Nhạc vàng

Nhạc vàng là dòng nhạc trữ tình lãng mạn bắt nguồn từ nhạc tiền chiến của tân nhạc Việt Nam được hình thành dưới thời Quốc gia Việt Nam và tiếp tục phát triển ở Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955–1975. Nhạc vàng khi phân biệt với các dòng nhạc khác thường xoay quanh các vấn đề giai điệu, tiết tấu, lối hát, hòa âm, nội dung sáng tác, tư tưởng chính trị.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Buổi ban đầu, nền tảng phát triển của nhạc vàng là sự tiếp nối của phong cách tân nhạc được khai phá từ những thập kỷ 1930–1940 (còn gọi là nhạc cải cách) rồi pha trộn với những yếu tố dân ca trữ tình truyền thống của Nam Bộ mà tạo nên nét đặc trưng của dòng nhạc này. Giống như hầu hết các dòng tân nhạc khác của Việt Nam hình thành từ trước năm 1975, sự phát triển của nhạc vàng bị chi phối rất mạnh bởi hoàn cảnh lịch sử - chính trị của nó, đặc biệt là sự chia cắt đất nước bởi Chiến tranh Việt Nam. Nhạc vàng được xem là một trong những trào lưu văn hóa của thời Pháp thuộc, Quốc gia Việt NamViệt Nam Cộng Hòa với nhiều ca khúc từ 1930 đến 1975 và lẫn hải ngoại sau này.

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc trưng của các sáng tác nhạc vàng là lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu chậm buồn đều đều (bolero, rumba, ballade...), âm hưởng dân ca, hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm.[1] Đôi khi nhạc vàng còn được dùng chỉ các bài thời tiền chiến hay "tình khúc 1954–1975" chậm buồn nhưng giai điệu khác với nhạc vàng, hay một số bài đậm chất dân gian nhưng không mang đặc trưng của nhạc vàng theo nghĩa phổ thông (nhiều bài đậm chất dân gian theo điệu chachacha). Đặc trưng của dòng nhạc vàng là lời ca giản dị, câu nhạc dễ nghe, chất chứa nỗi niềm của một bộ phận trong xã hội, chủ yếu là những người nghèo, bình dân. Dòng nhạc vàng có thể xem là chính thức định hình và đạt tới giai đoạn hoàng kim của nó trên phần đất Nam Việt Nam trong giai đoạn 1955–1975.

Điệu Bolero Việt Nam được sử dụng phổ biến nhất trong các bài nhạc vàng. Tuy nhiên, không phải bài nhạc vàng nào cũng viết theo giai điệu bolero và bolero chỉ là một phần thuộc nhạc vàng. Một số nhạc sĩ các dòng khác cũng có thể sử dụng bolero để sáng tác.

Trong Tân nhạc Việt Nam, nhạc vàng được xếp vào dòng nhạc nhẹ, nhiều bài ảnh hưởng dân ca ở mức độ khác nhau, do đó thường hát với một dàn nhạc nhẹ, đôi khi có các nhạc cụ dân tộc. Về cấu trúc thường A-B-A, theo cấu trúc phổ biến âm nhạc đại chúng thế giới khi đó, nhịp điệu tiết tấu ít biến đổi thường 4/4. Chủ đề các bài hát thường là mô tả tâm trạng cá nhân, kể chuyện, xoay quanh nghèo, thất tình, quê hương hay người lính... Hát thường giọng ngực, ít nốt cao, nặng tự sự giải bày nên coi trọng tròn chữ, ngọt ngào phù hợp tâm lý đối tượng hay nghe dòng này.

Nhạc vàng là sự liên kết giữa dân ca với nhạc nhẹ, nhạc ballad của phương Tây. Vì vậy, nhạc vàng cũng chịu ảnh hưởng của các trào lưu nhạc nhẹ phổ biến trên thế giới khi đó. Thuật ngữ nhạc nhẹ ở Việt Nam là dịch từ tiếng Nga, ám chỉ nhạc đại chúng. Lúc đầu nhạc nhẹ là chỉ một phong trào cách tân nhạc cổ điển ở Anh (về sau hay được hiểu là vừa có chất cổ điển lại có chất đại chúng), sau đó nhạc nhẹ hay được dùng từ giữa thế kỷ 19 như là một sự thoát ly nhạc cổ điển và dần hình thành nên nhạc đương đại sau này. Nó được ám chỉ cho các sáng tác dễ nghe, nhẹ nhàng. Nhạc vàng thường có cấu trúc đơn giản, thường có chất ballad có chất thơ / văn vần, nhưng cũng có thể đậm chất văn nói.

Trên thực tế hiện nay, rất nhiều ca sĩ trình bày các tác phẩm cũ theo các phong cách khác nhau, pha tạp các trào lưu và nhạc cụ mới nên giai điệu bài hát thường không còn đúng theo nguyên gốc.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ nhạc vàng bắt chước từ Trung Quốc, vì trong Hán ngữ nhạc màu vàng (黃色音樂, Hán Việt: hoàng sắc âm nhạc) được hiểu là nhạc tình thời thượng của thập niên 1930, dòng nhạc này phổ biến ở Thượng Hải. "Nhạc màu vàng" theo đó bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt". Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Trung Quốc cũng có hai màu nhạc chính là hồng ca (nhạc đỏ, nhạc cổ vũ quân sự chính trị) và hoàng ca (nhạc vàng, nhạc trữ tình thời thượng được cho là có xuất xứ từ Thượng Hải thời kỳ quân phiệt), nhạc vàng Trung Quốc bị coi là dòng nhạc phản động, khêu gợi luyến ái và có tính chất có hại cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển văn hóa lành mạnh.

Theo người sáng tác

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh "Bolero sau nửa thế kỷ, mới tạm định hình với cái tên hiện nay. Trước đó, mỗi khúc quanh của thời cuộc lại đặt để cho hàng chục ngàn bài tình ca đô thị miền Nam này mỗi cái tên khác như nhạc sến, nhạc mùi, nhạc bình dân... và rồi là nhạc vàng".[2]

Theo Phạm Duy thì "Có sự thành công của những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm - mệnh danh là nhạc vàng - với những tình cảm dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phương và lính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến"[3]

Theo báo chí trong nước trước năm 1975

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo tuần báo nghị luận Đời Mới xuất bản Sài Gòn 1954, số 130: "Âm nhạc của chúng ta không chỉ có Quốc nhạc và nhạc Tây phương, mà còn có dòng nhạc Cải cách. Mười mấy năm nay, chẳng phải có một thế hệ nhạc sĩ sáng tác "nhạc Tây" nhưng "hồn Việt" đó sao. Chúng ta có Văn Cao, Lưu Hữu Phước rất sành nhạc cổ điển Tây phương, có một Phạm Duy sáng tác dân ca cải cách, có một Lê Thương dám sáng tác cả trường ca đồ sộ...Tuy nhiên so sánh với mấy nước láng giềng thôi, như Nhật Bổn, Tân Gia Ba, thì âm nhạc của chúng ta vẫn thua kém họ nhiều lắm. Chúng ta còn yếu về nhạc cổ điển, thậm trí yếu cả sáng tác nhạc cho trẻ em, mà vài năm nay thì chỉ mạnh lên có mấy sáng tác theo thị hiếu nhất thời nông nổi của lứa tuổi choai choai, "kề làn môi hương tình ngây ngất" văng vẳng trên sóng phát thanh... Nhiều hơn cả là sáng tác theo mấy điệu nhạc khiêu vũ thịnh hành ở Lạp Đinh Mỹ Châu (mambo, chachacha, rumba, bolero, tango, samba,...), đầu Ngô mình Sở, chỉ cần mấy nhạc cụ đơn giản Tây ban cầm, Hạ uy di là có thể nghêu ngao khắp phố phường. Một vài nhạc sĩ cũng muốn thoát khỏi "Nhớ nhung", "Trăng chờ"... để quay lại với "Việt Nam anh dũng", "Thúc quân", nhưng chỉ như ngọn đèn lung lay trước bão. Đến "Hòn vong phu" của Lê Thương còn có ý kiến cho yếu đuối, hoài cổ, mấy sáng tác "lãng mạn cách mạng" của Trần Hoàn, hay mấy bản dân ca tự tôn dân tộc của Phạm Duy, ngày càng lép vế với nhạc tình kiểu "Khúc nhạc tương tư" của Ngọc Bích mà người sáng tác bê về thành hay mấy bài của Đoàn Chuẩn, vốn đang ăn khách gần đây...Thật ra thị hiếu quần chúng cũng là do nhạc sĩ dẫn dắt, một vòng luẩn quẩn..."

Theo báo chí trong nước sau năm 1975

[sửa | sửa mã nguồn]

"Nhạc vàng để chỉ các ca khúc trữ tình lãng mạn thời tiền chiến và trong vùng do chế độ Sài Gòn kiểm soát. Các ca khúc này có thể được xem là thuộc dòng nhạc nhẹ, với các thể điệu phổ biến như bolero, rumba, slow, tango, chachacha, boston,..., với đặc trưng là dễ hát, dễ đi vào quần chúng bình dân. Nhạc cổ điển không phát triển trong chế độ cũ, mặc dù có Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn và Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nhưng giáo trình nghèo nàn... Các nhạc sĩ có năng lực sáng tác nhạc cổ điển như Nghiêm Phú Phi thì "thất nghiệp" phải đi làm hòa âm, còn Hoàng Thi Thơ thì sáng tác nhạc đại chúng, nhạc giải trí vì nó dễ kiếm tiền. Thiếu vắng "nhạc hùng", nhạc cổ điển "mới" có thể chơi với dàn nhạc giao hưởng, họ hay "mượn tạm" các ca khúc thời kháng Pháp, sửa lời, và một số sáng tác thời Pháp chiếm như Hòn vọng phu (Lê Thương), "Hội trùng dương" (Phạm Đình Chương), giai điệu khá đơn giản nhưng có tính dân tộc có giá trị đáng kể về mặt nghệ thuật... Một nền âm nhạc phân chia giai cấp và ảnh hưởng của thị trường khiến cho sự phân loại không dễ dàng... Nhưng phổ biến hơn cả, là hai dòng "nhạc sang" và "nhạc sến" đều là những khái niệm ra đời ngay trong lòng của thị trường âm nhạc thời đó. Dù là sang hay sến, dù là Văn Phụng, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, hay Vinh Sử, thì đều là nhạc nhẹ với cái tên chung là nhạc thời trang (tức là nhạc thị trường bây giờ). Do tác động của kinh tế thị trường, ít tác phẩm có chiều sâu về nghệ thuật, nên năm 1970 một số văn nhạc sĩ như Nguyễn Đình Toàn, Ngọc Chánh, Hoàng Trọng, Hoàng Nguyên, Phạm Mạnh Cương,... đã giới thiệu nhiều tác phẩm có giá trị hơn của "thời tiền chiến" và đặt cho nó cái tên là nhạc tiền chiến, với những bài cả dòng nhạc nhẹ lẫn nhạc cổ điển và bán cổ điển. Cái tên này chỉ là để phân biệt với nhạc thời trang hay "nhạc thương phẩm" theo Phạm Duy lúc đó...Để chiều theo thị hiếu, khác với miền Bắc lúc đó đề cao nhạc cổ điển và dân ca, hát theo lối Bel canto, trừ một số rất ít thế hệ cũ như Thái Thanh, Kim Tước, thì hầu hết các ca sĩ miền Nam hát theo lối hát truyền thống, giọng trầm tròn vành rõ chữ. Đối với dòng "nhạc vàng" phổ biến nhất lúc đó, thì bên cạnh phối theo nhạc nhẹ, hát bằng giọng Bắc, dù không hay ít ảnh hưởng dân ca, còn có thể chơi với dàn nhạc dân gian (dù trên thực tế là hiếm trước 1975) và hát giọng Nam với một số ít các bài hát ảnh hưởng sâu sắc dân ca Nam Bộ. Lối hát "giọng mũi" là đặc trưng của nhạc điệu bolero, và phù hợp "giọng bẹt" của người miền Nam, mà làm cho nó càng trở nên mùi mẫn... Trong số các nhạc sĩ thời đó, nổi bật nhất là Trịnh Công Sơn, dù chỉ là những bản ballad nhẹ nhàng chịu ảnh hưởng nhạc phương Tây "đương đại", giai điệu đơn giản, không cầu kỳ, tiết tấu nhịp nhàng "dễ chịu", nhưng hồn thơ thì thấm đẫm..."[4] Tuy nhiên Trịnh Công Sơn ít khi được xem là nhạc sĩ nhạc vàng, mà ông được xem là có dòng nhạc cho riêng mình.

Quá trình phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản nhạc Giòng An Giang theo điệu Valse của Anh Việt Thu.

Giai đoạn trước năm 1975

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại miền Nam, nhạc vàng phát triển thành nhiều phong cách, từ nhạc tình tự quê hương với biến thể từ dân ca Nam Bộ, nhạc lính, bolero kể chuyện, "kích động nhạc",... Bài hát điệu Rumba đầu tiên là Trăng sơn cước của Văn Phụng và Văn Khôi viết năm 1949, còn bài hát điệu bolero đầu tiên là Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn năm 1952.

Nhiều sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng được xem là có đóng góp cho Tân nhạc Việt Nam nhiều ca khúc có giá trị như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Cung Tiến,... thời kỳ này cũng được xem là nhạc vàng, căn cứ cụ thể vào từng bài hát của họ. So với thời kỳ thập niên 1950 về trước, sáng tác của Phạm Duy có những chuyển biến rất đa dạng, nhiều đề tài, thái độ từ tâm linh, tôn giáo, xã hội và một số mang màu sắc thị trường như dòng nhạc trẻ, nhạc vỉa hè. Trịnh Công Sơn thì ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa hiện sinh, thái độ lạc lõng bơ vơ, "nổi loạn tinh thần" và mang màu sắc vô thần (tư tưởng này có một số nét trùng lặp giống chủ nghĩa cộng sản về lý thuyết), nên nhạc Trịnh được coi là một dòng nhạc riêng biệt chứ không phải nhạc vàng.

Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với danh hiệu "nhạc vàng" như hãng Hương Giang, hãng Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và hãng Shotguns[5] của Ngọc Chánh. Nhạc vàng sau đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Phong trào bài trừ "nhạc màu vàng" ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông lan sang miền Bắc Việt Nam. Nhà nước chống nhạc "ủy mị" vì thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng.[6] Cả nhạc vàng lẫn dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng không được hát. Đối lập với nhạc vàng bị cấm đoán là nhạc đỏ, tức dòng nhạc nêu cao tinh thần cách mạng, mục tiêu đấu tranh giai cấp và cổ vũ những người Cộng sản chiến đấu.

Giai đoạn sau năm 1975

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối với người Việt hải ngoại thì nhạc vàng là một dòng nhạc chủ đạo trong thị hiếu người nghe nhạc và cùng với tình khúc 1954-1975 trở thành dòng nhạc chủ đạo của tân nhạc hải ngoại, tuy nhiên ranh giới giữa hai dòng nhạc này không còn rõ rệt như thời kỳ trước năm 1975.

Đến đầu thế kỷ 21, nhạc vàng bắt đầu thoái trào ở hải ngoại. Những khán giả gốc Việt thích nghe nhạc vàng đã lớn tuổi và dần qua đời, trong khi lớp thanh niên trẻ gốc Việt sinh ra ở Âu - Mỹ thì đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa, âm nhạc bản xứ nên chỉ thích nghe nhạc Âu - Mỹ, họ ngày càng ít quan tâm đến các dòng nhạc tiếng Việt. Vì vậy, thị trường văn nghệ hải ngoại ngày càng thu hẹp, các trung tâm chuyên trình diễn nhạc vàng ở hải ngoại phải thu hẹp dần hoạt động. Từ năm 2007, nhiều nghệ sĩ chuyên hát nhạc vàng ở hải ngoại đã bắt đầu từ hải ngoại trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp.[7]

Nghệ sĩ nổi bật

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhạc sĩ: Anh Bằng, Anh Việt Thanh, Anh Việt Thu, Bảo Thu, Bắc Sơn, Bằng Giang, Châu Kỳ, Dzũng Chinh, Đài Phương Trang, Đinh Miên Vũ, Đinh Trầm Ca, Giao Tiên, Hàn Châu, Hoài An, Hoài Linh, Hoài Nam, Hoàng Phương, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trang, Hồng Vân, Huỳnh Anh, Khánh Băng, Lam Phương, Lê Dinh, Lê Minh Bằng (nhóm), Lê Mộng Bảo, Minh Kỳ, Mạnh Phát, Mặc Thế Nhân, Ngân Giang, Nhật Ngân, Phạm Mạnh Cương, Phạm Thế Mỹ, Quốc Dũng, Song Ngọc, Tâm Anh, Tô Thanh Sơn, Tô Thanh Tùng, Thanh Sơn, Trần Long Ẩn, Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân (nhóm), Trúc Phương, Tú Nhi, Tuấn Hải, Vinh Sử, Y Vân, Y Vũ, ...

Ca sĩ: Anh Khoa, Băng Châu, Băng Tâm, Bảo Yến, Bùi Thiện, Cẩm Ly, Châu Ngọc Hà, Chế Linh, Chế Thanh, Dalena Morton, Dương Hồng Loan, Duy Khánh, Duy Quang, Duy Trường, Dương Ngọc Thái, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Nguyên, Đặng Thế Luân, Đình Văn, Giang Tử, Giao Linh, Hà Thanh Xuân, Hạ Vy, Hoài Lâm, Hoài Nam (hải ngoại), Hoàng Oanh, Hoàng Thục Linh, Hùng Cường, Huỳnh Nguyễn Công Bằng, Huỳnh Phi Tiễn, Hương Lan, Hương Thủy, Kim Anh, Lệ Quyên, Lưu Chí Vỹ, Lưu Hồng, Mai Lệ Huyền, Mai Thiên Vân, Mạnh Đình, Mạnh Quỳnh, Mỹ Huyền, Ngọc Huyền, Ngọc Ngữ, Ngọc Sơn, Nhật Trường, Như Quỳnh, Phi Nhung, Phương Anh, Phương Dung, Phương Hồng Quế, Phượng Mai, Quang Lê, Quang Linh, Quỳnh Dung, Sơn Ca, Sơn Tuyền, Tâm Đoan, Thái Châu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Thạch Thảo,Thế Sơn, Trung Chỉnh, Trường Vũ, Tuấn Vũ, Tường Nguyên, Y Phụng, Yên Khoa, ...

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trần Củng Sơn. Một thoáng 26 năm. San Jose, CA: Hương Quê, 2011. Trang 474-7.
  2. ^ Tuấn Khanh: Nhạc vàng qua lửa đỏ
  3. ^ Hồi ký Phạm Duy.
  4. ^ Chuyên đề Văn nghệ Công an số 4/2002, tr.11
  5. ^ “Ho^`n Que^”.
  6. ^ Jason Gibbs (Nguyễn Trương Quý dịch), Nhạc vàng “hoá vàng” (Talawas, 23.6.2005)
  7. ^ Hà Ngân, Vì sao nghệ sĩ hải ngoại ùn ùn về Việt Nam (Báo Thanh Niên, 05/10/2015)
  8. ^ Ca sĩ Thanh Lam trả lời trên báo Trí Thức Trẻ, ngày 21/10/2017
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
5 lọ kem chống nắng trẻ hóa làn da tốt nhất
5 lọ kem chống nắng trẻ hóa làn da tốt nhất
Nếu da đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lão hóa, bạn nên tham khảo 5 lọ kem chống nắng sau
Download Anime Kyokou Suiri VietSub
Download Anime Kyokou Suiri VietSub
Năm 11 tuổi, Kotoko Iwanga bị bắt cóc bởi 1 yêu ma trong 2 tuần và được yêu cầu trở thành Thần trí tuệ
Sáu Truyền Thuyết Kinh Điển Về Tết Trung Thu
Sáu Truyền Thuyết Kinh Điển Về Tết Trung Thu
Tương truyền, sau khi Hằng Nga ăn trộm thuốc trường sinh mà Hậu Nghệ đã xin được từ chỗ Tây Vương Mẫu, nàng liền bay lên cung trăng
Bài học từ chiếc túi hàng hiệu
Bài học từ chiếc túi hàng hiệu
Mình sở hữu chiếc túi designer bag đầu tiên cách đây vài năm, lúc mình mới đi du học. Để mà nói thì túi hàng hiệu là một trong những ''life goals" của mình đặt ra khi còn bé