Nguyễn Văn Hiếu (1746 - 1835) là tướng chúa Nguyễn và là quan nhà Nguyễn, Việt Nam.
Nguyễn Văn Hiếu | |||||
---|---|---|---|---|---|
Tổng đốc Nhà Nguyễn | |||||
Tiền nhiệm | chức vụ thành lập | ||||
Kế nhiệm | chưa rõ | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | 1746 Gò Công, Tiền Giang | ||||
Mất | 1835 Hà Nội Đại Nam | ||||
Hậu duệ | Nguyễn Phúc Khuê Gia | ||||
| |||||
hoàng tộc | Họ Nguyễn | ||||
Thân phụ | Nguyễn Văn Đán |
Nguyễn Văn Hiếu là người Kiến Hòa, tỉnh Định Tường, về sau đổi thuộc tỉnh Gò Công (nay huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Tiếng là con của Cẩm y Chưởng vệ Nguyễn Văn Đán, nhưng nhà ông rất nghèo. Thuở thiếu thời, ông từng phải đi cắt cỏ thuê để nuôi thân.
Năm Ất Tỵ (1785), ông gia nhập quân Đông Sơn, ở Gò Khổng Tước (tức Gò Công), dưới quyền của Võ Tánh.
Sau khi Võ Nhàn, một thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhơn, bị giết vì tội mưu phản; nghe tin Võ Văn Lượng ở Tân Hòa (Gò Công) là người nghĩa hiệp, nên Võ Tánh cùng các thuộc hạ, trong số đó có Nguyễn Văn Hiếu tìm đến phò giúp Văn Lượng. Sau, Văn Lượng tôn Võ Tánh đứng đầu, phát lệnh dấy nghĩa ở Phù Viên (Vườn Trầu).
Mùa thu năm Đinh Mùi (1787), chúa Nguyễn Phúc Ánh từ Vọng Các (Xiêm La) về nước, sai Nguyễn Đức Xuyên đến chiêu dụ, Võ Tánh cùng Nguyễn Văn Hiếu theo về. Văn Hiếu được chúa trao chức Cai cơ hỗ giá.
Khi chúa Nguyễn đóng binh ở Hồi Oa (Nước Xoáy, Sa Đéc), ông được cử chức Khâm sai Cai cơ, có kèm theo một chiếc thẻ bài.
Năm Bính Thìn (1796), ông giữ chức Hữu chi Phó trưởng chi, rồi Chánh trưởng chi.
Năm Tân Dậu (1801), ông theo Võ Tánh giữ thành Quy Nhơn.
Lúc xảy ra trận thủy chiến ở Thị Nại, ở trong thành Quy Nhơn, thấy lửa hỏa công của quân nhà, Võ Tánh cùng ông bèn mở cửa Đông tung quân ra đánh. Ông Hiếu bị trúng đạn, bị quân của Trần Quang Diệu bắt sống, mãi đến năm 1802, sau khi quân Tây Sơn đại bại ở lũy Trấn Ninh mới được cứu.
Năm Nhâm Tuất (1802), ông được thăng Phó tướng Hữu quân.
Năm Quý Hợi (1803), ông theo Lê Văn Duyệt đánh dẹp dân nổi dậy ở Đá Vách (Thạch Bích, Quảng Ngãi) rồi được triệu về kinh (Huế).
Năm Gia Long thứ 4 (1805), ông được cử giữ chức Quyền trấn thủ Bình Định.
Năm Canh Ngọ (1810), ông được phái đem binh đi Bắc Thành, rồi sau đó gặp tang mẹ, nên xin thôi việc.
Chịu tang xong, ông được bổ làm Trấn thủ Sơn Nam Hạ (tức Nam Định).
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua ra Bắc, nghe tiếng ông cai trị giỏi, nên có triệu đến thăng cho một cấp, ban cho ống nhòm, gươm và súng (tất cả đều mạ vàng); cử ông làm Án trấn Thanh Hóa. Ở đây, ông phạm lỗi (xem bên dưới), nên bị giáng ba cấp, nhưng vẫn được giữ chức cũ.
Năm 1826, ông cùng quan trấn Nghệ An dẫn quân đi dẹp yên được cuộc nổi dậy ở Ninh Tạo. Nhờ công lao này, ông được triệu về kinh, thăng Thần sách Tả doanh, Phó Đô Thống chế, lãnh chức Trấn thủ Nghệ An.
Năm 1827, ông được xung chức Kinh lược đại thần đến Nam Định tuần hành các làng xã. Khi về, xét thưởng, ông được thăng Thần sách Tả doanh Đô Thống chế, nhưng vẫn lãnh chức cũ ở Nghệ An.
Năm 1828, quan binh đi kinh lược biên giới Nghệ An, ông hỗ trợ đầy đủ các nhu yếu.
Năm 1829, vì tuổi cao sức yếu, ông xin nghĩ. Nhà vua chấp thuận, nhưng vẫn cho ông được hưởng lương. Khi khỏi bệnh, ông lại giữ chức Đô Thống, Trấn thủ Nghệ An.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh, ông lại được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình).
Năm 1832, ông thăng Thự Tả doanh Đô Thống phủ Chưởng phủ sự, tước Bá (Lương Năng bá), và được cấp một ngàn quan tiền.
Năm Ất Tỵ (1835), ông mất. Năm Tự Đức thứ 5 (1851), ông được thờ ở miếu Trung hưng Công thần. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), Nguyễn Văn Hiếu được thờ ở Hiền Lương Từ.
Cũng dưới triều Tự Đức, không rõ năm, một hôm nhà vua phê vào giấy long đằng hai chữ Nguyên Lương, rồi sai người đem treo tại từ đường nhà ông. Từ đó, con cháu của ông Hiếu đổi tên lót là Nguyễn Lương thay vì Nguyễn Văn.
Nguyễn Văn Hiếu, tính người thuần phác. Khi làm quan thì được tiếng thanh liêm, cần mẫn. Sách Gò Công xưa chép:
Dưới triều Minh Mạng, có lần cùng các đồng liêu xét án. Thấy có tên trộm đã thú tội rồi, mà vẫn còn bị tra tấn. Ông Hiếu chậm rãi nói:
“ | Chúng nó vì cùng cực nên phải làm việc gian phi, đêm khuya xoi tường khoét vách, khó nhọc mới lấy được tiền người ta. Nay nó đã nhận tội, thì cứ chiếu theo luật mà trị, hà tất phải vẽ vời thêm làm gì? Thử hỏi: Ở các nha môn, có những kẻ trên nhà cao, ngồi nệm, dựa gối; giữa ban ngày, vẫy ngòi bút mà làm tiền người ta không chút khó nhọc, các người ấy sánh với bọn ăn trộm kia, tội ai nặng hơn? | ” |
Nghe ông nói, ai nấy đều giật mình.[2]
Nguyễn Văn Hiếu có 6 con trai, là:
Theo sự tra cứu riêng của Huỳnh Minh, thì dòng họ của ông Hiếu còn ở Thừa Thiên (Huế) khá đông. Vì buổi ấy, các vị công thần trong Nam ra giúp vua Gia Long, rồi định cư luôn ở đó. Xa quê, ông và các bạn có chung hoàn cảnh đã lập một hiệp hội (hội sinh hoạt trong một ngôi đình) ở gần cầu Kim Long (Huế) lấy tên là Nam Châu, sau đổi thành Nam Trung, để hợp theo nghĩa "người Nam Kỳ ra làm quan ở Trung Kỳ". Tên làng có ngôi đình trên, cũng được đổi thành làng Nam Trung).