Tên khác | Kẹo táo cứng |
---|---|
Loại | Chế biến mứt kẹo |
Xuất xứ | Hoa Kỳ |
Sáng tạo bởi | William W. Kolb |
Thành phần chính | Kẹo táo và đường |
Kẹo bọc táo (tiếng Anh: Candy apple, caramel apple, toffee apple) là một thực phẩm kết hợp trái cây và chất tạo ngọt thịnh hành tại Mỹ[1].
Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, kẹo bọc táo do một thợ kẹo tên William W. Kolb ở New Jersey chế ra năm 1908 nhằm phục vụ thực khách nhân lễ Giáng Sinh[2]. Chỉ trong chưa đầy năm, những chiếc kẹo 5 xu này đã đem về cho ông lợi nhuận gấp ngàn lần số vốn ban đầu, và kể từ đó trở thành ẩm thực truyền thống tại các tụ điểm giải trí công cộng Mỹ.
Chiếc kẹo bọc táo nguyên thủy chỉ nhằm mục đích tận dụng số táo xanh bị ế sau mỗi vụ thu hoạch (tương ứng mùa thu tại Bắc Mỹ). Người thợ gọt sạch vỏ rồi cắm trái táo trên đầu que, sau đó nhúng táo vào đường đun lỏng (trắng hoặc nâu)[3].
Tuy nhiên, phương pháp này khiến tuổi thọ kẹo rất ngắn (độ 1-2 tiếng), nên về sau người ta cải tiến bằng cách gia cố độ bám của chất tạo ngọt. Kẹo tự bấy là hỗn hợp đường, sữa ngô, quế và chút nước, ngoài ra còn được pha thêm phẩm đỏ để làm đượm mắt và có giá trị thương mại hơn. Vì thế, khi thành sản phẩm, kẹo bọc táo có hình thù như trái táo chín đỏ au[4].
Ở một số thành thị lớn Bắc Mỹ, thợ thường nhúng kẹo vào caramel và đậu phộng băm nhỏ để tăng độ ngậy, khiến chiếc kẹo ban đầu ăn thấy bùi, sau là ngọt và cuối cùng thì lại chua thanh.
Tại Mỹ, kẹo bọc táo cùng kẹo hột đậu và bánh táo được coi là quốc hồn quốc túy không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đồng thời là món khoái khẩu nhất của trẻ em[5]. Sự thưởng thức kẹo bọc táo được coi là lý tưởng nhất khi dùng kèm kem lạnh hoặc nước cola. Cho tới ngày nay, kẹo bọc táo trở thành một trong những thực phẩm phổ biến nhất trong cộng đồng Anh ngữ và xuất hiện rất nhiều biến thể.
Trong phim truyền hình Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, chú bé Willie Oleson (Jonathan Gilbert) thường xuyên bị sâu răng vì được mẹ - bà Harriett - nuông chiều bằng những chiếc kẹo bọc táo mà bà làm cho cậu nhấm nháp sau mỗi buổi tan học.