Tầm gửi (tiếng Anh: mistletoe) là tên gọi chung cho một số loài thực vật ký sinh bắt buộc trong bộ Đàn hương (Santalales). Chúng sống nhờ trên cây chủ bằng cách dùng giác mút bám chặt vào thân, qua đó hút nước và các chất dinh dưỡng. Thuật ngữ ban đầu chỉ dùng cho Viscum album, còn gọi là cây "ghi trắng" hay "tầm gửi châu Âu", tuy nhiên về sau, từ này đã được mở rộng để chỉ nhiều loài thực vật trong bộ Đàn hương.
Viscum album thuộc họ Đàn hương (Santalaceae), bộ Đàn hương, là loài bản địa duy nhất ở quần đảo Anh và phần lớn khu vực châu Âu. Ở Bắc Mỹ, chi Viscum không phải loài bản địa nhưng loài này đã được du nhập tới Bắc California vào năm 1900. Ngoài ra, có loài tầm gửi phương đông bản địa của Bắc Mỹ là Phoradendron leucarpum, thuộc một chi riêng trong họ này.
Viscum cruciatum, một loài có họ hàng gần với loài kể trên, ra quả màu đỏ thay vì trắng và xuất hiện ở phía tây nam Tây Ban Nha, phía nam Bồ Đào Nha, cũng như mọc rải rác ở Maroc, các khu vực Bắc Phi và phía Nam châu Phi. Một số loài tầm gửi khác cũng đã được ghi nhận tại Úc.[1]
Tầm gửi châu Âu có lá xanh hình bầu dục, mép trơn, mọc thành từng cặp dọc thân gỗ. Cây ra quả mọng màu trắng, dạng sáp, kết chùm từ hai đến sáu quả. Tầm gửi phương đông ở Bắc Mỹ cũng tương tự nhưng lá ngắn và rộng hơn, chùm có 10 quả hoặc nhiều hơn.
Qua nhiều thế kỷ, tên gọi đã được mở rộng để bao gồm nhiều loài thực vật khác có đặc điểm ký sinh tương tự trên toàn thế giới. Nhiều loài trong họ Misodendraceae ở Nam Mỹ và họ Loranthaceae chủ yếu ở khu vực nhiệt đới phía nam bán cầu cũng được gọi là tầm gửi.
Hiện có 1500 loài tầm gửi với mức độ nguy hiểm khác nhau đối với con người, tầm gửi châu Âu (Viscum album) có độc tính cao hơn tầm gửi Mỹ (Phoradendron serotinum).[2]
Độc tính thường không gây tử vong.[3] Các chất phoratoxin (trong chi Phoradendron) và tyramin (trong chi Viscum) có thể gây mờ mắt, buồn nôn và tiêu chảy.[3] Các triệu chứng nặng hơn từng được ghi nhận bao gồm co giật, tăng huyết áp hoặc ngừng tim. Độc tố tập trung chủ yếu ở lá và quả, trong khi đó trà làm từ cây này có thể coi là đặc biệt nguy hiểm. Người lớn chịu ít ảnh hưởng ngộ độc hơn trẻ em và động vật.[2]
Trong lịch sử, tầm gửi được xem là có tác dụng chữa các bệnh viêm khớp, động kinh, vô sinh. Một vài vùng ở Nam Á sử dụng loài cây này làm thuốc dùng ngoài da.[4][5]