Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Nền chính trị rổ thịt (còn gọi: chi tiêu rổ thịt) là một thuật ngữ thể hiện sự chê trách hiện tượng các chính trị gia dùng ngân sách nhà nước (hay chi tiêu chính phủ) để mua chuộc các cử tri trong khu vực tranh cử của mình. Nó còn được dùng để chỉ các chương trình hoặc dự án chi tiêu của chính phủ làm lợi cho một số người hoặc vùng địa phương bằng thuế do toàn thể đất nước đóng. Chẳng hạn trợ cấp nông nghiệp ở các nước công nghiệp phát triển chỉ có lợi cho một thiểu số người (vì giai cấp nông dân ở các nước này chỉ còn rất nhỏ), song người dân cả nước phải đóng thuế để chính phủ có tiền trợ cấp nông nghiệp. Nguyên nhân đằng sau hành động trợ cấp này là giai cấp nông dân là một nhóm cử tri rất quan trọng đối với nhiều chính đảng. Quyết định chi tiêu rổ thịt thường được đưa ra vào phút cuối của cuộc thảo luận về phân bổ ngân sách tại quốc hội nhằm mục đích dễ dàng được thông qua.
Thùng đựng thịt heo ướp muối là một vật dụng chứa đồ dự trữ thường thấy tại các gia đình ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 19, và có thể được dùng để đo lường mức độ giàu có về tài chính của một gia đình. Trong tác phẩm The Chainbearer vào năm 1845, James Fenimore Cooper đã viết, "Tôi cho là một gia đình đang trên con đường tuyệt vọng, khi mà người mẹ có thể thấy đáy của thùng đựng thịt heo."[1]
Trong chính trị học người ta nhận thấy sự yếu kém của Đầu phiếu đa số tương đối, đưa tới việc các đại biểu áp dụng chiến thuật này, bởi vì việc họ được bầu lại là tùy thuộc vào cử tri trong khu vực bỏ phiếu của họ, trong khi bầu cử theo kiểu Đại diện tỷ lệ đòi hỏi sự hỗ trợ của đa số thuộc nhiều vùng chung quanh.
Ở Đức người ta dùng từ "chính trị tháp nhà thờ" (Kirchturmpolitik) để chỉ vấn đề này. Thường thì mỗi làng đều có một nhà thờ, chính trị tháp nhà thờ ý là chỉ nghĩ tới lợi ích của làng mình thôi, hành động này có ảnh hưởng gì chung quanh thì không được để ý tới.