Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thi hành án dân sự thành lập ngày 10 tháng 11 năm 2009, theo Quyết định số 2999/QĐ-BTP ngày 6 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.[1][2]
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự được quy định tại Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.[3]
Theo Điều 2, Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn chính:
- Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các loại văn bản thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính.
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
- Theo dõi việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, đôn đốc thi hành, án hành chính. Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định.
- Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội.
- Quản lý khoản thu phí do cơ quan thi hành án dân sự nộp cho Tổng cục Thi hành án dân sự để thực hiện việc điều hòa phí thi hành án và sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao và theo quy định của pháp luật.
- Tổng cục trưởng: Nguyễn Quang Thái[5]
- Phó Tổng cục trưởng:
- Nguyễn Văn Sơn[6]
- Nguyễn Văn Lực[7]
- Trần Thị Phương Hoa[8]
- Nguyễn Thắng Lợi[9]
(Theo Điều 3, Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 1, Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg ngày 2 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
Cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự ở Trung ương
[sửa | sửa mã nguồn]
- Văn phòng Tổng cục
- Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, trọng tài thương mại (gọi tắt là Vụ nghiệp vụ 1)
- Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định phá sản; phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2)
- Vụ Quản lý Thi hành án hành chính, thống kê và dữ liệu thi hành án (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 3)
- Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Vụ Tổ chức cán bộ
- Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Tạp chí điện tử Thi hành án dân sự
Cục Thi hành án dân sự ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.
Chi cục Thi hành án dân sự ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện) trực thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Ngày 5 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 397/QĐ-TTg lấy ngày truyền thống của ngành Thi hành án dân sự là ngày 19 tháng 7 hàng năm.[10][11]