Phan Thanh Phước (1916-1947), là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.
Phan Thanh Phước sinh tại Huế. Cha ông là Phan Thanh Kỷ (thuộc dòng dõi Phan Thanh Giản), làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Huế.
Thuở nhỏ, Phan Thanh Phước học ở Quảng Trị, Faifo (Hội An) rồi đến Huế học trường Pellerin. Sau khi tốt nghiệp bằng Cao đẳng tiểu học, ông được bổ làm Thừa phái trong chính phủ Nam triều (nhà Nguyễn).
Ông không những ông mê thơ mà còn sáng tác thơ. Thơ ông được đăng nhiều trên báo chí, và đến tháng 10 năm 1941, thì ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (1932-1941).
Trước năm 1946, ông được điều động ra Đồng Hới (Quảng Bình) và mất tại đó trong một cuộc tắm sông, lúc 31 tuổi.
Ông có vợ là nguyễn Thị Ngọc Đài, nhưng bà mất ngay sau khi sinh hạ cô con gái (Phan Thanh Minh Châu).
Phan Thanh Phước mất, chỉ để lại tập thơ duy nhất có tên là Vương hương, chưa xuất bản.
Theo nhà thơ Phan Văn Dật, bạn thân của Phan Thanh Phước, thì ông Phước là một người rất yêu thơ. Ông say mê thơ, nhưng thể chất lại yếu đuối quá. Mỗi lần sáng tác xong một bài, có khi làm chưa xong, thì ông đã ngã xuống đau liệt giường suốt mấy hôm liền. Tính tình lại rất đa sầu, đa cảm, chỉ mộ chút gì cũng đủ làm ông đau khổ hàng tuần. Đối với bạn, ông rất chân thành...Phan Thanh Phước luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Hồi chưa lập gia đình, lúc ông mới ngoài hai mươi tuổi, mỗi khi bị bệnh là ông nhắn gấp bạn bè đến để để dặn dò những việc cần phải làm cho mình. Và có thể nói, sau khi người vợ trẻ mất đi, thì ông không còn muốn sống nữa... Tập thơ Vương hương có trên bốn mươi bài thơ. Đấy là di vật tinh thần mà thi sĩ trân trọng hơn cả bản thân. Khi còn sống, ông đã ân cần căn dặn người em phải cố gắng xuất bản tập thơ ấy. Nhưng rồi, chiến tranh cứ sôi sục mãi trên đất nước, nên ước muốn của người thi sĩ bất hạnh ấy, vẫn không sao thực hiện được...[1]
Đề cập đến sự yếu đuối về mặt thể chất của Phan Thanh Phước, trong quyển Thi nhân Việt Nam có trích dẫn câu nói của nhà thơ như sau: Một bài thơ của tôi xong là tôi tự thấy sút kém một tí sức trong sức khoẻ của tôi, như vậy tức nhiên có một phần sức khoẻ của tôi đã vào trong thơ tôi, tôi tự hỏi thế là trong thơ tôi có cả hồn lẫn xác tôi chăng. Và Hoài Thanh và Hoài Chân, tác giả sách trên đã nhận xét rằng: Ai đọc hết tập Vương hương chắc cũng có cảm giác ấy: trong thơ Phan Thanh Phước quả có cả hồn lẫn xác đã làm tội cái hồn...Tập Vương hương với cái tên yêu kiều, đã bày ra một cuộc hỗn chiến gay go, đau đớn giữa hồn và xác...Tôi vẫn biết người có tính ưa lập dị, nhưng dầu sao cũng là một tâm hồn phong phú hay hay.[2]
Thơ Phan Thanh Phước, trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, chỉ giới thiệu bài Đêm tần. Trong Thi nhân tiền chiến (quyển hạ) do Nguyễn Tấn Long biên soạn, ngoài bài thơ trên còn có 38 bài nữa, tức là đã đăng tải gần như trọn vẹn tập thơ Vương hương. Trong số thơ này, chỉ có bài Trai tráng, Nồng xuân là có chút hào hùng, số còn lại đều là thơ buồn. Những bài Lá xanh rụng, Khuya mưa nhớ tình, Vắng em, Mộng thấy nàng, Dưới trăng nhớ trăng...đều là những vần điệu nhớ thương đến người vợ vắn số.
Trích giới thiệu bốn bài:
|
|