Cung điện Ludwigsburg (cách nội thành Stuttgart khoảng 12 km về phía bắc) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque trong thời gian từ 1704 đến 1733 dưới thời của Công tước Eberhard Ludwig của Württemberg. Cung điện này là một trong các Cung điện Baroque lớn nhất của Đức.
Cung điện Ludwigsburg đã là từng nơi ngự trị và là thủ đô của Công quốc Württemberg thay cho thành phố Stuttgart trong một khoảng thời gian. Một công viên rộng lớn bao bọc lấy ba mặt của Cung điện được kiến tạo trong năm 1954, nhân dịp kỷ niệm 250 ngày xây dựng Cung điện. Từ đấy, công viên và vườn hoa mang chủ đề của nhiều câu truyện cổ tích trong công viên nổi tiếng dưới tên Baroque nở hoa và cộng với hai Cung điện nhỏ kế cận cũng là một địa điểm du lịch được ưa thích không những chỉ cho du khách từ các khu vực lân cận. Công viên, kiến trúc và trang trí nội thất nguyên thủy là sự kết hợp của các phong cách kiến trúc Baroque, Rococo, Cổ điển và Tân Cổ điển.
Tiền thân của Cung điện là một dinh thự dùng để đi săn, bị quân đội Pháp phá hủy trong năm 1693. Ý định xây dựng lại dinh thự săn bắn này bắt đầu vào đầu thế kỷ thứ 18. Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành vào ngày 7 tháng 5 năm 1704. Một năm sau đấy, vào ngày 11 tháng 5 năm 1705, Công tước Eberhard Ludwig đặt tên cho Cung điện này là Ludwigsburg.
Ngay từ năm 1706, nhà xây dựng Johann Friedrich Nette đã phác thảo một dự án xây dựng rộng lớn hơn, bao gồm ba dãy nhà. Trong những năm sau đó ngôi nhà giữa ở phía bắc được xây dựng. Hai cánh nhà còn lại được xây dựng vuông góc với dãy nhà chính, tạo thành Cung điện nhìn về phía nam.
Mặc dầu được xây dựng mở rộng sau đó nhưng Cung điện vẫn chưa áp ứng được yêu cầu là một nơi ngự trị tiêu biểu cho vị công tước. Do vậy Donatto Giuseppe Frisoni, nhà xây dựng của hoàng gia, đã xây thêm dãy nhà chính ở phía nam, đối diện với dãy nhà chính cũ. Một công viên lớn được kiến tạo về phía nam của dãy nhà mới. Cho đến khi vị công tước qua đời năm 1733, dãy nhà mới chỉ vừa được xây xong phía ngoài, nội thất bên trong vẫn chưa hoàn thành.
Ludwigsburg được xem là một trong các Cung điện hoành tráng nhất châu Âu, bao gồm khoảng 400 phòng, 2 nhà thờ, một nhà hát và một sân trong rộng lớn. Trong công viên Cung điện ngoài những công trình kiến trúc khác là thác nước và hang đá nhân tạo.
Nhân dịp kỷ niệm 300 ngày xây dựng Cung điện, một Viện bảo tàng đồ sứ và thời trang và một phòng trưng bày tranh Baroque đã được khai trương năm 2004.
Phòng tranh Baroque là nơi trưng bày khoảng trên 150 tác phẩm của nền hội họa Đức và Ý trong thế kỷ thứ 17 và thế kỷ thứ 18 được chọn lọc từ bộ sưu tập tranh của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Stuttgart.
Nhà hát trong Cung điện có 350 chỗ ngồi. Cho đến ngày nay nhiều vở opera vẫn được trình diễn trong nhà hát này nhân dịp lễ hội hằng năm. Nhà hát trong Cung điện đã được tái khánh thành năm 1998 sau 5 năm phục hồi với kỹ thuật dàn dựng sân khấu gần như nguyên thủy.
Viện bảo tàng tiểu bang Stuttgart trưng bày trong tầng trên của dãy nhà chính mới ở phía nam bộ sưu tập các tác phẩm đồ sành sứ từ các lò gốm nổi tiếng của các thành phố Meißen, Nymphenburg, Berlin, Viên và Ludwigsburg cũng như là các tác phẩm thời đương đại.
Henrik Bäringhausen, Helmut-Eberhard Paulus, Susanne Rott, Wolfgang Wiese (Hrsg): raumkunst - kunstraum. Innenräume als Kunstwerke - entdeckt in Schlössern, Burgen und Klöstern in Deutschland, Schnell & Steiner Verlag, Regensburg, 2005, ISBN 3-7954-1732-5
G. Dehio: Handbuch der deutschen Kunstdenkmäler. Baden-Württemberg. (Sổ tay tượng đài nghệ thuật Đức. Baden-Württemberg) 1979. ISBN 3-422-00360-6
Schloss Ludwigsburg. Entstehung und Geschichte einer barocken Residenz. (Cung điện Ludwigsburg. Hình thành và lịch sử của một Cung điện Baroque) Nhà xuất bản Silberburg.
August B. Rave: Barockgalerie im Schloss Ludwigsburg, (Phòng trưng bày tranh trong Cung điện Ludwigsburg)Nhà xuất bản Hatje Cantz, Ostfildern 2004, ISBN 978-3-7757-1476-1
Michael Wenger: Schloss Ludwigsburg. Die Gesamtanlage. (Cung điện Ludwigsburg: Toàn bộ Cung điện và công viên) 2004, ISBN 3-422-03101-4, bản tiếng AnhISBN 3-422-03106-5. Nhà xuất bản nghệ thuật Đức.
Michael Wenger: Schloss Ludwigsburg: Die Innenräume. (Cung điện Ludwigsburg: Phòng bên trong) 2004, Nhà xuất bản nghệ thuật Đức. ISBN 3-422-03099-9.