Lý Đàm 李倓 | |||||
---|---|---|---|---|---|
Hoàng tử nhà Đường | |||||
Hoàng đế nhà Đường (truy phong) | |||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | ? | ||||
Mất | 757 | ||||
An táng | Thuận lăng (顺陵) | ||||
Thê thiếp | Cung Thuận hoàng hậu | ||||
| |||||
Thân phụ | Đường Túc Tông | ||||
Thân mẫu | Trương cung nhân |
Lý Đàm (chữ Hán: 李倓, ? - 757), thường được gọi theo tước vị được phong Kiến Ninh vương (建寧王), là hoàng tử thứ ba của Đường Túc Tông Lý Hanh của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Trong loạn An Sử, Lý Đàm đã khuyên cha mình đóng quân ở Linh Vũ, nhằm xây dựng lại lực lượng chống lại phản tặc, sau đó còn cầm quân bảo vệ triều đình. Tuy nhiên về sau, ông xảy ra mâu thuẫn với Trương hoàng hậu và hoạn quan Lý Phụ Quốc, cuối cùng hai người này vu cáo ông có mưu đồ đoạt ngôi của Thái tử Lý Thục. Ông bị Túc Tông ép buộc phải tự sát.
Về sau Lý Thục lên ngôi, trở thành Đường Đại Tông, vì nhớ đến công lao của ông nên truy phong cho ông tước vị Tề vương (齊王) và sau đó là Thừa Thiên hoàng đế (承天皇帝), là một trong 4 vị Hoàng tử duy nhất của nhà Đường được truy tặng Hoàng đế trên danh nghĩa.
Không rõ Lý Đàm chào đời vào thời điểm nào. Ông là hoàng tử thứ ba của Đường Túc Tông Lý Hanh, hai người anh trước ông là Đường Đại Tông Lý Thục và Việt vương Lý Hệ (李係).
Mẹ của Lý Đàm họ Trương, Tân Đường thư ghi là Trương cung nhân (張宮人) và không cho biết thêm về lai lịch, xuất thân của bà[1]. Vào những năm Thiên Bảo (742 - 756) dưới thời tổ phụ Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, Lý Đàm được phong tước vị Kiến Ninh vương[2]. Sử sách mô tả ông là người anh nghị có tài lược, giỏi về cưỡi ngựa và bắn cung.
Cuối năm 755, An Lộc Sơn nổi dậy chống lại triều đình, đến năm 756 thì tấn công vào Trường An.
Đường Huyền Tông cùng văn võ bá quan và tông thất hơn nghìn người chạy đến Kiếm Nam[3]. Lý Đàm cũng cầm quân đi theo bảo vệ xa giá. Khi xa giá đến Mã Ngôi dịch[4], các binh sĩ nổi loạn, đổ tội Dương Quý phi và người anh là tể tướng Dương Quốc Trung hại đất nước đến nỗi sắp diệt vong, ép Hoàng đế phải giết chết hai anh em họ Dương. Sau sự việc này, Đường Huyền Tông tiếp tục chạy về phía tây. Ban đầu, Thái tử Lý Hanh cũng đi theo, giữa đường thì trăm họ phủ phục cầu xin Thái tử ở lại chỉ huy dân binh. Thái tử muốn tiếp tục theo bảo vệ Huyền Tông, muốn vào xin ý kiến Minh Hoàng.
Kiến Ninh vương nghe vậy cố gắng thuyết phục Thái tử rằng:
Quảng Bình vương Lý Thục, anh trưởng của ông cũng lên tiếng tán thành. Thái tử cuối cùng nghe theo, sai người đến báo với Minh Hoàng. Nhà vua truyền mệnh đem hai nghìn hậu quân, cùng ngựa Phi Long chia cho thái tử, lại phủ dụ tướng sĩ: "Thái tử nhân hiếu, có thể phò yên xã tắc, các khanh nên theo đúng đạo thần tử mà thờ".
Sau đó, xa giá tiếp tục đến Thành Đô, để Thái tử ở lại chỉ huy binh mã. Kiến Ninh vương Lý Đàm khuyên Thái tử đến đóng quân ở Linh Vũ và triệu tập quân đội các nơi đến mưu đồ khôi phục. Trên đường đi, thuyền bè chẳng có, quân sĩ phải tìm chỗ nước nông, ôm ngựa mà bơi sang, những binh lính không có ngựa, đều đành khóc lóc mà quay lại. Tới Tân Bình, suốt ngày đêm đã đi hơn ba trăm dặm, binh sĩ, khí giới mất mát đến hơn một nửa, chỉ còn cả thảy mấy trăm người mà thôi. Lại thêm sĩ khí sút kém, giặc cướp thường đến quấy nhiễu, Lý Đàm phải nhiều lần đích thân cầm quân bảo vệ, mỗi ngày giao chiến hơn 10 trận. Ông thường cùng 100 kiêu kị hành quân, mỗi lần tiếp chiến đều xông pha trước làn gươm mũi giáo đến nỗi máu chảy ra khỏi miệng mà cũng tự kìm nén, không dám cho thái tử biết. Khi thái tử không có gì ăn, Kiến Ninh vương đau thương đến chảy nước mắt, binh sĩ thấy vậy vô cùng khâm phục[1].
Sau khi đến Linh Vũ, Thái tử theo đề nghị của các tướng sĩ và dân chúng, tức vị Hoàng đế, tức là Đường Túc Tông[1][5]. Một thời gian sau khi lên ngôi, Thượng có ý muốn phong cho Kiến Ninh vương làm Thiên hạ binh mã Nguyên soái, chức vị chỉ huy tối cao các đội quân trong nước. Đại phu Lý Bí cảm thấy không được nên bảo với Thượng:"Kiến Ninh vương quả có thể làm nổi chức nguyên soái, nhưng hiện Quảng Bình Vương là con cả, mai kia Kiến Ninh Vương công thành danh lớn, sẽ xử với Quảng Bình vương ra sao".
Thượng đáp:"Quảng Bình vương là con trưởng, nối ngôi là lẽ đương nhiên, chứ chức Nguyên soái giao cho ai cũng đâu ảnh hưởng gì?"
Lý Bí thưa:"Quảng Bình vương tuy là con trưởng nhưng chưa chính vị. Nay loạn lạc thế này lòng người hướng về nguyên soái. Nếu Kiến Ninh Vương đại thắng nghịch tặc, giữ yên xã tắc mà bệ hạ lại không lập sao lòng người yên được. Xưa kia Thái Tông, Thượng hoàng cũng chẳng phải con trưởng mà được lên ngôi đấy thôi?" . Đường Túc Tông mới bằng lòng, sau đó phong Quảng Bình vương là Thiên hạ binh mã nguyên soái. Khi Lý Bí lui ra, đích thân Kiến Ninh vương đến gặp và bái tạ:"Vừa rồi được nghe những lời tâu của ngài, chính là rất hợp với ý ta. Ta thật biết ơn vậy!"[5]
Trương lương đệ và hoạn quan Lý Phụ Quốc cấu kết với nhau làm lũng đoạn triều cương, ám hại Quảng Bình vương Lý Thục cùng các cựu thần. Kiến Ninh vương không vừa lòng, bảo Lý Bí:"Bọn họ Trương, họ Lý ghen ghét hãm hại anh em ta, nếu không trừ thì không xong".
Lý Bí thất kinh, cố khuyên Kiến Ninh vương chưa nên kinh động kéo hại đến thân, Kiến Ninh vương không nghe. Nhiều lần ở trước mặt Túc Tông, ông kể tội bọn đàn bà và quan thị độc ác, nham hiểm. Sau đó còn lập mưu định giết Trương lương đệ, Lý Phụ Quốc. Trương thị và Phụ Quốc lo sợ nên trước mặt hoàng đế đã gièm pha Kiến Ninh vương có ý giết Quảng Bình vương, tiếm ngôi:"Lý Đàm xưa nay chỉ hận không được lĩnh chức tổng binh, đến nay đã có ý đồ khác."[1].
Đường Túc Tông tức giận, liền hạ lệnh buộc Kiến Ninh vương phải tự sát. Đó là vào đầu năm 757, không rõ khi đó ông bao nhiêu tuổi.=
Sau này Đường Túc Tông khôi phục hai kinh, trở về Trường An. Nhân một hôm, Lý Bí tâu với Túc Tông về oan ức của Kiến Ninh vương. Hoàng đế nói:"Đàm muốn giết anh. Trẫm vì đại kế xã tắc, không thể không trừ".
Lý Bí thưa:"Kiến Ninh vương nếu có lòng như thế, thì Quảng Bình vương đã vô cùng căm giận rồi. Nay mỗi lần nói chuyện với thần, Quảng Bình vương đều nhận là oan uổng, thường sa nước mắt. Huống chi bệ hạ lúc ấy còn muốn dùng Kiến Ninh Vương làm nguyên soái, thần xin dùng Quảng Bình Vương. Nếu như Kiến Ninh Vương có ý giết anh, thì phải rất ghét thần mới đúng, nhưng ngay hôm đó, lại khen thần tận trung, ngày càng thân thiết. Cứ như thế cũng đủ thấy tấm lòng Kiến Ninh vương ra sao".
Thượng sa nước mắt nói:"Trẫm biết mình đã sai. Nhưng việc trót lỡ rồi, sao sửa được".
Bí đáp:"Bệ hạ có nghe Hoàng đài qua chưa? Cao Tông Thiên Hoàng bệ hạ có tám người con trai, Thiên Hậu sinh được bốn vị, Duệ Tông tổ phụ bệ hạ là nhỏ tuổi nhất. Con trưởng là Hoằng được phong Thái tử, là người anh minh nhân hiếu. Thiên Hậu có ý lâm triều xưng Chế, giết Hoằng đi, lập con thứ là Hiền. Hiền do việc đó mà ưu sầu, mỗi lần lên triều không dám nói gì, sau đó thì sáng tác nhạc chương mong cảm ngộ Thượng và Hậu. Lời nhạc có hai câu là: Lần đầu hái một quả dưa/Lần sau quả nữa, dễ chưa vừa lòng? Nhưng về sau Hiền cũng bị Hậu bài xích rồi chết ở Kiềm Trung. Nay Bệ hạ đã hái một quả rồi, xin đừng hái thêm nữa"[1].
Khi đó, Trương Hoàng hậu rất gờm công lao của Quảng Bình vương, thường hay gièm pha, nên Lý Bí cố tình nói vậy để nhắc nhở.
Năm 762, Đường Đại Tông Lý Thục lên ngôi. Do nhớ đến công lao của Lý Đàm, Đại Tông cho truy tặng ông tước vị Tề vương (齊王).
Năm Đại Lịch thứ 3 (769), có chiếu nói ông trong lúc gian nan thủ định đại mưu, có công trung hưng, truy phong Thừa Thiên hoàng đế (承天皇帝)[1][6]. Bài vị của ông đưa vào thờ chung với Phụng Thiên hoàng đế Lý Tông - con trưởng của Đường Huyền Tông.
Khi trước, Lý Bí xin gia tặng danh hiệu cho Lý Đàm, Đại Tông hỏi:"Đàm vốn trung hiếu nhưng lại chết bởi lời gièm. Nay muốn truy là Hoàng đế, có được không?"
Lý Bí nói:"Những năm Khai Nguyên, các con Duệ Tông đều được truy tặng Thái tử".
Sau đó, Đại Tông bèn quyết định truy phong đế vị, sai sứ nghênh quan tài ông từ Bành Nguyên về triều.
Cung Thuận hoàng hậu Trương thị (恭顺皇后张氏), cháu gái của danh tướng Trương Thuyết (张说), con gái của Trương Bách (张垍) và Hưng Tín công chúa - con gái của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Bà là con gái thứ 14 của Trương Bách, còn nhỏ mà chết.
Về sau, Đường Đại Tông vì em trai Lý Đàm có công trung hưng, thành quả to lớn, thụy hiệu như Hoàng đế, lại muốn tìm người hôn phối với Lý Đàm để an ủi, nên tiến hành minh hôn (冥婚), truy tặng Trương thị làm Hoàng hậu, hợp táng cùng Lý Đàm tại Thuận lăng (顺陵).