Hiểm họa da vàng (tiếng Anh: Yellow Peril) là thuật ngữ xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 ám chỉ việc những công nhân và phu phen người Trung Quốc nhập cư đến các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ; sau đó vào giữa thế kỷ 20, thuật ngữ này còn liên quan đến người Nhật với việc Nhật Bản bành trướng quân sự.
Da vàng là một phép ẩn dụ dùng màu sắc để chỉ người Á Đông. Các nước phương Tây cho rằng sự nhập cư ồ ạt của người châu Á sẽ đe dọa thu nhập và chuẩn mực xã hội của người da trắng.
Có nhiều nguồn tin cho rằng Kaiser Wilhelm II là người đã sáng tạo ra cụm từ "hiểm họa da vàng" (tiếng Đức: gelbe Gefahr) vào tháng 9 năm 1895. Wilhelm II đã cho vẽ một bức chân dung với tiêu đề này. Bức tranh mô tả cảnh tổng lãnh thiên thần Michael biểu trưng cho nước Đức, ra lệnh chống lại mối đe dọa từ châu Á, đại diện là bức tượng một vị Phật bằng vàng, thường được treo trên tất cả cá tàu trên tuyến đường biển Hamburg - Hoa Kỳ. Dường như bức họa do chính Kaiser Wilhelm II vẽ[1].
Vào năm 1898, nhà văn Anh Matthew Phipps Shiel đã xuất bản một sê ri truyện ngắn mang tựa đề Nữ hoàng của Trái Đất (The Empress of the Earth). Sau đó Shiel viết lại nó thành phiên bản tiểu thuyết và cho in với tên mới Mối nguy da vàng (The Yellow Danger). Truyện xoay quanh vụ án mạng của hai nhà truyền giáo người Đức ở vịnh Giao Châu năm 1897 với một nhân vật phản diện người Trung Quốc là tiến sĩ Yen How.