Tấn Tài | |
---|---|
Nghệ sĩ Tấn Tài vào năm 2008 | |
Biệt danh | Hoàng đế dĩa nhựa |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Lê Tấn Tài |
Ngày sinh | 18 tháng 2, 1938 |
Nơi sinh | Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang, Liên bang Đông Dương |
Mất | |
Ngày mất | 27 tháng 1, 2011 | (72 tuổi)
Nơi mất | Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam |
Nguyên nhân | Nhiễm trùng đường ống mật |
An nghỉ | Chùa Nghệ Sĩ |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Nghề nghiệp | Nghệ sĩ cải lương |
Gia đình | |
Con cái | Tấn Beo Tấn Bo |
Sự nghiệp sân khấu | |
Năm hoạt động | 1959 – 2011 |
Vai diễn | Điệp Nhứt Lang trong Cát Dung Phương Tử |
Giải thưởng | Giải Thanh Tâm (1963) |
Tấn Tài (18 tháng 2 năm 1938–27 tháng 1 năm 2011) là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người Việt Nam. Trước năm 1975, ông được mệnh danh là "Hoàng đế đĩa nhựa" của cải lương với mức cát xê cao ngất ngưỡng cùng với "Bà hoàng băng đĩa" Phượng Liên và "Nữ hoàng kiếm hiệp" Mỹ Châu.
Nghệ sĩ Tấn Tài sinh tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Xuất thân là một giáo viên trường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang, trong gia đình không ai theo nghề ca hát nhưng vì mê đờn ca tài tử, ông đã từ bỏ nghề giáo viên.[1]
Năm 1959, ông trốn theo gánh hát mặc cho người mẹ của mình ngăn cản.[2] Đoàn hát đầu tiên Tấn Tài theo là đoàn của ông bầu Ba Bản, một đoàn nhỏ ở An Giang. Vì có giọng hát đẹp, Tấn Tài nhanh chóng trở thành kép chánh và được các đoàn khác mời.
Năm 1961, ông bầu Thành đoàn Song Kiều ký với Tấn Tài một contrat 100.000 đồng để ông về hát cho đoàn Song Kiều. Ở đoàn Song Kiều, Tấn Tài nổi danh qua các vở: Tâm tình Mỵ Vương phi, Nắng chiều quê ngoại, Nắng lên cổ tháp.
Năm 1962, Tấn Tài về cộng tác với đoàn hát Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, được nghệ sĩ Ba Vân tận tâm chỉ dạy, ông đã thành công khi thủ vai Điệp Nhứt Lang (vở Cát Dung Phương Tử) của soạn giả Thiếu Linh, vai diễn này giúp ông đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963.
Năm 1964, ông đầu quân cho sân khấu Dạ Lý Hương. Tại đây, ông hát cặp với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết và có những vai để đời trong các vở: Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Tiếng vọng Ba Đèo, Võ Tòng sát Tẩu, Sương mù trên non cao,...
Năm 1966 đến năm 1969, Tấn Tài là diễn viên chánh của đoàn Kim Chung 1 và 2.
Năm 1969, Tấn Tài cùng vợ là nghệ sĩ Như Ngọc lập gánh hát mang bảng hiệu Tân Thủ Đô - Tấn Tài.
Vào thập niên 70, ông thu âm hơn 400 đĩa: vọng cổ, tuồng cải lương cùng hàng ngàn bài tân cổ cho hãng dĩa Việt Nam. Vì vậy mà báo giới đặt cho ông cái tên Hoàng đế đĩa nhựa. Một ngày ông thu 5–6 bài, mỗi bài giá 12.000 đồng – tương đương giá một lượng vàng thời đó.[3]
Sau năm 1975, Tấn Tài giao gánh hát lại cho tỉnh Hậu Giang, ông mở quán ca nhạc riêng cho mình, rồi đi hát cho đoàn hát Song Hậu của nhà nước. Ông nhận hát từng show khi có yêu cầu.
Ông có hai người con trai là hai danh hài Tấn Beo và Tấn Bo. Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 2011 tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh vì nhiễm trùng đường ống mật, không lâu sau sinh nhật 73 tuổi và được an táng tại chùa Nghệ Sĩ.[4][5]
Ông đã ca hơn 1.000 bài vọng cổ, 500 vở tuồng từ sàn diễn đến thị trường băng đĩa, đây là điều mơ ước của thế hệ cùng thời ông và thế hệ sau này.[6]
Ông cũng có hàng loạt vai chính nổi bật trong các tuồng: Người phu khiêng kiệu cưới, Khi rừng mới sang thu, Bóng hồng sa mạc, Băng Tuyền nữ chúa, Manh áo quê nghèo,...