Salar de Uyuni | |
---|---|
Các hình lục lăng trên bề mặt của Salar de Uyuni tạo thành do muối kết tinh từ nước bốc hơi. | |
Vị trí | Tỉnh Daniel Campos, bộ Potosí, Bolivia |
Tọa độ | 20°08′1,59″N 67°29′20,88″T / 20,13333°N 67,48333°T |
Độ cao | 3.663 mét (12.018 ft) |
Diện tích | 10.582 kilômét vuông (1.058.200 ha) |
Độ sâu | 130 mét (430 ft) |
Hình thành bởi | Bốc hơi |
Địa chất học | Bãi muối, Hồ cạn |
Salar de Uyuni (hay Salar de Tunupa)[1] là bãi muối lớn nhất thế giới, với diện tích 10,582 km². Nó nằm ở tỉnh Daniel Campos, bộ Potosí ở phía tây nam Bôlivia, gần đỉnh của dãy Andes ở độ cao 3.656 mét trên mực nước biển.[2]
Salar được hình thành như là kết quả của sự biến đổi giữa một số hồ tiền sử. Nó được bao phủ bởi một lớp vỏ muối dày vài mét, có độ phẳng đáng kinh ngạc với biến thiên độ cao trung bình trong khoảng một mét trên toàn bộ khu vực Salar. Lớp vỏ đóng vai trò như một nguồn muối và bao phủ một bể nước muối cực kì giàu lithium. Nó chứa 50% đến 70% trữ lượng lithium được biết đến trên thế giới theo một bài viết trong Foreign Policy năm 2009 của Joshua Keat.[3] Diện tích lớn, bầu trời trong xanh và bề mặt phẳng đặc biệt đã khiến Salar là địa điểm lý tưởng để hiệu chỉnh độ cao của các vệ tinh quan sát Trái đất.[4][5][6][7][8] Sau khi mưa, lớp nước đọng biến bãi muối thành mặt gương lớn nhất thế giới, với đường kính hơn 129 km.[9]
Salar đóng vai trò là tuyến giao thông chính xuyên qua cao nguyên Andean của Bolivia và là nơi sinh sản chính của một số loài hồng hạc.
Salar de Uyuni là một phần của cao nguyên Andean, hay Altiplano của Bolivia ở Nam Mỹ. Altiplano được hình thành trong quá trình nâng cao dãy núi Andes. Cao nguyên bao gồm các hồ nước ngọt và nước mặn cũng như các bãi muối và được bao quanh bởi những ngọn núi không có đường thoát nước.[10]
Lịch sử địa chất của Salar gắn liền với sự chuyển đổi tuần hoàn giữa một số hồ lớn. Khoảng 30.000 đến 42.000 năm trước, khu vực này là một phần của một hồ tiền sử khổng lồ là Hồ Minchin. Tuổi của nó được ước tính bằng phóng xạ carbon vỏ sò từ các trầm tích thoát ra và các rạn đá carbonate, và có sự khác biệt giữa các nghiên cứu khác nhau. Hồ Minchin (được đặt theo tên Juan B. Minchin của Oruro[11]) sau đó biến đổi thành Hồ Paleo Tauca có độ sâu tối đa 140 mét (460 ft), và tuổi ước tính từ 13.000 đến 18.000 hoặc 14.900 đến 26.100 năm, tùy thuộc vào nguồn nghiên cứu. Hồ tiền sử gần đây nhất là Coipasa, có niên đại phóng xạ carbon từ 11,5 đến 13,400 năm trước. Khi khô cạn, nó tạo thành hai hồ nước hiện đại là Poopó và Uru Uru và hai sa mạc muối lớn là Salar de Coipasa và Salar de Uyuni. Hồ Poopó nằm lân cận với Hồ Titicaca lớn hơn nhiều. Trong mùa mưa, Titicaca tràn ra và xả vào Poopó, sau đó làm ngập Salar De Coipasa và Salar de Uyuni.[12]
Bùn Lacustrine hòa lẫn với muối và bão hòa nước muối làm nền cho bề mặt của Salar de Uyuni. Nước muối là một dung dịch bão hòa natri chloride, lithium chloride và magiê chloride trong nước. Nó được bao phủ bởi một lớp vỏ muối rắn có độ dày từ hàng chục cm đến vài mét. Trung tâm của Salar có một vài hòn đảo, là phần còn lại của ngọn núi lửa cổ đại bị nhấn chìm trong thời đại của hồ Minchin. Chúng bao gồm các cấu trúc và trầm tích dễ vỡ, giống san hô, thường chứa hóa thạch và tảo.[13]
Khu vực này có nhiệt độ trung bình tương đối ổn định với cao điểm là 21 °C vào tháng 11 đến tháng 1 và thấp điểm là 13 °C vào tháng Sáu. Ban đêm lạnh quanh năm, với nhiệt độ từ −9 °C đến 5 °C. Độ ẩm tương đối khá thấp và ổn định trong suốt cả năm ở mức 30% đến 45%. Lượng mưa cũng thấp ở mức 1 mm đến 3 mm mỗi tháng trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 11, nhưng có thể tăng lên tới 80 mm vào tháng 1. Tuy nhiên, ngoại trừ tháng 1, ngay cả trong mùa mưa, số ngày mưa ít hơn 5 ngày mỗi tháng.[8]
Salar chứa một lượng lớn natri, kali, lithium và magiê (tất cả ở dạng chloride của NaCl, KCl, LiCl và MgCl2 tương ứng), cũng như borax.[13] Với ước tính 9.000.000 tấn, Bolivia nắm giữ khoảng 7% tài nguyên lithium được biết đến trên thế giới; hầu hết tập trung ở Salar de Uyuni.[14]
Lithi được cô đặc trong nước muối dưới lớp vỏ muối với nồng độ tương đối cao khoảng 0,3%. Nó cũng có mặt trong các lớp trên cùng của khoáng thạch halit xốp nằm dưới lớp nước muối; tuy nhiên, nước muối lỏng dễ chiết xuất hơn, bằng cách xuyên qua lớp vỏ và bơm nước muối ra ngoài.[15] Sự phân bố nước muối được quan sát bởi vệ tinh Landsat và được xác nhận trong các thử nghiệm khoan trên mặt đất. Sau những phát hiện này, một tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Mỹ đã đầu tư 137 triệu đô la để phát triển khai thác lithium.[16] Tuy nhiên, việc khai thác lithium vào những năm 1980 và 1990 của các công ty nước ngoài đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng địa phương. Người dân địa phương tin rằng tiền đầu tư khai thác sẽ không có ích gì cho họ.[17]
Hiện tại không có nhà máy khai thác nào tại địa điểm này và chính phủ Bolivia không muốn cấp phép khai thác cho các tập đoàn nước ngoài. Thay vào đó, họ dự định liên doanh với ACI Systems Alemania GmbH, trong kế hoạch khai thác đạt sản lượng hàng năm là 35.000 tấn vào năm 2023.[18][19][20]
Salar de Uyuni ước tính chứa 10 tỷ tấn (9,8 tỷ tấn dài; 11 tỷ tấn ngắn) muối, trong đó ít hơn 25.000 tấn được khai thác mỗi năm.
Do vị trí, diện tích rộng lớn và bằng phẳng, Salar là tuyến đường vận chuyển ô tô chính xuyên qua cao nguyên Altiplano,[10] trừ mùa ngập nước.
Salar nghĩa là bãi muối trong tiếng Tây Ban Nha. Uyuni bắt nguồn từ ngôn ngữ Aymara và có nghĩa là một cái chuồng; Uyuni là họ và tên của một thị trấn đóng vai trò là cửa ngõ cho khách du lịch đến thăm Salar. Do đó, Salar de Uyuni có thể được dịch là một bãi muối với tường bao.
Truyền thuyết Aymara kể rằng những ngọn núi Tunupa, Kusku và Kusina bao quanh Salar, là những người khổng lồ. Tunupa kết hôn với Kusku, nhưng Kusku đã chạy trốn cùng với với Kusina. Tunupa đau buồn và bắt đầu khóc trong khi cho con bú. Nước mắt của bà trộn với sữa và tạo thành Salar. Nhiều người dân địa phương coi Tunupa là một vị thần quan trọng và nói rằng nơi này nên được gọi là Salar de Tunupa chứ không phải Salar de Uyuni.[13]
Salar hầu như không có bất kỳ loại động vật hoang dã hoặc thực vật nào. Thực vật hầu như chỉ có các loại xương rồng khổng lồ (Echinopsis atacamensis pasacana, Echinopsis tarijensis, v.v.). Chúng phát triển với tốc độ khoảng 1 cm/a cho đến khi đạt chiều cao khoảng 12 m. Các loại cây bụi khác bao gồm Pilaya, được sử dụng bởi người dân địa phương để chữa bệnh catarrh và Thola (Baccharis dracunculifolia), được đốt làm nhiên liệu. Bên cạnh đó còn có cây quinoa và bụi cây queñua.[13]
Vào mỗi tháng 11, Salar de Uyuni là nơi sinh sản của ba loài hồng hạc Nam Mỹ: hồng hạc Chile, Andean và James quý hiếm, màu sắc của chúng có lẽ bắt nguồn từ việc ăn tảo hồng. Còn có khoảng 80 loài chim khác, bao gồm cả chim cút có sừng, ngỗng Andean và chim ruồi Andean. Cáo Andean, hay còn gọi là Culpeo, cũng có ở đây và các hòn đảo ở Salar (đặc biệt là đảo Incahuasi) là nơi trú ngụ của các loài viscachas gần giống thỏ.[13]
Salar de Uyuni thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Vì cách xa thành phố, một số khách sạn đã được xây dựng trong khu vực. Do thiếu vật liệu xây dựng thông thường, nhiều trong số chúng gần như hoàn toàn (tường, mái, đồ nội thất) được xây dựng với các khối muối được cắt từ Salar. Khách sạn đầu tiên như vậy, có tên Palacio de Sal, được xây dựng vào năm 1993-1995[21][22] ở giữa bãi muối,[23][24] và sớm trở thành một điểm du lịch nổi tiếng.[25] Tuy nhiên, vị trí của nó ở trung tâm sa mạc gây ra vấn đề vệ sinh, vì hầu hết chất thải phải được thu gom bằng tay. Sai phạm trong quản lý gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và khách sạn bị buộc phải tháo dỡ vào năm 2002.[26][27]
Một điểm thu hút khách du lịch lớn là một nghĩa trang xe lửa cổ, nằm cách 3 km bên ngoài Uyuni và được kết nối bằng đường ray xe lửa cũ. Thị trấn trước đây từng là trung tâm phân phối cho các đoàn tàu chở khoáng sản trên đường đến các cảng biển Thái Bình Dương. Các tuyến đường sắt được xây dựng bởi các kỹ sư người Anh đến gần cuối thế kỷ 19 và hình thành một cộng đồng lớn ở Uyuni. Các kỹ sư đã được mời bởi các công ty đường sắt Antofagasta và Bolivia do Anh tài trợ, nay là công ty Ferrocarril de Antofagasta a Bolivia. Việc xây dựng đường sắt bắt đầu vào năm 1888 và kết thúc vào năm 1892. Nó được ủng hộ bởi Tổng thống Bolivia Aniceto Arce, người tin rằng Bolivia sẽ phát triển mạnh mẽ với một hệ thống giao thông tốt, nhưng nó cũng liên tục bị phá hoại bởi người bản địa Aymara vì họ coi đây là một sự xâm lăng. Các đoàn tàu chủ yếu được sử dụng bởi các công ty khai thác. Vào những năm 1940, ngành công nghiệp khai thác sụp đổ, một phần là do cạn kiệt khoáng sản. Nhiều chuyến tàu đã bị bỏ hoang, tạo thành nghĩa trang xe lửa. Có những đề xuất xây dựng một bảo tàng từ nghĩa trang này.[13]
Bãi muối là nơi lý tưởng để hiệu chỉnh các thiết bị đo khoảng cách của vệ tinh vì bề mặt lớn, ổn định với độ phản xạ mạnh, tương tự như các tảng băng. Là bãi muối lớn nhất trên Trái đất, Salar de Uyuni đặc biệt phù hợp cho mục đích này. Trong thời kỳ mưa thấp từ tháng 4 đến tháng 11, do không có ngành công nghiệp và do độ cao nên bầu trời tại Salar de Uyuni rất trong và không khí khô ráo. Nó có bề mặt ổn định, được làm phẳng bởi lũ lụt theo mùa - nước hòa tan bề mặt muối và do đó giữ cho mực nước được cân bằng.[28]
Vì vậy, biến thiên độ cao bề mặt trên 10.582 kilômét vuông (4.086 dặm vuông Anh) diện tích của Salar de Uyuni nhỏ hơn 1 mét (3 ft 3 in). Độ phản xạ bề mặt (albedo) đối với tia cực tím tương đối cao ở mức 0,69 và biến thiên chỉ có một vài phần trăm vào ban ngày.[7] Sự kết hợp của tất cả những điều này khiến cho hiệu chuẩn vệ tinh tại Salar de Uyuni ưu việt hơn khoảng năm lần so với bề mặt của đại dương.[5][6][29] Sử dụng Salar de Uyuni làm điểm ngắm, ICESat đã đạt được độ chính xác đo độ cao ngắn hạn dưới 2 xentimét (0,79 in).[30]
Bằng cách sử dụng dữ liệu từ MISR để thực hiện đo độ sâu quang thụ động khi bãi muối bị ngập và hiệu chỉnh kết quả mô hình độ sâu của nước với dữ liệu địa hình từ độ cao laser của ICESat, người ta đã chứng minh rằng Salar de Uyuni không hoàn toàn bằng phẳng. Phân tích năm 2006 cho thấy các đặc điểm bị bỏ lỡ trước đây: các đường vân có chiều cao từ 20 đến 30 cm gần như hình sin với bước sóng 5 km (có thể thấy rõ trong các hình ảnh vệ tinh LandSat năm 1973 và 1975, và vẫn ở cùng một nơi trong nhiều thập kỷ sau đó) và một con hào xung quanh ngoại vi rộng 1 đến 3 km và sâu 20 đến 50 cm. Chúng bắt nguồn từ sự thay đổi mật độ vật chất, và do đó thay đổi lực hấp dẫn bên dưới trầm tích của Salar. Cũng giống như bề mặt đại dương cao hơn ở những vùng núi biển đặc hơn, bề mặt đồng muối cũng lên xuống, phản ánh sự thay đổi mật độ vật chất dưới bề mặt.[29][31]
|=
(trợ giúp)