La Belle Dame sans Merci (tiếng Pháp: Người đẹp không có lòng thương xót) – là một bài ballad của nhà thơlãng mạnAnh, John Keats. Bài thơ này có hai phiên bản với một chút ít khác nhau. Bản đầu tiên được Keats sáng tác ngày 21 tháng 4 năm 1819. Bản hiệu đính theo đề nghị của Leigh Hunt ngày 20 tháng 5 năm 1819.
Bài thơ này lần đầu tiên in ở tạp chí The Indicator của Hunt ngày 10 tháng 5 năm 1820. La Belle Dame Sans Merci lấy lại tên trường ca của nhà thơ Pháp thời trung cổ Alain Chartier. Nguồn gốc của ballad này là truyền thuyết Tannhäuser của Đức, trường ca hiệp sĩ The Faerie Queene của Edmund Spenser và The Anatomy of Melancholy của Robert Burton (Câu chuyện về chàng hiệp sĩ sầu muộn).
Bài ballad của John Keats kể về cuộc gặp gỡ của chàng kị sĩ vô danh với một nàng tiên ẩn ước. Chàng kị sĩ cô đơn, kiệt sức vì một nỗi buồn thơ thẩn trên đồng vắng. Tác giả hỏi chuyện chàng và chàng kể lại một câu chuyện. Một hôm chàng gặp người đẹp có "ánh mắt nhìn hoang dại". Chàng bế nàng ngồi lên ngựa, thế rồi nàng dẫn chàng đi vào cõi tiên. Trong cõi này nàng đã nức nở, thổn thức. Chàng hôn lên đôi mắt hoang dại của nàng, rồi nàng vỗ về, ru chàng đi vào giấc mộng.
Trong giấc mơ chàng thấy hoàng tử tình si gào thét rằng chàng đã bị rơi vào vòng tù hãm của người đẹp và bị người đẹp giã từ không thương tiếc. Chàng kị sĩ tỉnh giấc thấy "một mình trên đồi lạnh" và kể từ dạo đấy chàng đâm ra thơ thẩn, với gương mặt tái nhợt chàng lang thang không mục đích ở cái miền mà cây cối "chỉ còn lá rụng và không còn tiếng hót của chim".
Ballad La Belle Dame Sans Merci chỉ gồm 12 khổ thơ, mỗi khổ 4 dòng nhưng là một câu chuyện đầy những bí ẩn. Keats mô tả chàng kị sĩ khiến người đọc liên tưởng đến cái chết – gương mặt tái nhợt của chàng như một bông hoa huệ (biểu tượng của cái chết trong văn hóa phương Tây), héo hon và tàn úa – có thể chàng đã chết, và trả lời câu chuyện là một bóng ma, là linh hồn của chàng. Trong nguyên bản bài ballad nói về người đẹp đã quyến rũ chàng kị sĩ, chi tiết này gần gũi với những truyền thuyết Thomas Learmonth (Thomas the Rhymer) hoặc Tam Lin.
Thông thường các kị sĩ bị ràng buộc bởi lời nguyền đạo đức, thế nhưng ở đây chàng kị sĩ của John Keats đã bị quyến rũ bởi tiên (chứ không phải người trần), nên đã bị trừng phạt. Những người phát ngôn của phái nữ quyền cho rằng kị sĩ đã hãm hiếp cô gái, do vậy Chúa đã trừng phạt chàng. Dẫn chứng cho điều này, người ta dẫn câu thơ: "she wept, and sigh’d full sore" (nàng khóc lóc, và những tiếng thở dài đau đớn).
Dù sao, sự phân tích này không thực sự thuyết phục vì trong bài thơ ta thấy rõ ràng rằng cô đã nói lời yêu chàng chân thành, đã quyến rũ chàng đi vào cõi tiên (hang động, nơi tiên ở). Thành ra câu thơ "she wept, and sigh’d full sore" có thể hiểu là cô tiên đã mất trinh tiết sau khi yêu. Cũng có thể đấy là khát khao cháy bỏng được yêu chàng. Ý nghĩa câu này phụ thuộc vào nội dung cả bài ballad: liệu đấy là một bài thơ lãng mạn, trữ tình hay tác giả có ý lồng vào một ý nghĩa đạo đức. Nếu xem xét rộng ra toàn bộ sáng tạo của John Keats thì ta có thể chắc chắn rằng đấy là câu chuyện tình cảm lãng mạn chứ Keats hoàn toàn không muốn hướng nó về trí tuệ hay luân lý.
Nhạc sĩ Charles Villiers Stanford phổ nhạc lời của bài thơ này thành một khúc lãng mạn nổi tiếng. Thể hiện tác phẩm này đòi hỏi người hát cũng như người đệm đàn có trình độ cao. Khúc lãng mạn này nổi tiếng cho đến ngày nay và luôn được các nghệ sĩ nổi tiếng nhất thể hiện.
Nhạc sĩ Patrick Hadley viết khúc tứ tấu cho giọng nam cao và dàn nhạc.
La Belle Dame sans Merci là nguồn cảm hứng cho Tony Banks (nhóm Genesis) viết bài hát The Lady Lies (1977).