Họ Đuôi cụt | |
---|---|
Đuôi cụt Ấn Độ (Pitta brachyura) | |
Phân loại khoa học | |
Vực: | Eukaryota |
Giới: | Animalia |
Ngành: | Chordata |
Lớp: | Aves |
Bộ: | Passeriformes |
Phân bộ: | Tyranni |
Phân thứ bộ: | Eurylaimides |
Liên họ: | Pittoidea |
Họ: | Pittidae Không rõ.[a] |
Các chi | |
Chim đuôi cụt là tên gọi chung để chỉ khoảng 33 loài chim trong siêu họ Pittoidea (Liên họ Đuôi cụt) chỉ chứa một họ với danh pháp Pittidae (họ Đuôi cụt) trong bộ Sẻ, chủ yếu sinh sống trong khu vực nhiệt đới châu Á và Australasia, mặc dù có một ít loài sống ở châu Phi.
Tất cả các loài chim trong họ Đuôi cụt này tương tự như nhau về hình dáng và hành vi chung, và được đặt trong cùng một chi (Pitta). Tuy nhiên, số lượng chi trong họ này vẫn còn là vấn đề đang tranh cãi, trong khi đó một nghiên cứu năm 2006 đã đề cập họ này gồm 3 chi: Erythropitta (6 loài), Hydrornis (13 loài), và Pitta (14 loài)[4].
Đuôi cụt là chim dạng sẻ kích thước trung bình với thân hình chắc nịch, các chân hơi dài nhưng khỏe, mỏ to và đuôi rất ngắn (vì thế mà có tên gọi đuôi cụt). Nhiều loài (nhưng không phải tất cả) có màu sặc sỡ. Tên gọi khoa học của siêu họ/họ/chi này có nguồn gốc từ tiếng Telugu (từ pitta) ở Andhra Pradesh (Ấn Độ) và nó cũng là tên gọi tại địa phương này để chỉ các loài chim nhỏ đó.
Chúng là những loài chim sinh sống nhiều trên mặt đất tại các khu rừng ẩm ướt, với thức ăn là sên, sâu bọ nhỏ và các động vật không xương sống tương tự. Chúng chủ yếu sống đơn độc, đẻ tới 6 trứng trong các tổ lớn hình cầu trên cây hay trong bụi rậm, hoặc đôi khi ngay trên mặt đất.
Nhiều loài đuôi cụt là chim di cư.
Một số loài đang bị đe dọa tuyệt chủng do môi trường sống bị phá hủy. Hơn nữa, rất nhiều các loài trong họ này được nuôi làm cảnh phổ biến, tạo ra một thương mại có lợi nhuận trong điều kiện nuôi nhốt.
Trước đây người ta chỉ công nhận 1 chi là Pitta, nhưng một nghiên cứu năm 2006 đã tách Pitta thành 3 chi riêng biệt trong họ của nó[4].
Đuôi cụt Sula (Pitta dohertyi hay Erythropitta dohertyi) hiện nay được coi là phân loài của đuôi cụt bụng đỏ (Erythropitta erythrogaster), do thiếu các khác biệt về tiếng kêu[7].