Thượng Germania là một tỉnh hành chính của Đế chế La-mã cổ đại, nằm ở phía nam và có địa hình cao hơn tỉnh Hạ Germania. Tỉnh Thượng Germania bao gồm khu vực phía tây Thụy Sĩ, một phần dãy núi Jura và vùng Grand Est ở Pháp, và phần tây nam CHLB Đức. Các thành phố quan trọng của tỉnh bao gồm Besontio (tỉnh lị Besançon), Argentoratum (thành phố Strasbourg), Aquae Mattiacae (thành phố Wiesbaden) và thủ phủ Moguntiacum (thành phố Mainz). Thượng Germania thời đó bao gồm miền trung đồng bằng sông Rhine, giáp tuyến biên giới vùng Germania (Limes Germanicus), và phần thuộc vùng núi Alps của tỉnh Raetia kéo dài xuống phía đông nam.
Các thuật ngữ "Thượng Germania" và "Hạ Germania" chưa xuất hiện trong cuộc Chiến tranh Chinh phục xứ Gauls của Julius Caesar, đây là tên do ông đặt. Hạ Germania là lãnh thổ của các bộ tộc Belga. Thượng Germania là lãnh thổ của người Gauls bao gồm các bộ tộc Helvetii, Sequani, Leuci và Treveri. Trên bờ bắc của đoạn sông Rhine chảy qua đây, tàn quân các bộ tộc Đức do Ariovistus chỉ huy từng cố gắng đánh chiếm thành Besontio, nhưng bị đánh bại bởi Caesar năm 58 TCN.
Người La Mã chưa từng từ bỏ khu vực này trong lịch sử. Trong khoảng thời gian 5 năm đầu triều đại Augustus (28-23 TCN), theo sử gia Dio Cassius [1], Hoàng đế trực tiếp bổ nhiệm các nguyên lão làm thủ hiến của các tỉnh nếu chúng có nguy cơ xảy ra nổi loạn cao, và vị thủ hiến có quyền tự mình điều động các đơn vị quân đội trong thẩm quyền để khôi phục an ninh trật tự. Họ sẽ được trở về Viện nguyên lão sau 10 năm làm tỉnh trưởng (proconsul).
Trong số các tỉnh độc lập này có Thượng Germania. Trước đó nó đã là một tỉnh trong những năm cuối của nền Cộng hòa. Sử gia Tacitus cũng đề cập đến vùng này với cái tên "Thượng Germania" trong tác phẩm "Biên niên sử" của ông.[2] Sử gia Dio Cassius coi các bộ tộc Đức là người Celt, có lẽ bởi ấn tượng về Belgica, tên Hạ Germania vào lúc đó. Dio không đề cập đến biên giới địa lý, nhưng ông coi Thượng Germania mở rộng tới thượng nguồn sông Rhine. Có lẽ ông nói tới thượng lưu sông Rhine ở Thụy Sĩ ngày nay, qua hồ Constance (bắc Alps) lên phía trên.
Hoàng đế Augustus đã lên kế hoạch kết hợp toàn bộ vùng Germania thành một tỉnh: Germania Magna. Kế hoạch này đã thất bại khi 3 Quân đoàn Chủ lực bị tận diệt bởi liên minh các bộ tộc Đức trong trận Teutoburg (năm 9 CN).[3] Ông đành quyết định hạn chế lãnh thổ Đế chế ở biên giới Rhine-Danube. Những cuộc xung đột liên tục dọc theo biên giới này về sau buộc người La Mã phải tiến hành các cuộc chinh phạt và củng cố tỉnh Thượng Germania.
Năm 12 TCN, các căn cứ chính yếu của người La Mã ở vùng Germania được đặt ở Xanten (thành Castra Vetera) và Mainz (thành Moguntiacum). Một hệ thống doanh thành dần dần được phát triển xung quanh các căn cứ. Giai đoạn 69-70 CN, tất cả các thành trì của người La-mã dọc theo sông Rhine và sông Danube bị phá hủy bởi người Đức nổi dậy và nội chiến giữa các Quân đoàn. Sau khi thảm họa đẫm máu nhưng ngắn ngủi này kết thúc, chúng đã được xây dựng lại kiên cố và to lớn hơn, với một con đường nối liền Mainz và thành Augusta Vindelicorum (nay là thành phố Augsburg - Đức).
Hoàng đế Domitian đã phát động chiến tranh chống lại bộ tộc Chatti năm 83-85 CN. Bộ tộc này ở phía bắc thành Frankfurt ngày nay. Tại thời điểm đó, một hệ thống công sự liền mạch củng để cố biên giới được xây dựng. Nó bao gồm vành đai trắng để quan sát, tường phòng thủ, tháp canh và quân doanh bằng đất và gỗ tại những nơi có đường chạy qua. Sự mở rộng của hệ thống công sự này đạt tới đỉnh điểm vào năm 90 CN. Một con đường La Mã đã đi qua Odenwald và một mạng lưới đường thứ cấp kết nối tất cả các pháo đài và tháp. Một con đường được xây dựng cắt ngang dãy núi Odenwald (bang Hesse - Đức) cùng một hệ thống đường giao thông nối liền toàn bộ các tháp canh và quân doanh.