Trong những luận triết đầu tiên của tâm lý học và siêu hình học, conatus (/koʊˈneɪtəs/;[1] trong tiếng Latin có nghĩa là nỗ lực, cố gắng, thúc đẩy, thiên hướng, quyết tâm, phấn đấu) là thiên hướng bẩm sinh của một vật, giúp vật đó tiếp tục tồn tại và tự cường.[2] "Vật" này có thể là tâm trí, vật chất, hoặc kết hợp của cả hai. Qua nhiều thiên niên kỷ, rất nhiều người đã đưa ra nhiều định nghĩa và cách diễn giải khác nhau. Trong số họ, những nhà triết học thế kỷ XVII như René Descartes, Baruch Spinoza, Gottfried Leibniz và Thomas Hobbes có đóng góp rất lớn.[3] Conatus có thể đề cập đến bản năng ý chí sinh tồn của các sinh vật hoặc các thuyết siêu hình khác nhau về chuyển động và quán tính.[4] Thông thường, khái niệm này đi đôi với ý muốn của Chúa Trời theo quan điểm phiếm thần về tự nhiên.[3][5] Khái niệm này có thể được chia thành các định nghĩa riêng biệt cho tâm trí và cơ thể và chia nhỏ hơn nữa với lực ly tâm và quán tính.[6]
Trong suốt 2.500 năm, nhiều người đã đưa ra nhận định về ý nghĩa và phạm vi của thuật ngữ conatus, mỗi nhận định có một vài điểm khác nhau. Các triết gia sử dụng từ này đã liên tiếp đưa ra quan điểm cá nhân cho khái niệm và phát triển nó theo những cách khác nhau.[4] Những nhà tư tưởng tiên phong chủ yếu dùng tiếng Latin khi bàn luận về conatus và sử dụng từ này dựa trên khái niệm từ thời Hy Lạp cổ đại. Vì vậy, conatus trong các tác phẩm của họ không chỉ có vai trò thuật ngữ chuyên môn mà còn là một từ thông dụng có nghĩa phổ biến. Trong các văn bản cổ và cả bản dịch, hai cách dùng này khá khó phân biệt. Trong các bản dịch tiếng Anh, từ này được in nghiêng khi dùng theo dạng thuật ngữ, hoặc được dịch và chú thích ngoặc đơn "(conatus)".[7] Ngày nay, thuật ngữ conatus hiếm khi được sử dụng, vì đã có các khái niệm vật lý hiện đại như quán tính và bảo toàn động lượng thay thế. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đối với các nhà tư tưởng thế kỷ XIX-XX như Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche và Louis Dumont là rất đáng chú ý.
Từ cōnātus trong tiếng Latin bắt nguồn từ động từ cōnor, thường được dịch là (to) endeavor ("cố gắng") trong tiếng Anh. Dù vậy, khái niệm của conatus được phát triển lần đầu tiên bởi những người theo chủ nghĩa khắc kỷ (333–264 TCN) và trường phái triết học tiêu dao[a] (khoảng 335 TCN). Hai trường phái này đã sử dụng từ ὁρμή (hormê, dịch ra tiếng Latin là impetus – "thúc đẩy") để mô tả bản năng hướng đến tự bảo toàn của loài người và động vật theo một nghĩa chung. Các nhà tư tưởng cổ điển Marcus Tullius Cicero (106–43 TCN) và Diogenes Laërtius (khoảng thế kỷ III) đã mở rộng khái niệm, thêm vào sự căm ghét hủy diệt, nhưng lại giới hạn ứng dụng của nó lên động cơ của các loài động vật khác. Ví dụ, Diogenes Laërtius đặc biệt cho rằng khái niệm này không áp dụng với thực vật. Trước thời kỳ Phục Hưng, Tôma Aquinô (khoảng 1225–1274), Duns Scotus (khoảng 1266–1308) và Dante Alighieri (1265–1321) sử dụng các từ Latin vult, velle hoặc appetit – những từ đồng nghĩa với conatus, cho thấy sự đồng tình với Cicero và Laërtius. Cả bốn thuật ngữ trên đều có thể được sử dụng để dịch từ Hy Lạp nguyên bản ὁρμή. Về sau, Bernardino Telesio và Tommaso Campanella mở rộng quan niệm từ thời Hy Lạp cổ đại, áp dụng cho mọi vật thể, cả sinh vật và vật vô tri vô giác.[4]
Aristoteles, Cicero rồi Laërtius đều ám chỉ conatus có liên hệ đến các cảm xúc khác. Họ cho rằng chúng là hệ quả của conatus và khẳng định con người không vì nghĩ điều gì đó "tốt" nên muốn làm, mà vì họ muốn làm nên mới nghĩ nó "tốt". Nói cách khác, thiên hướng tự cường tự nhiên của vật chính là nguyên nhân gây ra ước muốn, theo nguyên tắc của conatus.[8]
Từ xưa, conatus và chính chuyển động đã có liên hệ với nhau. d'Aquino và Abravanel (1265–1321) đều nhắc trực tiếp đến khái niệm mà Augustine (354–430), trong tác phẩm De Civitate Dei của ông (khoảng 420), gọi là "chuyển động tự nhiên lên, xuống hoặc khi cân bằng ở một vị trí trung gian". Họ gọi lực nâng hoặc hạ vật này là "amor naturalis" ("tình yêu tự nhiên").[9]
Vào thế kỷ thứ 6, John Philoponus (khoảng 490–570) đã chỉ trích quan điểm về chuyển động của Aristotle và nhắc đến sự mâu thuẫn giữa các luận điểm của ông: Aristotle cho rằng môi trường aether (nguyên tố cấu tạo vũ trụ, theo giả định thời cổ đại và trung cổ) đã giữ cho vật tiếp tục chuyển động, nhưng lại nói rằng trong khoảng trống không có môi trường nào như vậy, và do đó chuyển động của vật không thể tồn tại. Philoponus cho rằng môi trường không duy trì chuyển động, mà là một số thuộc tính, hoặc vì conatus đã được thêm vào vật thể khi nó chuyển động. Nhận định này khác với khái niệm quán tính hiện đại (cần một lực duy trì để giữ vật tiếp tục chuyển động).[10] Averroës và nhiều triết gia kinh viện ủng hộ Aristotle đã phản đối quan điểm trên.[11] Cách nhìn của Aristotle cũng bị thách thức trong thế giới Hồi giáo. Ví dụ, dù phát triển một khái niệm tương tự quán tính,[12] Ibn al-Haytham (Alhazen) có lẽ đã ủng hộ quan điểm của Philoponus.[13] Cùng thời với ông, Avicenna – triết gia cho rằng một lực vĩnh cửu chỉ mất tác dụng nếu có thêm tác động từ yếu tố ngoại vi như lực cản không khí – đã phát triển rõ ràng hơn khái niệm quán tính, trở thành "người đầu tiên có một bước tiến ấn tượng lâu dài như vậy về chuyển động phi tự nhiên."[14] Khái niệm mayl của Avicenna gần như tương phản với khái niệm về chuyển động dụng lực, của Aristotle, khá giống với định luật I của Newton.[15] Avicenna cũng có ý định chứng minh mối quan hệ định lượng giữa trọng lượng và vận tốc của một vật chuyển động, rồi từ đó phát triển một khái niệm tương tự động lượng.[16]
Johannes Buridanus (1300–1358) cũng bác bỏ quan điểm cho rằng thuộc tính tạo ra chuyển động này (impetus – theo cách gọi của ông) sẽ tự nhiên tan biến. Ông nhận định một vật chuyển động sẽ bị cản trở bởi hai lực ngược chiều với động lực: lực cản không khí và trọng lượng của chính nó. Ông cũng khẳng định rằng động lực tỷ lệ thuận với tốc độ; do đó, khái niệm sơ khai về động lực của ông và khái niệm động lượng hiện đại có nhiều điểm tương đồng. Dù rất giống với các khái niệm quán tính hiện đại hơn, theo lời Buridan, ông cho rằng lý thuyết của ông chỉ tái định nghĩa triết lý cơ bản của Aristotle và khẳng định quan điểm của nhiều người khác theo triết phái tiêu dao, bao hàm cả niềm tin rằng giữa vật đang chuyển động và vật đứng yên vẫn có một sự khác biệt cơ bản. Ông cũng cho rằng động lực không chỉ tuyến tính mà còn có thể có dạng hình tròn trong tự nhiên, khiến các vật chuyển động theo đường tròn, ví dụ như thiên thể.[17]
Trong nửa đầu thế kỷ XVII, René Descartes (1596–1650) đã phát triển một khái niệm duy vật hơn, hiện đại hơn về conatus. Ông mô tả khái niệm này là "công suất hoặc thiên hướng chuyển động của vật, thể hiện quyền năng Chúa Trời".[18] Trước đó, tuy thuật ngữ conatus thời cổ đại được sử dụng với nghĩa nhân hoá như tự nguyện "nỗ lực" hoặc "đấu tranh" để đạt những mục đích nhất định, và các nhà triết học kinh viện thời trung cổ phát triển khái niệm này theo hướng một thuộc tính nội tại bí ẩn, cách sử dụng conatus của Descartes có vẻ thiên về ý nghĩa cơ giới luận.[19] Cụ thể hơn, trái ngược với Buridan, với Descartes, chuyển động và đứng yên không phải hai tính trạng của hai vật khác nhau, mà là hai trạng thái của cùng một vật. Dù khái niệm conatus của Descartes không rõ ràng, người ta vẫn có thể nhận thấy một bước chuyển mình sơ khởi khỏi quan niệm cho rằng các ước muốn và ý định bắt nguồn từ tự nhiên cùng sự chuyển vận của nó, hướng tới một cái nhìn khoa học và hiện đại hơn.[20]
Descartes bác bỏ mục đích luận về thế giới vật chất – quan điểm thống trị ở phương Tây từ thời Aristotle. Ông không coi tâm trí là một phần của thế giới vật chất, và do đó không tuân theo các định luật cơ học nghiêm ngặt của tự nhiên. Mặt khác, chuyển động và đứng yên là các thuộc tính của sự tương tác giữa các vật chất, theo những định luật cơ học bất biến. Khi sáng tạo vũ trụ, Chúa chỉ sắp đặt chuyển động cho vạn vật, và không tác động gì thêm ngoài duy trì các quy tắc động lực trên đặc tính cơ học của vật. Do vậy, không hề tồn tại mục đích luận trong sự chuyển động của các vật vì toàn bộ quá trình này có thể quy về các va chạm do định luật quyết định và sự tái kết cấu liên tục của chúng.[21] Conatus chỉ là thiên hướng di chuyển của vật khi chúng va chạm nhau. Chúa có lẽ đã sắp đặt chuyển động này, nhưng sau đó sẽ không thể kiến tạo hay phá hủy bất cứ trạng thái chuyển động hoặc đứng yên nào.[22] Descartes cho rằng có hai loại conatus: conatus a centro và conatus recendendi. Conatus a centro ("thiên hướng hướng tâm"), theo cách sử dụng của ông, là một lý thuyết về lực hấp dẫn; trái lại, conatus recendendi ("thiên hướng ly tâm") thể hiện lực ly tâm.[6] Những thiên hướng này không phải là đặc tính tự nhiên hay ý định vận động, cũng không phải thuộc tính hay "lực" cố hữu của sự vật, mà là đặc tính thống nhất ngoại vi của chính vũ trụ vật lý mà Chúa ban tặng.[23]
Khi phát triển Định luật Tự nhiên Thứ nhất của mình, Descartes cũng nêu ra khái niệm conatus se movendi ("conatus của sự tự bảo toàn").[24] Định luật này là sự tổng quát hoá nguyên lý quán tính, vốn được Galileo phát triển và chứng minh bằng thực nghiệm từ trước đó. Năm mươi năm sau khi Descartes qua đời, Isaac Newton chính thức hóa nguyên lý này thành Định luật I trong các định luật về chuyển động của ông. Định luật của Descartes: "Mỗi sự vật, trong phạm vi của nó, luôn được bảo toàn trạng thái, và một khi đã di chuyển, thì sẽ luôn tiếp tục di chuyển."[25]
Thomas Hobbes (1588–1679) cũng lấy nền tảng từ những quan niệm conatus trước đây. Tuy nhiên, ông chỉ trích chúng vì không giải thích được nguyên nhân của chuyển động. Việc giải thích đã trở thành trọng tâm công việc của Hobbes trong lĩnh vực này. Ông "coi mọi khả năng nhận thức của tâm trí chỉ là các chức năng biến thể của conatus".[26]
Hobbes coi cảm xúc là khởi đầu của chuyển động còn ý chí là tổng hợp của mọi cảm xúc. "Ý chí" này sẽ tạo nên conatus của một vật,[18] và biểu hiện vật chất của nó là "ý chí tồn tại" có thể nhận thức.[3] Hobbes cho rằng để có thể phát triển, các sinh vật "tìm kiếm sự bình yên và chống lại bất cứ thứ gì đe dọa điều này".[18] Ông cũng đánh đồng conatus với "trí tưởng tượng", và nói rằng nếu conatus, hay ý chí, thay đổi, thì đó là kết quả của "cân nhắc".[27]
Tôi định nghĩa [conatus] là chuyển động xảy ra trong không gian và thời gian nhỏ hơn mức cho sẵn; nghĩa là, ít hơn có thể xác định bằng thuyết minh hoặc số lượng; nghĩa là, chuyển động đó đi qua chiều dài của một điểm, và xảy ra trong một thời điểm.[28]
Trong thuyết tâm lý học của Hobbes, conatus vật lý là một đơn vị chuyển động vô cùng nhỏ. Nó là khởi đầu của chuyển động: một thiên hướng xác định. Khái niệm về impetus cũng được định nghĩa giống như conatus vật lý. Impetus của Hobbes là "đơn vị đo số conatus tiêu tốn bởi một vật chuyển động theo thời gian".[29] Một conatus ngược chiều gây ra ma sát, còn lực là chuyển động này cộng với "độ lớn của vật".[30] Hobbes cũng sử dụng conatus để chỉ loại "lực phục hồi" làm cho lò xo co lại hoặc giãn ra. Hobbes cho rằng một số lực có sẵn trong những vật thể này khiến chúng có khuynh hướng phục hồi trạng thái trước đó. Khoa học hiện đại gọi hiện tượng này là tính đàn hồi của vật chất.[31]
Conatus là chủ đề chính trong triết học Spinoza (1632–1677). Theo Spinoza, "mỗi thứ, trong phạm vi của nó, đều tự thân kiên trì nỗ lực" (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 6). Spinoza đưa ra một vài lý do cho nhận định này. Đầu tiên, các phương thức của Chúa là những đặc tính: mỗi phương thức thể hiện quyền năng của Chúa theo một cách khác nhau (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 6, đã dẫn). Hơn nữa, các phương thức đó không bao giờ mâu thuẫn với nhau (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 5); do đó, mọi thứ "chống lại bất kỳ điều gì có thể tước đi sự tồn tại của nó" (Đạo đức, phần 3, mệnh đề 6, đã dẫn). Spinoza phát triển sự phản kháng hủy diệt này theo khía cạnh nỗ lực để tiếp tục tồn tại. Khi mô tả khái niệm trên, từ ông thường dùng nhất là conatus.[32]
Trong thế giới quan của Spinoza, nguyên tắc này áp dụng với mọi sự vật, và từ đó cấu thành bản chất nguyên sơ của vật thể, bao gồm tâm trí con người và đạo đức, vì chúng là mặt giới hạn của Chúa.[33] Trong Đạo đức (1677), ông cho rằng conatus thuộc về "thời gian vô định": sự tồn tại của nó ngang với sự tồn tại của vật thể.[34] Spinoza sử dụng conatus để mô tả thiên hướng gia tăng sức mạnh của sự vật; không chỉ đơn thuần tiếp tục tồn tại cố định, mọi sinh mệnh đều phải tranh đấu để hướng đến hoàn hảo hoá.[35] Hơn nữa, mọi sự vật tồn tại sẽ hành động khi và chỉ khi những hành động đó duy trì hoặc gia cường sự tồn tại của chúng.[33] Giống Descartes, Spinoza cũng sử dụng thuật ngữ conatus để chỉ các khái niệm sơ khai của quán tính.[3] Vì một vật không thể bị phá hủy mà không chịu ảnh hưởng từ ngoại lực, nên hai trạng thái chuyển động và đứng yên cũng sẽ tồn tại cho đến khi chịu tác động.[32]
Khái niệm conatus trong triết lý tâm lý học của Baruch Spinoza bắt nguồn từ cả cổ đại và trung cổ. Spinoza tái lập các nguyên tắc mà những triết gia khắc kỷ, Cicero, Laërtius, và đặc biệt là Hobbes và Descartes đã phát triển.[36] So với lý thuyết của Hobbes, nhận định của Spinoza có một điểm khác biệt quan trọng: ông tin rằng conatus ad motum (conatus để chuyển động), không phải tinh thần, mà là vật chất.[37]
Qua thuyết tất định, Spinoza cho thấy niềm tin của ông rằng con người và tự nhiên được thống nhất theo một bộ quy tắc nhất quán, Chúa cùng tự nhiên là một, và ý chí tự do không tồn tại. Ông bác bỏ giả thuyết nhị nguyên rằng tâm trí, chủ định, đạo đức và tự do phải được coi là tách biệt với thế giới tự nhiên của các đối tượng và sự kiện vật lý.[38] Ông muốn đưa ra một lời giải thích nhất quán về tất cả những điều trên trong khuôn khổ của chủ nghĩa tự nhiên, và khái niệm conatus là trọng tâm của dự án này. Ví dụ, với Spinoza, một hành động "tự do" khi và chỉ khi nó phát sinh từ bản chất và conatus của một thực thể. Tự do ý chí tuyệt đối vô điều kiện không thể tồn tại, vì mọi sự kiện trong thế giới tự nhiên, gồm cả các hành động và lựa chọn của con người, đều đã được quyết định theo các quy luật tự nhiên không thể tránh khỏi của vũ trụ. Tuy nhiên, một hành động vẫn có thể tự do, theo nghĩa không bị ràng buộc hoặc chịu tác động của ngoại lực.[39]
Do đó, con người là một bộ phận cấu thành tự nhiên.[32] Spinoza giải thích rằng những hành vi có vẻ không theo quy tắc của con người mới thực sự "tự nhiên", hợp lý và được thúc đẩy bởi nguyên tắc conatus.[40] Từ đó, ông thay thế khái niệm ý chí tự do bằng conatus – nguyên tắc có thể áp dụng cho vạn vật trong tự nhiên chứ không chỉ con người.
Quan điểm của Spinoza về mối quan hệ giữa conatus và cảm xúc của con người không thực sự rõ ràng. Trợ lý giáo sư triết học Đại học Nghệ thuật Maryland Firmin DeBrabander và giáo sư khoa học thần kinh Đại học Nam California Antonio Damasio đều cho rằng cảm xúc của con người bắt nguồn từ conatus và động lực vĩnh viễn hướng tới hoàn hảo.[41] Thật vậy, Spinoza viết trong tác phẩm Đạo đức của mình rằng hạnh phúc "chính yếu nằm ở khả năng tự bảo tồn của con người". Spinoza còn đặc biệt coi "nỗ lực" này coi là "nền tảng của đức hạnh".[42] Ngược lại, bất kỳ điều gì đi ngược với conatus của một người sẽ khiến người đó buồn khổ.[43]
Giáo sư Đại học Yale David Bidney (1908–1987), không đồng ý với nhận định trên. Ông cho rằng "ước muốn" – một loại cảm nhận chính – và nguyên tắc conatus của Spinoza có mối liên kết chặt chẽ. Bản chú giải phần 3, mệnh đề 9 của tác phẩm Đạo đức ủng hộ quan điểm này: nội dung của nó chỉ ra rằng "không có khác biệt nào giữa thèm ăn và ước muốn, ngoại trừ việc ước muốn, nói chung, liên quan đến con người trong chừng mực họ ý thức được sự thèm ăn. Vì vậy, có thể định nghĩa khái niệm ước muốn là sự thèm ăn và ý thức về nó."[3] Theo Bidney, ước muốn này bị điều khiển bởi các cảm nhận khác: khoái lạc và đau đớn. Do đó, conatus sẽ nỗ lực hướng tới điều dẫn đến niềm vui và tránh các nguyên nhân gây ra đau đớn.[44] Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) cho biết ông đồng tình với Bidney, nhưng trong Thế giới trong Ý chí và Diễn giải (1819), ông lại nói mình không đồng quan điểm với Spinoza vì: "Theo quan điểm cơ bản của tôi, tất cả những thứ này trái ngược với mối tương quan thực. Ý chí là tiên nguyên, những kiến thức thêm vào chỉ như một vật dụng thuộc về hiện tượng của ý chí."[45]
— Gottfried Leibniz
Gottfried Leibniz (1646–1716) là học trò của Erhard Weigel (1625–1699). Ông đã học được nguyên lý conatus từ thầy mình và Hobbes, dù thuật ngữ mà Weigel sử dụng là tendentia ("khuynh hướng"). Leibniz dùng từ conatus trong bài Thuyết minh và Bảo vệ Hệ thống Mới (1695) để mô tả một khái niệm tương tự như của Hobbes, nhưng phân biệt giữa hai loại conatus của thể xác và linh hồn. Conatus của thể xác chỉ có thể tự thân chuyển động thẳng, còn conatus của linh hồn có thể ghi nhớ những chuyển động phức tạp hơn.[47]
Leibniz nghĩ ra giải pháp cho vấn đề chuyển động qua lý giải về nghịch lý Zeno. Vì tính liên tục của chuyển động, không gian sẽ phải phân chia được đến vô hạn. Để một thứ gì đó bắt đầu chuyển động, cần phải có một số thuộc tính hoặc lực thúc đẩy chúng. Những thuộc tính hoặc lực này có tính chất ý chí, tương đồng với tâm trí, có sẵn trong các thành phần cơ bản của vũ trụ. Loại conatus này là một loại chuyển động tức thời hoặc "ảo" mà mọi vật đều có, ngay cả khi ở trạng thái đứng yên; còn chuyển động chỉ là tổng hợp tất cả các conatron có trong sự vật cùng tương tác giữa nhiều sự vật với nhau. Conatus đối với chuyển động cũng giống như một điểm đối với không gian.[48] Quan điểm này có một vấn đề: nếu conatus là lực duy nhất tác dụng, vật thể thứ nhất sau khi va chạm với vật thể thứ hai sẽ không thể bật trở lại. Do đó, Leibniz buộc phải giả định sự tồn tại của aether, thứ khiến các vật thể tiếp tục chuyển động và cho phép xảy ra các va chạm đàn hồi. Khái niệm về một conatus có tính chất tương đồng với tâm trí, không có ký ức và với quan điểm bác bỏ sự tồn tại của các nguyên tử đã khiến ông phải đưa ra lý thuyết về các monad.[49]
Leibniz cũng sử dụng khái niệm conatus khi phát triển các nguyên tắc tích phân. Ông điều chỉnh ý nghĩa của từ này để biểu thị một khái niệm tương đồng về mặt toán học với "lực" gia tốc của Newton. Bằng cách tổng hợp vô hạn các conatus như vậy (tích phân ngày nay), ông sẽ có thể đo được tác dụng của một lực duy trì.[48] Ông định nghĩa impetus là kết quả tổng hợp liên tục các conatus của một vật, như vis viva ("lực sống") là tổng của các vis mortua ("lực chết") bất động.[50]
Từ các công trình nghiên cứu của Kepler và có thể là cả Descartes, Leibniz đã phát triển một mô hình hành tinh dựa trên nguyên lý conatus, khái niệm aether và xoáy chất lưu. Tác phẩm Tentamen de motuum coelestium causis (1689) có đoạn giải thích thuyết này.[48] Theo Leibniz, có thể giải thích phân tích tách quỹ đạo elip thành quỹ đạo tròn và một vector hướng tâm của Kepler bằng một "xoáy điều hòa" (cho chuyển động tròn), cùng hai ví dụ của conatus là lực ly tâm và trọng lực (cho chuyển động hướng tâm).[49] Sau này, Leibniz định nghĩa thuật ngữ monadic conatus ("trạng thái khi thay đổi") mà thông qua nó, các monad sẽ liên tục chuyển động.[51]
Trong nhiều thế kỷ, nhiều nhà triết học khác nhau đã đưa ra nhiều cách sử dụng thuật ngữ conatus, ngoài những cách chính ở trên. Một số thuật ngữ và khái niệm khác liên quan khá quan trọng, ít nhiều đều có ý nghĩa và cách sử dụng tương tự. Giambattista Vico (1668–1744) định nghĩa conatus là bản chất của xã hội loài người,[52] và là sức mạnh tạo ra mọi chuyển động của thế giới tự nhiên, theo nghĩa vật hoạt hơn, truyền thống hơn.[53] Gần một thế kỷ sau khi khoa học hiện đại khai sinh, tiếp nhận ảnh hưởng từ chủ nghĩa Tân Platon, Vico dứt khoát bác bỏ khái niệm quán tính và các định luật chuyển động của vật lý mới. Theo ông, tự nhiên không được cấu thành bởi các nguyên tử (theo quan điểm chính thống), cũng không phải bởi sự mở rộng (theo Descartes), mà từ các điểm siêu hình được hoạt hoá bởi nguyên lý conatus do Chúa kích động.[54]
Arthur Schopenhauer (1788–1860) đã phát triển một luận triết, trong đó có một nguyên lý tương tự như conatus của Hobbes: Wille zum Leben ("Ý chí Sống còn"). Nguyên lý này mô tả hiện tượng cụ thể về bản năng tự bảo tồn của một sinh vật.[55] Tuy nhiên, Schopenhauer lại chứng minh nguyên lý trên bằng cách nói rằng thời gian không thể giới hạn Ý chí Sống còn. Đúng hơn, ông tin rằng "Ý chí tuyệt đối là Ý chí, với mọi thời đại" và qua nhiều thế hệ.[56] Một trong những học trò đầu tiên của Schopenhauer, Friedrich Nietzsche (1844–1900), cũng phát triển một nguyên lý riêng biệt, xuất phát từ việc bác bỏ tính ưu việt của Ý chí Sống còn và các quan niệm khác về tự bảo tồn. Ông gọi phiên bản của mình là Wille zur Macht ("Ý chí Quyền lực").[57]
Sigmund Freud (1856–1939) chịu ảnh hưởng lớn từ hệ tự bảo tồn trong nguyên lý conatus của Spinoza, dù chưa bao giờ trực tiếp trích dẫn lời ông trong bất kỳ tác phẩm đã xuất bản nào của mình.[58][59] Cùng thời gian đó, Henri Bergson (1859–1941) đã phát triển élan vital ("sự thúc đẩy sinh lực") – nguyên tắc được cho là đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của sinh vật. Khái niệm này ngầm nhận định rằng có một động lực cơ bản đứng sau mọi sự sống, giống với nguyên tắc conatus của Spinoza và những người khác.[60]
Với Max Scheler, khái niệm Drang là mắt xích trọng yếu của nhân triết học và siêu hình học. Dù rất quan trọng với toàn bộ sự nghiệp triết học của ông, nhưng ông chỉ phát triển khái niệm này từ nửa sau cuộc đời khi chuyển trọng tâm nghiên cứu từ hiện tượng học sang siêu hình học. Giống như élan vital của Bergson, Drang ("động lực" hoặc "sự thúc đẩy") là impetus của mọi sinh mệnh. Tuy nhiên, khác với siêu hình học sinh lực của Bergson, với Scheler, Drang có ý nghĩa cung cấp động lực, kể cả với Geist ("Linh hồn"). Geist, bao hàm mọi chủ định lý thuyết, sẽ không thể hoạt động nếu không có sự chuyển động của Drang (nguyên lý vật chất) và Eros (nguyên lý tâm lý).[61]
Nhà nhân chủng học văn hóa Louis Dumont (1911–1988) trực tiếp xây dựng khái niệm conatus văn hóa dựa trên định nghĩa cơ bản của Spinoza (Đạo đức, chương 3, mệnh đề 3). Nguyên tắc đứng sau khái niệm phái sinh này cho rằng bất kỳ nền văn hóa nào cũng đều "có xu hướng tồn tại lâu dài, dù bằng cách thống trị các nền văn hóa khác hay đấu tranh chống lại sự thống trị của chúng".[62]
Sau khi vật lý học Newton ra đời, khái niệm về một conatus của mọi vật thể vật lý hầu hết đều được thay thế bằng hai nguyên lý quán tính và bảo toàn động lượng. Bidney nói: "Ước muốn logic, hay conatus, đúng thật chỉ đơn thuần là một nguyên tắc về quán tính... Tuy nhiên, thực tế là, đây không phải cách Spinoza sử dụng."[63] Cách sử dụng conatus để mô tả các khái niệm khác của nhiều triết gia cũng dần trở nên lỗi thời. Ví dụ, conatus recendendi nay là lực ly tâm, còn conatus a centro thì được thay thế bởi lực hấp dẫn.[6] Ngày nay, conatus phải đối mặt với các vấn đề của khoa học, và do đó, là đối tượng nghiên cứu của các phương pháp khoa học.[64]
Các nhà khoa học như António Damásio hiện đang dung hoà khái niệm conatus cổ xưa và sinh học hiện đại. Conatus trước đây là vấn đề của siêu hình học và phép thuật, còn ngày nay lại là một thuật ngữ trong ngành hóa học và thần kinh.[65] Khái niệm này có thể được "xây dựng để duy trì sự gắn kết của cấu trúc cơ thể sống và chống lại những nguy cơ đe dọa đến tính mạng".[66]
Khái niệm conatus của Spinoza là nguồn gốc của các lý thuyết hiện đại về tính tự sinh của các hệ sinh thái.[67] Trong lý thuyết hệ thống và khoa học nói chung, khái niệm conatus đôi khi có liên quan đến đột sinh – hiện tượng các hệ thống phức tạp hình thành một cách tự phát từ nhiều cấu trúc đơn giản hơn. Do đó, có thể coi các tính chất tự điều chỉnh và tự duy trì của những hệ từ hệ sinh thái đến toàn bộ xã hội là những phiên bản hiện đại của nguyên tắc conatus trong triết học Spinoza.[68] Tuy nhiên, khái niệm ngày nay có nội hàm hẹp hơn, vì không còn ý nghĩa tôn giáo như trước.[69]
"It was a permanent force whose effect got dissipated only as a result of external agents such as air resistance. He is apparently the first to conceive such a permanent type of impressed virtue for non-natural motion."
"Indeed, self-motion of the type conceived by Ibn Sina is almost the opposite of the Aristotelian conception of violent motion of the projectile type, and it is rather reminiscent of the principle of inertia, i.e., Newton's first law of motion."