Đỗ Thanh Nhơn

Đỗ Thanh Nhơn
杜清仁
Gia Định tam hùng
Binh nghiệp
Nguyện trung thànhChúa Nguyễn
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
không rõ
Nơi sinh
Thừa Thiên Huế
Rửa tội
Mất
Ngày mất
1781
Nơi mất
Sài Gòn
An nghỉ
Giới tínhnam
Gia quyến
Học vấn
Quốc tịchĐại Việt
Truy phong
Thụy hiệu
Tước hiệu
Tước vị
Chức vị
Thần vị
Nơi thờ tự

Đỗ Thanh Nhơn (? - 1781) là một danh tướng Việt Nam cuối thế kỷ XVIII dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Cùng với Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, ông được người đương thời xưng tụng là "Gia Định tam hùng".

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Đỗ Thanh Nhơn (chữ Hán: 杜清仁)[1] hay Đỗ Thanh Nhân hoặc Đỗ Thành Nhơn, là người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Sau dời về trấn Phiên An trong Nam.

Ông sinh vào năm nào không rõ, chỉ biết khi Định vương Nguyễn Phúc Thuần còn ở Phú Xuân, ông chỉ là võ quan bậc thấp, chức Hữu đội trưởng.

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Phò trợ Nguyễn Phúc Thuần

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1771, anh em Tây Sơn hiệu triệu dân chúng: "Đánh đổ Trương Phúc Loan và ủng hộ Hoàng tôn Dương, Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo",[2] để phất cờ khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh, đánh chiếm nhiều nơi thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn.

Năm 1775, bị quân Tây Sơn và tướng Bắc HàHoàng Ngũ Phúc rượt đuổi, Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Trấn Biên,[3] rồi ra lệnh triệu tướng Tống Phước Hiệp. Nhưng vì quân cứu viện không đến kịp, nhân cơ hội, Đỗ Thanh Nhơn gọi Nguyễn Huỳnh Đức, Trần Búa, Đỗ Vàng (Hoành), Đỗ Kỵ (Ky), Vũ Nhàn, Đỗ Bảng... cùng họp binh ở Ba Giồng (chữ Hán là Tam Phụ)[4] được hơn 3.000 người, xưng là "Đông Sơn thượng tướng quân",[5] rồi đi cứu giá.[6]

Từ Ba Giồng, Đỗ Thanh Nhơn đưa quân tiến lên đánh úp quân Tây Sơn do tướng Nguyễn Lữ chỉ huy, thắng luôn ba trận. Nguyễn Lữ biết không địch nổi, bèn lấy thóc trong kho chở hơn hai trăm thuyền chạy về Quy Nhơn. Đỗ Thanh Nhơn lấy lại được Gia Định (lần thứ nhất) bèn đón chúa Nguyễn Phúc Thuần trở lại Bến Nghé, Gia Định. Do lập được đại công, Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn cho giữ hàm Chưởng dinh Ngoại hữu, phong tước Phương quận công. Tướng sĩ quân Đông Sơn đều được ban thưởng theo thứ bậc.[6]

Kết oán với Lý Tài

[sửa | sửa mã nguồn]

Bấy giờ, có viên tướng đi theo tướng Tống Phúc Hiệp tên là Lý Tài, gốc người Hoa, chỉ huy đạo Hòa Nghĩa quân, trước khi tham gia phong trào Tây Sơn từng kiếm sống bằng nghề buôn bán. Đi với Tây Sơn một thời gian Lý Tài, từng làm phó tướng cho tướng Nguyễn Huệ, nhưng do nhiều phen bại trận, thay vì quyết chí lập công, Lý Tài lại tỏ ra bất mãn. Tướng của chúa Nguyễn ở Phú Yên biết rất rõ điều này nên đã chiêu hàng được Lý Tài.

Chúa Nguyễn Phúc Thuần muốn thu dùng Lý Tài, nhưng Đỗ Thanh Nhơn vì muốn tranh giành địa vị nên nói:

Lý Tài chẳng qua cũng chỉ là loài chó, loài heo, có dùng cũng vô ích mà thôi [7]

Bởi lời này, Lý Tài kết oán với Đỗ Thanh Nhơn. Đến khi Tống Phúc Hiệp mất, Lý Tài lo Đỗ Thanh Nhơn làm hại mình, bèn đem thuộc hạ chiếm giữ núi Châu Thới [8]) để chống lại Thanh Nhơn. Một lần Lý Tài đem quân đánh úp quân Đông Sơn. Thanh Nhơn chống cự không nổi, phải đắp lũy từ sông Bến Nghé đến Bến Than để cố thủ.

Trả thù Lý Tài

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 11 năm Bính Thân (1776)[9] do sức ép của Lý Tài, chúa Nguyễn Phúc Thuần làm lễ nhường ngôi cho cháu ruột mình là Nguyễn Phúc Dương (Tân Chính vương, chữ Hán: 新 政 王). Lý Tài được Nguyễn Phúc Dương phong là Bảo giá đại tướng quân. Đỗ Thanh Nhân vì đang chống đối Lý Tài nên không đến dự lễ nhường ngôi, Tân Chính Vương phong cho Phạm Công Lý giữ chức Ngoại hữu thay Nhân.[6]

Nguyễn Ánh biết Lý Tài là người kiêu ngạo ngang ngược, khó kiềm chế, nói với chúa xin đi Tam Phụ (Ba Giòng) chiêu dụ quận Đông Sơn để mưu đồ khôi phục. Lý Tài nghe tin, đem quân đón ép chúa đi Dầu Mít. Tân Chính vương không thể ngăn được, bèn khiến Trương Phước Dĩnh theo hộ giá. Ngày hôm sau lại rước giá trở về Sài Gòn.[6]

Năm Đinh Dậu (1777), tướng Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Định lần thứ hai. Tân Chính Vương sai Lý Tài đem Nghĩa Hòa quân ra Hóc Môn (tên đất thuộc Gia Định) cự chiến, chém được tuần sát địch là Tuyên (không rõ họ), quân Tây Sơn phải hơi lui. Bấy giờ, vừa lúc Trương Phước Thận từ Cần Vọt đem quân đến cứu. Lý Tài xa thấy bóng cờ, ngờ là quân Đông Sơn đến đánh úp mình, tự rút quân về. Quân Tây Sơn thừa thế đuổi theo. Quân Lý Tài hoảng loạn chạy về Ba Giồng (Tam Phụ) thì bị quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân đón đường giết chết toàn bộ.[6]

Phò trợ Nguyễn Ánh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương được thêm quân Trương Phước Thận, bèn lui giữ Tranh Giang (thuộc tỉnh Gia Định).

Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Đăng Giang (thuộc tỉnh Định Tường). Nguyễn Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn đến cứu viện. Chúa bèn dựng cờ Đông Sơn thượng tướng quân rồi đem quân đến Tài Phụ (Tài Phụ hay Giòng Tài là một trong ba giòng thuộc tỉnh Gia Định).

Chúa bảo Tân Chính vương rằng: “Phía sau Tranh Giang vương tự đương lấy, phía trước Tài Phụ thì ta cáng đáng”, rồi sai các quân quay lưng về phía sông mà bày trận để chờ.

Mùa hạ, tháng 4, Đinh dậu 1777, quân Tây Sơn đánh Tài Phụ. Chúa Nguyễn Phúc Thuần đi Long Hưng (tên đất thuộc tỉnh Định Tường). Gặp mưa to, Tây Sơn đuổi không kịp. Đỗ Thanh Nhân từ Giá Khê (Rạch Giá) dẫn quân lại. Chúa lại đi Cần Thơ (tên đất, tức thủ sở đạo Trấn Giang, Mạc Thiên Tứ từ khi thất thủ Hà Tiên lui đóng ở đấy), hợp quân với Mạc Thiên Tứ. Chúa thấy binh lực của Thiên Tứ ít và yếu, khó chống được Tây Sơn, bèn sai Đỗ Thanh Nhân cùng thuộc hạ là Cai đội Nguyễn Quân lẻn đi Bình Thuận gọi Chu Văn Tiếp và Trần Văn Thức vào cứu.

Quân Tây Sơn đánh Tranh Giang. Tân Chính vương lùi giữ Trà Tân (Bến Trà, tên xã thuộc tỉnh Định Tường). Chưởng cơ Thiêm Lộc đem thủy binh đón đến Vương ở đất Ba Việt (Ba Vát). Vương sai Tống Phước Hựu giữ Mỹ Lung, Thiêm Lộc giữ Hương Đôi (Ba Việt, Mỹ Lung, Hương Đôi đều là tên đất, thuộc tỉnh Vĩnh Long). Tống Phước Hòa quản lĩnh các quân hộ vệ mặt trận để chống Tây Sơn.

Tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ vào chiếm được Sài Gòn, giết tham tán Nguyễn Đăng Trường. Tháng 7, Tham tán Trần Văn Thức từ Phú Yên vào cứu viện, đến Bình Thuận thị bị quân Tây Sơn đánh bại. Tây Sơn đánh Ba Việt, giết được Thiếu phó Tôn Thất Chí, Nội tả Nguyễn Mẫn, Chưởng cơ Tống Phước Hựu. Chỉ còn mỗi Chưởng cơ Tống Phước Hòa chống giữ. Tháng 8, tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ có thêm quân, tiến đánh Hương Đôi. Chưởng cơ Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt. Tân Chính Vương định bàn kế cũng Châu Văn Tiếp chạy ra Bình Thuận nhưng không được. Chưởng cơ Tống Phước Hòa tự vẫn, Tân Chính Vương cùng cận thần bị Tây Sơn bắt giết.

Thái-thượng-vương Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy về Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên) nhưng tới tháng 9 năm 1777 cũng bị Tây Sơn bắt giết.[6]

Không thể để ngôi chúa bỏ trống, đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh, cháu họ chúa Nguyễn Phúc Thuần, khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên soái, Nhiếp quốc chính.[10] Kể từ đó, Đỗ Thanh Nhơn luôn được cầu cận để phò tá Nguyễn Phúc Ánh.[6]

Bị sát hại

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1778, Đỗ Thanh Nhơn cùng Lê Văn Quân giết Tư Khấu Oai ở sông Bến Nghé, rồi cùng Hồ Văn Lân đi Chân Lạp. Ở đây, ông giết Nặc Vinh, tôn Nặc Ấn lên ngôi Chân Lạp, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ, còn ông thì kéo quân về lại Gia Định.

Mùa xuân năm Canh Tý (1780), Nguyễn Ánh chính thức xưng đế, Đỗ Thanh Nhơn được phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công.

Mùa hạ, tháng 4 năm 1780, Nguyễn Ánh sai Đỗ Thanh Nhân đánh phủ Trà Vinh. Người gốc Chân Lạp đến ở Trà Vinh đã lâu thành dân nội thuộc, hằng năm cung nộp phú thuế. Nhân lúc loạn Tây Sơn, thủ lĩnh là Ốc nha Suất mưu làm phản. Vua sai đem quân đi đánh. Ốc nha Suất giữ vững lũy chống lại. Nơi ấy rừng sâu chằm lớn, rậm rạp um tùm, Suất dựa địa thế hiểm trở để chống, lấy nỏ khoẻ làm món sở trường, quan quân đánh không được. Vua bèn sai Thanh Nhân đốc chiến, Dương Công Trừng thuộc theo. Công Trừng sai các quân dùng vòng sắt móc liền các chiến thuyền với nhau, bắc sàn ở trên, kèm dựng cây chuối để đỡ tên đạn, nhân nước thủy triều lên cho thuyền đến sát lũy để đánh. Giặc mất thế hiểm vỡ chạy. Thanh Nhân đem quân tinh nhuệ đuổi đánh, chặt phá cây rừng, mở thông đường lối, lại đặt phục binh trong rừng, bốn bề nổ súng. Suất cùng đường bị quan binh bắt được. Thanh Nhân chiêu dụ dân chúng trở về làm ăn.[6]

Mùa thu, tháng 7, sai các quân đóng binh thuyền. Đỗ Thanh Nhân sai thủy quân lấy thứ gỗ nam kiền kiền để đóng thuyền trường đà bánh lái dài, trên gác sàn chiến đấu, hai bên dựng phên tre che thủy binh ở dưới để cho chuyên sức mà chèo, còn trên thì bày bộ binh để xung trận mà đánh. Do đó đi đường biển thuận lợi mà nghề thủy quân sở trường càng tinh thêm.[6]

Năm Tân Sửu, 1781, mùa xuân, tháng 3,[11] Nguyễn Phúc Ánh theo kế của Chưởng cơ Tống Phước Thiêm, giả bệnh gọi Đỗ Thanh Nhơn đến chầu rồi ngầm sai võ sĩ giết chết. Nguyên do Nguyễn Ánh thấy Đỗ Thanh Nhơn lấn lướt uy quyền, sợ ngày sau sẽ bị cướp ngôi.

Hai tướng tâm phúc của Thanh Nhơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng, sau khi an táng chủ tướng xong,[12] cùng rút binh về Ba Giồng, chống Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Ánh cho người đi khuyết dụ, nhưng hai vị tướng này không tin nữa. Về sau nhờ cho người trà trộn vào trong quân, Nguyễn Ánh bắt sống được Võ Nhàn và Đỗ Bảng rồi đem chém. Từ đó, binh Đông Sơn bị phân tán.

Hay tin Đỗ Thanh Nhơn bị giết, thủ lĩnh phong trào Tây SơnNguyễn Nhạc nói: Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa, rồi cùng em là Nguyễn Huệ cử đại binh vào đánh Gia Định. Quân Tây Sơn vào cửa Cần Giờ, đại thắng trận thủy chiến trên sông Ngã Bảy, khiến Nguyễn Phúc Ánh phải bỏ thành Sài Gòn chạy về Ba Giồng rồi lánh sang Phú Quốc... Đó là hồi tháng 3 năm Nhâm Dần (1782).

Luận bàn

[sửa | sửa mã nguồn]

Trích một số để tham khảo:

  • Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" (Sơ tập, Quyển 27):
Trước, Đỗ Thanh Nhơn tự phụ là người có tài và dũng cảm hơn thiên hạ, trong tay lại có quân đội Đông Sơn cho nên vẫn ngấm ngầm làm chuyện ngang ngược và lộng hành. Từ khi có chút công lao phò tá, y lại càng sinh kiêu căng hơn. Hắn tự cho mình là người có quyền sinh sát, ai sống, ai chết hoặc giả có ban chức tước cho ai đều do hắn quyết định. Thậm chí, hắn còn tự ý cắt bớt sự chi dùng trong cung, không chịu cung đốn đầy đủ, đến cả ngày kỵ ở Hưng Miếu mà hắn cũng không dâng lễ vật khiến Thế tổ ta [Nguyễn Phúc Ánh] phải bỏ của nhà ra mà sắm sửa lấy.
Trong đám tay chân, thế hắn thấy ai nặng lòng với mình thì cho lấy theo họ của hắn. Xử tội thì dùng cực hình, dám thiêu cả người sống, bắn giết cả đàn bà đang có thai...Ai ai nghe chuyện cũng nghiến răng tức giận. Khi Tây Sơn vào lấn cướp [chỉ việc Tây Sơn tấn công vào Gia Định], hắn lén đem quân vào núi để đầu hàng làm phản, nhưng mưu ấy không thành.
Vua [Gia Long] vẫn nghĩ đến công lao của hắn mà ưu đãi, dung túng. Vua thân đến nhà riêng mà Đỗ Thanh Nhơn cũng không biết kính giữ lễ. Đã thế bọn tay chân của hắn càng phụ họa thêm, không biết kinh sợ, chỉ rắp tâm làm điều trái phép mà thôi.
Bấy giờ có quan Chưởng cơ là Tống Phúc Thiêm mật tâu với vua xin trừ bỏ hắn là tên giặc ở cạnh vua. Vua cho là phải bèn giả vờ bị bệnh, rồi sai triệu Đỗ Thanh Nhơn vào bàn việc. Nhân đó sai võ sĩ bắt và giết đi. Bè đảng của Đỗ Thanh Nhơn là bọn Võ Nhàn, Đỗ Bảng lại chiếm cứ chỗ Ba Giồng để làm phản. Vua sai các tướng tiến đánh, bắt được bọn Võ Nhàn và giết đi. Lũ còn lại đều bị đánh tan cả.
  • Sách "Hoàng Việt Long hưng chí":
Tống Phước Thiêm nói: Thanh Nhơn ôm lòng Tào Tháo, Vương Mãng, không thể không trừ hắn đi. Nếu chúa thượng cho dùng mưu, thì chỉ cần sức một vũ khí là đủ.
Thế Tổ (chỉ Nguyễn Phúc Ánh) bèn lấy cớ bị mệt cho gọi Thanh Nhơn vào dinh bàn công việc. Đỗ Thanh Nhơn đến, liền bị vệ sĩ xông ra bắt giết. Lại truyền phân tán quân Đông Sơn làm bốn đội để phòng bọn chúng làm phản.[13]
  • Sách '"Tự Điển Nhân vật lịch sử Việt Nam":
Tính ông cương trực, khí khái nên bị ganh ghét. Nhân vụ ông giết tri huyện Đặng Hữu Tâm, chưởng cơ Huỳnh Thiên Lộc[14] gièm với Nguyễn Phúc Ánh rằng ông lộng quyền sau này sẽ khó trị.
Thuộc hạ ông là Võ Nhàn và Đỗ Bảng chôn cất ông xong, rút quân Đông Sơn về đất cũ Ba Giồng, không phục Nguyễn Ánh nữa, bắt được Huỳnh Thiên Lộc giết đi để trả thù cho chủ tướng[15]
Trong khi Đỗ Thanh Nhơn lập nhiều công lớn, thì chúa Nguyễn Ánh đã nghe lời dèm pha đem giết đi...Rồi sử sách (Gia Định thông giám) của triều Nguyễn đã cố bào chữa cho họ Nguyễn về cái chết này: họ bảo Đỗ Thanh Nhơn đã quá cậy công, đã có ý thông đồng với Tây Sơn để làm phản, không tuân theo nghi lễ của triều đình, tự chuyên mọi việc v.v...Sử của người Âu Châu cho rằng cái tội của họ Đỗ chỉ là do làm được nhiều công lớn, uy thế lừng lẫy hầu làm lu mờ cả địa vị ông chúa trẻ tuổi (lúc này Nguyễn Ánh mới 18 tuổi). Trước vụ này Giám mục Bá Đa Lộc đã hết lời can ngăn chúa Nguyễn mà không xong...[16]

Nguyễn Liên Phong, tác giả Nam Kỳ Phong Tục Nhân vật Diễn Ca (1909), có thơ vịnh về Đỗ Thanh Nhơn:

Cờ nghĩa Đông Sơn nổi tợ phao.
Tấm kình Nam Hải sóng đang xao
Thời may gặp chúa trang trần thánh
Vận rủi xui tôi thói Mãng Tào
Mấy thứ công lao trôi bích thủy,
Ba hùng danh tướng nhẹ hồng mao.
Suối vàng như gặp Châu hùng võ
Hồn luống ăn năn biết tại sao.

Đường phố

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở Sài Gòn trước năm 1985 có tới hai con đường mang tên Đỗ Thanh Nhơn. Đường Đỗ Thanh Nhơn của Đô thành Sài Gòn cũ hiện nay là đường Đoàn Văn Bơ ở quận 4; còn đường Đỗ Thanh Nhơn của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Trần Văn Kỷ ở quận Bình Thạnh. Điều đặc biệt là cả hai con đường đều bị đổi tên cùng ngày 4 tháng 4 năm 1985.

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trần Trọng Kim (1919), Việt Nam sử lược.
  2. ^ Nhân tài xưa và nay: Nguyễn Huệ[liên kết hỏng]
  3. ^ Vùng tương ứng với đất các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai và Vũng Tàu-Bà Rịa ngày nay (giải thích của GS. Nguyễn Khắc Thuần, tr. 75).
  4. ^ Ba Giồng là ba gò đất cổ, chạy xuyên qua 2 huyện Kiến Hưng, Kiến Đăng, thuộc địa hạt trấn Định Tường. Ở đây, phía trước có sông dài ngăn trở, phía sau là vùng đồng lầy cỏ rậm. Nhơn lấy nơi này làm nơi đóng quân chứa lương, khi xảy ra việc nguy cấp có thể ẩn trú được. Nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Ba Giồng gồm một phần Long An ngày nay, ăn trọn vùng Mỹ Tho, bờ sông Tiền: không úng vào mùa lũ lụt, không kiệt mùa hạn, ruộng phì nhiêu, nước ngọt quanh năm, thêm vườn cây ăn trái, khí hậu tốt, thủy lợi gần như hoàn chỉnh trong buổi đầu nhờ sông rạch thiên nhiên. Nguyễn ÁnhTây Sơn cố tranh chấp vùng đất giàu tài lực, nhân lực nầy, ai chiếm được là có thể nắm phần thắng cuối cùng. (Đình miếu & lễ hội dân gian, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 250.
  5. ^ Đỗ Thanh Nhơn xưng là Đông Sơn đại tướng quân trước tiên để tỏ rõ sự đối nghịch hết sức sâu sắc với Tây Sơn, như Đông đối với Tây.
  6. ^ a b c d e f g h i Đại Nam thực lục, bản dịch, nhà xuất bản Giáo Dục, tập 1.
  7. ^ Dẫn theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, tr. 76.
  8. ^ Có sách gọi Chiêu Thái, là ngọn núi nhỏ cách trấn Biên Hòa về phía nam hơn 11 dặm, nay thuộc xã Bình An, huyện Thuận An, Tỉnh Bình Dương.
  9. ^ Ghi theo Việt sử tân biên (Quyển 3, tr. 337) và website Nguyễn Phước tộc [1] Lưu trữ 2008-01-15 tại Wayback Machine. Trịnh Hoài Đức ghi năm Ất Mùi (1775) [2]
  10. ^ Nguyễn Ánh chưa chính thức xưng vưa, chỉ xưng giữ quyền coi việc nước.
  11. ^ Chép theo Quốc triều chính biên toát yếu, tr. 29. Từ điển nhân vật lịch Việt Nam (bản in 1992, tr. 201) ghi tướng Nhơn bị giết chết ngày 23 tháng 3 năm Tân Sửu (tức 16 tháng 4 năm 1781).
  12. ^ Trước năm 1975, tác giả Huỳnh Minh có tìm đến thăm mộ Đỗ Thanh Nhơn, và ông đã cho biết như sau: "Ngôi mộ Đỗ Thanh Nhân tọa lạc tại Phú Lâm (Sài Gòn) trong vuông đất của Hòa Đồng Tôn giáo, phía sau quốc lộ số 4 vô chừng hai trăm thước. Ngôi mộ này nằm trên một gò đất cao ráo, chung quanh có xây tường bằng ô dước, rêu phong cỏ mọc, trước có dựng một mộ bia bằng đá cẩm thạch khắc mấy dòng chữ nho như sau: Uy nghiêm tướng quân, Thần sách quân tả quân thống chế, gia cấp thị trung cần, Đỗ phủ quân thần mộ. Hiếu tử Hồng nhân lập thạch" (Định Tường xưa, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2001, tr. 66)
  13. ^ Hoàng Việt Long hưng chí, tr.87.
  14. ^ Trong Hoàng Việt hưng long chí ghi là Thiêm Lộc, và rất có thể Thiêm Lộc tức Tống Phúc Thiêm (Nhà xuất bản Văn học, 1993, tr.87). Huỳnh Minh trong Vĩnh Long xưa (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2002, tr. 71) và Từ điển nhân vật lịch sử" (tr. 486) đều cho rằng Tống Phúc Thiêm và Huỳnh Thiêm Lộc là hai người khác nhau.
  15. ^ Từ điển nhân vật lịch sử, tr.201.
  16. ^ Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (Quyển 4, tr. 160).
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Caffeine ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như thế nào
Caffeine ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như thế nào
Là một con nghiện cafe, mình phải thừa nhận bản thân tiêu thụ cafe rất nhiều trong cuộc sống thường ngày.
[Eula] Giải nghĩa cung mệnh - Aphros Delos
[Eula] Giải nghĩa cung mệnh - Aphros Delos
Nhưng những con sóng lại đại diện cho lý tưởng mà bản thân Eula yêu quý và chiến đấu.
Ore wo Suki nano wa Omae dake ka yo Vietsub
Ore wo Suki nano wa Omae dake ka yo Vietsub
Kisaragi Amatsuyu được Cosmos – 1 senpai xinh ngút trời và Himawari- cô bạn thời thơ ấu của mình rủ đi chơi
10 địa điểm du lịch đáng đi tại Việt Nam trong dịp Tết
10 địa điểm du lịch đáng đi tại Việt Nam trong dịp Tết
Tết là thời điểm chúng ta nghỉ ngơi sau một năm làm việc căng thẳng. Ngoài việc về quê thăm hỏi họ hàng thì thời gian còn lại mọi người sẽ chọn một điểm để du lịch cùng gia đình. Nếu bạn không muốn đi nước ngoài thì ở trong nước cũng sẽ có rất nhiều điểm đẹp không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Bạn đã khám phá chưa?