Phường 5
|
|||
---|---|---|---|
Phường | |||
Chùa Hộ Pháp thuộc cụm kiến trúc Thích Ca Phật Đài | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đông Nam Bộ | ||
Tỉnh | Bà Rịa – Vũng Tàu | ||
Thành phố | Vũng Tàu | ||
Thành lập | 1986[1] | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°22′19″B 107°03′48″Đ / 10,37194°B 107,06333°Đ | |||
| |||
Diện tích | 3,90 km² | ||
Dân số (1999) | |||
Tổng cộng | 13.984 người | ||
Mật độ | 3.585 người/km² | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 26518[2] | ||
Phường 5 là một phường thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam.
Phường 5 nằm ở phía tây bắc thành phố Vũng Tàu, có vị trí địa lý:
Phường có diện tích 3,90 km², dân số năm 1999 là 13.984 người,[3] mật độ dân số đạt 3.585 người/km².
Hầu hết diện tích phường 5 được bao phủ bởi dãy Núi Lớn (Tương Kỳ) và các vùng ven sườn núi giáp biển. Phía Đông Bắc là dãy sườn thấp dần đều từ núi xuống vùng đất bồi ở cửa rạch Bến Đình. Phía Tây Nam là Bãi Dâu, một vịnh nhỏ với bãi cát vàng.
Phường 5 bao gồm 3 vùng dân cư tách biệt hẳn nhau:
Phường được chia thành 8 khu phố, đánh số từ 1 đến 8. Trong đó:
Khu vực phường 5 ngày nay nằm trên địa phận làng Thắng Nhì, nguyên là một trong 3 làng thủy binh người Việt lập trên đất Vũng Tàu thời đầu thế kỷ 19. Các địa danh Bến Đá, Bến Đình đã có từng lâu đời. Ngoại trừ khu vực Bến Đá vốn sát với làng chài Bến Đình, các khu dân cư Sao Mai, Bãi Dâu đều là các vùng rừng rậm, khỉ ho cò gáy.
Sau khi chiếm được Nam Kỳ từ tay nhà Nguyễn, người Pháp đã xây dựng nhiều cơ sở quân sự phòng vệ lớn ở Vũng Tàu, trong đó có trận địa pháo trên sườn Núi Lớn xây dựng năm 1905 được xem là lớn nhất Đông Dương.[4]
Năm 1926, một giáo dân công giáo tên Lê Hữu Lương khai thác một khu đất quanh sườn núi và đất bằng ở Vũng Mây. Tháng 4 năm 1926, ông chuyển giao khu đất này cho ông bà Nguyễn Hồng Ân (còn gọi là Vệ Ân). Sau đó, ông bà Ân xây một nhà nguyện đá rồi dâng nhà nguyện và đất đai cho Hội Thừa sai Paris. Các cha thừa sai cho phá rừng để trồng dâu nuôi tằm để tạo công ăn việc làm cho nhiều người mới đến: từ đó có tên gọi Bãi Dâu.[5] Về sau, Giáo hội công giáo phát triển địa điểm này thành trung tâm hành hương quy mô lớn, với đền thánh Đức Mẹ Maria bồng con và nhiều cơ sở của các dòng tu lớn trong Giáo phận công giáo.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam, khu vực phường 5 thuộc xã Thắng Nhì, thị xã Vũng Tàu, sau là quận Vũng Tàu, tỉnh Phước Tuy (1956). Giai đoạn 1954-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa rất nhiều người Công giáo sinh sống rải rác ở Vũng Tàu. Nhóm giáo dân từ giáo xứ Phương Chính, địa phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định về định cư tại làng chài Bến Đá và khai sinh ra giáo xứ Bến Đá.[6] Một nhóm giáo dân khác từ Bùi Chu di cư vào Cần Giờ, rồi tới Phan Thiết lập nghiệp. Năm 1957, nhóm giáo dân này lại di chuyển về xã Thắng Nhì, lập nên giáo xứ Sao Mai.
Năm 1957, ông Lê Quang Vinh, một cựu công chức chính quyền thuộc địa Pháp về hưu khai phá một vùng đất hoang vu trên sườn Núi Lớn gần Bến Đá, lập nên Thiền Lâm Tự. Ông xuất gia tu hành, lấy pháp danh Thích Giác Pháp. Năm 1962, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy nhận thấy Thiền Lâm Tự tọa lạc ở một vị trí có khung cảnh thiên nhiên đẹp, là vùng đắc địa tụ kết khí thiêng, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, phật tử thập phương hành hương nên đã lập đồ án xây dựng quy mô Thiền Lâm Tự thành Thích Ca Phật Đài.[7]
Ngày 22 tháng 8 năm 1974, phường Thắng Nhì tách các khóm Bình Lợi, Bình Hải và Sao Mai để lập phường Phước Hải.
Sau ngày thống nhất, phường Phước Hải lại được nhập vào phường Thắng Nhì.
Ngày 14 tháng 5 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng chia 5 phường hiện hữu thành 11 phường mang tên số. Trong đó, phường Thắng Nhì được chia tách thành các phường 5, 6, 7 và 9.[1] Khi mới thành lập, phường trực thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo giải thể[8], phường 5 trực thuộc thành phố Vũng Tàu như hiện nay.
Năm 2020, thành phố Vũng Tàu tiến hành xây dựng bến phà biển ở gần cảng Sao Mai, phường 5. Ngày 4 tháng 1 năm 2021, tuyến phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ chính thức khai trương, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Vũng Tàu đến Cần Giờ chỉ còn 30 phút.
Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân phường 5 là hai cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương này. Trong đó, Hội đồng nhân dân hiện tại thuộc nhiệm kỳ 2021-2026, được bầu tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV. Đứng đầu hội đồng nhân dân là Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Trước đó, từ năm 2008 đến 2016, phường này không có hội đồng nhân dân, do thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân.
Ủy ban Nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân. Đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 5.
Về mặt Đảng, Đảng ủy phường 5 là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại địa phương. Đứng đầu cơ quan này là Bí thư đảng ủy phường.
Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phường 5 đặt tại số 526 Trần Phú, phường 5, Tp Vũng Tàu.
Ở cấp tỉnh, phường 5 thuộc đơn vị bầu cử số 1, gồm các phường 1, 2, 3, 4, 5, 7 và Thắng Nhì, bầu ra 5 đại biểu cho Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.[9]
Ở cấp thành phố, phường nằm trong đơn vị bầu cử số 3, cùng với các phường 4 và Thắng Nhì, bầu ra 5 đại biểu cho Hội đồng nhân dân thành phố Vũng Tàu.
Trên địa bàn phường 5 có 2 trường tiểu học: Trường tiểu học Hòa Bình (gồm 2 cơ sở) và trường tiểu học Sao Mai.
Ở khối trung học cơ sở, phường nằm trong địa bàn tuyển sinh của trường THCS Võ Văn Kiệt, tọa lạc tại số 184 Trần Phú, thuộc khu phố 1, phường 5, Tp Vũng Tàu. Cơ sở của trường khánh thành năm 2014 ở một vị trí khá đẹp trên sườn đồi dốc hướng ra vịnh Bãi Dâu và là trường trung học cơ sở duy nhất của phường.[10]
Là nơi du nhập người dân tứ xứ trong nhiều thế kỷ, địa bàn phường 5 có nhiều cơ sở thờ tự thuộc nhiều tôn giáo, tín ngưỡng.
Các tuyến đường chính trên địa bàn gồm:
Tuyến xe buýt số 22 (Vũng Tàu - Phú Túc) chạy qua đường Trần Phú trên địa bàn phướng. Tuyến này có nhiều điểm đón trả khách dọc theo đường Trần Phú.
Sở hữu một làng chài lâu đời, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của phường 5. Quanh khu vực làng chài Bến Đá là hệ thống hãng xưởng và dịch vụ hậu cần nghề cá như: xưởng đóng tàu thuyền, nhà máy nước đá, hệ thống phân loại nguồn gốc và cảng bốc dỡ hàng thủy sản.
Đến nay, có 5 cảng cá trong phường, bao gồm: cảng Incomap, cảng Bến Đá, cảng Lò Than, cảng phường 5 và cảng cá Tiến Thành. Trong đó, cả 5 cảng cá được công bố có độ sâu vùng nước đậu tàu từ 4 - 6m với chiều dài cầu cảng từ 28m đến 120m, có thể đón tàu cá có công suất 600cv -700cv cập cảng, năng lực xếp dỡ hàng hóa từ 6.000-36.000 tấn/năm.[12]
Chợ Bến Đá là chợ truyền thống lớn nhất trong phường và là một địa điểm mua sắm hải sản quen thuộc của khách du lịch đến với Vũng Tàu.
Khu vực ven biển Sao Mai gần đây nổi lên là địa điểm ẩm thực nổi tiếng của Vũng Tàu, với nhiều nhà hàng hải sản lớn như Thành Phát, Tân Phát và Lâm Đường.
Dọc theo bờ biển Bãi Dâu là các tổ hợp cao ốc khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và chung cư cao cấp. Trong đó các cao ốc mới nổi gần đây là Thủy Tiên, Oyster Gành Hào, Nhà khách Dầu khí PVMTC và Mermaid Seaside.