Nguyễn Nhật Ánh | |
---|---|
Nguyễn Nhật Ánh vào tháng 4 năm 2022 | |
Sinh | 7 tháng 5, 1955 Bình Quế, Thăng Bình, Quảng Nam, Việt Nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Nghề nghiệp | Nhà văn |
Phối ngẫu | Trần Thị Tiếng Thu (không rõ ngày tháng) |
Con cái | 1 |
Sự nghiệp viết lách | |
Giai đoạn sáng tác | 1984 – nay |
Thể loại | |
Tác phẩm nổi bật | Xem chi tiết |
Giải thưởng nổi bật | Giải thưởng Văn học Asean 2010 |
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955)[1] là một nam nhà văn người Việt Nam. Được xem là một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay, ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi trẻ. Nhiều tác phẩm của ông được độc giả và giới chuyên môn đánh giá cao, đa số đều đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.
Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông theo học tại các trường THPT Tiểu La, THPT chuyên ban Trần Cao Vân và THCS Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Từ năm 1973, ông chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng tham gia Thanh niên xung phong, dạy học môn Văn tại trường THCS Bình Tây (Quận 6) từ năm 1983-1985.
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên được in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984).[2] Hơn hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A.
Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng, sau là Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủy...[3] Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô (xuất bản lần đầu năm 2007).
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008. Tác phẩm này được tặng Giải thưởng Văn học ASEAN 2010.
Năm 2012, Nguyễn Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019), Con chim xanh biếc bay về (2020). Tháng 1 năm 2022, ông tiếp tục cho xuất bản tác phẩm Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, được viết trong thời gian Sài Gòn giãn cách dịch COVID-19, chủ đề nhẹ nhàng gần gũi về các loài động vật, với lời văn đầy màu sắc. Đây được xem là "tác phẩm chữa lành mùa dịch".
Ông hiện đã kết hôn và đang sống cùng vợ là bà Trần Thị Tiếng Thu. Ông có con gái tên Nguyễn Nhật Quỳnh Anh và còn có một người em ruột. Theo ông, vợ con và em ruột chính là hậu phương vững chắc và luôn hỗ trợ ông mỗi khi sáng tác các tác phẩm. Thành công lớn nhất của ông là sau khi đất nước thống nhất, sách của ông được độc giả cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đón nhận nhiệt tình, trong đó đón nhận nhiệt tình nhất là ở Hà Nội (thủ đô của đất nước), Thành phố Hồ Chí Minh (thành phố lớn nhất, nơi ông sinh sống) và Quảng Nam (quê hương ông).
Ngoài ra, tác phẩm của ông cũng được chuyển thể thành kịch: