Búa và liềm (Unicode ☭) là biểu tượng của những người theo chủ nghĩa Cộng sản, đại diện cho 1 tổ chức Cộng sản, Đảng Cộng sản hay Nhà nước đi theo Chủ nghĩa Cộng sản, biểu tượng này hình thành từ Cách mạng Nga, với cái búa đại diện cho giai cấp công nhân và liềm đại diện cho giai cấp nông dân.
Biểu tượng này được thể hiện bằng một cái búa và một cái liềm đặt chéo nhau. Hai công cụ này tượng trưng tương ứng cho công nhân công nghiệp đô thị và các nông dân nông nghiệp nông thôn, và sự đặt chồng lên nhau tượng trưng cho sự thống nhất của hai giai cấp lao động.[1]
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (từ đó Nga rút lui vào năm 1917) và Nội chiến Nga, búa liềm được sử dụng rộng rãi hơn như một biểu tượng cho lao động trong Liên Xô và vì đoàn kết vô sản quốc tế. Nó được nhiều phong trào cộng sản trên khắp thế giới áp dụng, một số có các biến thể địa phương. Búa liềm phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào, và Việt Nam, nhưng cũng có một số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sau Sự tan rã của Liên Xô, chẳng hạn như Belarus và Nga. Một số quốc gia đã áp đặt cấm biểu tượng cộng sản, cấm trưng bày búa liềm.
Ý tưởng ban đầu là sử dụng hình ảnh búa đặt trên lưỡi cày, nhưng hình ảnh búa và liềm được sử dụng và biết đến nhiều hơn khi cũng phản ánh sự thống nhất của người nông dân và công nhân. Biểu tượng Búa và liềm mặc dù sử dụng từ những năm 1917-1918 nhưng mãi đến năm 1922 mới trở thành biểu tượng chính thức.
Trước đó Búa và lưỡi cày được sử dụng trên đồng phục, huy chương, mũ của Hồng quân và Cảnh sát. Sau đó, Búa và liềm được thông qua vào năm 1923 để trở thành biểu tượng trên lá cờ của Liên Xô, và thông qua lần cuối trong Hiến pháp 1924 của Liên Xô, và là cờ của các nước Cộng hòa thuộc Liên Bang Xô Viết sau năm 1924.
Trước đó các nước Cộng hòa thường sử dụng cờ nền đỏ, cùng với dòng chữ vàng có tên của nước Cộng hòa đó, nó được viết trong Điều 6 trong Hiến pháp 1918 của Liên Xô.
Một lá cờ với một búa liềm màu vàng và trên phông màu đỏ được sử dụng phổ biến ở Lào và ở Việt Nam. 2 chủ thể liên bang thuộc Liên bang Nga vẫn còn sử dụng biểu tượng này, tỉnh Vladimir sử dụng trên lá cờ và tỉnh Bryansk sử dụng trên huy hiệu chính thức. Ngoài ra, thành phố Oryol của Nga cũng sử dụng búa liềm trên lá cờ của họ.
Những thành tố thể thiết kế bao gồm: Bút mực lông, liềm, búa, cuốc, xẻng, đuốc, mỏ lết, rìu, súng, compa.
Ở một số nước trong khối Đông Âu trước đây từng xác định búa liềm là biểu tượng của "sự chuyên chế và là hệ tư tưởng độc ác", nếu sử dụng thì bị coi là hành vi của tội phạm hình sự. Tại Hungary (1994),[2] Litva (2008),[3] Ba Lan (2009) từng bị chính phủ các nước này ra lệnh cấm sử dụng, nhưng vào năm 2011 thì các lệnh cấm này bị tòa án Hiến pháp cho là vi hiến, và biểu tượng búa liềm được sử dụng tiếp tại các nước này.[4][5]
Tại Moldova (2012) biểu tượng Cộng sản này cùng với các biểu tượng Cộng sản khác từng bị chính phủ cấm hiển thị trên các phương tiện thông tin đại chúng.[6][7] Nhưng vào tháng 5 năm 2013, Tòa án Hiến pháp Moldova phán quyết rằng biểu tượng của Đảng Cộng sản Moldova - búa và liềm là hợp pháp và được phép sử dụng.[cần dẫn nguồn]
Một luật tương tự đã được xem xét ở Estonia, nhưng cuối cùng đã thất bại tại Ủy ban quốc hội. Nước này (cũng như Litva và Latvia) chỉ cấm sử dụng biểu tượng Liên Xô như sao đỏ vì họ cho là đã bị Liên Xô chiếm đóng bất hợp pháp theo như Hiệp ước Xô-Đức cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Các bộ trưởng ngoại giao của Litva, Latvia, Bulgaria, Hungary, Romania và Cộng hòa Séc từng kêu gọi một lệnh cấm toàn EU vào các biểu tượng Cộng sản trong năm 2010, nhưng không thành công.
Tại Indonesia, 1 sắc luật đã được ra theo đó cấm sự xuất hiện của biểu tượng này trên phương tiện đại chúng.[cần dẫn nguồn]