Phố
Văn Miếu |
|
---|---|
Thông tin phố | |
Tên khác | Rue Cao Đắc Minh (thời Pháp thuộc) Phố Hàng Cơm Phố Sỹ Nhiếp |
Chiều dài | 324 m |
Chiều rộng | 10m |
Vị trí | |
Quận | Đống Đa |
Phường | Văn Miếu |
Văn Miếu (tên cũ: Hàng Cơm, Rue Cao Đắc Minh, phố Sỹ Nhiếp) là một tuyến phố cổ thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Phố chạy một chiều từ phố Nguyễn Thái Học đến phố Quốc Tử Giám.
Phố Hàng Cơm sau nhiều giai đoạn thời kỳ thay đổi tên thì hiện nay con phố mang tên Phố Văn Miếu thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Phố dài 324m, rộng 10m, đi từ phố Nguyễn Thái Học đến phố Quốc Tử Giám. Phố chạy dọc cắt tạo ngã ba với ngõ Thanh Miến, phố Nguyễn Khuyến, phố Ngô Tất Tố.
Phố Văn Miếu chỉ có một bên dãy nhà số lẻ, bên đối diện là toàn bộ bức tường phía đông của khu Văn Miếu.
Xưa đây nguyên là phần đất thuộc nội thành của kinh thành Thăng Long cũ, thuộc địa phận của hai thôn Tả Biên Giám Thục Miến và Ngự Sử tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương thời nhà Nguyễn. Đến giữa thế kỷ XIX, thôn Tả Biên Giám Thục Miến hợp nhất với thôn Thanh Ngô thành thôn Thanh Miến, và thôn Ngự Sử hợp nhất với thôn Lương Sừ thành thôn Lương Sử (sau đổi thành tổng Yên Hòa).
Cuối thế kỷ XVIII đến thời Vua Tự Đức thế kỷ XIX xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám có khá nhiều trường học. Sở dĩ khu vực này nhiều trường học vì Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, còn Quốc Tử Giám, trường học lớn và uy tín bậc nhất thời đó, thường xuyên tổ chức các buổi bình văn, thuận tiện cho học trò đến nghe. Học trò các tỉnh về theo học rất đông, vì thế dân các làng: Ngự Sử, Lương Sừ (nay là Ngõ Lương Sử A, phố Quốc Tử Giám), Tả Biên Giám (nay thuộc phố Văn Miếu), làng Cổ Thành (nay là phố Phan Phù Tiên)… đã mở nhà trọ cho học trò thuê. Họ dựng các dãy nhà lá, chia thành từng gian nhỏ, mỗi dãy có vại nước mưa để uống và đun nước pha chè; tắm rửa thì khách trọ phải ra ao làng.
Những năm triều đình mở khoa thi thì sĩ tử thập phương đến trọ đông gấp bội. Có trò mang gạo củi tự nấu nướng (vì thế có câu "cơm niêu nước lọ"), trò con nhà khá giả thì ăn cơm hàng. Để phục vụ cho loại học trò này, các bà, các cô có nghề bán cơm ở làng Tương Mai đến Tả Biên Giám thuê nhà mở quán bán cơm nên dân Thăng Long gọi là phố Hàng Cơm (nay là đoạn cuối phố Văn Miếu tạo ngã ba với phố Quốc Tử Giám).
Khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi nhốt người bị dịch hạch để cách ly vào đầu thế kỷ XX năm 1908, thì nơi đây trở nên vắng vẻ, sĩ tử sợ chuyển đi nơi khác trọ nên vùng này vắng người, vì thế các quán cơm cũng không có khách. Lâu dần đến khi tên con phố cũng bị thay đổi.
Có nhiều ảnh chụp của Tonkin - Hanoi cho thấy những năm đầu thế kỷ XX thì phố Văn Miếu đã là khu phố sầm uất có nhiều nhà cửa và quy hoạch một cách rõ ràng.
Trước khi thành Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng, con phố có tên là Phố Hàng Cơm.
Thời Pháp thuộc, tên là phố Rue Cao Đắc Minh.
Ngày 10 tháng 08 năm 1945, phố đổi tên thành phố Sỹ Nhiếp. Vào ngày 28 tháng 02 năm 1949, đổi tên là phố Văn Miếu cho đến nay.
Chùa Tiên Phúc là một ngôi chùa ở làng Tả Biên Giám Thục Miến xưa. Nay là nhà số 27. Còn có tên nôm là chùa Bà Nành.
Vào thời nhà Lê, có một người đàn bà không rõ họ tên, đã mở một quán bán nước ở ngay chỗ chùa bây giờ. Bà còn thường xay đậu nành thành bột, nấu chè, làm bánh rán,... được nhiều người ưa chuộng. Chẳng bao lâu, bà trở nên giàu có. Khi về già, bà bỏ tiền ra xây một ngôi chùa ngay trên nền nhà mình để tu hành. Do đó mới có tên là chùa Bà Nành.
Sau khi bà mất, dân làng đắp tượng bà, và đặt trên tấm đá mà bà vẫn dùng làm bàn bán hàng, để thờ.
Nay tượng và tấm đá đó vẫn còn trong chùa.