Ban Chính vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (Hàn Quốc: 조선로동당 중앙위원회 정무국, Phiên âm: Choseon rodongdang chung-ang wiwonhoe changmugug, Việt: Triều Tiên Lao động Đảng Trung ương Uỷ viên hội Chính vụ Cục) trước đây được gọi là Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên là cơ quan chấp hành của Đảng, đồng thời quản lý công việc cho Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, đứng đầu là Bí thư thứ nhất. Cùng với Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư là một trong ba tổ chức có quyền lực tối cao trong Đảng Lao động Triều Tiên.
Ban bí thư, tiền thân của Ban Chính vụ Trung ương Đảng, được thành lập tại Hội nghị đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 2 vào tháng 10 năm 1966, tương tự như Ban bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) trong thời kỳ Stalin. Lãnh đạo Ban bí thư lúc đó là Tổng bí thư. Cho đến năm 1966, Đảng Lao động không có cơ quan nào giống với Ban bí thư; Điều này bất thường, vì một Ban bí thư là một trong những cơ quan quyền lực nhất của các Đảng cộng sản cầm quyền khác. Ban bí thư được thành lập trong cuộc tranh giành quyền lực với mục đích tăng cường sự kiểm soát của Kim Il-sung đối với các tổ chức cấp dưới của Đảng; vì lý do này, phần lớn các thành viên Ban bí thư đầu tiên là ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Sau khi cuộc tranh giành quyền lực kết thúc vào năm 1967, 1968, tình trạng của Ban bí thư suy yếu dần; các ủy viên Ban bí thư không chỉ còn là ủy viên Bộ chính trị nữa mà còn là ủy viên Trung ương Đảng, đặc biệt là tại Đại hội VI. Tại đại hội VI, chỉ có ba thành viên (trong số chín ủy viên) là ủy viên Bộ Chính trị: Kim Il-sung, Kim Jong-il và Kim Jung-rin (không phải là thành viên gia đình Kim). Quyền lực của Ban bí thư tiếp tục giảm trong thời gian Kim Jong-il nắm quyền.
Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VII (5/2016), Ban bí thư được đổi thành Ban Chính vụ Trung ương Đảng gồm Chủ tịch Trung ương Đảng và các Phó chủ tịch Trung ương Đảng.