận[7] cũng như tại cù lao Câu (Bình Thuận), quần đảo Trường Saquần đảo Hoàng Sa.[8]

A. lineatus sống tập trung trên các rạn san hô viền bờ ở độ sâu đến ít nhất là 15 m.[1]

Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở A. lineatus là 38 cm, nhưng thường được quan sát với kích thước phổ biến là 25 cm.[3] Đây là loài sinh trưởng với tốc độ khá nhanh, đạt 70 đến 80% tổng chiều dài cơ thể của chúng trong suốt một năm đầu đời, và phát triển chậm dần cho đến khi 18 tuổi[9].

A. lineatus (ngoài khơi Raja Ampat)

A. lineatus có một mảnh xương nhọn màu vàng chĩa ra ở mỗi bên cuống đuôi, tạo thành ngạnh sắc. Ngạnh này có nọc độc và có thể gây đau đớn nếu chạm phải.[3] Đã có báo cáo về việc ngạnh đuôi của A. lineatus có thể gây thương tích ở quần đảo Société.[10]

Cơ thể hình bầu dục thuôn dài. Đầu có màu vàng cam với các dải màu xanh lam sáng. Thân trên có các dải sọc màu vàng và xanh lam viền đen xen kẽ nhau. Thân dưới màu trắng xanh hoặc màu tím nhạt; ánh vàng ở dưới bụng. Vây lưng và vây hậu môn màu xám đen, có dải viền màu xanh ánh kim ở rìa; vây hậu môn có dải màu vàng ở sát gốc vây. Vây đuôi lõm sâu, hình lưỡi liềm, màu xám đen với một dải hình lưỡi liềm hẹp hơn ở rìa sau vây đuôi, được viền màu xanh ánh kim; có một mảng màu đen sẫm ở giữa vây đuôi. Vây ngực trong suốt, ngoại trừ phần gốc vây tiệp màu với thân. Vây bụng màu vàng cam với rìa màu trắng, và một dải đen ở cận rìa.

A. lineatus có thể thay đổi màu sắc của cơ thể khi đối mặt với những kẻ xâm phạm lãnh thổ hay khi bước vào mùa sinh sản. Khi gặp những kẻ xâm phạm lãnh thổ, những sọc đen và các vây trên cơ thể của A. lineatus trở nên sẫm màu, những sọc xanh sẽ sáng màu hơn; vùng đầu cũng trở nên sẫm màu nhưng hai bên má sẽ sáng màu hơn. Vào mùa sinh sản, màu sắc của A. lineatus trở nên rất nhạt, các sọc hầu như biến mất, ngoại trừ đầu, vây ngực, thùy đuôi chuyển sang màu đen.[11]

Số gai ở vây lưng: 9; Số tia vây ở vây lưng: 27–30; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 25–28; Số tia vây ở vây ngực: 16; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5; Số lược mang: 14–16.[12]

Sinh thái học

[sửa | sửa mã nguồn]

A. lineatus là một loài ăn tạp, chúng ăn các loại tảo đỏtảo lục,[13] cũng như động vật giáp xác.[3] Cá trưởng thành sống theo đàn, trong khi cá con sống đơn độc. Loài cá này sinh sản quanh năm.[14]

Tuổi thọ cao nhất được ghi nhận ở A. lineatus là 46 năm tuổi.[15]

Loài lãnh thổ

[sửa | sửa mã nguồn]

A. lineatus là loài có tính lãnh thổ cao nên chúng rất hung hãn.[4] Cá đực trưởng thành kiểm soát toàn bộ lãnh thổ cùng nhiều con cá cái trong hậu cung của nó[3] Loài cá này được ghi nhận là đã xây dựng những hàng rào từ tảo (chủ yếu là từ tảo nâu Turbinaria) bao quanh khu vực lãnh thổ của chúng[16]. Mục đích của việc xây dựng những hàng rào tảo ở A. lineatus là để phân chia lãnh thổ với đồng loại, vì những cá thể hàng xóm của nhau không kiếm ăn dọc theo ranh giới lãnh thổ chung của chúng.[16]

Quan hệ với A. leucosternon

[sửa | sửa mã nguồn]

A. lineatus, và cả Acanthurus leucosternon, có sự chồng lấn lãnh thổ không đáng kể đối với những đồng loại ở gần chúng, và hầu như không có sự chồng lấn lãnh thổ nào được ghi nhận giữa A. lineatusA. leucosternon nếu cả hai là hàng xóm của nhau.[17]

Khi chưa trưởng thành, cá con của A. leucosternon thường sinh sống trong lãnh thổ của những con cá cái của đồng loại còn đơn độc. Tuy nhiên, cá con của A. lineatus nhiều lần được quan sát là sống trong lãnh thổ của các cặp A. leucosternon, và nó cũng gây phiền toái đến cặp A. leucosternon này. Trong khi đó, cá con của A. leucosternon lại không được ghi nhận là sống trong lãnh thổ của bất kỳ cá thể A. lineatus nào. Cá con của A. lineatus cũng thường chia sẻ lãnh thổ của mình với một cá thể A. leucosternon cái sống đơn độc.[17]

Thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

A. lineatus là một trong những loài cá đuôi gai có giá trị cao và được nhắm mục tiêu đánh bắt ở nhiều nơi trong khu vực phân bố của chúng. A. lineatus cũng được nuôi làm cá cảnh với giá bán trực tuyến dao động từ 45 đến gần 120 USD một con.[1]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e Choat, J. H.; McIlwain, J.; Abesamis, R.; Clements, K. D.; Myers, R.; Nanola, C.; Rocha, L. A.; Russell, B.; Stockwell, B. (2012). Acanthurus lineatus. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2012: e.T177993A1514809. doi:10.2305/IUCN.UK.2012.RLTS.T177993A1514809.en. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ C. Scharpf; K. J. Lazara (2020). “Order ACANTHURIFORMES (part 2)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2020.
  3. ^ a b c d e Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Acanthurus lineatus trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2024.
  4. ^ a b D. Woodland (2001). K. E. Carpenter; V. H. Niem (biên tập). The living marine resources of the Western Central Pacific. Vol. 6. Bony fishes part 4 (Labridae to Latimeriidae), estuarine crocodiles, sea turtles, sea snakes and marine mammals (PDF). FAO Species Identification Guide for Fishery Purposes. FAO. tr. 3668. ISBN 978-9251045893.
  5. ^ Nguyễn Văn Long; Mai Xuân Đạt (2020). “Đặc trưng nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” (PDF). Vietnam Journal of Marine Science and Technology. 20 (1): 105–120. doi:10.15625/1859-3097/13553. ISSN 1859-3097.
  6. ^ Nguyễn Văn Long (2016). “Hiện trạng và biến động quần xã cá rạn san hô ở khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” (PDF). Tuyển tập Nghiên Cứu Biển. 22: 111–125.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  7. ^ Mai Xuân Đạt; Nguyễn Văn Long; Phan Thị Kim Hồng (2020). “Cá rạn san hô ở vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận” (PDF). Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển. 20 (4A): 125–139. doi:10.15625/1859-3097/15656. ISSN 1859-3097.
  8. ^ Nguyễn Hữu Phụng (2002). “Thành phần cá rạn san hô biển Việt Nam” (PDF). Tuyển tập Báo cáo Khoa học Hội nghị Khoa học "Biển Đông-2002": 275–308.
  9. ^ P. C. Craig; J. H. Choat; L. M. Axe; S. Saucerman (1959). “Population biology and harvest of the coral reef surgeonfish Acanthurus lineatus in American Samoa” (PDF). Fishery Bulletin. 95: 680–693.
  10. ^ J. E. Randall (1959). “Report of a caudal-spine wound from the surgeonfish Acanthurus lineatus in the Society Islands”. Wassman Journal of Biology. 17 (2): 245–248.
  11. ^ D. R. Robertson (1983). “On the spawning behavior and spawning cycles of eight surgeonfishes (Acanthuridae) from the Indo-Pacific” (PDF). Environmental Biology of Fishes. 9 (3/4): 193–223.
  12. ^ John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1998). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 420. ISBN 978-0824818951.
  13. ^ J. H. Choat; K. D. Clements; W. D. Robbins (2002). “The trophic status of herbivorous fishes on coral reefs - 1: Dietary analyses” (PDF). Marine Biology. 140: 613–623. doi:10.1007/s00227-001-0715-3.
  14. ^ S. J. Mutz (2006). “Comparative growth dynamics of Acanthurid fishes” (PDF). Đại học James Cook. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  15. ^ J. H. Choat; L. M. Axe (1996). “Growth and longevity in acanthurid fishes; an analysis of otolith increments” (PDF). Marine Ecology Progress Series. 134: 15–26. doi:10.3354/meps134015.
  16. ^ a b D. R. Robertson (1989). “The surgeonfish Acanthurus lineatus grows hedgerows of Macroalgae” (PDF). Coral Reef. 8: 8.
  17. ^ a b D. R. Robertson; N. V. C. Polunin; K. Leighton (1979). “The behavioral ecology of three Indian Ocean surgeonfishes (Acanthurus lineatus, A. leucosternon and Zebrasoma scopas): their feeding strategies, and social and mating systems” (PDF). Environmental Biology of Fishes. 4 (2): 125–170. doi:10.1007/BF00005448.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan