Ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó hai người không còn chung sống, ăn ở với nhau, nhưng vẫn chưa ly hôn. Vợ chồng thường tự thỏa thuận với nhau để sống ly thân chứ không cần phải ra tòa, và trên pháp lý thì họ vẫn là vợ chồng. Ly thân tạo cơ hội cho vợ hay chồng sống riêng biệt mà không phải cần ly dị.
Mục đích của ly thân là để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột giữa vợ và chồng, đồng thời để các bên có thời gian suy ngẫm, ăn năn hối lỗi, khắc phục lỗi lầm, tha thứ cho nhau... để sau đó vợ chồng lại đoàn tụ, tiếp tục chung sống. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản. Như vậy, ly thân là để hướng đến sự đoàn tụ, chứ không phải để hướng đến ly hôn. Với ý nghĩa đó, ly thân không phải là bước đệm để tiến hành ly hôn mà là cơ hội để tái gắn kết quan hệ vợ chồng.
Tại Việt Nam không có quy định về vấn đề ly thân. Trong quá trình xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, từng có những đề xuất bổ sung "chế định ly thân" trong luật Hôn nhân và gia đình với lý do là để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em tốt hơn trong thời gian này.[1]
Tuy nhiên, đề xuất đưa "chế định ly thân" vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 [2] đã bị Quốc hội Việt Nam bác bỏ do vấp phải nhiều phản đối bởi những hệ lụy xấu mà chế định này có thể gây ra cho xã hội. Tuy rằng một số quốc gia đã quy định về "chế định ly thân" trong luật pháp, nhưng đối với đặc thù văn hóa - xã hội - gia đình của một nước Á đông như Việt Nam, việc tạo ra chế định này sẽ gây ra tác hại nhiều hơn là lợi ích, cụ thể như:
Đại biểu Khúc Thị Duyền phản đối việc đưa vấn đề ly thân vào trong dự thảo luật Hôn nhân và gia đình. Chế định ly thân ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ tình cảm của một trong hai bên, đặc biệt là tác động rất sâu sắc mọi mặt đến người vợ và con trẻ cũng như các thành viên trong gia đình. Thực tế mục đích của ly thân là nhằm giảm thiểu xung đột gay gắt trong quan hệ vợ chồng, cặp vợ chồng mong muốn không để mọi người biết về mâu thuẫn, nếu ly thân mà cũng phải ra tòa thì sẽ là không hợp lí. Bà khẳng định: "Trong thực tế có trường hợp ly thân, bạo lực, áp lực về tinh thần còn nặng nề và hơn cả bạo lực về thể xác. Về vấn đề ly thân theo quan điểm của tôi là không nhất trí đưa vào trong dự thảo luật"[4]
Theo đại biểu Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng), rất khó xác định được một cặp vợ chồng đang ly thân, đây là quan hệ riêng tư chỉ 2 vợ chồng mới hiểu được. Do đó, đưa vấn đề ly thân vào Luật thì cũng rất khó thực hiện. Mặt khác, khi quy định các vấn đề liên quan việc ly thân như phân chia tài sản, quyền nuôi con... thì gần như đã đánh đồng giữa ly thân và ly hôn, như vậy chẳng khác nào "xem ly thân là một bước để tiến tới ly hôn", đi ngược lại mục đích của ly thân là để vợ chồng có thời gian hàn gắn tình cảm. Ông kết luận: "Quy định về ly thân trong dự thảo Luật không những không góp phần ổn định cuộc sống vợ chồng mà còn làm suy yếu, dễ dẫn đến đổ vỡ, do đó nên cân nhắc không nhất thiết đưa vấn đề ly thân vào trong dự thảo"[6]
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi thì chỉ ra vấn đề khác: nếu quy định về chế định ly thân thì trong nhiều trường hợp rất khó thực hiện khi hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Nếu công dân Việt Nam yêu cầu tòa án giải quyết ly thân, tòa án Việt Nam thụ lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tống đạt văn bản tố tụng, nhất là đối với những nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp[4]
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ cho rằng: nếu quy định trong luật về "chế định ly thân" thì sẽ làm phát sinh thêm rất nhiều số lượng công việc mà tòa án các cấp phải thụ lý. Quy định về "chế định ly thân" trong Luật hôn nhân và gia đình vô hình trung làm cho tế bào gia đình trở nên thiếu bền vững và càng dễ dẫn tới rạn vỡ hạnh phúc gia đình. Việc tồn tại ly thân kéo dài dẫn tới đời sống hôn nhân không trọn vẹn, do đó đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em. Thực trạng trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại tình trạng sống ly thân, song đây là sự thỏa thuận mang tính riêng tư, tự nguyện, không cần thiết phải có sự can thiệp của tòa án. Việc tòa án đứng ra phán quyết việc sống ly thân sẽ càng thúc đẩy tiêu cực trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng[4].