Bestseller là một tác phẩm văn học hoặc sản phẩm truyền thông được chú ý bởi tốc độ bán chạy nhất, được ghi nhận trong danh sách thống kê của tờ báo chí và các chuỗi cửa hàng sách. Một số danh sách được chia thành các phân loại và chuyên ngành (tiểu thuyết, sách phi hư cấu, sách dạy nấu ăn, v.v...). Một tác giả cũng có thể được coi là bestseller nếu tác phẩm của họ thường xuyên xuất hiện trong danh sách như vậy. Các danh sách bestseller nổi bật ở Hoa Kỳ được xuất bản bởi Publishers Weekly, USA Today, The New York Times và The Washington Post. Hầu hết các danh sách này đều theo dõi doanh số bán sách từ các hiệu sách quốc gia và độc lập, cũng như doanh số bán hàng từ các nhà bán lẻ Internet lớn như Amazon.com và Barnes & Noble.[1]
Trong ngôn ngữ hàng ngày, thuật ngữ bestseller thường không được liên kết với một mức doanh số cụ thể và có thể được các nhà xuất bản mà không có quy định rõ ràng. Những cuốn sách có giá trị học thuật cao thường có xu hướng không phải bestseller, mặc dù vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Một danh sách chỉ đơn giản đưa ra các tiêu đề bán chạy nhất trong danh mục trong khoảng thời gian đã nêu. Một số đầu sách đã bán được nhiều bản hơn nhiều so với các "bestseller" hiện tại, nhưng là trong một khoảng thời gian dài.
Các bộ phim bom tấn và bài nhạc đứng đầu bảng xếp hạng là những thuật ngữ có ý nghĩa tương tự. Tuy nhiên, đối với phim và âm nhạc, những thước đo thường liên quan đến số liệu bán hàng của ngành đối với số lượng người xem, yêu cầu, lượt phát sóng hoặc số lượng bán được.
Để một tiểu thuyết trở thành bestseller, thông thường sẽ cần đến một khoản ngân sách lớn - thông qua một chuỗi các đại lý văn học, biên tập viên, nhà xuất bản, nhà phê bình, nhà bán lẻ, thủ thư và các nỗ lực tiếp thị nhằm tăng doanh số bán hàng.
Steinberg định nghĩa sách bestseller là một cuốn sách mà, trong một thời gian ngắn kể từ lần xuất bản đầu tiên, có nhu cầu người đọc vượt xa tiêu chuẩn về doanh số bán hàng.[2][3][4]
Thuật ngữ "best seller" được biết đến lần đầu tiên trên tờ báo The Kansas Times & Star ở Kansas City, Missouri,[5] nhưng ý nghĩa của nó lại bắt nguồn từ buổi đầu sản xuất sách in hàng loạt. Đối với những cuốn sách trước đó, khi số lượng bản in tối đa tương đối ít, thì đếm số lượng ấn bản là cách tốt nhất để đánh giá doanh số bán hàng. Vì những hạn chế về xác định bản quyền, nhiều ấn bản đã bị vi phạm bản quyền vào thời kỳ Khai sáng, và vì không có hệ thống tiền bản quyền hiệu quả, các tác giả thường nhận thấy doanh thu cho các tác phẩm nổi tiếng của họ rất thấp.[cần dẫn nguồn]
Những cuốn sách phổ biến thuở ban đầu hầu như đều liên quan đến tôn giáo. Cho đến thế kỷ XIX, giá bán của Kinh thánh vẫn ở mức khá cao - điều này nhìn chung khiến số lượng sách được in và bán ở mức thấp. Không giống như ngày nay, vào thời đó, một cuốn sách phải đủ ngắn để trở thành bestseller, hoặc nó sẽ quá đắt để tiếp cận một lượng lớn độc giả. Các tác phẩm rất ngắn như Ars moriendi, Biblia pauperum, và Apocalypse được xuất bản dưới dạng sách khối rẻ tiền - với số lượng lớn các ấn bản khác thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau vào thế kỷ 15. Đến thế kỷ 16 và 17, Pilgrim's Progress (1678) và các phiên bản rút gọn của Foxe's Book of Martyrs là những cuốn sách được đọc nhiều nhất. Robinson Crusoe (1719) và The Adventures of Roderick Random (1748) là những tiểu thuyết ngắn đầu thế kỷ 18 với số lượng xuất bản rất lớn, cũng như đạt được thành công trên toàn thế giới.[cần dẫn nguồn][6]
Tiểu thuyết Tristram Shandy của Laurence Sterne đã trở thành một tác phẩm được "sủng ái" ở Anh và khắp châu Âu, mang lại những tác động văn hóa quan trọng đối với những người có đủ khả năng mua sách trong thời kỳ được xuất bản. Điều tương tự cũng có thể nói về các tác phẩm của Voltaire, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết châm biếm triết học và hài hước của ông, Candide, được cho là đã bán được hơn 20.000 bản chỉ trong tháng đầu tiên của năm 1759. Tương tự như vậy là tác giả Khai sáng người Pháp Rousseau - với tác phẩm Julie, ou la nouvelle Héloïse (1761) - và Johann Wolfgang von Goethe với tiểu thuyết Die Leiden des jungen Werthers (The Sorrows of Young Werther) (1774).[7][8]
Vào thời của Byron và Sir Walter Scott, luật bản quyền có hiệu lực được ban hành ở Anh. Nhiều tác giả phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập từ số tiền bản quyền lớn của họ. Nước Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi nạn vi phạm bản quyền cho đến giữa thế kỷ 19, một thực tế mà Charles Dickens và Mark Twain đã phàn nàn một cách cay đắng. Đến giữa thế kỷ 19, một tình huống tương tự như thời hiện đại đã xuất hiện, khi hầu hết các cuốn sách bán chạy nhất được viết cho thị hiếu người đọc trước đó giờ đã gần như hoàn toàn bị lãng quên. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm East Lynne (được nhớ đến với dòng "Gone, gone, and never called me mother!"), Túp lều bác Tom và Sherlock Holmes.
Sách bán chạy nhất thường được phân thành danh mục tiểu thuyết hư cấu và phi hư cấu. Mỗi danh sách khác nhau sẽ đi kèm các danh mục con khác. Tờ New York Times được cho là đã cho ra đời mục "Sách dành cho trẻ em" vào năm 2001 - chỉ để đưa bộ sách Harry Potter ra khỏi vị trí số 1, 2 và 3 trên bảng xếp hạng tiểu thuyết của họ, mà bộ ba cuốn này sau đó đã giữ vị trí độc quyền trong hơn một năm.[9]
Các sách bán chạy nhất cũng có thể được xếp hạng riêng cho ấn bản bìa cứng và bìa mềm. Thông thường, phiên bản bìa cứng được phát hành đầu tiên, sau đó là vài tháng hoặc vài năm đối với phiên bản bìa mềm. Trạng thái bán chạy nhất của phiên bản bìa cứng có thể đẩy nhanh việc phát hành bìa mềm cùng loại hoặc làm chậm việc phát hành, nếu doanh số bán của bản bìa cứng đủ nhanh.
Tại Vương quốc Anh, sách bìa cứng có thể được coi là "bestseller" với doanh số từ 4.000 đến 25.000 bản mỗi tuần, và ở Canada, sách bán chạy nhất được xác định theo thứ hạng hàng tuần trong dịch vụ theo dõi doanh số bán bản in quốc gia của nước này, BNC SalesData.[10] Có rất nhiều "danh sách sách bán chạy" bao gồm từ 10 đến 150 đầu sách.
Vào tháng 4 năm 2013, Penguin Random House được thành lập để trở thành nhà xuất bản lớn nhất thế giới. Hai cổ đông lớn bao gồm Bertelsmann (53%) và Penguin Group (47%) do Pearson PLC sở hữu.[11]
Một số nhà xuất bản lớn khác bao gồm Thomson Reuters, Reed Elsevier, Wolters Kluwer, Hachette, McGraw Hill Financial, John Wiley and Sons, Houghton Mifflin Harcourt, HarperCollins, Simon & Schuster, Macmillan Publishers, và Harlequin Enterprises.[12]
Nếu như định nghĩa cơ bản về bestseller là "một cuốn sách phổ biến, bán chạy nhất", thì định nghĩa văn hóa thực tế có phần phức tạp hơn. Vì danh sách sách bestseller dành cho người tiêu dùng thường không nêu chi tiết các tiêu chí cụ thể, chẳng hạn như số lượng đã bán, thời gian bán hàng, khu vực bán hàng, v.v..., nên để một cuốn sách trở thành sách bestseller chủ yếu là do một nguồn "có thẩm quyền" đánh giá. Gọi một cuốn sách là "bestseller" không quá ấn tượng bằng việc gọi nó là "Bestsller của Thời báo New York". Một cuốn sách được đánh giá là "bestseller" sẽ cải thiện đáng kể cơ hội bán hàng cho nhiều đối tượng hơn. Theo cách này, thuật ngữ bestseller đã mang lấy ý nghĩa phổ biến của riêng nó, đặc biệt về phương diện tiếp thị. Ví dụ: danh sách "bestseller mùa hè" thường được xác định rất lâu trước khi mùa hè kết thúc, báo hiệu sự phù hợp của tác phẩm đối với hàng triệu độc giả.
Nhà xuất bản Diogenes nổi tiếng tại Zürich (Thụy Sĩ) bắt đầu nói về những tác phẩm bán chậm nhất (Worstsellers) của chính họ vào năm 2006, thuật ngữ này sau đó trở nên phổ biến ở các nước châu Âu nói tiếng Đức.
Bestseller đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện ảnh chính thống. Thông lệ lâu đời của Hollywood là chuyển thể những cuốn sách bán chạy nhất thành phim truyện. Nhiều bộ phim "kinh điển" hiện đại đều xuất phát từ các tác phẩm bán chạy nhất.
Một số tác phẩm viễn tưởng bán chạy nhất mỗi năm sau đó đã được dựng thành những bộ phim nổi tiếng. Việc trở thành một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở Hoa Kỳ trong suốt bốn mươi năm qua là tiền đề cân nhắc cho một bộ phim kinh phí lớn, công chiếu rộng rãi.[13][14]