Ngọc Sơn | |
---|---|
Tên khai sinh | Thái Ngọc Sơn |
Tên gọi khác | Ngọc Sơn |
Sinh | 14 tháng 9, 1934 Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Liên bang Đông Dương |
Thể loại | Nhạc vàng Nhạc trữ tình |
Nghề nghiệp | Nhạc sĩ Ca sĩ Nhiếp ảnh gia |
Hãng đĩa | Continental Dư Âm |
Hợp tác với | Trần Văn Trạch Lam Phương Đài Phương Trang Dzoãn Bình Hoàng Trang Nguyễn Văn Đông Tuấn Hải |
Bài hát tiêu biểu | 100 phần 100 Đẹp lòng người yêu Màu tím pensée Nét son buồn Tơ duyên |
Ca sĩ trình bày thành công | Chế Linh, Giao Linh, Hùng Cường |
Website | Thái Ngọc Sơn Music Official Nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn Official |
Ngọc Sơn (tên đầy đủ: Thái Ngọc Sơn, sinh năm 1934) là một nhạc sĩ nhạc vàng người Việt Nam trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ông còn có bút danh là Lệ Uyên, Tú Nguyệt và Ngọc Xuân. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của các ca khúc nổi tiếng như "Đẹp lòng người yêu", "Màu tím pensée", "Nét son buồn", 100 phần 100, "Tơ duyên",...
Ông sinh ngày 14 tháng 9 năm 1934 tại Sài Gòn. Ông đam mê ca hát từ khi 15 tuổi, dù chỉ góp mặt trong dàn hợp xướng nhưng ông coi đó là vinh dự lớn. Tuy nhiên,ông tự thấy không có tương lai nếu theo nghề ca hát, nên chuyển hướng học làm vũ công với một thầy dạy nổi tiếng ở Sài Gòn.[1] Ông gia nhập ban vũ Lưu Bình Hồng, được nghệ sĩ Trần Văn Trạch giới thiệu cho gặp nhạc sĩ Lam Phương.[2]
Năm 19 tuổi, ông viết bài đầu tay là bài "Mùa thu", sau đổi thành "Ngõ vào đời" theo đề xuất của Lam Phương,[2] với những câu ca nặng âm hưởng ca dao "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh dài mẹ thức đủ năm canh...", được nhạc sĩ Nguyễn Văn Lâm mua, nhưng không được chú ý.[1][2] Ông tiếp tục tự học nhạc lý qua sách, đặc biệt là sách Để sáng tác một bài nhạc phổ thông do Hoàng Thi Thơ soạn (NXB Mỹ Tín, 1955). Ông được Trần Văn Trạch mời hát tân nhạc cho ban Sầm Giang nhưng được ít lâu sau thì thôi. Cũng nhờ Trần Văn Trạch giới thiệu,[2] năm 1960 nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ký hợp đồng với ông thâu âm hai bài đầu tay vào đĩa Continental. Ngọc Sơn lại tiếp tục con đường sáng tác.
Thành công với sáng tác, ông mở nhà xuất bản - hãng đĩa hát Dư Âm và lớp nhạc Ngọc Sơn trên đường Phạm Ngũ Lão. Lớp nhạc khoảng 400 người và nhiều người đã nổi danh như Chí Tâm, Giao Linh, Yến Linh, Đắc Chung (tác giả "Bội bạc", "Gian dối" khác của Ngọc Sơn), Phượng Vũ (tác giả "Áo nhà binh", "Cánh thư mùa hạ"),...[3]
Ngoài sáng tác nhạc, ông còn khá nhiều tài lẻ khác như vẽ minh họa cho các tạp chí Sài Gòn trước 1975, đóng phim/viết nhạc cho một số phim như Như giọt sương khuya, Như giọt mưa rơi, Vực nước mắt... hay nhất là làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ông bén duyên với nhiếp ảnh từ năm lên 16, 17 tuổi khi học chụp ảnh từ nhà báo Văn Mười.[2] Hiện ông là hội viên Photographic Society of America (Mỹ), Image sans Frontière (Pháp) và Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Gia Định.[4] Đây là thú vui hiện nay của ông.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sống tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục tham gia hoạt động nhiếp ảnh, viết nhạc phim cho đến nay. Nhìn chung nhạc của ông giai đoạn này mang âm hưởng Nam Bộ, có cả nhạc hài như "3 vợ", "Đường ta đi gấm hoa tuyệt vời", "Làm quen", "Suýt thành hoa hậu",...[5]
Về già, nhạc sĩ Ngọc Sơn vẫn đều đặn tham gia làm từ thiện chia sẻ với người khó khăn hơn. Năm 2017, ông cùng bạn bè làm đêm nhạc thiện nguyện Tiếng chuông đời.[6] Năm 2020, ông cùng nhà báo Lữ Đắc Long tổ chức triển lãm nghệ thuật ảnh 3D và dùng tiền thu được để đóng góp từ thiện.[7]
Con gái ông là Thái Ngọc Thanh cũng theo đường ca hát. Cô có biểu diễn một số sáng tác của cha mình và dựng thành video ca nhạc.[8]
Nhạc sĩ Đài Phương Trang là cháu gọi ông là cậu.
Bài "100 phần 100" (có chỗ còn viết "100%") là bài hát của Ngọc Sơn và Tuấn Hải viết về lính trẻ nhưng sau này Trung tâm Asia khi làm cuốn DVD Asia 29 - Chiến tranh & hoà bình lại ghi tên tác giả là Vũ Chương. Tương tự, bài "Đẹp lòng người yêu" cũng của Ngọc Sơn và Tuấn Hải nhưng bị nhiều nơi ghi là của Vinh Sử.
Thật ra tác giả của bài "Đêm buồn phố thị" là Ngân Giang.
Nhạc của Ngọc Sơn trước 1975, theo ông, có thể chia ra làm ba chủ đề là nhạc tình yêu đôi lứa, nhạc thời chiến và tân nhạc trong bài tân cổ.