Thảo luận Wikipedia:Tiêu chuẩn bài viết chọn lọc

Tôi nghĩ nên bổ sung vào tiêu chuẩn số 6 vấn đề: "hình không tự do (nếu có) phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Wikipedia". Thêm vào để tránh việc lạm dụng hình ảnh không tự do, đặc biệt là các bài về chủ đề khó mà tìm ra được hình tự do như truyện tranh, phim hoạt hình và phim ảnh. Tân (trả lời) 03:46, ngày 2 tháng 10 năm 2008 (UTC)Trả lời

Xong. Phần tiêu chuẩn hiện quá ngắn, khi nào có thời gian nhờ mọi người dịch phần tiêu chuẩn từ bên wikipedia tiếng Anh sang. GV (thảo luận) 07:21, ngày 2 tháng 10 năm 2008 (UTC)Trả lời

Bài "viết" chọn lọc hay bài "dịch" chọn lọc

[sửa mã nguồn]

Không biết chúng ta nên có một thể loại riêng hay không, lâu nay chúng ta luôn dùng tên "bài viết chọn lọc" cho tất cả các bài viết/dịch tốt mà không quan tâm nó là được dịch lại hay một công trình, một bài viết thật sự, đều này có thể sẽ dẫn đến việc phụ thuộc vào các dự án khác và một sự nhầm lẫn mà đáng ra chúng ta có thể phân loại một cách rõ ràng hơn. Người ta không thể xếp chung một nhà văn với một nhà dịch thuật được. 203.162.3.153 (thảo luận) 08:17, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Tôi ủng hộ ý kiến của bạn, vì đánh đồng như thế rất thiệt thòi cho người tự biên soạn. Bùi Thụy Đào Nguyên (thảo luận) 08:56, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Chả hiểu bác Nguyên nói thiệt thòi ở đây nghĩa là gì ha?--203.160.1.56 (thảo luận) 13:24, ngày 18 tháng 7 năm 2009 (UTC)Trả lời
Thực chất của wikipedia chỉ là thông tin xào lại (Wikipedia không sử dụng thông tin tự nghiên cứu) vì vậy các mục từ của nó chưa bao giờ có thể gọi là "công trình". Và những người tham gia soạn mục từ ở wikipedia chỉ nên là "người dịch", "người tổng hợp" chứ không bao giờ nên là "nhà văn", "nhà báo". Việc dịch bài chọn lọc từ các wiki khác cũng không thể coi là sẽ khiến vi wiki trở thành phụ thuộc, vì ngay cả en wiki hiện cũng có dự án en:Wikipedia:Featured articles in other languages để dịch mục từ chọn lọc từ các thứ tiếng khác. Tuy nhiên ý kiến này cũng có ý đúng, "bài viết chọn lọc" nên là "mục từ chọn lọc" thì chính xác hơn, nhưng không thay thì cũng chẳng sao. GV (thảo luận) 09:02, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Nhưng việc biên soạn và tổng hợp những thông tin đó để tạo thành một bài viết là cả một quá trình, và cũng đòi hỏi người viết phải có một sự chọn lọc và thấu đáo nhất định về chủ đề đó, và tôi tự hỏi liệu các nhà nghiên cứu khi biên soạn một công trình nào đó thì chẳng lẽ tất cả mọi thứ đều là của họ và họ ko cần phải tham khảo ở chỗ nào hết?. Bạn có đề cập đến một dự án chuyên dịch lại bài chọn lọc của bên en.wiki, điều này chứng tỏ họ đã có sự phân biệt rõ ràng hơn ta, và cái ý "phụ thuộc" ở đây của tôi là wiki tiếng Việt quá ít những bài viết có chất lượng cao để có thể trở thành một bài chọn lọc được, mọi người dường như chỉ chăm chăm đi dịch lại những thứ trên wiki khác, đơn cử như bài Thích Quảng Đức, một bài viết về người Việt mà lại được dịch lại từ wiki khác, ngẫm lại cũng thấy nó thế nào ấy, và tôi đưa ra cụm từ "nhà văn" với "nhà dịch thuật" là để so sánh phần nào thôi. 203.162.3.153 (thảo luận) 09:12, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Người viết bài đó bên en wiki (Thành viên:YellowMonkey) cũng gốc Việt mà:D, anh đó là chuyên gia viết bài chọn lọc chủ đề Việt Nam bên en wiki. Nói chung tôi thấy không vấn đề, cứ đáp ứng được yêu cầu chung của wikipedia là được, thực tế thì tôi cũng bắt đầu bằng việc dịch bài chọn lọc bên en wiki rồi sau đó mới tự viết được các bài chọn lọc, kém thì cần phải học hỏi nơi khác, việc này có gì đáng xấu hổ (và "lên án") đâu. GV (thảo luận) 09:37, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Tôi ko có ý đề cập đến chuyện "đáng xấu hổ" và "lên án" ở đây, nhưng theo tôi thấy các thành viên quá nhiệt tình "nhai lại" các bài viết của dự án khác mà "quên đi" việc tự mình phát triển những bài có chất lượng, chúng ta kém hay đơn giản chỉ vì chúng ta ko muốn làm? và không lẽ ranh giới giữa một bài dịch lại và một bài phải bỏ công viết chỉ là con số 0, việc phân loại này chỉ để cho các thành viên thấy rõ được 1 trong những cái thiếu của vi.wiki. 203.162.3.153 (thảo luận) 09:49, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Thời đại toàn cầu hóa, thế giới sắp đại đồng, và wikipedia tiếng Việt cũng đa quốc gia (vì có phải mỗi người Việt quốc tích Việt viết đâu). Không nên để ý Tây hay Ta viết. Không phải dễ mà kết hợp được việc Tây viết tốt và Ta dịch tốt thành bài chọn lọc ở vi. Nhưng đúng là nên có cơ chế khuyến khích tự viết vì điều này có lẽ sẽ có tác dụng làm cho các thành viên của vi. trưởng thành về "chuyên môn". --Bình Giang (thảo luận) 09:51, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Thật hiếm bài viết mới 100%, có một số bài viết mới nhưng sau đó có đề mục/nội dung được bổ sung thêm từ Wikipedia khác. Tất nhiên, với 70% nội dung là viết mới và phần còn lại là dịch từ Wikipedia khác sang thì tôi cho rằng vẫn có thể coi đó là một bài viết mới. Ngược lại, là bài dịch. Dịch khó vì đòi hỏi giỏi cả song ngữ và các khái niệm chuyên ngành, nhưng viết được tử tế còn mệt hơn nhiều. [1] cho thấy một ví dụ, giáo sư Murray hứa với sinh viên là sẽ cho điểm A+ nếu họ viết được một bài FA trên Wikipedia, thay vì làm 1 bài luận. Nhóm sinh viên của ông viết để có được sao chọn lọc đã phải mất đến 4 tháng. Đã có giai đoạn tôi phản đối việc liên tiếp mấy tuần liền đều là bài dịch. Nhưng quả thật, lực lượng có khả năng viết tốt trên vi.wikipedia quá mỏng. Việt Hà (thảo luận) 09:54, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Viethavvh nói đúng. Viết được một bài FA thì "tóe phở" luôn. Xong rồi thì có thể "chuyên môn" sẽ lên, nhưng cũng có thể là sợ đến mức không dám viết nữa. Khi nào sợ không dám viết nữa, thì đi dịch bài FA của wiki ngoại ngữ về vậy.--Bình Giang (thảo luận) 10:00, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời
Dịch bài đúng là dễ hơn nhiều so với viết bài riêng. Tôi đồng ý là nên tạo một thể loại vinh danh những bài tự viết. Tuy nhiên cũng không nên phân biệt quá mức giữa "viết" và "dịch", nên tôi cực lực phản đối việc lập ra thể loại, hay gọi những bài dịch từ ngôn ngữ khác là "bài dịch chọn lọc". Adia (thảo luận) 10:18, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Ý của Adia là chỉ nên tạo ra thể loại riêng cho những bài tự viết mà không áp dụng nó cho các bài dịch tốt, liệu có ổn không, tôi ko thấy có một sự đối xử nào ở đây cả? (ko biết mọi người nghĩ sao), chỉ là mọi thứ phải "rõ ràng một chút" thôi. 203.162.3.153 (thảo luận) 10:53, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Tôi nghĩ những bài dịch cũng đã là những bài viết chọn lọc rồi, còn những "bài tự viết chọn lọc" sẽ đưa thêm vào thể loại con của thể loại:Bài viết chọn lọc. Việc tách biệt quá giữa hai loại này không ổn, khi có những bài mà lượng tự viết và dịch từ wiki khác là tương đương (ví dụ Điệp vụ Boston gần đây). Hơn nữa nhiều bài nữa cũng không chỉ đơn giản là dịch, mà còn phải tự chắt lọc, bổ sung để được một bài chất lượng hoàn thiện. Do đó không nên chia ra làm 2 loại như vậy, mà chỉ nên có thể loại để khuyến khích hơn một chút những bài tự viết mà thôi. Adia (thảo luận) 11:11, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời
"lượng tự viết và dịch từ wiki khác là tương đương" - bậy nào, tôi lại dỗi không viết tiếp FA (mà chỉ đi dịch) nữa bây giờ =)). GV (thảo luận) 11:25, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời
Ừ, xin lỗi bác, nói bậy quá:D. Adia (thảo luận) 12:33, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Thứ nhất FA mục tiêu chính không phải để vinh danh (nếu vinh danh thì là vinh danh ai, vinh danh những ai? Trong Wikipedia chẳng ai có thể tự nhận mình là tác giả của bài này hay bài kia cả? Tất cả đều là thành quả chung của cộng đồng. Nói sâu xa hơn trong đó cũng có cả đóng góp của những đọc giả chưa hề tham gia sửa bài hoặc viết bài cho wiki. Họ đọc thông tin mà không sửa đổi, trong khi có cơ hội làm việc đó, hiểu theo một cách thiên lệch tức là đã đồng ý với thông tin đó và góp phần giúp cho mọi người chứng thực nó).

FA mục tiêu chính để phân hạng bài viết, cho phép thành viên có thêm một cái nhìn rõ ràng về chất lượng và độ tin cậy những nội dung được đăng tải tại đây, những gì có trong một FA đã được rất nhiều người đồng ý và kiểm chứng để gán cho nó một mác chất lượng nhất định. Ở WP TV ta chưa có khái niệm phân loại bài viết nhưng nên biết theo thang điểm ở một số wiki khác sau FA có A, có B vân vân. (Xem en:Wikipedia:Version 1.0 Editorial Team/Assessment#Grades)

Một câu hỏi nữa được đặt ra là làm thế nào để phân loại đâu là bài dịch và đâu là bài viết. Trong một bài "tự định nghĩa là bài viết" vẫn có thể có đoạn dịch hay tham khảo ở các wiki khác và ngược lại trong bài "tự định nghĩa là bài dịch" vẫn có những đoạn do người viết trình bày bằng văn phong của mình. Đây chính là sức mạnh của Wikipedia, nơi tri thức được hơn 250 cộng đồng ngôn ngữ khác nhau cùng nhau chia sẻ và xây dựng, cũng giống như ở trên tôi nói chẳng có ai có thể tự nhận mình là tác giả của một bài viết của wikipedia, thì ở đây tôi cũng nói chẳng cộng đồng ngôn ngữ nào có thể tự nhận thông tin này là của tôi, do chúng tôi "tự viết".

Nếu muốn phân loại đâu là bài dịch chọn lọc và bài viết chọn lọc. Thì trước tiên ta phải phân định được đâu là bài dịch và đâu là bài viết. Nó như ở trên trong mỗi bài viết ta phải phân định được đâu là thông tin được dịch và đâu là thông tin được viết. Đưa ra một tiêu chuẩn bao nhiêu phần trăm thông tin cho là "tự viết" thì được coi là bài viết. Vì thông tin của Wikipedia biến đổi không ngừng nên công thức tính toán này phải thường xuyên được cập nhật và các bài viết phải được thường xuyên phân loại lại. Tôi muốn các thành viên đưa ra ý tưởng phân chia bài viết chọn lọc và bài dịch chọn lọc cho tôi một giải pháp kỹ thuật để thực hiện công việc này?

Gần đây trong ngôn ngữ hiện đại ở một số quốc gia phương Tây người ta không dùng từ dịch (traduction) nữa mà sử dụng từ "adaptation", hiểu nôm na là "bản chuyển thể sao cho phù hợp". Chúng ta, những người tham gia Wikipedia, hàng ngày sử dụng tài liệu từ commons và gắn link interwiki, mà muốn làm một cuộc phân biệt trên, theo tôi là không sáng suốt lắm. Dung005 (thảo luận) 11:53, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Đồng ý với anh Dũng, trừ câu đầu tiên. Theo tôi là vinh danh những bài chọn lọc, những bài chất lượng tốt nhất, như thế chả có gì sai cả. Mà vinh danh ai thì tôi cũng không rõ, chỉ chắc chắn là khi một người góp một phần quan trọng đưa một bài viết lên chọn lọc, chắc chắn người đó sẽ (nhiều hay đôi chút) tự hào. Bên en.wiki (và cả vi.) còn đưa ra cả chục loại huân chương, tặng nhau, chúc mừng, vinh danh đầy ra đấy, trong đó chắc hẳn có loại dành cho những người viết nhiều bài chọn lọc, người biên tập bài, người cứu bài khỏi bị xóa.... Chuyện vinh danh theo tôi chả có gì là xấu, đáng khuyến khích nữa là đằng khác. Nhiều người viết bài chọn lọc cũng chỉ vì cảm giác được đóng góp một bài viết tốt, một "thành quả" của chính mình được cộng đồng ghi nhận mà thôi. Adia (thảo luận) 12:33, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Bài này, và có thể cả bài này, những bài mà tôi đã đóng góp phần lớn, đào đâu ra cái gọi là đoạn dịch hay tham khảo ở các wiki khác. Nó là các bài viết thuần túy. Ngày cả bài này tỷ lệ tham khảo en.wikipedia cũng chỉ dưới 10%. Không muốn nói như Gabriel Marquez, dịch giả chỉ là "Con khỉ của nhà văn", nhưng tôi sẽ khá thất vọng nếu như cả tháng trời các bài chọn lọc trên Wikipedia tiếng Việt là bài dịch. Thế giới thật là phẳng khi (có thể) có những bài trên cả 250 ngôn ngữ đều được gắn sao vàng chóe, với một nội dung y sì nhau từ một bài gắn sao trên một Wikipedia nào đó. Việt Hà (thảo luận) 13:32, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

"lâu nay chúng ta luôn dùng tên "bài viết chọn lọc" cho tất cả các bài viết/dịch tốt mà không quan tâm nó là được dịch lại hay một công trình, một bài viết thật sự"
Ở Wikipedia không có quyền tác giả, không có sở hữu bài viết, vậy thì bài do các thành viên en.wiki viết, hay vi.wiki viết có khác gì nhau đâu? Và đằng nào thì sau khi viết/dịch, bài cũng sẽ bị thay đổi nhiều về nội dung do nhiều người khác tham gia sửa, xóa, thêm.... Wikipedia không có quyền tác giả, sao lại quan tâm chuyện phân biệt ai là người viết, bài tự viết hay dịch. Xét cho cùng, bài nào chẳng là do các thành viên Wikipedia tự viết, bài nào chẳng là tài sản chung của tất cả các Wikipedia. Wikipedia các ngôn ngữ chỉ là các phiên bản của một Wikipedia chung chứ có phải các tập đoàn cạnh tranh đâu mà lo chuyện phụ thuộc hay không phụ thuộc. Thậm chí mọi người không thể nói "tôi là thành viên Wikipedia tiếng Việt" mà phải nói "tôi là thành viên Wikipedia, chuyên đóng góp cho phiên bản tiếng Việt", vì tài khoản của mọi người cũng là tài khoản cho tất cả các WP các thứ tiếng và các dự án khác.
Hiểu theo quan niệm "không có quyền tác giả" và "Wp tiếng Việt chỉ là 1 phiên bản ngôn ngữ", thì "bài viết chọn lọc" chỉ là bài do ai đó viết (thành viên nào cũng vậy, ở wikipedia ngôn ngữ nào cũng vậy,) mà có chất lượng tốt.
Tmct (thảo luận) 13:44, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời
@Viethavvh: "Thế giới phẳng" chính là mục tiêu lớn của Wikipedia đấy. Giá như người Việt có thể đọc được toàn bộ nội dung tại WP tiếng Anh, giá như những người không phải người Việt có thể đọc được toàn bộ nội dung tại WP tiếng Việt. Khi đó sự chia sẻ về kiến thức tại Wikipedia mới thực sự trở nên hoàn thiện. WP không có mục tiêu "giữ bản sắc" đâu. Tmct (thảo luận) 13:49, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

"nhưng theo tôi thấy các thành viên quá nhiệt tình "nhai lại" các bài viết của dự án khác mà "quên đi" việc tự mình phát triển những bài có chất lượng, chúng ta kém hay đơn giản chỉ vì chúng ta ko muốn làm?"

Bạn cứ khẳng định luôn là kém đi. Tôi khẳng định tôi kém, không đủ trình độ tự viết bài.

Chúng ta cứ nhìn thẳng vào sự thật đi. Mekong từng nhận xét WP tiếng Việt có ít thành viên có khả năng viết bài bách khoa. Tình hình là số người viết được bài chất lượng cao như Việt Hà và Bùi Thụy Đào Nguyên chỉ tính trên đầu ngón tay, đa phần (tính trên hàng vạn thành viên) viết lăng nhăng ra các bài chất lượng kém. Một số khác như NAD nhiệt tình dịch nhưng bài dịch phải cần nhiều người chỉnh, một số khác như tôi, Tân, Meotrangden... cũng dịch nhưng hơn được một chút là ít phải chỉnh hơn. Và thực tế là nếu bỏ các bài vốn là dịch, thì Wikipedia tiếng Việt hầu như sẽ chẳng còn mấy.

Đó là thực tế trình độ các thành viên đang đóng góp cho WP tiếng Việt. Chúng ta mỗi người một tay, tùy theo khả năng mà đóng góp. Mà đã có đóng góp là quý rồi, dù chỉ là sửa chính tả, hay là dịch sai phải nhờ người khác dịch lại, hay chỉ là lúc nào cũng săm soi xóa cái gì sai/kém/không đủ tiêu chuẩn. Các thành viên Wikipedia không phải các học giả để có thể đòi hỏi họ phải giỏi giang, cũng không được trả lương để yêu cầu họ phải muốn làm việc.

Những người không đóng góp thực sự không có tư cách gì để chê những người đóng góp. Nếu giúp được gì thì xin xắn tay áo lên và nhảy vào, chứ ngồi đó mà nói "tại sao ông không làm việc ABC mà lại làm XYZ? ông kém hay ông không muốn?" chẳng giải quyết được việc gì.

Tmct (thảo luận) 13:54, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Tôi hiểu ý của Tmct, tuy nhiên tôi cứ thấy lấn bấn thế nào. Tiềm năng của quốc gia dân tộc thì xa xôi, nhưng tiềm năng thành viên Wikipedia tiếng Việt ko hề là nhỏ. Trả lương thì các Wikipedia khác cũng vậy, làm gì có, nhưng sao Wikipedia tiếng Việt vẫn nhọc nhằn tiến đến mốc 10 vạn bài mà nhiều Wikipedia khác đã vượt qua từ đời nào (Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy v.v.) dù số người sử dụng ngôn ngữ đó cũng ko nhiều nhặn gì hơn tiếng Việt. Việt Hà (thảo luận) 14:26, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Nếu tính theo số người nói và số người sử dụng Internet để suy luận ra sức mạnh của một wiki thì chúng ta lại hơi đếm cua trong lỗ rồi. Xem thống kê này chẳng hạn: http://wikistics.falsikon.de/latest/. Toàn dân Na Uy 5 triệu người, nghĩa là chưa bằng 1/4 số người dùng Internet ở Việt Nam (ước tính mới nhất là 20 triệu người), nhưng mỗi ngày lượng truy cập vào phiên bản của họ gấp đôi chúng ta. Dân Hà Lan 16 triệu người, bằng khoảng 1/5 dân số Việt Nam, nhưng lượng sử dụng wiki của họ gấp 10 chúng ta. Hỏi tại sao họ đạt được mốc 10 vạn bài trước chúng ta không phải một câu hỏi quá bí hiểm. Hay ta so sáng hai thống kê này http://de.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:BeitragszahlenWikipedia:Danh sách thành viên Wikipedia theo số lần sửa trang. Nếu đem "siêu nhân" Mekong của chúng ta ra so sánh với các thành viên bên tiếng Đức thì chúng ta chẳng có gì hổ thẹn cả. Không tính bot thì bác Mekong vẫn lọt vào top 20 các thành viên đóng góp nhiều nhất của phiên bản tiếng Đức. Nhưng bây giờ xem thành viên số 500 của họ, Tobias1983, có 12 557 sửa đổi, nghĩa là thành viên thứ 500 của họ đủ sức đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng của chúng ta. Nói dân số Đức bằng dân số Việt Nam để có thể khẳng định rằng wiki Việt Nam phải được như wiki Đức là điều không thể. Và (có lẽ tôi không nên nói câu này vì có thể làm giảm nhiệt huyết nhiều thành viên đang cố gắng nâng vị trí WP TV trên bảng xếp hạng các ngôn ngữ) ta để ý đến điều này có thực sự quan trọng không, wikitionary Tiếng Việt từng đứng hạng hai trong số các wikitionary nhưng mấy ai trong chúng ta biết đến điều này.
Ở các quốc gia khác họ đã phổ biến được một thứ mà ta chưa thể làm được, đó là văn hóa Wikipedia. Tôi đã từng có một bài tập về nhà cách đây mấy năm trong môn học ứng dụng Internet vào đời sống khoa học là: hãy về tham gia viết hoặc nâng cấp một mục từ tại wikipedia. Mục đích của bài tập là.
  1. Giúp học sinh tập cách trình bày vấn đề một cách khoa học và có hệ thống.
  2. Internet là tuyệt vời đấy, nhưng luôn vận dụng bộ não một chút để tiếp nhận thông tin, xem nguồn gốc tin này ở đâu mà ra, có đáng tin cậy không, từ đó đưa ra lựa chọn cái gì dùng được cái gì không.
  3. Học cách làm việc theo nhóm, cố gắng lắng nghe ý kiến và phát huy ưu điểm của mỗi thành viên, đồng thời học cách trình bày và bảo vệ ý kiến của mình nếu cần thiết.
Chỉ qua một bài tập, giáo viên (mà tôi nghi ngờ là một wiki addict) vừa giúp các học sinh đạt được một số kỹ năng theo yêu cầu của môn học, vừa tìm hiểu được Wikipedia. Một năm họ đào tạo được bao nhiêu người như vậy và ta đào tạo được bao nhiêu người như vậy.
Lấy một ví dụ nữa để đem so sánh tương quan lực lượng ta với họ rằng ở thư viện (chắc là cấp làng) gần nhà tôi, chưa kể sách, riêng đầu báo chắc họ có 45 báo và tạp chí được mua dài hạn. Ở Wikipedia tiếng Việt ta nếu đem một chú thích kiểu in tại báo Tiền Phong số XYZ, trang 11, ra ngày XX/YY/ZZ, hỏi mấy ai có điều kiện đi kiểm chứng lại được.
Tất cả những điều trên để nói rằng Wiki ta chưa bằng anh bằng em như nhiều thành viên mong muốn không phải do ta nhiều "bài dịch" và ít "bài viết" và đứng vì thế mà buồn.
Nếu muốn phát động phong trao thi đua "viết bài" tại WP TV. Có nhiều cách trực tiếp và đơn giản hơn nhiều. Sao ta không thử tổ chức một (Cuộc thi Wikipedia) (fr:Wikipédia:Wikiconcours, en:Wikipedia:Danny's contest), đây mới là cách phát động thi đua trực tiếp, và giải thưởng của cuộc thi này mới là cách vinh danh đích thực. Dung005 (thảo luận) 00:50, ngày 7 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời
Lại là từ "vinh danh" rồi. Sao cứ mỗi lần nghe, đọc thấy từ này tôi lại thấy lạnh sống lưng thế hả giời? 118.71.181.115 (thảo luận) 00:57, ngày 7 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời
Nhập gia tùy tục mà. Hàng ngày lên báo đài Việt Nam thấy có bao nhiêu giải thưởng được trao, hôm nọ người anh em VLOS của chúng ta cũng ẵm một giải còn gì. Thôi nếu sự vinh danh đã là cần thiết, thì phải tính toán sao cho nó quy củ và mang về được nhiều lợi ích nhất có thể. Dung005 (thảo luận) 01:08, ngày 7 tháng 12 năm 2008 (UTC)Trả lời

Cho cháu hỏi về tiêu chuẩn của một bài viết chọn lọc về bài hát ạh?

[sửa mã nguồn]

Cháu thấy ở đề mục âm nhạc chỉ có các bài viết về ca sĩ là được chọn làm bài chọn lọc. Vậy còn bài hát thì thế nào ạ. Cháu thấy các bài hát có khá nhiều khía cạnh để khai thác. Cháu mới học lớp 9 thôi ạ. Cháu đã thử dịch hai bài từ en wiki là Only Girl của Rihanna, và Love the Way You Lie nhưng tự thấy tiêu chuẩn (a) văn phong còn hạn chế ạ. Vậy các cô chú và anh chị cho cháu biết cần phải cải thiện như thế nào để đạt một bài chọn lọc cho một bài hát? Và dịch hết từ en wiki thì có phải là bài chọn lọc không ạ. Cám ơn cô chú và anh chị! 183.80.87.176 (thảo luận) 06:01, ngày 4 tháng 1 năm 2011 (UTC)Trả lời

Chào bạn, bạn có thể tham khảo cách viết, cách dàn ý, cách đưa dẫn chứng và sử dụng hình ảnh, đoạn thu âm như bài này, một bài mới được chọn lọc ở Wikipedia tiếng Anh. Chúc bạn vui vẻ tại Wikipedia. GV (thảo luận) 09:02, ngày 4 tháng 1 năm 2011 (UTC)Trả lời

Vv Bình chọn bài viết chọn lọc

[sửa mã nguồn]

Tôi là thành viên mới, mới hiểu và tham gia vào Vi.wikipedia một thời gian rất ngắn. Có thể năng lực tôi kém hoặc chưa nhận thức hết về Vi.Wikipedi, nhưng tôi nghĩ rằng việc bình chọn Bình chọn bài viết chọn lọc cần phải xem xét lại một cách toàn diện hơn. Hiện nay, phần lớn bài viết chọn lọc đều là những bài dịch từ những thứ tiếng không phải là tiếng Việt; những bài được các thành viên tự viết bằng tiếng Việt lại rất ít! Lý do tại sao? Vấn đề này tôi nêu ra không phải là mới, nhiều thành viên đã có ý kiến từ năm 2008 rồi, tôi đề nghị cộng đồng nên xem xét và cho ý kiến về vấn đề này! Morning 10:15, ngày 21 tháng 11 năm 2015 (UTC)

Nói mãi mà không chịu hiểu hả Morning, buồn nhỉ, hay không hiểu được. Morning cứ đầu tư thuê thật nhiều người có năng lực, mấy ông tiến sĩ giáo sư chẳng hạn, là số bài tự viết chất lượng sẽ tăng lên vùn vụt. Không thì mở chiến dịch vận động nhé, đại loại như mong các bạn hãy đóng góp cho wikipedia, đóng góp vì mọi người, và đóng góp không ... công :)) À quên các bạn nhớ tự viết nhé, không được dịch đâu. 14.175.80.171 (thảo luận) 10:32, ngày 21 tháng 11 năm 2015 (UTC)Trả lời
Cũng giống như một số thành viên đã có ý kiến từ những năm 2008, tôi tham gia cũng với mong muốn đó, muốn có được nhiều bài viết bằng tiếng Việt chất lượng tốt mà không phải là bài dịch, muốn có nhiều chủ đề viết mới, hay ở khắp mọi nơi không chỉ là ở Việt Nam. Morning 13:54, ngày 21 tháng 11 năm 2015 (UTC)
Ở khắp mọi nơi không chỉ Việt Nam hả, vậy Morning thử viết một bài như Richard I của Anh xem, tự tìm tài liệu tự viết và đạt chất lượng cao nhé. Sao làm gương khuyến khích cho những người khác tự viết đi chứ hả. Đòi bài viết về nước ngoài, chất lượng tốt, mà phải tự tìm tài liệu để viết, viết hay nữa :)). Morning làm thử xem, dễ lắm, dễ như ăn kẹo. 14.175.80.171 (thảo luận) 14:09, ngày 21 tháng 11 năm 2015 (UTC)Trả lời

HÃY CÂN NHẮC LẠI VẤN ĐỀ NÀY, VÌ CÓ NHIỀU Ý KIẾN THAM GIA RỒI, LÀM SAO ĐỂ CÓ NHIỀU NHỮNG BÀI MỚI CHỌN LỌC!Morning 15:05, ngày 24 tháng 11 năm 2015 (UTC)

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Review phim Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh
Review phim Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh
Phần 6 của chuỗi series phim Lật Mặt vẫn giữ được một phong cách rất “Lý Hải”, không biết phải diễn tả sao nhưng nếu cắt hết creadit
Có gì trong hương vị tình thân
Có gì trong hương vị tình thân
Phải nói đây là bộ phim gây ấn tượng với mình ngay từ tập đầu, cái tên phim đôi khi mình còn nhầm thành Hơi ấm tình thân
Giới thiệu nhân vật Evileye trong Overlord
Giới thiệu nhân vật Evileye trong Overlord
Keno Fasris Invern, trước đây được gọi là Chúa tể ma cà rồng huyền thoại, Landfall, và hiện được gọi là Evileye, là một nhà thám hiểm được xếp hạng adamantite và người làm phép thuật của Blue Roses cũng như là bạn đồng hành cũ của Mười Ba Anh hùng.
10 địa điểm du lịch đáng đi tại Việt Nam trong dịp Tết
10 địa điểm du lịch đáng đi tại Việt Nam trong dịp Tết
Tết là thời điểm chúng ta nghỉ ngơi sau một năm làm việc căng thẳng. Ngoài việc về quê thăm hỏi họ hàng thì thời gian còn lại mọi người sẽ chọn một điểm để du lịch cùng gia đình. Nếu bạn không muốn đi nước ngoài thì ở trong nước cũng sẽ có rất nhiều điểm đẹp không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Bạn đã khám phá chưa?