Alice Herz | |
---|---|
Sinh | Alice Strauss 25 tháng 5 năm 1882 Hamburg, Đế quốc Đức |
Mất | 26 tháng 3 năm 1965 (82 tuổi) Detroit, Michigan, Hoa Kỳ |
Nguyên nhân mất | Chết bỏng vì tự thiêu |
Alice Herz (nhũ danh Straus; 25 tháng 5 năm 1882 – 26 tháng 3 năm 1965) là một nhà hoạt động vì hòa bình, người đầu tiên ở Hoa Kỳ tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam, theo gương của nhà sư Thích Quảng Đức khi tự thiêu để phản đối Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Herz là một góa phụ người Do Thái gốc Đức. Bà đã cùng con gái Helga rời Đức vào năm 1933, khi Đức Quốc Xã bành trướng quyền lực của mình. Alice và Helga Herz đang sống ở Pháp khi Đức xâm lược vào năm 1940. Sau khoảng thời gian bị bắt vào một trại giam ở gần biên giới Tây Ban Nha, Alice và Helga cuối cùng đã đến được Hoa Kỳ vào năm 1942.[1]
Bà cùng con gái định cư tại Detroit, Michigan; Helga là một thủ thư tại Thư viện Công cộng Detroit trong khi Alice làm việc một thời gian với tư cách là trợ giảng tiếng Đức tại Đại học Bang Wayne.[1][2] Ban đầu Alice từ chối để trở thành một công dân Hoa Kỳ vì là thành viên của WILPF, tuy nhiên bà sau đó đã nộp đơn yêu cầu lại và được công nhận là một công dân nước Mỹ vào năm 1954.[1] Alice và Helga đã gia nhập tổ chức tôn giáo Unitarian cũng như tham gia vào các hoạt động của một số nhóm hòa bình.[2]
Herz từng viết một bức thư ngỏ gửi cho một số bạn bè và các đồng nghiệp trước khi qua đời. Trong bức thư của mình, bà cáo buộc Tổng thống Lyndon B. Johnson đã sử dụng quyền lực quân sự để "quét sạch toàn bộ các quốc gia mà ông nhắm đến", cũng như kêu gọi người dân Mỹ hãy "tỉnh táo và hành động" để chống lại chiến tranh, đồng thời giải thích vụ tự thiêu là một nỗ lực "để bản thân được nghe thấy".[3]
Herz đã tự thiêu trên một con phố ở Detroit vào ngày 16 tháng 3 năm 1965, ở tuổi 82.[4][5][6] Một người đàn ông lái xe ô tô cùng hai con trai nhìn thấy bà trong tình trạng bốc cháy và chạy đến dập lửa. Bà đã qua đời vì vết thương của mình mười ngày sau đó.[6][7] Theo cuốn At Canaan's Edge (2006) của Taylor Branch, chính bài phát biểu của Tổng thống Johnson trước Quốc hội để ủng hộ Đạo luật về Quyền bỏ phiếu đã khiến bà tin rằng thời điểm này là phù hợp để phản đối Chiến tranh Việt Nam. Dù vậy chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài thêm mười năm sau cái chết của bà.[1]
Tâm sự với một người bạn trước khi qua đời, Herz cho biết bà đã sử dụng mọi phương pháp đấu tranh bất bạo động — bao gồm tuần hành, biểu tình hay viết vô số bài báo cùng thư — và tự hỏi liệu mình có thể làm gì khác. Bà trở thành người đầu tiên ở Hoa Kỳ tự thiêu để phản đối chiến tranh leo thang, theo gương nhà sư Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản đối hành động đàn áp Phật tử của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.[1][7][8] Hành động này của bà sau đó dẫn tới bảy vụ biểu tình với phương thức tương tự để phản đối chiến tranh Việt Nam.[1] Tác giả và nhà triết học người Nhật Bản Shibata Shingo đã thành lập Quỹ Hòa bình Alice Herz ngay sau khi bà qua đời. Một quảng trường ở Berlin (Alice Herz Platz) cũng được đặt tên để vinh danh bà vào năm 2003.[9][10] Một bức chân dung lớn của Alice Herz đã được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.[11]