Nguyên tắc ngón tay cái

Nguyên tắc ngón tay cái hay rule of thumb là một cụm từ chỉ các nguyên tắc không hướng đến sự chính xác hoặc đáng tin cậy trong mọi tình huống, nhưng có ứng dụng rộng rãi. Nguyên tắc ngón tay cái đề cập đến một quy trình hoặc tiêu chuẩn dễ học và dễ áp dụng, dựa trên kinh nghiệm thực tế hơn là lý thuyết.[1] Từ nguyên học dân gian liên hệ cụm từ này với bạo hành trong gia đình thông qua một luật cho phép đánh vợ với điều kiện công cụ được sử dụng không dày hơn ngón tay cái của một người đàn ông. Luật đó được cho là không có thật, nhưng truyền thuyết này về nguyên tắc ngón tay cái vẫn tồn tại và được mô tả là một trong những truyền thuyết dai dẳng nhất.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc chính xác của cụm từ này vẫn chưa được xác định.[2] Sự xuất hiện sớm nhất của cụm từ là trên báo in vào năm 1685, liên quan đến một tuyển tập các bài thuyết giảng của nhà truyền giáo người Xcốt-len James Durham được xuất bản sau khi ông qua đời: "Nhiều Cơ Đốc nhân tự nhận cũng giống như những người xây dựng ngu ngốc, là những người xây bằng cách phỏng đoán và xây theo nguyên tắc ngón tay cái (như chúng ta hay nói), chứ không sử dụng ê-ke và thước".[3][4]

Cụm từ này cũng được tìm thấy trong cuốn The Compleat Fencing Master, năm 1692, của Ngài William Hope: "Những gì anh ta làm là làm theo Nguyên tắc Ngón tay cái, chứ không phải theo Nghệ thuật".[5] Cuốn The Complete Collection of Scottish Proverbs, năm 1721, của James Kelly bao gồm: "Không có nguyên tắc nào tốt bằng Nguyên tắc Ngón tay cái, nếu nó trúng",[6][7] ý chỉ một sự ước chừng trên thực tế.[5]

Trong lịch sử, chiều rộng của ngón tay cái, hay "bề ngang của ngón tay cái", đã được sử dụng tương đương với một inch trong ngành buôn bán vải; những cách diễn đạt tương tự cũng tồn tại trong tiếng Latinhtiếng Pháp.[3][6] Ngón tay cái cũng được sử dụng trong ngành làm bia, để đo lượng nhiệt của thùng ủ bia.[1] Ebenezer Cobham Brewer đã viết rằng nguyên tắc ngón tay cái có nghĩa là "sự đo lường thô". Ông nói rằng: "Các quý bà thường đo chiều dài của một yard bằng ngón tay cái của họ. Trên thực tế, khái niệm 'mười sáu móng tay là một yard' dường như để nói đến móng tay của ngón tay cái như là một tiêu chuẩn" và rằng "người ở nông thôn luôn đo đạc bằng ngón tay cái của họ".[8]

Từ nguyên học dân gian

[sửa | sửa mã nguồn]
Cartoon of Sir Francis Buller in judges' robes and powdered wig, carrying bundles of rods whose ends resemble thumbs; in the background, a man with a rod raised over his head is about to strike a woman who is running away from him
Hình vẽ của James Gillray châm biếm Ngài Francis Buller, năm 1782: "Thẩm phán Ngón tay cái; hoặc, Gậy sáng chế để sửa dạy trong gia đình: Đảm bảo đúng luật!"

Từ nguyên học dân gian hiện đại liên hệ cụm từ này với bạo hành trong gia đình thông qua một nguyên tắc theo luật Anh được cho là đã cho phép đánh vợ với điều kiện dụng cụ được sử dụng là một cái que hoặc gậy không dày hơn ngón tay cái của một người đàn ông.[5][9] Bạo hành trong gia đình đã chính thức bị cấm ở Anh và Hoa Kỳ từ nhiều thế kỷ trước, nhưng việc thực thi luật không nhất quán, và bạo hành vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, một nguyên tắc ngón tay cái cho phép đánh vợ chưa bao giờ được luật hóa.[10][11][12]

Vào cuối thế kỷ 18, nhà luật học người Anh William Blackstone đã viết trong cuốn Bình luận về Luật pháp của nước Anh rằng, theo một "luật cổ", một người chồng trước đây đã được biện minh khi sử dụng "sự sửa trị vừa phải" đối với vợ mình nhưng bị cấm gây ra bạo lực nghiêm trọng; Blackstone không đề cập đến ngón tay cái hoặc gậy.[6][10] Theo Blackstone, thông lệ này đã bị nghi ngờ vào cuối thế kỷ thứ 17, và một phụ nữ được phép có "sự an toàn của hòa bình" chống lại người chồng bạo hành.[6][a] Học giả pháp lý thế kỷ 20 là William L. Prosser đã viết rằng "có lẽ chuyện này là không có thật" rằng một người chồng được phép đánh vợ "bằng một cây gậy không dày hơn ngón tay cái".[3][11]

Mối liên quan giữa ngón tay cái và các hành vi bạo hành trong gia đình có thể được đã tồn tại từ năm 1782, khi thẩm phán người Anh, Ngài Francis Buller bị chế giễu vì được cho là đã tuyên bố rằng một người chồng có thể đánh vợ mình, với điều kiện anh ta phải dùng một cây gậy không rộng hơn ngón tay cái của mình.[b] Không có tài liệu nào về việc Buller đưa ra tuyên bố như vậy, nhưng tin đồn đã tạo ra nhiều báo chí châm biếm, và Buller bị chế giễu là "Thẩm phán Ngón tay cái" trong các truyện cười và tranh biếm họa đã xuất bản.[6][10][13]

Trong thế kỷ tiếp theo, một số phán quyết của tòa án ở Hoa Kỳ đề cập đến một học thuyết được cho là nguyên tắc trong hệ thống thông luật mà các thẩm phán tin rằng đã từng cho phép đánh vợ bằng công cụ nhỏ hơn ngón tay cái.[3][12] Không một tòa án nào trong số này gọi nguyên tắc đó là nguyên tắc ngón tay cái hoặc tán thành một nguyên tắc như vậy, nhưng tất cả đều cho phép đánh vợ ở một mức độ nào đó miễn là nó không gây ra thương tích nghiêm trọng.[10]

Một phán quyết của tòa án vào năm 1824 ở Mississippi đã tuyên bố rằng một người đàn ông có quyền thi hành "kỷ luật gia đình" bằng cách đánh vợ bằng roi hoặc gậy không rộng hơn ngón tay cái của vị thẩm phán. Trong một vụ kiện sau đó ở bang North Carolina (vụ Chính quyền bang kiện Rhodes, năm 1868), bị cáo bị phát hiện đã đánh vợ mình "bằng một cái roi to bằng ngón tay này"; thẩm phán trong vụ này xử người đàn ông không phạm tội do cái roi nhỏ hơn một ngón tay cái.[12] Phán quyết đã được tòa án tối cao của tiểu bang giữ nguyên, mặc dù vị thẩm phán tòa tối cao của tiểu bang sau đó đã tuyên bố:  

Chuyện một ông chồng có quyền đánh vợ mình cũng không đúng. Và nếu anh ta có quyền đi nữa, thật không dễ hình dung làm thế nào mà ngón tay cái lại là tiêu chuẩn cho kích thước của công cụ mà ông ta được sử dụng, như một số thẩm quyền cổ đã từng nói [...] Tiêu chuẩn ở đây là hậu quả gây ra, chứ không phải cách gây ra hậu quả, hay công cụ được sử dụng.[12][6]

Năm 1873, cũng tại bang North Carolina, thẩm phán trong vụ Chính quyền bang kiện Oliver ra phán quyết, "Chúng tôi giả định rằng nguyên tắc cũ là người chồng có quyền đánh vợ, với điều kiện anh ta sử dụng một cái roi không lớn hơn ngón tay cái, không phải là luật ở North Carolina".[11][12] Hai trường hợp vừa nêu đã được học giả pháp lý Beirne Stedman trích dẫn khi vào năm 1917 ông viết trong một bài cho tạp chí luật rằng một "nguyên tắc thông luật cũ" đã cho phép người chồng sử dụng "sự trừng phạt cá nhân vừa phải đối với vợ mình" miễn là ông ấy sử dụng "một cái roi không lớn hơn ngón tay cái".[6][11]

Vào cuối thế kỷ thứ 19, hầu hết các bang của Mỹ đã có luật cấm đánh vợ; một số áp dụng hình phạt nặng như bốn mươi roi hoặc phạt tù đối với người vi phạm. Có một niềm tin phổ biến tại một số nơi ở Hoa Kỳ rằng một người đàn ông được phép đánh vợ bằng một cây gậy không rộng hơn ngón tay cái của ông ta; tuy nhiên, niềm tin này không được liên hệ với cụm từ nguyên tắc ngón tay cái cho đến thập niên 1970.[12]

Vào cuối thế kỷ 20, một số nỗ lực đã được thực hiện để ngăn cản cụm từ nguyên tắc ngón tay cái,[6] được coi là điều cấm kỵ do nguồn gốc sai lệch này.[10] Patricia T. O'Conner, cựu biên tập viên của New York Times Book Review, mô tả nó là "một trong những truyền thuyết dai dẳng nhất về tính đúng đắn chính trị".[3] Trong những năm 1990, một số tác giả đã viết về từ nguyên sai của nguyên tắc ngón tay cái, bao gồm cả nhà phê bình xã hội bảo thủ Christina Hoff Sommers,[10] người đã mô tả nguồn gốc của nó trong một sự hiểu lầm về bài bình luận của Blackstone.[11] Tuy nhiên, truyền thuyết này vẫn tồn tại trong một số nguồn hợp pháp vào đầu thập kỷ 2000.[10]

Mặc dù cách hiểu sai về thông luật (là một tập hợp các nguyên tắc pháp lý chứ không phải là luật thành văn với các phần riêng lẻ), nguyên tắc pháp lý giả liên quan đến "nguyên tắc ngón tay cái" này đã sớm được đề cập trong một số tạp chí luật.[10][6] Truyền thuyết này đã được lặp lại trong một báo cáo năm 1982 của Ủy ban Dân quyền Hoa Kỳ về bạo hành trong gia đình có tiêu đề "Theo Nguyên tắc Ngón tay cái", cũng như báo cáo sau đó của Thượng viện Hoa Kỳ về Đạo luật Chống Bạo hành Phụ nữ.[10]

  1. ^ Một trong các nguồn của Blackstone là Ngài Matthew Hale, là nhà luật học đã ra phán quyết vào năm 1674 rằng một người chồng được răn dạy vợ của anh ta và giữ vợ anh ta trong nhà nhưng không được đánh cô ta.[10]
  2. ^ Vẫn chưa biết được liệu Buller được cho là có ý nói ngón tay cái của chính ông hay của người chồng. Một lịch sử ghi lại rằng "Một nữ bá tước hóm hỉnh được cho là đã gửi yêu cầu đo ngón tay cái của ông vào ngày hôm sau, để bà có thể biết quyền của chồng mình là đến mức độ nào".[10][6]

 

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b The Wordsworth Dictionary of Phrase and Fable. Ware, UK: Wordsworth Editions. 2001. tr. 1076. ISBN 1-84-022310-3.
  2. ^ Martin, Gary. 'Rule of thumb' – the meaning and origin of this phrase”. phrases.org.uk.
  3. ^ a b c d e O'Conner, Patricia T.; Kellerman, Stewart (2009). Origins of the Specious: Myths and Misconceptions of the English Language. Random House. tr. 123–126. ISBN 978-1-58-836856-0.
  4. ^ "rule of thumb, n. and adj.". OED Online. September 2016. Oxford University Press. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2016.
  5. ^ a b c Safire, William (2003). No Uncertain Terms: More Writing from the Popular "On Language" Column in The New York Times Magazine. Simon and Schuster. tr. 188–90. ISBN 978-0-74-324955-3. rule of thumb.
  6. ^ a b c d e f g h i j Kelly, Henry Ansgar (tháng 9 năm 1994). Rule of Thumb and the Folklaw of the Husband's Stick” (PDF). Journal of Legal Education. 44 (3): 341–65. JSTOR 42893341.
  7. ^ Kelly, James (1721) [reprinted 1977]. A complete collection of Scottish proverbs explained and made intelligible to the English reader. Norwood, Pa.: Norwood Editions. tr. 257. ISBN 978-0-84-821450-0.
  8. ^ Brewer, Ebenezer Cobham (1905). Dictionary of Phrase and Fable: Giving the Derivation, Source, or Origin of Common Phrases, Allusions, and Words That Have a Tale to Tell . Philadelphia: J.B. Lippincott. tr. 1226. LCCN 07018822. OL 13521152M.
  9. ^ Brunvand, Jan Harold (2012). Encyclopedia of Urban Legends. Santa Barbara, Calif.: ABC-CLIO. tr. 243. ISBN 978-1-59-884720-8.
  10. ^ a b c d e f g h i j k Clapp, James E.; và đồng nghiệp (2011). “Rule of thumb”. Lawtalk: the unknown stories behind familiar legal expressions. Yale University Press. tr. 219–225. ISBN 978-0-30-017817-3.
  11. ^ a b c d e Wallace, Paul Harvey; Roberson, Cliff (2016). Family Violence: Legal, Medical, and Social Perspectives. New York, N.Y.; Abingdon, UK: Routledge. tr. 50–51. ISBN 978-1-315-62827-1.
  12. ^ a b c d e f Wilton, David (2004). Word Myths: Debunking Linguistic Urban Legends. Oxford University Press. tr. 15. ISBN 0-19-517284-1.
  13. ^ Foyster, Elizabeth (2005). Marital violence: an English family history, 1660–1857 (ấn bản thứ 1). New York: Cambridge University Press. tr. 12. ISBN 0521834511.

 

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan