Tetris

Tetris
Một màn hình trò chơi Tetris điển hình
Nhà phát triểnAlexey Pajitnov
Vadim Gerasimov
Vladimir Pokhilko Sửa đổi tại Wikidata
Thiết kếAlexey Pajitnov
Nền tảngNhiều nền tảng
Phát hànhElectronika 60
  • USSR: Tháng 6 năm 1984
IBM PC
  • USSR: 1986
  • EU: Tháng 11 năm 1987
  • NA: Tháng 1 năm 1988
Thể loại
Chế độ chơi

Tetris (Nga: Тетрис), hay còn gọi là trò chơi xếp hình, là một trò chơi điện tử đầu tiên được thiết kế và phát triển bởi nhà khoa học máy tính người Liên Xô Alexey Pajitnov. Trò chơi được tạo ra vào ngày 6 tháng 6 năm 1984,[1] trong lúc ông đang làm việc tại Trung tâm Tính toán Dorodnicyn của Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Moskva. Ông lấy tên của trò chơi từ tiền tố "tetra- của tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "bốn" (mỗi bộ phần trong trò chơi, gọi là Tetromino, có bốn phần) và quần vợt (tennis), trò thể thao Pajitnov thích nhất.[2]

Trò chơi (hay một biến thể của nó) được bán cho hầu hết mọi máy trò chơi điện tử và hệ điều hành máy tính, cũng như trong các máy tính đồ họa, điện thoại di động, máy nghe nhạc di động, PDA, và nhiều thứ khác. Tuy nhiều biến thể của Tetris được bán trên thị trường vào thập niên 1980, trò chơi cầm tay của Game Boy, ra mắt năm 1989 đã biến trò chơi thành một trong những trò chơi thịnh hành nhất. Số thứ 100 của tạp chí Electronic Gaming Monthly gọi Tetris là "Trò chơi Vĩ đại nhất trong Mọi thời đại". Nó đã bán được hơn 70 triệu phiên bản.[3]

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Trò chơi có bảy loại khối hình: I (thẳng đứng), J, L, O (vuông), S, T, Z. Ta thấy mỗi khối gạch được cấu tạo từ 4 hình vuông nhỏ xếp lại với nhau. Ta có thể coi các khối gạch đó như là những hình chữ nhật có kích thước khác nhau.

Các hình khác được tạo ra khi xoay các khối cơ bản này các góc tương ứng 90 độ, 180 độ, 270 độ.

Một chuỗi ngẫu nhiên của Tetriminos rơi xuống sân chơi (một trục đứng hình chữ nhật, được gọi là "tốt" hay "ma trận").

Cách chơi

[sửa | sửa mã nguồn]

Mục tiêu của trò chơi là di chuyển các khối gạch đang rơi từ từ xuống trong kích thước hình chữ nhật 20 hàng x 10 cột (trên màn hình). Chỗ nào có gạch rồi thì không di chuyển được tới vị trí đó. Người chơi xếp những khối hình sao cho khối hình lấp đầy 1 hàng ngang để ghi điểm và hàng ngang ấy sẽ biến mất.

Ta có hai bảng:

  • một bảng chính gồm 24 dòng và 10 cột. Ta sẽ chỉ thể hiện ra màn hình 20 dòng còn 4 dòng kia thì không. Tại sao thế? Vì khi ta tạo 1 khối gạch mới để rơi xuống ta sẽ tạo ở khoảng 4 dòng trên cùng. Và người chơi sẽ không thấy cho đến khi nó rơi xuống dần lộ ra.
  • một bảng Next thể hiện những khối gạch tiếp theo sẽ được cho vào màn chơi khi khối gạch hiện tại đã đặt xong.

Một nhóm 4 khối sẽ rơi từ phía trên cùng của màn hình, di chuyển các khối và xoay chúng cho đến khi chúng rơi xuống phía dưới cùng của màn hình, sau đó nhóm 4 khối tiếp theo sẽ rơi xuống.

Nếu để cho những khối hình cao quá màn hình, trò chơi sẽ kết thúc.

Trò chơi kết thúc khi khối gạch không rơi xuống được nữa.

Tất cả các Tetriminos có khả năng hoàn thành một và hai dòng. J, L có thể có ba. Chỉ có Tetrimino chữ I có khả năng để xóa bốn dòng cùng một lúc, và điều này được gọi là một "Tetris". Xóa nhiều nhất chỉ được 4 hàng/1 lần.

Phím tắt:

  • Phím mũi tên lên: xoay khối.
  • Phím mũi tên trái: di chuyển sang trái.
  • Phím mũi tên phải: di chuyển sang phải.
  • Phím mũi tên xuống: tăng tốc độ rơi.

Cách ghi điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Công thức tính điểm chính trong các phiên bản khác nhau của Tetris chủ yếu dựa theo nguyên tắc: càng xóa được nhiều dòng cùng lúc thì càng có nhiều điểm. Thí dụ, chỉ xóa được một dòng đơn lẻ thì sẽ nhận được 100 điểm, xóa bốn hàng cùng một lúc (Tetris) thưởng cho người chơi 800 điểm, trong khi xóa hàng Tetris liên tục là 1200 điểm. [1] Ngoài ra, người chơi có thể xóa các hàng đơn hoặc nhiều hơn liên tiếp để nhận thêm điểm, đay được gọi là "combo". Cách tính điểm cho "combo" tùy thuộc vào các phiên bản khác nhau. [2]

Hầu hết các tựa game Tetris cho phép người chơi dùng nút nào đó để tăng tốc độ rơi (thả nhẹ) hoặc khiến cho khối hình khóa xuống nền ngay lập tức (thả mạnh). Khi thả nhẹ, người chơi vẫn có thể giảm tốc của khối hình bằng cách ngưng nhấn nút trước khi khối chạm xuống nền. Một số bản cho phép chỉ cho phép một trong hai kiểu thả, số khác thì có cả hai.

"Easy spin", còn gọi là "xoay liên tục", [3] là tính năng ở một số bản Tetris khi thanh tetrimino ngừng rơi trong một khoảnh khắc ngắn sau khi vừa chuyển động từ trái sang phải, cho phép người chơi có nhiều thời gian để quyết định xem nên đặt khối đó ở đâu. Cơ chế này được áp dung cho phiên bản The Next Tetris năm 1999 và rồi thu hút nhiều sự chỉ trích trong phiên bản Tetris Worlds năm 2001. [4]

Tính năng "Easy spin" đã được Công ty Tetris áp dụng trong Bản hướng dẫn chính thức của mình. [5] Cơ chế này tách biệt nó khỏi lối chơi Tetris truyền thống vì không còn áp lực tốc độ trong các cấp độ cao nữa. Một só nhà phê bình [6] còn nhận xét rằng cơ chế này làm cho "Tetris không còn là Tetris nữa". Mục đích chính của phiên bản Tetris Worlds là xóa các dòng nhất định nhanh nhất có thể, nên cơ chế này không giúp ích gì cả. Sau này, GameSpot nhận xét về "Easy spin" một cách dễ dãi hơn, nói rằng "cơ chế này chỉ ảnh hưởng tới một số chế độ chơi đơn của Tetris DS, vì trong bất cứ chế độ cạnh tranh khác, bạn cũng đều muốn chơi nhanh hết mức có thể". [7]

Henk Rogers trả lời Nintendo World Report rằng cơ chế này là có chủ đích trong quá trình thiết kế, giúp người chơi mới có thêm một chút thời gian để xem chỗ nào là tốt nhất để đặt khối xuống. Ông thấy rằng cơ chế này không được sủ dụng trong các trận đấu cạnh tranh, vì những người chơi giỏi không cần nhiều thời gian để quyết định vị trí đặt khối. Cơ chế này đã có thêm một vài hạn chế trong các phiên bản sau, khi mà khối sẽ tự động khóa xuống nền sau số lần xoay và di chuyển nhất định, mặc định thường là 15. [8]

Lịch sử hình thành

[sửa | sửa mã nguồn]

Ý tưởng và thiết kế ban đầu (1984-1985)

[sửa | sửa mã nguồn]
Alexey Pajitnov, cha đẻ của Tetris. (ảnh chụp 2024)

Năm 1979, Alekxey Pajitnov vào làm việc tại Trung tâm Tính toán của Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô với chức vụ là nhà nghiên cứu nhận dạng tiếng nói. Trong khi được giao nhiệm vụ kiểm tra khả năng hoạt động của các phần cứng mới, ông cũng có một tham vọng: dùng máy tính để đem niềm vui tới cho mọi người. [9] Pajitnov phát triển một vài trò xếp hình trên máy tính của viện, chiếc Elektronika 60. [10] [11] Với Pajitnov, "trò chơi điện tử kết nối mọi người với nhau và tiết lộ những điều mà thường bạn không để ý, cách suy nghĩ của họ chẳng hạn". [12]

Năm 1984, [13] khi cố tạo lại trò chơi xếp hình ưa thích của mình hồi còn bé chứa các thanh pentomino, [14] Pajitnov nghĩ ra một trò chơi với những khối với hình dáng ngẫu nhiên rơi xuống mà người chơi sẽ phải xếp thành hàng hoàn chỉnh. [15] Pajitnov không muốn trò chơi của mình quá phức tạp với mười hai kiểu dáng hình khác nhau, nên ông điều chỉnh từ pentomino xuống thành tetrimino, từ đó chỉ còn bảy kiểu dáng hình. [16] Ông lấy tên "Tetris" để đặt cho trò chơi. [17]

Vì Electronika 60 không có giao diện đồ họa, Pajitnov tự thiết kế bảng chơi và các khối hình bằng cách sử dụng khoảng trống và dấu ngoặc đơn [18] (sử dụng 45 trên tổng 80 kí tự ASCII). [19] Nhận ra những hàng hoàn chỉnh làm đầy màn hình quá nhanh, Pajitnov quyết định xóa chúng, đây trở thành một phần cốt yếu của Tetris. [20] Phiên bản đầu của Tetris không có cấp độ và điểm, nhưng tính hấp dẫn mà lối chơi này mang lại tách Tetris ra hoàn toàn khỏi các trò chơi khác mà Pajitnov tạo ra. [21] Pajitnov lập trình trò chơi bằng ngôn ngữ Pascal cho hệ điều hành RT-11 trên máy Elektronika 60. [22]

Phiên bản đầu của Tetris (ảnh minh họa).

Pajitnov hoàn thiện bản chơi Tetris đầu tiên vào khoảng 1985. [23] Ông giới thiệu cho các đồng nghiệp và rất nhanh, họ bị cuốn vào trò chơi. [24] Tetris xuất hiện tại mọi văn phòng của Viện Khoa học, rồi trong vài tuần nó có mặt tại mọi Viện của Moskva nào có máy tính. Một người bạn của Pajitnov, Vladimir Pokhilko, cho trò chơi xuất hiện tại Viện Y tế Moskva, để rồi lại phải cấm trò chơi trong Viện bởi mọi người đều ngừng làm việc để chơi Tetris.

Pajitnov muốn đưa Tetris vào máy tính cá nhân IBM vì nó có màn hình hiển thì với chất lượng cao hơn. Pajitnov tuyển Vadim Gerasimov, một học sinh 16 tuổi được biết đến với tài năng vi tính của mình. [25] Pajitnov đã mặt Gerasimov qua một vài lần và cũng đã làm game cùng nhau. [26] Gerasimov nhập Tetris lên máy IBM trong vài tuần, thêm các tính năng như màu và bảng điểm. [27] Bản PC được viết bằng ngôn ngữ Turbo Pascal. [28]

Alekxey Pajitnov đưa ra nhiều năm khác nhau khi ông hoàn thành phiên bản Tetris gốc. Trong cuộc phỏng vấn xuất bản năm 1993, ông trả lời rằng Tetris không chơi được cho tới năm 1985. Henk Rogers nói thông tin duy nhất về năm phát hành trò chơi là dựa vào trí nhớ của Pajitnov, ông phát triển nó vào năm 1984 trên máy Electronika 60, vào thời điểm Liên Xô chưa có cáo thị bản quyền và vào năm 1985, phiên bản Tetris IBM được lưu hành khắp Liên Xô.

Vượt qua lãnh thổ Liên Xô (1985-1988)

[sửa | sửa mã nguồn]

Pajitnov muốn xuất khẩu Tetris, nhưng không có tí kiến thức gì về kinh doanh. Cấp trên của ông ở Viện không quá vui vì sự thành công của trò chơi vì họ không tính tới việc đội nghiên cứu sẽ tạo ra một sản phẩm như vậy. Hơn nữa, Luật bản quyền của Liên Xô làm cho nhà nước được độc quyền xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm có bản quyền, và các nhà nghiên cứu Liên Xô không được phép bán sản phẩm của mình. [29] Pajitnov nhờ sự giúp đỡ từ cố vấn Brjabrin, người biết nhiều về thế giới bên ngoài, để hỗ trợ ông giới thiệu Tetris. Pajitnov đề nghị chuyển giao quyền sở hữu cho Viện Khoa học, và nhận được khoản thù lao không bắt buộc từ Brjabin, điều mà ông thấy khá hài lòng.

Năm 1986, Brjabin gửi bản sao của Tetris cho nhà phát hành Hungary Novotrade. Từ đó, các bản sao của Tetris được lưu hành qua dạng ổ đĩa mềm, xuyên khắp Hungary cho tới tận Ba Lan. Robert Stein, một nhân viên bán phần mềm cho hãng Andromeda Software tại London, thấy tiềm năng thương mại của Tetris trong một chuyến đi tới Hungary vào tháng 6 năm 1986. Sau một phản hồi có phần vô tư từ Viện Khoa học Moskva, Stein liên hệ cho Pajitnov và Brjabrin bằng máy Fax để có được quyền cấp phép. Hai nhà nghiên cứu tỏ ra hứng thú với việc lập ra một thỏa thuận với Stein qua máy fax, nhưng lại không nhân ra rằng cách liên lạc này có thể làm hợp đồng hợp pháp tại phương Tây. Stein sau đó liên lạc với các công ty khác để sản xuất Tetris.

Stein tiếp cận các nhà phát hành game tại Hội chợ Điện tử Tiêu dùng 1987 tại Las Vegas. Gary Carlston, đồng sáng lập của Broderbund có được một bản copy và mang nó tới California. Mặc dù các nhân viên của công ty này cảm thấy rất hào hứng với trò chơi, Broderbund vẫn cảm thấy hoài nghi vì trò chơi có nguồn gốc Liên Xô. Tương tự, đồng sáng lập của Mastertronic Martin Alper nói rằng "sẽ không có sản phẩm nào của Liên Xô có thể có chỗ đứng ở phương Tây đâu". Carlston về sau hối hận khi từ chối đề nghị này " 50,000 Đô la Mỹ để có được quyền phát hành Tetris toàn thế giới. Những người khác cố động viên tôi bằng cách kể cho tôi nghe những điều mà Henk Rogers đã phải trải qua để có được những quyền đó, nhưng đáng lẽ tôi nên chấp nhận tựa game ngay từ đầu mới phải".

Stein kí được hai hợp đồng: ông bán quyền phát hành bên Châu Âu cho nhà phát hành Mirrorsoft, và quyền phát hành bên Mĩ cho công ty con Spectrum HoloByte. Tại thời điểm này, Stein chưa có thỏa thuẩn chính thức nào với phía Liên Xô cả. Tuy thế, ông vẫn bán quyền phát hành cho hai công ty với giá 3000 Bảng Anh cùng với tiền hoa hồng 7,5 tới 15% cho mỗi bản bán ra.

Trước khi phát hành Tetris tại Hoa Kì, CEO của Spectrum HoloByte là Gilman Louie muốn đồ họa và âm nhạc của game được đại tu lại. Chủ đề Liên Xô được giữ nguyên, với màn hình trò chơi chứa những tòa nhà và công viên Nga cùng những giai điệu quen thuộc với văn hóa nước Nga vào thời điểm đó. Mục tiêu của công ty là khiến cho khách hàng muốn mua một sản phẩm của Nga. Phiên bản của Mirrorsoft được phát hành tại Châu Âu vào ngày 27 tháng 1 năm 1988, và phiên bản của Spectrum HoloByte phát hành vào ngày 29 tháng 1 năm 1988. Tựa game chạy trên máy IBM PC DOS và trên các nền tảng khác vào những năm tiếp theo.

Mirrorsoft nhập Tetris lên các nền tảng khác bao gồm: Amiga, Atari ST, ZX Spectrum, Commodore 64Amstrad CPC. Tetris thành công về mặt thương mại tại thị trường Châu Âu và Hoa Kì: Mirrorsoft bán được hơn chục nghìn bản trong hai tháng, còn Spectrum HoloByte bán được một trăm nghìn bản trong một năm. Theo Spectrum HoloByte, độ tuổi trung bình của người chơi Tetris là từ 25 đến 45 tuổi và thường là quản lí hoặc kĩ sư. Tại lễ kỉ niệm của Hiệp hội Công nghiệp Thông tin và Phần mềm tháng 3 năm 1988, Tetris thắng giải Phần mềm Giải trí Hay nhất, Trò chơi gốc Hay nhất, Phần mềm Chiến thuật Hay nhất và Phần mềm Tiêu dùng Tốt nhất.

Stein bây giờ đối mặt với một vấn đề: tài liệu duy nhất xác minh phí giấy phép là một bản fax từ Pajitnov và Brajbrin, có nghĩa là Stein bán một trò chơi mà ông chưa có quyền sở hữu. Stein liên hệ cho Pajitnov để có được một bản hợp đồng cho quyền sở hữu. Stein liên lạc qua fax, đề nghị trả 75% doanh thu của mình. Elektronorgtechnica (Elorg), hiệp hội trung ương của Liên Xô chuyên về xuất nhập khẩu phần mềm máy tính, không thấy thỏa mãn và muốn nâng lên 80%. Stein đã có nhiều chuyến đi tới Liên Xô để thảo luận với những người đại diện của Elorg.

Stein và Elorg có thỏa thuận vào 24 tháng 2 năm 1988. Vào ngày 10 tháng 5 ông kí một bản hợp đồng với thời hạn mười năm cho quyền phát hành Tetris trên các hệ thông máy tính hiện tại và tương lai. Pajitnov với Brajbrin không hề biết rằng Tetris đang được bày bán và Stein đã có được quyền phát hành. Mặc dù không được hưởng tiền hoa hồng, ông nói rằng "với tôi, có nhiều người thích chơi Tetris là quá đủ rồi".

Cuộc chiến pháp lý (1988-1989)

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1988, Spectrum HoloByte bán quyền phát hành Tetris máy tính tại Nhật cho Bullet-Proof Software, công ty của Henk Rogers, người đang tìm kiếm trò chơi cho thị trường này. Mirrorsoft bán quyền phát hành game thùng cho công ty con của Atari GamesTengen, công ty này sau đó lại bán quyền game thùng cho Sega và quyền console cho BPS, công ty sản xuất máy tính Nhật Bản, cùng với đó là một bản port console cho máy chơi game Family Computer của Nintendo, được biết đến với cái tên Nintendo Entertainment System (NES). Phiên bản này được viết bằng ngôn ngữ C6502 cho Nintendo.

Tại thời điểm này, gần đến hàng tá công ty nghĩ là mình có quyền phát hành Tetris còn Stein giữ giữ quyền cho phiên bản máy tính của trò chơi. Elorg phía Liên Xô vẫn không hay gì về thỏa thuận đã kí với Stein, họ không có lợi nhuận gì cả. Tetris thành công vang dội tại Bắc Mĩ, Châu Âu và Châu Á.

Henk Rogers

Cùng năm, Nintendo chuẩn bị cho ra mắt máy chơi game cầm tay đầu tiên, Game Boy. Tetris thu hút Nintendo bởi sự đơn giản và thành công của nó trên NES. Rogers, người gần gũi với chủ tịch Nintendo lúc đó là Yamauchi Hiroshi, muốn có được quyền cho máy chơi game này. Sau vài cuộc đàm phán thất bại với Atari, Rogers liên hệ cho Stein vào tháng 11 năm 1988. Rogers bắt đầu nghi ngờ việc Stein vi phạm hợp đồng và quyết định tới Liên Xô vào tháng 2 năm 1989 để đàm phán với Elorg.

Rogers tới văn phòng của Elorg mà chưa hẹn trước, cònStein và quản lí của Mirrorsoft là Kevin Maxwell đã thu xếp được một cuộc hẹn. Xuyên suốt buổi đàm thoại, Rogers trình bày rằng ông muốn có quyền phát hành Tetris trên hệ máy Game Boy. Sau khi đạt được thỏa thuận với chủ tịch Elorg Nikolai Belikov, Rogers cho Belikov xem phiên bản Tetris của Famicom. Belikov tại thời điểm đó chỉ nghĩ rằng Tetris chỉ được phép phát hành cho máy tính, nên ông thấy rất ngạc nhiên.

Rogers bị cáo buộc xuất bản Tetris trái phép, nhưng Rogers giải thích rằng mình có được quyền xuất bản qua Atari Games, công ty mà trước đó đã kí thỏa thuận với Stein. Belikov nhận ra rằng tình hình đã trở nên rất phức tạp trong vòng bốn năm qua bởi những hợp đồng mà Stein đã kí. Ông này liền lên kế hoạch để thu hồi lại quyền xuất bản để có được những thỏa thuận thương mại tốt hơn trước. tính tới lúc đó, ba công ty đang muốn mua lại quyền xuất bản của Elorg.

Trong suốt thời gian này, Rogers đã kết bạn được với Pajitnov qua một ván cờ vây. Và Pajitnov ủng hộ Rogers rất nhiệt tình trong buổi đàm phán, điều này là một bất lợi không nhỏ cho Maxwell. Belikov cho Rogers biết rằng bên ông sẽ thu hồi quyền của Rogers và Nintendo sẽ được phát hành Tetris trên cả máy chơi game trong nhà lẫn cầm tay. Rogers sau đó bay tới Mĩ để thuyết phục Nintendo America kí hợp đồng. Hợp đồng với Elorg được kí bởi ban điều hành và chủ tịch Arakawa Minoru với giá 500,000 Đô la Mĩ, cộng thêm đó là 50 xu cho mỗi bản bán ra.

Elorg sau đó gửi một bản hợp đồng sửa đổi. Một trong số câu trong đó có nêu lên định nghĩa của máy tính là một cỗ máy có màn hình và bàn phím và vì thế nên quyền phát hành Tetris cho hệ máy console của Stein đã bị thu hồi. Stein kí tên vào hợp đồng mà không để ý tới dòng chữ này và rồi nhận ra phần còn lại của bản sửa đổi này, chủ yếu là số tiền được trả chỉ là để đánh lừa ông này.

Tháng 3 năm 1989, Nintendo gửi thư yêu cầu ngừng và chấm dứt cho Atari Games về phiên bản NES của Tetris. Atari liền liên hệ cho Mirrorsoft để đảm bảo rằng họ vẫn còn giữ quyền phát hành. Nintendo vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu. Chủ tịch Mirrorsoft Robert Maxwell trả lời bằng cách gây áp lực với lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachyov để hủy hợp đồng giữa Elorg và Nintendo. Dù vậy, Elorg vẫn không chịu từ bỏ và tập trung chỉ ra những điểm lợi về tài chính của việc kí hợp đồng với Nintendo so với Stein và Mirrorsoft.

Vào ngày 15 tháng 6 năm 1989, Nintendo cùng Atari Games kiện nhau ra tòa tại San Francisco. Atari Games muốn chứng mính máy NES là một dạng máy tính, như cái tên ở Nhật của nó là "Famicom" chỉ ra, là viết tắt của "Family Computer". Trong trường hợp đó, sẽ cho phép Atari Games được phát hành trò chơi. Lập luận chính của Atari là Famicom có thể được chuyển thành máy tính thông qua sản phẩm Family BASIC. Lập luận này không được chấp nhận và Pajitnov nhấn mạnh rằng hợp đồng trước đó chỉ nhắc tới máy tính và không có loại máy nào khác.

Nintendo cho mời Belikov tới để làm chứng cho bên họ. Thẩm phán Fern M. Smith đưa ra phán quyết rằng Mirrorsoft và Spectrum HoloByte chưa từng được cho phép phát hành trên hệ máy console một cách minh bạch và vào ngày 21 tháng 6 năm 1989 đã đưa ra một án lệnh tạm thời có lợi cho Nintendo. Atari Games thu hồi hết mọi phiên bản NES của Tetris đã được bán vào ngày hôm sau, với hàng nghìn bản vẫn được trữ trong nhà kho của công ti này.

Tetris trên máy Game Boy

Sega cũng đã có dự định phát hành phiên bản Genesis của Tetris vào ngày 15 tháng 4 năm 1989 nhưng lại phải hoãn do cuộc chiến pháp lí giữa Nintendo và Atari Games, chỉ có khoảng dưới chục bản được sản xuất ra. Phiên bản Game Boy của Tetris ra mắt tại Nhật vào tháng 6 năm 1989 và dưới dạng đi kèm ở Mĩ vào tháng 7 năm 1989. Phiên bản NES cũng được phát hành cùng năm. Hai phiên bản này đều đạt được doanh thu lớn,với 40 triệu phiên bản Game Boy và 7 triệu phiên bản NES được bán ra.

Hậu cuộc chiến pháp lý, Công ti Tetris ra đời (1989-hiện tại)

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thich

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Franklin Paul (ngày 2 tháng 6 năm 2009). “At 25, Tetris still eyeing growth”. Rueters. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2009.
  2. ^ Pajitnov interview, G4 "Icons", ep. 305 Lưu trữ 2005-03-11 tại Wayback Machine, originally aired on ngày 22 tháng 4 năm 2004.
  3. ^ The Guardian, ngày 2 tháng 6 năm 2009, How Tetris conquered the world, block by block

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
[Vietsub+Kara][PV+Perf] Niji - Suda Masaki
[Vietsub+Kara][PV+Perf] Niji - Suda Masaki
“Niji” có nghĩa là cầu vồng, bài hát như một lời tỏ tình ngọt ngào của một chàng trai dành cho người con gái
Các shop quốc tế ngon bổ rẻ trên Shopee
Các shop quốc tế ngon bổ rẻ trên Shopee
Các shop quốc tế ngon bổ rẻ trên shopee và mẹo săn hàng đẹp 🍒
Các chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư cần biết
Các chỉ số chứng khoán thế giới nhà đầu tư cần biết
Khi tham gia đầu tư, ngoại trừ những biến động trong nước thì các chỉ số chứng khoán thế giới cũng là điều mà bạn cần quan tâm
Tại sao đá vô cực không hoạt động ở TVA
Tại sao đá vô cực không hoạt động ở TVA
TVA (Cơ quan quản lý phương sai thời gian)