Elizabeth của Anh

Elizabeth của Anh
Vương nữ Elizabeth khoảng năm 1649.
Thông tin chung
Sinh(1635-12-28)28 tháng 12 năm 1635
Cung điện Thánh James, Luân Đôn, Vương quốc Anh
Mất8 tháng 9 năm 1650(1650-09-08) (14 tuổi)
Lâu đài Carisbrooke, Đảo Wight, Thịnh vương chung Anh
Vương tộcNhà Stuart
Thân phụCharles I của Anh Vua hoặc hoàng đế
Thân mẫuHenriette Marie của Pháp

Elizabeth Stuart (28 tháng 12 năm 1635 – 8 tháng 9 năm 1650) là con gái thứ hai của Charles I của AnhHenriette Marie của Pháp.

Từ khi sáu tuổi cho đến khi qua đời ở tuổi mười bốn, Elizabeth là tù nhân của Quốc hội Anh trong thời kỳ Nội chiến Anh. Lời tường thuật đầy cảm xúc của Vương nữ về cuộc gặp cuối cùng với cha trước ngày Charles I bị hành quyết và những lời cuối cùng của Quốc vương với các con của mình đã được xuất bản trong nhiều tài liệu lịch sử về cuộc Nội chiến và chính bản thân Charles I.[1]

Những lần đàm phán hôn nhân thất bại

[sửa | sửa mã nguồn]
Elizabeth ôm em gái Anne, tranh của Antoon van Dyck.

Elizabeth sinh ngày 28 tháng 12 năm 1635 tại Cung điện Thánh James, là con gái thứ hai và người con thứ năm của Charles I của AnhHenriette Marie của Pháp. Elizabeth được rửa tội tại đây vào 5 ngày sau, ngày 2 tháng 1, bởi William Laud, Tổng giám mục Canterbury. Năm 1636, Maria de' Medici, bà ngoại của Elizabeth, đã cố gắng hứa hôn cháu ngoại với con trai của Thân vương xứ Oranje, sau này là Willem II xứ Oranje. Mặc dù thực tế là Charles I cho rằng cuộc hôn nhân giữa một Vương nữ Anh với Thân vương xứ Oranje không đăng đối với địa vị của con gái, nhưng những rắc rối về tài chính và chính trị của nhà vua đã buộc Charles I phải cho chị gái của Elizabeth là Mary Henrietta, Vương nữ Vương thất, kết hôn với Willem.

Nội chiến

[sửa | sửa mã nguồn]
Em trai của Elizabeth, Henry của Anh, Công tước xứ Gloucester, tranhvẽ năm 1653 bởi Adriaen Hanneman.

Khi Nội chiến Anh bùng nổ vào năm 1642, Elizabeth và em trai Henry, Công tước xứ Gloucester bị đặt dưới sự bảo hộ của Nghị viện Anh. Trong những năm tiếp theo, Nghị viện đã giao quyền giám hộ hai chị em cho một số quý tộc, trong số đó có Philip Herbert, Bá tước thứ 4 xứ Pembroke.

Năm 1642, Quốc hội giao quyền giám hộ Elizabeth và Henry cho Bá tước xứ Northumberland. Cùng năm đó, anh trai của hai chị em, James, Công tước xứ York, (sau là James II của Anh), đến thăm hai người. Tuy nhiên, Elizabeth được cho là đã khuyên anh trai nên rời đi vì mối nguy từ kẻ thù của họ.

Năm 1643, Elizabeth, khi ấy được bảy tuổi, bị gãy chân. Cùng năm đó, Vương nữ và Henry bị chuyển đến Chelsea. Elizabeth được giáo dục bởi Bathsua Makin cho đến năm 1644. Khi ấy, Elizabeth đã có thể đọc và viết bằng tiếng Do Thái, Hy Lạp, Ý, LatinPháp. Các học giả nổi tiếng khác đã dành tặng các tác phẩm cho Elizabeth và rất ngạc nhiên trước khả năng đọc các tác phẩm tôn giáo của Vương nữ.

Năm 1647, Quốc hội cho phép Elizabeth cùng các anh em trai Henry và James đến Maidenhead để gặp và ở với cha của họ trong hai ngày. Sau khi Quốc hội chuyển Charles I đến Cung điện Hampton Court, Charles I đến thăm các con của mình dưới sự chăm sóc của Bá tước xứ Northumberland tại Dinh thự Syon. Những chuyến thăm này kết thúc khi Charles I trốn đến Lâu đài Carisbrooke trên Đảo Wight; Elizabeth, khi ấy được mười tuổi, được cho là đã giúp anh trai James trốn thoát một lần nữa trong dưới lớp trang phục của phụ nữ.

Gia đình gọi Elizabeth là "Temperance" (tức là Tiết độ) vì bản chất tốt bụng của Vương nữ.[1] Khi được 11 tuổi, Elizabeth được đại sứ Pháp đã mô tả là một "vẻ đẹp trẻ trung mới chớm nở" và là người có "duyên dáng, phẩm giá, thông minh và tinh tế", do đó Elizabeth có thể nhận đĩnh phẩm chất của những người khác nhau mà Vương nữ đã gặp cũng như là thấu hiểu những quan điểm khác nhau.[1] Elizabeth có sức khỏe kém. Một cuộc kiểm tra hài cốt của Elizabeth vào thời Victoria cho thấy Vương nữ bị bệnh còi xương, gây ra các biến dạng ở vai và lưng, đầu gối bị chụm lại và ngón chân chim bồ câu. Những vấn đề này có thể khiến Elizabeth đi lại khó khăn. Thời niên thiếu, Elizabeth có khuôn mặt dài với quai hàm nhô ra và mái tóc màu đỏ nâu.

Khi Nghị viện quyết định loại bỏ hộ quản gia của Elizabeth vào năm 1648, Vương nữ 12 tuổi đã viết cho họ một lá thư phản đối quyết định được đưa ra:

Thượng viện thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của Elizabeth và chỉ trích Hạ viện vì đã can thiệp vào Hộ gia Vương thất, đồng thời hủy bỏ quyết định. Tuy nhiên, Hạ viện yêu cầu những đứa trẻ phải được nuôi dưỡng như những tín hữu Tin lành sùng đạo; họ cũng bị cấm tham gia Triều đình ở Oxford, và bị giam giữ như những tù nhân tại Cung điện Thánh James. Tại một thời điểm, Quốc hội đã cân nhắc việc phong Henry thành Quốc vương thay thế, nhưng là một vị quân chủ lập hiến.

Hành quyết Charles I

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1649, Quốc vương Charles I bị bắt giữ lần cuối. Oliver Cromwell và các thẩm phán khác ngay lập tức kết án tử hình Quốc vương. Vương nữ Elizabeth đã viết một lá thư dài gửi tới Quốc hội xin phép được cùng chị gái Mary Henrietta đến Hà Lan. Tuy nhiên, Quốc hội đã từ chối yêu cầu của Vương nữ cho đến sau cuộc hành quyết.

Ngày 29 tháng 1 năm 1649, Elizabeth và Henry, bấy giờ được mười ba tuổi gặp cha mình lần cuối cùng. Vương nữ viết lại cuộc gặp gỡ như sau: "Cha nói với tôi rằng ông rất vui khi tôi đến, và mặc dù cha không có nhiều thời gian để nói, nhưng đôi khi ông phải nói với ta điều mà ông chưa nói với người khác, hoặc viết thư gửi cho ta, bởi vì cha ta sợ rằng sự tàn nhẫn của họ nhiều đến mức họ sẽ không cho phép ông viết thư cho ta."

Elizabeth được cho là đã khóc rất nhiều đến nỗi Charles I đã hỏi con gái rằng liệu Elizabeth có thể nhớ được tất cả những gì Charles I đã nói với Vương nữ không. Elizabeth hứa sẽ không bao giờ quên và nói rằng bản thân sẽ ghi chép lại lời cha đã nói. Vương nữ đã viết hai bản tường thuật riêng biệt về cuộc gặp gỡ. Charles I đã yêu cầu con gái không được "đau buồn và dày vò bản thân vì cha" [a] và mong con gái giữ vững đức tin Kháng Cách. Charles I bảo con gái đọc một số cuốn sách, trong số đó có Bishop Andrew's Sermons (Bài giảng của Giám mục Andrew), Ecclesiastical Polity (Chính thể Giáo hội) của Hooker và cuốn sách của Giám mục Laud chống lại Fisher, để con gái không sa đà vào lập trường của Giáo hội Công giáo.

Charles I cũng tặng cho con gái một cuốn Kinh Thánh trong buổi gặp gỡ.[3]

Sau cái chết của Charles I, Elizabeth và Henry trở thành những mối quan ngại bất đắc dĩ. Joceline, Lãnh chúa Lisle, con trai của Bá tước xứ Northumberland, đã kiến nghị Nghị viện loại bỏ Elizabeth và Henry khỏi sự giám hộ của Northumberland. Nghị viện từ chối cho phép hai chị em đến Holland, thay vào đó giao hai chị em cho Edward Harrington chăm sóc; tuy nhiên, con trai của Harrington đã thành công cầu xin cho hai chị em được chăm sóc ở nơi khác.

Khối thịnh vượng chung

[sửa | sửa mã nguồn]

Nơi ở tiếp theo của Elizabeth và Henry là Dinh thự Penshurst, dưới sự chăm sóc của Robert Sidney, Bá tước thứ 2 xứ Leicester và vợ là Dorothy. Nghị viện đã chỉ thị cho gia đình Sidney không được làm hư bọn trẻ. Tuy nhiên, Dorothy đối xử rất tốt với Elizabeth. Để bày tỏ sự cảm kích, Elizabeth đã tặng Dorothy một viên ngọc quý từ bộ sưu tập của Vương nữ. Viên ngọc sau này trở thành trung tâm xung đột giữa Dorothy và các ủy viên Nghị viện được bổ nhiệm để giám sát tài sản cá nhân của vị vua quá cố.

Năm 1650, anh trai của Elizabeth, bấy giờ trên danh nghĩa là Charles II, đã đến Scotland để lên ngôi vương tại đây. Để đáp lại, Nghị viện đã chuyển Elizabeth đến Đảo Wight dưới sự giám hộ của Anthony Mildmay với mức lương hưu 3000 bảng một năm. Elizabeth phàn nàn rằng mình không đủ sức khỏe để đi nhưng những mối bận tâm của Vương nữ đều bị phớt lờ.

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong quá trình di chuyển đến Đảo Wight, Elizabeth bị cảm lạnh và nhanh chóng mắc bệnh viêm phổi. Vương nữ qua đời vào ngày 8 tháng 9 năm 1650 tại Lâu đài Carisbrooke.

Một số nguồn tin nói rằng Elizabeth được tìm thấy đã qua đời với đầu được đặt trên cuốn Kinh thánh từ cha Vương nữ. Trong những ngày cuối đời, Elizabeth được những người xung quanh miêu tả là một đứa trẻ buồn bã.[3] Ba ngày sau khi người ta phát hiện Vương nữ đã qua đời, Hội đồng Nhà nước đã cho phép Elizabeth cùng chị gái Mary đến Hà Lan.[1] Elizabeth được chôn cất tại Nhà thờ Thánh Thomas, Newport trên Đảo Wight. Trên bia mộ của Elizabeth chỉ được đánh dấu bằng chữ cái "ES", tức là Elizabeth Stuart.

Hai trăm năm sau, Nữ vương Victoria, bấy giờ ở tại Điện Osborne, gần nơi chôn cất của Elizabeth, đã đặt mua một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng về Elizabeth của nhà điêu khắc Carlo Marochetti. Tác phẩm điêu khắc mô tả Elizabeth là một thiếu nữ xinh đẹp, nằm áp má lên cuốn Kinh thánh. Cuốn Kinh Thánh được mở ra trang sách thuộc Phúc âm Thánh Mátthêu:

Phía trên tác phẩm điêu khắc là một tấm lưới, cho thấy Elizabeth từng là tù nhân; tuy nhiên, các song sắt bị phá vỡ cho thấy Elizabeth hiện đã được tự do và đã đến "chốn an nghỉ tuyệt vời" ("a greater rest").[4] Tấm bảng trên tác phẩm điêu khắc có nội dung như sau:

Những dòng kết thúc từ The Death of The Princess Elizabeth (Cái chết của Vương nữ Elizabeth) trong cuốn sách Lays of the English Cavaliers (Chốn Yên nghỉ của các Kỵ bình Anh) của John Jeremiah Daniel xuất bản năm 1866 đã tưởng nhớ lại hành động của Nữ vương Victoria dành cho Vương nữ Elizabeth:

  1. ^ Nguyên văn là:"grieve and torment herself for him".

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Davison, Anita (10 tháng 8 năm 2010). “Unusual Historicals: Tragic Tales: The Lost Children of Charles I”. Unusual Historicals. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  2. ^ The Churchman (bằng tiếng Anh). 46. Churchman Company. 1882. tr. 52.
  3. ^ a b “DEATH OF A PRINCESS” (PDF). web.archive.org. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  4. ^ “The Princess Elizabeth Memorial in the Lady Chapel at Newport Minster”. web.archive.org. 1 tháng 4 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  5. ^ Chappell, William (1890). The Roxburghe Ballads (bằng tiếng Anh). 7. Ballad society.
  6. ^ “Lays of the English cavaliers by John Jeremiah Daniell (page 2 of 5)”. www.ebooksread.com. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  7. ^ a b Louda & Maclagan 1999, tr. 27.
  8. ^ a b Louda & Maclagan 1999, tr. 50.
  9. ^ a b c d Louda & Maclagan 1999, tr. 140.

Nguồn tài liệu

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan