Trong hình thái học thực vật, caudex (số nhiềuː caudices) là một kiểu thân cây biến dạng phình to[1] nhưng thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ gốc ghép[2] và đặc biệt là cấu trúc thân cơ bản mà từ đó cây sinh trưởng cơ quan mới.[3]
Theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ này, "caudex" có nghĩa là thân cây, thường được sử dụng với những thực vật có hình thái thân khác với thân thực vật có hoa điển hình.[1]
Caudex xuất hiện ở nhiều nhóm phân loại thực vật, bao gồm nhưng không phải tất cả loài trong họ Cau (Arecaceae), ngành Dương xỉ (Polypodiopsida) và bộ Tuế (Cycadales). Caudex ở một số loài có thể đạt kích thước ấn tượng, như caudex ở các loài thuộc chi Prangos có thể nặng tới 15 kg. Kiểu thân này cũng là dạng sống điển hình nhất cho các cây bụi nhỏ, đặc biệt là những cây phổ biến ở sa mạc, bán sa mạc và cảnh quan núi. Nó được tìm thấy trong các loài thực vật thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae) từ các chi Ỷ lăng (Potentilla), chi Sibbaldia, một số chi trong họ Cúc (Asteraceae), phân họ Rau muối (Chenopodioideae) và họ Bạch hoa đan (Plumbaginaceae).
Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Latin caudex, một danh từ có nghĩa là "thân cây".[2][4]
Caudex được chia thành hai dạng chính:
Ngoài ra còn có những dạng thân trung gian của hai dạng trên, loại này chỉ có một phần thân gỗ (chi Fockea).
Caudex hình thành ở ranh giới của thân và rễ cây, là phần dưới của các chồi lâu năm được kết nối với trụ dưới lá mầm hóa gỗ, thường phát triển quá mức và phình to, dày lên cho phép cây trữ nước (cây mọng nước) để đối phó với thời kỳ hạn hán. Ở các loài cây có caudex thì rễ cái kéo dài ra từ đây.