Chung sống như vợ chồng

Đây là biểu đồ thể hiện quan điểm "Sống thử là có thể chấp nhận được" ở Mỹ: Màu xanh: Đồng ý hoặc đồng ý mạnh với quan điểm; Màu vàng: Phản đối hoặc phản đối mạnh với quan điểm; Màu đỏ: Trung lập với quan điểm

Chung sống như vợ chồng là sự chung sống các cặp đôi có tình cảm về sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng chưa tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn. Sống thử hay sống thử trước hôn nhân là một cụm từ thường được truyền thông Việt Nam, đặc biệt là báo mạng.

Tiến sĩ triết học, chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em Nguyễn Linh Khiếu cho rằng không nên dùng từ "sống thử", bởi khi các cặp đôi này sống chung với nhau thì họ đã giống như là vợ chồng, "Đấy không phải là sống thử mà là chung sống thật sự chứ không phải chuyện đùa. Tất cả từ tình cảm, tình dục, chi tiêu là đều thật".[1] Có điều sự chung sống này thiên về thỏa mãn dục vọng, tình cảm tức thời, "thích thì chung sống, chán thì chia tay" chứ không đi liền với các nghĩa vụ và trách nhiệm như hôn nhân thực sự. So với những đôi vợ chồng thực sự, các cặp sống thử không được pháp luật cũng như xã hội thừa nhận (vì họ không có thủ tục đăng ký kết hôn), do đó các cặp đôi sống thử không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào với nhau về nghĩa vụ gia đình cũng như trách nhiệm trước các quy định của luật Hôn nhân, điều này dẫn tới những hậu quả tiêu cực khó lường trước[2][3]

Tuy gọi là "sống thử" nhưng hậu quả xảy ra của kiểu chung sống này lại có thật và rất phổ biến. Vì không có đăng ký kết hôn nên nếu xảy ra bất kỳ rủi ro pháp lý nào (tranh chấp tài sản, ngoại tình, bạo hành...) thì pháp luật sẽ không thể xử lý. Ngoài ra, rủi ro về mặt xã hội cũng rất lớn (ảnh hưởng đến việc học tập, lao động, mang thai ngoài ý muốn, tan vỡ tình yêu, bị cha mẹ phản đối, hoặc rạn nứt tình cảm gia đình do nhiều người không chấp nhận việc vợ/chồng mình đã từng sống thử với người khác). Do vậy, sống thử sẽ tạo ra nhiều rủi ro về đạo đức, xã hội cũng như ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc tương lai của những người tham gia sống thử, đặc biệt là với phụ nữ.

Nguyên nhân

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nguyên nhân xã hội: Do ảnh hưởng từ cách mạng tình dục thập niên 1970 tại phương Tây tràn vào, cùng sự thiếu kiến thức xã hội và định hướng cho tương lai, nên tình trạng quan hệ tình dục và "sống thử" trước hôn nhân ở giới trẻ (trong đó có Việt Nam) đang tăng cao. Theo một phúc trình của Bộ Y tế Việt Nam ngày 27 Tháng Ba năm 2013, khoảng 44% thanh niên và vị thành niên ở Việt Nam chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân,.[4][5] Nhiều bạn trẻ dễ dãi, cho rằng việc đó là bình thường, họ suy nghĩ đơn giản rằng chỉ là "thử" thì sẽ không gây hậu quả gì. Một số khác thì sống thử chỉ vì a dua theo bạn bè, vì tò mò "sống thử để biết vì thấy bạn bè mình có nhiều cặp cũng đang sống chung". Cách suy nghĩ mang tính trào lưu này khiến các bạn trẻ dễ thả mình theo sống thử, không thấy hợp thì chia tay, không còn xem trọng việc hệ trọng cả đời là hôn nhân và gia đình.
  • Nguyên nhân gia đình: Do cha mẹ sống không hạnh phúc, cãi vã thường xuyên, hoặc ngoại tình "ông ăn chả, bà ăn nem" khiến cho con cái họ không muốn nghĩ đến hôn nhân; ngược lại, coi hôn nhân như một sự ràng buộc, cùm kẹp, hoặc chỉ như cơ hội để người ta lợi dụng nhau. Mặt khác, có gia đình cha mẹ không quan tâm đến đời sống và tình cảm của con mình, không động viên con cái sống lành mạnh, chỉ phó mặc cho nhà trường. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "sống thử" ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ"
  • Nguyên nhân bản thân: Do ảnh hưởng của "yêu nhanh sống gấp", một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu "rất hiện đại" hay còn gọi "tình yêu tốc độ", rằng yêu thì cần "hết mình". Họ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn mà không cần phải suy tính cho tương lai. Họ thích một cuộc sống hưởng thụ, không cần tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, không coi trọng giá trị của đời sống gia đình. Theo TS tâm lý học Trương Thị Bích Hà: "Do đến với nhau chỉ vì tò mò, vì tiết kiệm, vì người khác sống thử thì mình cũng sống thử và chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời. Mặt khác, sự du nhập văn hoá thực dụng làm giới trẻ chạy theo "tây hoá" mà không còn biết đến nền tảng đạo đức của con người".[6]

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Giám đốc Trung tâm sức khỏe phụ nữ và gia đình, khái quát: "Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích thử".[1] Câu nói "Yêu chỉ để thay đổi không khí" hay "giải quyết sinh lý" đã trở thành câu cửa miệng của không ít thanh niên.[7]

Rủi ro của sống thử

[sửa | sửa mã nguồn]

Rủi ro xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghiên cứu năm 2003 ở Mỹ cho thấy những cặp nam nữ "sống thử" có tỉ lệ ngoại tình cao gấp 4 lần so với những cặp vợ chồng thực sự, chất lượng đời sống thể chất và tình cảm cũng thấp hơn.[8] Họ thường đến nhanh theo kiểu "tình yêu gấp gáp", tình dục là lý do chính thôi thúc họ sống thử. Vì vậy nếu xảy ra xung đột hoặc vỡ mộng, họ sẵn sàng chia tay, nên nó không có tính bền vững.

Những người ủng hộ sống thử cho rằng cái gì có thử cũng hơn, chẳng hạn đi mua xe cũng cần chạy thử. Tuy nhiên, hôn nhân là một nghĩa vụ lâu dài và thiêng liêng chứ không phải một đồ vật. Các cặp vợ chồng chính thức thường cố gắng điều chỉnh để hợp nhau vì họ được gắn kết bởi nghĩa vụ gia đình lâu dài. Trong khi đó, các cặp sống thử mang sẵn tâm lý "thử" - tức chỉ kiểm tra xem có hợp nhau không, mà không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ, nên nếu thấy thất vọng họ rất dễ bỏ cuộc. Thực ra, những mối quan hệ tốt đẹp phải dựa trách nhiệm với bạn đời, sự hiểu biết và trao đổi lẫn nhau về mặt xã hội, đạo đức, trí tuệ và nhiều thứ khác chứ không chỉ là tình dục.

Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu của đại học Columbia cho biết chỉ có 14% các cặp đi đến hôn nhân chính thức sau sống thử. Số 14% này cũng thường bất hòa, không có hạnh phúc. Tờ Psychology Today công bố kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học Neil Bennett, đại học Yale cho biết những đôi kết hôn sau thời gian sống thử có tỷ lệ ly dị trong 5 năm đầu cao hơn 80% so với những đôi kết hôn mà trước đó không sống thử. Quá trình chung sống cũng ít hạnh phúc hơn, bởi họ thường phàn nàn về người bạn đời thay đổi quá nhiều từ khi chuyển sang "sống thật". Những phụ nữ đã sống thử trung bình chỉ 3,3 năm sau khi kết hôn đã có ngoại tình với người khác. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tâm lý học gia đình (Anh) cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng từng sống thử là 19%, so với 10% ở các cặp không sống thử trước khi kết hôn.[9]

Một khảo sát khác với hơn 1.000 người đã kết hôn ở Mỹ, hỏi về sự thoả mãn, sự hy sinh vì người khác, mức độ quan hệ tình dục và một số yếu tố khác. Sau nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra kết luận những người sống thử thường có kết cục hôn nhân không bền vững. 2/3 số người nói rằng họ cũng đã từng bàn về đám cưới, nhưng sau đó lại để mặc kệ chuyện gì xảy đến thì đến. Chỉ có 1/3 nói họ nghĩ chắc chắn sẽ tiến đến hôn nhân nên muốn sống thử trước. Tuy nhiên, sau thời gian sống thử nhiều cặp mới vỡ mộng vì cho rằng tìm sai người và chia tay. Có những cặp, thời gian sống thử thì chưa biết, nhưng đến khi sống thật mới bàng hoàng nhận ra bạn đời không như những gì mình mong ước và kết quả là chia tay[cần dẫn nguồn]

Về hậu quả xã hội lâu dài, con cái của các cặp sống thử do thiếu sự giáo dục đầy đủ từ cả cha và mẹ nên có tỷ lệ ly hôn cao hơn trung bình tới 170%, và gặp nhiều vấn đề xã hội và tình cảm (lạm dụng ma túy, trầm cảm, bỏ học, yêu đương sớm), nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc tình cảm cao gấp 3 lần. Viện Giá trị Hoa Kỳ kết luận: "Việc sống thử gia tăng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với chất lượng và tính ổn định của đời sống con cái trong các gia đình ngày nay".[10]

Anh, hơn ¾ các cặp thích sống thử với nhau trước khi sống chính thức và đó là lý do nhiều đứa trẻ được sinh ra trước khi có đám cưới bố mẹ hoặc có những đứa trẻ phải chịu cảnh có mẹ mà không có bố. Nhà tâm lý học Galena Rhoades nói "Có một tập hợp con những người sống thử quyết định lấy nhau vì họ đã lỡ sống với nhau chứ không phải vì họ thực sự muốn sống cùng nhau trọn đời. Những cặp đôi sống thử thường không có trách nhiệm rõ ràng nên hậu quả sau hôn nhân là điều dễ hiểu".[cần dẫn nguồn]

Theo thống kê tại Việt Nam thì sống thử trước hôn nhân, đặc biệt là ở sinh viên, có trên 90% các cặp đôi tan vỡ, bởi họ chưa có khả năng tự quyết định cuộc sống của mình, chưa có công ăn việc làm ổn định. Khảo sát năm 2006 cho thấy, 56% sinh viên cho biết hiện đang có người yêu, nhưng chỉ có 26% trong số họ cho biết mức độ yêu là nghiêm túc để có thể dẫn đến hôn nhân,[11] do vậy khi gặp vấn đề trở ngại thì khả năng tan vỡ mối tình là rất cao.

Số liệu của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Ánh Sáng cho biết, chỉ 10-15% các cặp sống thử ở Việt Nam là đi đến hôn nhân, và cuộc hôn nhân cũng thật mong manh. Bởi khi sống thử, các bạn trẻ đã cống hiến cho nhau hết, chẳng còn khoảng cách hoặc giữ gìn điều gì, nên nhiều cặp đôi vừa mới cưới mà đã cảm thấy chán nhau, sự mặn nồng trong đời sống vợ chồng là không còn.[12]

Rủi ro cá nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Phần lớn các cặp sống thử không lường trước (hoặc có lường trước nhưng không thể tránh khỏi) những hậu quả để lại nên sau khi tan vỡ, hậu quả phần lớn thuộc về các bạn nữ. Về sức khỏe, họ có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như AIDS, giang mai... các viêm nhiễm đường sinh sản, nạo thai dẫn đến tai biến như vô sinh, ung thư... Về tâm lý, sau cú sốc họ sẽ trở nên chai sạn, mất niềm tin vào tình yêuhôn nhân. Nhiều người khác thì trở nên buông thả, vì không còn trinh tiết để giữ gìn nữa nên họ sẵn sàng quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người khác.

Một thống kê ở Việt Nam năm 2015 cho thấy 85,7% sinh viên khi được hỏi đều nhận định sống thử ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người Việt; 96% cho rằng sẽ gây hậu quả về sức khỏe, tâm lý, kết quả học tập, đôi khi khá nặng nề, nhất là đối với nữ.[13]

Khảo sát ở Đại Đại học Y dược Thái nguyên, 100% sinh viên sống thử đã có quan hệ tình dục với nhau, nhưng chỉ có 48% có sử dụng biện pháp tránh thai. Khi có thai 43% chọn giải pháp nạo phá thai, chỉ có 36% sẽ cưới.[14] Thậm chí nhiều trường hợp chàng trai sẽ "bỏ của chạy lấy người", tìm cách bỏ rơi bạn gái và cái thai.

Ngay cả khi có sử dụng các biện pháp an toàn tình dục thì khả năng rủi ro mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, các viêm nhiễm đường sinh sản, mang thai ngoài ý muốn vẫn hiện hữu. Ví dụ, mỗi lần sử dụng bao cao su, tỉ lệ rủi ro lây nhiễm bệnh hoặc mang thai vẫn vào khoảng 5% (tỉ lệ rách bao cao su là từ 0,4% đến 2,3%, tỉ lệ tuột là 0,6% và 1,3%.[15] Mặc dù nếu bao cao su không bị rách hoặc tuột, 1–2% phụ nữ được kiểm tra là vẫn có tinh dịch sau khi quan hệ tình dục dùng bao cao su.[16][17] Hoặc việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp tuy có hiệu quả trước mắt nhưng sẽ để lại nhiều di chứng lâu dài, khiến niêm mạc tử cung bị teo lại, trứng không làm tổ được, dẫn tới mang thai ngoài dạ con, vô sinh.

Theo Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam đang ở mức cao tại khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý hơn là nữ vị thành niên, nữ thanh niên trẻ chiếm 22% số vụ nạo phá thai và đang có xu hướng tăng. Thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, trong hơn 5.000 ca nạo phá thai mỗi năm có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số phụ nữ dưới 20 tuổi nạo phá thai chiếm khoảng 18%. Nguyên nhân chính trong các vụ phá thai của các nữ thanh niên trẻ là do họ đã "sống thử" với người yêu, nhưng khi có thai thì chàng trai chối bỏ trách nhiệm, không chịu kết hôn hoặc ép bạn gái phải phá thai.

Bà Ngô Lợi Lợi, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Freetrend, cho biết hàng tháng, công ty giải quyết chế độ thai sản cho 600 nữ công nhân. Trong đó, 1/2 giấy khai sinh nộp cho công ty không có tên cha của đứa bé, có rất nhiều đứa con là kết quả của những cuộc tình "sống thử".[18] Vì sống chung mà không có hôn thú, không đăng ký trước pháp luật nên khi đối mặt với những khó khăn kinh tế, mấy anh "chồng hờ" liền bỏ đi, để lại người vợ phải cực nhọc vừa làm việc vừa nuôi con nhỏ, còn đứa trẻ sẽ phải lớn lên mà không có cha. Quen nhanh yêu vội, tình cảm không sâu đậm nên sống thử được một thời gian là những cặp đôi công nhân trẻ phần lớn đều tan vỡ.

Mô hình hôn nhân thay đổi

[sửa | sửa mã nguồn]

Sự thay đổi nhận thức

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghiên cứu năm 2019 của Pew Research Center thì tỷ lệ người chung sống trước hôn nhân tăng lên cao, và chuẩn mực xã hội về chung sống trước hôn nhân đã thay đổi khi 78% những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 cho rằng việc một cặp đôi chưa kết hôn sống chung là điều có thể chấp nhận được[19] . Ngoài ra, nhiều người coi đây là một tiến trình cần thiết của các cặp đôi khi tiến tới hôn nhân 76 % các cặp đôi độ tuổi từ 18 - 44 tuổi kết hôn trong khoảng năm 2015 -2019 đều đã chung sống trước khi kết hôn[20].

Việc thay đổi nhận thức về chung sống như vợ chồng sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhiều cặp đôi "phi truyền thống" trước đây không thể thực hiện nghĩa vụ hôn nhân như các cặp đôi đồng tính nam, đồng tính nữ, họ có được trải nghiệm đầy đủ.

Nguyên nhân gia tăng chung sống không kết hôn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Giảm chi phí và đánh giá khả năng phù hợp sau khi kết hôn của các cặp [21], việc chung sống như vậy giúp các cặp đôi thời gian hiểu biết sâu sắc hơn về đối tác của mình từ tính cách, thói quen sinh hoạt và hành vi hành xử trước nhiều tình huống có thể phát sinh sau kết hôn. Song cũng có báo cáo chỉ ra rằng các cặp đôi này có khả năng cao chia tay vì lý do tài chính và không thể đi đến hôn nhân.
  2. Nỗi sợ về cam kết hôn [22], với nhiều cá nhân thì hôn nhân buộc họ phải thực hiện nhiều trách nhiệm và cam kết về gia đình như việc họ phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ hai bên, duy trì quan hệ gia đình hay nỗi sợ sinh và nuôi
  3. Tăng cường vị thế của phụ nữ, ngày nay khi phụ nữ có vai trò xã hội mạnh mẽ hơn và vị thế xã hội cao hơn cũng như rào cản xã hội về trinh tiết hay việc có thể kiếm soát việc sinh con[23], và hôn nhân không còn là sự lựa chọn cần thiết đối với nhiều phụ nữ độc lập. Chung sống không kết hôn là một lựa chọn phù hợp với nhiều người khi để duy trì một quan hệ đối tác cần thiết trong cuộc sống không quá ràng buộc.
  4. Không có niềm tin vào hôn nhân, tỷ lệ ly hôn tăng cao, ngoại tình tăng cao khiềm nhiều cá nhân không còn niềm tin và đời sống hôn nhân và họ lựa chọn chung sống không kết hôn cùng với một thỏa thuận mang tính pháp lý giữa hai người về tài chính, nhà cửa cùng một số nghĩa vụ khác để chung sống và coi đó là một lựa chọn tối ưu.

Xem thêm,

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Sống thử dưới góc nhìn của các nhà xã hội, văn hóa - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  2. ^ “Quy định về sống chung nhưng không đăng ký kết hôn - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  3. ^ “Sống chung không đăng ký kết hôn: Hậu quả khó lường”. Báo Điện tử Tiền Phong. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2013. Truy cập 1 tháng 10 năm 2015.
  4. ^ Thanh niên Việt 'sống thử trước hôn nhân' là bình thường Lưu trữ 2013-04-03 tại Wayback Machine Người Việt, 29.03.2013
  5. ^ Gần một nửa thanh niên VN chấp nhận tình dục trước hôn nhân Tuổi trẻ, 28.03.2013
  6. ^ “Mọi cuộc "sống thử" đều khó đem lại tương lai tốt đẹp”. Báo Điện tử Tiền Phong. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  7. ^ “Sống thử chỉ để "giải quyết sinh lý"?”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  8. ^ “Bản sao đã lưu trữ” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2012.
  9. ^ “Các đôi sống thử dễ ly hôn sau cưới - VnExpress Đời sống”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  10. ^ “Tăng tỷ lệ sống thử làm tăng mức bất ổn gia đình”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 4 năm 2012. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  11. ^ “Số 12 (69)”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2014. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  12. ^ “Sống thử - Mốt và hậu quả”. Phapluatvn.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2010. Truy cập 1 tháng 10 năm 2015.
  13. ^ “Nghiên cứu về "sống thử". Thanh Niên Online. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
  14. ^ http://yhth.vn/LibraryDetail/1457/thuc-trang-loi-song-thu-trong-sinh-vien-y-khoa-he-chinh-quy-truong-dai-hoc-y-duoc-thai-nguyen.htm[liên kết hỏng]
  15. ^ National Institute of Allergy and Infectious Diseases (ngày 20 tháng 7 năm 2001). Workshop Summary: Scientific Evidence on Condom Effectiveness for Sexually Transmitted Disease (STD) Prevention (PDF). National Institutes of Health, Department of Health and Human Services. Hyatt Dulles Airport, Herndon, Virginia. tr. 13–15. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2009.
  16. ^ Walsh, T; Frezieres, R; Peacock, K; Nelson, A; Clark, V; Bernstein, L; Wraxall, B (2004). “Effectiveness of the male latex condom: combined results for three popular condom brands used as controls in randomized clinical trials”. Contraception. 70 (5): 407–13. doi:10.1016/j.contraception.2004.05.008. PMID 15504381.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  17. ^ Walsh, T; Frezieres, R; Nelson, A; Wraxall, B; Clark, V (1999). “Evaluation of prostate-specific antigen as a quantifiable indicator of condom failure in clinical trials”. Contraception. 60 (5): 289–98. doi:10.1016/S0010-7824(99)00098-0. PMID 10717781.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  18. ^ Sống thử trong công nhân: Những kết cục buồn, Nhóm PV Công đoàn, Báo Người Lao động Điện tử
  19. ^ Livingston, Juliana Menasce Horowitz, Nikki Graf and Gretchen (6 tháng 11 năm 2019). “Marriage and Cohabitation in the U.S.”. Pew Research Center (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2024.
  20. ^ “Trends in Cohabitation Prior to Marriage”. Bowling Green State University (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2024.
  21. ^ Huang, Penelope M.; Smock, Pamela J.; Manning, Wendy D.; Bergstrom-Lynch, Cara A. (tháng 7 năm 2011). “He Says, She Says: Gender and Cohabitation”. Journal of Family Issues (bằng tiếng Anh). 32 (7): 876–905. doi:10.1177/0192513X10397601. ISSN 0192-513X. PMC 3106995. PMID 21643456.Quản lý CS1: định dạng PMC (liên kết)
  22. ^ “How Fear of Commitment Can Impact Your Relationship”. Verywell Mind (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2024.
  23. ^ Smock, Pamela J.; Manning, Wendy D. (tháng 1 năm 2004). “Living Together Unmarried in the United States: Demographic Perspectives and Implications for Family Policy”. Law & Policy (bằng tiếng Anh). 26 (1): 87–117. doi:10.1111/j.0265-8240.2004.00164.x. ISSN 0265-8240.
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Là một quyển sách tài chính nhẹ nhàng và gần gũi. Với những câu chuyện thú vị về thành công và thất bại của những chuyên trong lĩnh vực tài chính
Tất tần tật về cuộc sụp đổ của Terra Luna
Tất tần tật về cuộc sụp đổ của Terra Luna
Một công nghệ mới xuất hiện có thể giúp cuộc sống của loài người dần trở nên dễ dàng hơn, nhưng đôi khi, nó cũng mang theo những thử thách, những đợt khủng hoảng mà chúng ta phải đương đầu
Giả thuyết: Câu chuyện của Pierro - Quan chấp hành đầu tiên của Fatui
Giả thuyết: Câu chuyện của Pierro - Quan chấp hành đầu tiên của Fatui
Nếu nhìn vào ngoại hình của Pierro, ta có thể thấy được rằng ông đeo trên mình chiếc mặt nạ có hình dạng giống với Mặt nạ sắt nhuốm máu
Review phim The Secret Life of Walter Mitty
Review phim The Secret Life of Walter Mitty
Một bộ phim mình sẽ xem tới những giây cuối cùng, và nhìn màn hình tắt. Một bộ phim đã đưa mình đến những nơi unknown