Ngày Thiếu nhi Thế giới | |
---|---|
Cử hành bởi | Nhiều quốc gia Đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ (23 tháng 4 năm 1920) |
Kiểu | Lịch sử |
Ngày | Theo địa phương (Ngày Thiếu nhi Thế giới vào 20 tháng 11 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi vào 1 tháng 6) |
Liên quan đến | Ngày của Cha, Ngày của Mẹ, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Quốc tế Nam giới, Ngày Cha Mẹ. |
Ngày Thiếu nhi hay Ngày Trẻ em, Tết Nhi Đồng như là một sự kiện hay một ngày lễ dành cho thiếu nhi được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới.
Liên Hợp Quốc đã quyết định ngày 20 tháng 11 là Ngày Thiếu nhi Thế giới (Universal Children's Day)[1] nhưng để cho các quốc gia thành viên được tự quyền chọn ngày thiếu nhi cho riêng mình.[1] Một số quốc gia thuộc Khối Xô Viết cũ đã tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi (International Children's Day) vào ngày 1 tháng 6. Nhiều quốc gia tổ chức ngày trẻ em vào những ngày khác.
Ngày lễ hội Thiếu nhi được cho là có nguồn gốc và được tổ chức lần đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ.[2] Ngày 23 tháng 4 năm 1920, Hội nghị Đại quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập và để kỷ niệm sự kiện này, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ngày 23 tháng 4 là ngày nghỉ lễ quốc gia từ năm 1921. Ngày này cũng là Lễ hội Thiếu Nhi tại Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Çocuk Bayramı), được tổ chức hàng năm với các hoạt động ngoạn mục và các nghi lễ kéo dài một tuần. Một tuyên bố chính thức trên toàn quốc để làm rõ và biện minh cho lễ kỷ niệm này được công bố vào năm 1931 bởi người sáng lập và Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Mustafa Kemal Atatürk.[3][4][5]
Trong hai thập kỷ qua, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng để quốc tế hóa ngày "Lễ Chủ quyền và Thiếu nhi" quan trọng này như việc mời các quốc gia bạn bè gửi trẻ em tới Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các lễ hội. Năm 2007, 61 quốc gia có trẻ em tham gia và năm 2010 là từ 42 quốc gia (trong đó có Việt Nam).[2]
Ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1 tháng 6) (tại Việt Nam còn gọi là Tết Thiếu nhi)[6] là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người, đồng thời cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Tháng 8 năm 1925, Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em (World Conference for the Well-being of Children) tại Geneva, Thụy Sĩ đã tuyên bố ngày 1 tháng 6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi.[7]
Chưa có giải thích chắc chắn do đâu mà ngày 1 tháng 6 được chọn: Một giả thuyết cho rằng Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco (Hoa Kỳ) đã tập hợp một số trẻ mồ côi Trung Quốc để chào mừng Lễ hội Thuyền rồng (Dragon Boat Festival) vào ngày 1 tháng 6 năm 1925, và cũng trùng hợp với hội nghị tại Geneva. Sau này ngày này được CHND Trung Hoa, Liên Xô và các nước đồng minh tiếp nhận.[8][9]
Sau Thế chiến thứ 2, việc thành lập một Ngày quốc tế trẻ em hàng năm đã được đề xuất vào tháng 12 năm 1948 trong một nghị quyết của Đại hội Thế giới lần thứ hai của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế (Women's International Democratic Federation) họp tại Budapest và được quyết định chính thức tại cuộc họp Hội đồng của Liên đoàn này trong tháng 11 năm 1949 tại Moskva và ngày 1 tháng 6 đã được thiết lập như là ngày của trẻ em. Ý tưởng này cũng được Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới (World Federation of Democratic Youth) theo định hướng xã hội chủ nghĩa chấp nhận trong tháng 1 năm 1950.[10] Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được tổ chức trong cùng năm đó vào ngày 1 tháng 6 năm 1950[11] và sau đó lan rộng ở nhiều quốc gia theo xã hội chủ nghĩa, lúc đó còn gọi là "ngày đấu tranh cho tương lai hạnh phúc và yên bình cho tất cả các trẻ em."[12]
Ngày lễ được cử hành vào ngày 1 tháng 6 hằng năm. Ngày lễ thường được đánh dấu bằng các bài phát biểu về quyền của trẻ em và an sinh, các chương trình truyền hình trẻ em, các buổi tiệc, những hoạt động khác nhau liên quan hoặc dành riêng cho trẻ em, gia đình sinh hoạt ngoài trời,...[8][9][13]
Khoảng 30 quốc gia đã từng có tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi như: Liên Xô và các quốc gia liên minh trong Khối Xô Viết cũ như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Montenegro, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan, Albania, Ba Lan, Bénin, Bosna và Hercegovina, Bulgaria, Croatia, Cuba, Czech, Slovakia, România, Serbia, Slovenia, Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Đức (sau khi ly khai, một số quốc gia chọn ngày khác), và Angola, Campuchia, Ethiopia, Eritrea, Lào, Macedonia, Mông Cổ, Mozambique, CHDCND Yemen, CHND Trung Hoa và CHXHCN Việt Nam.
Ngày Thiếu nhi Thế giới (World Children's Day), còn gọi là Ngày Thiếu nhi Phổ quát (Universal Children's Day) hay là Ngày Quốc tế về Quyền Trẻ em (International Day of Children's Rights) được tổ chức vào ngày 20 tháng 11 mỗi năm. Đầu tiên được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố và khởi xướng vào năm 1954 để khuyến khích tất cả các nước thành viên ghi nhớ một ngày, trước hết là để thúc đẩy trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các trẻ em; và thứ hai để bắt đầu tăng cường hành động phát triển phúc lợi và thúc đẩy tạo an sinh của trẻ em trên thế giới.[1] Nó cũng được chọn là ngày để kỷ niệm thời thơ ấu. Ngày Thiếu nhi Thế giới kế tiếp Ngày Quốc tế Nam giới vào 19 tháng 11 tạo ra một lễ kỷ niệm 48 giờ của nam giới và trẻ em tương ứng trong thời gian đó vai trò người lớn đóng góp tích cực trong cuộc sống của trẻ em và được công nhận.[14][15]
Ngày lễ lần đầu tiên được tổ chức trên toàn thế giới trong tháng 10 năm 1953, dưới sự bảo trợ của Liên minh Quốc tế vì Phúc lợi Trẻ thơ (International Union for Child Welfare) tại Geneva. Ý tưởng về một ngày thiếu nhi đã được thông qua do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1954.
Ngày 20 tháng 11 cũng là ngày đáng nhớ, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên bố về Quyền của Trẻ em vào ngày này năm 1959. Công ước về Quyền Trẻ em sau đó đã được ký kết trong cũng ngày này vào năm 1989, và đến nay được phê duyệt bởi 191 quốc gia. Theo công ước, trẻ em có quyền được sống trong 1 môi trường an toàn mà không bị phân biệt đối xử, trẻ em có quyền tiếp cận nước, thức ăn, được chăm sóc y tế, giáo dục và có tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến hạnh phúc, phúc lợi của trẻ.
Qua ngày hôm nay, Liên Hợp Quốc muốn tạo sự quan tâm của thế giới đối với quyền lợi của trẻ em, thúc đẩy những nỗ lực vì sự phát triển trẻ nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và sức khỏe.
Trong tháng 9 năm 2012, Tổng Thư ký Ban Ki-moon của Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy việc giáo dục trẻ em.[16] Ông mong muốn mọi trẻ em có thể đến trường để cải thiện các kỹ năng cần thiết có được trong các trường học và thực hiện chính sách về giáo dục để thúc đẩy hòa bình, tôn trọng và quan tâm đến môi trường.[16]
Ngày Thiếu nhi Phổ quát không chỉ đơn giản là một ngày để ăn mừng và vui chơi cho trẻ em, mà còn để mang lại nhận thức cho trẻ em trên toàn cầu và tưởng niệm những trẻ em qua đời vì bạo lực trong các hình thức lạm dụng, bị khai thác bóc lột và phân biệt đối xử. Trẻ em bị sử dụng là người lao động ở một số quốc gia, và bị cuốn hút trong các cuộc xung đột vũ trang, phải sinh sống trên các đường phố, và đau khổ bởi sự phân biệt đối xử về tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc thiểu số, hoặc khuyết tật.[17] Trẻ em cảm nhận những ảnh hưởng của chiến tranh và có thể bị tản cư, ly tán hoặc bị chấn thương về thể chất và tâm lý.[18] Các hành vi vi phạm sau đây được mô tả trong thuật ngữ "trẻ em và xung đột vũ trang": bị tuyển dụng làm binh sĩ trẻ em, bị giết hoặc làm tàn tật, bị bắt cóc và các cuộc tấn công vào các trường học, bệnh viện và không cho phép những trợ giúp nhân đạo được tiếp cận.[19] Hiện nay có khoảng 153 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 đang bị bắt buộc phải lao động trẻ em.[19] Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào năm 1999 đã ra tuyên cáo "Cấm và hạn chế các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em", bao gồm nô lệ, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em.[19]
Một vài quốc gia coi Ngày Thiếu nhi Thế giới, ngày 20 tháng 11, như Ngày Thiếu nhi chính thức của mình như: Canada, Úc, Ai Cập, Pakistan, Hungary, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp, Đan Mạch, Philippines, Israel, Thế giới Ả Rập,...
Mặc dù đề nghị ngày 20 tháng 11, nhưng Liên Hợp Quốc lại để cho các quốc gia thành viên có thể tổ chức ngày Thiếu nhi của riêng nước mình vào các ngày tự chọn khác nhau như: