Dương Tường học tiểu học tại Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội tới khi Cách mạng tháng 8 nổ ra. Ông bỏ trường, đi làm liên lạc cho Việt Minh tại Vĩnh Yên. Sau đó ông về đi học lại tại trường Phan Chu Trinh. Được vài tháng ông quay lại theo kháng chiến, làm tuyên truyền và gia nhập bộ đội năm 1949.
Năm 1955, Dương Tường giải ngũ về Hà Nội sinh sống. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ Văn xã (văn hóa xã hội) của Thông tấn xã Việt Nam[6]. Từ năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ông về hưu năm 1979[7].
Dương Tường là một dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật, phóng viên... trong đó nổi bật nhất là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học có giá trị như Cuốn theo chiều gió, Con đường xứ Flandres và tác giả của những bài thơ như Tình khúc 24. Nhiều bài thơ của ông lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực và phong trào tượng trưng.
Ông tự nhận bản thân "một đời ăn nằm với chữ". Về dịch thuật, ông quan niệm "một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả".
Nhà báo Phạm Tường Vân, người từng phỏng vấn ông Dương Tường năm 2002 để ghi lại chân dung của một thế hệ đang dần mất đi, viết trên Facebook cá nhân khi ông mất:
“
"...Những trí thức tinh hoa thập niên 1950- 1960 ngày ấy đều tài hoa, đam mê và trong sáng. Những người ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đề cao tự do sáng tác, phản tỉnh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại đều nhận về biết bao oan khuất - những bi kịch mà thời nay không thể nào hình dung nổi: người chịu mấy năm tù không án, người phải bán máu nuôi gia đình. Ông Tường ngồi đó, chứng kiến bạn bè lần lượt bị người ta đến, mang đi."