Trương Lỗi (chữ Hán: 张耒, 1054 – 1114), tự Văn Tiềm, hiệu Kha Sơn hay Uyển Khâu, nhà văn, nhà thơ, nhà làm từ đời Bắc Tống. Ông được xếp vào nhóm học trò xuất sắc nhất của anh em Tô Thức, Tô Triệt, tề danh với Tần Quan, Hoàng Đình Kiên, Triều Bổ Chi, người đời gọi là Tô môn tứ học sĩ (苏门四学士) [1].
Tổ tiên của Lỗi là người Tiếu Quận, Bạc Châu [2],[3] dời nhà đến Hoài Âm, Sở Châu [4].[5]
Lỗi có vẻ ngoài khôi ngô, từ nhỏ thông minh khác thường, lên 13 tuổi đã giỏi làm văn,[6] lên 17 tuổi làm Hàm quan phú (函关赋), được người đời truyền miệng. Về sau Lỗi du học ở Trần Châu [7], được học quan Tô Triệt yêu mến, nhân đó theo Tô Thức du ngoạn. Tô Thức cũng rất xem trọng Lỗi, khen văn của ông khoát đạt chất phác, có thanh âm của nhất xướng tam thán [8].[9]
Năm Hi Ninh thứ 6 (1073) thời Tống Thần Tông, Lỗi đỗ tiến sĩ, được trải qua các chức vụ Lâm Hoài chủ bộ, Thọ An úy, Hàm Bình huyện thừa.[10]
Đầu thời Tống Triết Tông, Lỗi về kinh làm Thái Học lục, nhờ Phạm Thuần Nhân tiến cử tham gia kỳ thi của Quán Các [11], lần lượt được thăng làm Bí thư tỉnh Chánh tự, Trứ tác tá lang, Bí thư thừa, Trứ tác lang, Sử quán kiểm thảo.[12] Lỗi ở Tam quán 8 năm, giữ vững chức trách, sanh hoạt đạm bạc. Sau đó Lỗi được cất nhắc làm Khởi cư xá nhân [13].[14] Đầu niên hiệu Thiệu Thánh (1094 – 1098), Lỗi xin ra quận, được lấy quan Trực Long Đồ các nhận chức Tri Nhuận Châu [15].[16] Tống Triết Tông thân chánh, phe biến pháp đắc thế, Lỗi bị xem là thành viên vào đảng Nguyên Hữu, chịu dời đi Tuyên Châu [17]. Năm Thiệu Thánh thứ 4 (1097), Lỗi lại chịu biếm trích làm Giám Hoàng Châu [18] tửu thuế,[19] rồi dời đi Phục Châu [20].
Tống Huy Tông nối ngôi (1101), Lỗi được khởi làm Thông phán Hoàng Châu, Tri Duyện Châu, triệu làm Thái Thường thiếu khanh; sau vài tháng, được ra làm Tri Dĩnh Châu [21], Nhữ Châu. Tại Dĩnh Châu, Lỗi nghe tin Tô Thức mất, bèn làm lễ cử ai cho ông ta. Năm Sùng Ninh đầu tiên (1102), triều đình tiếp tục đàn áp đảng Nguyên Hữu, có người bới móc việc Lỗi cử ai cho Tô Thức, khiến ông bị khôi phục đảng tịch, chịu biếm làm Phòng Châu [22] biệt giá, an trí Hoàng Châu.[23] Năm thứ 5 (1106), Lỗi được trả tự do, bèn ngụ cư ở Trần Châu.
Lỗi nhàn rỗi đã lâu, nhà ngày càng nghèo, quận thủ Trạch Nhữ Văn muốn mua giúp ruộng công; ông cảm ơn không nhận. Cuối đời Lỗi được nhận quan Giám Nam Nhạc miếu, Chủ quản Sùng Phúc cung. Năm Chánh Hòa thứ 4 (1114), Lỗi mất, hưởng thọ 61 tuổi.[24] Đầu thời Tống Cao Tông, Lỗi được tặng quan Tập Anh điện tu soạn.
Lỗi có ba con trai: Cự, Kiết, Hòa, đều đỗ tiến sĩ. Cự, Kiết cũng định cư ở Trần Châu, chết vì chiến loạn. bấy giờ Hòa đang làm Giáo quan ở phủ Thiểm Tây, quay về chịu tang 2 anh thì bị cướp giết chết.[25]
Bấy giờ Nhị Tô cùng Tần Quan, Hoàng Đình Kiên, Triều Bổ Chi nối nhau qua đời, chỉ còn một mình Lỗi, kẻ sĩ tìm đến theo học rất nhiều, cứ cách ngày lại bày rượu thịt để chè chén với ông. Lỗi dạy học trò làm văn, lấy Lý làm chủ, từng lý luận rằng: “Từ Lục kinh trở xuống, cho đến luận thuật của tao nhân biện sĩ thuộc chư tử bách thị, đại để đều nhờ vào Lý mà trình bày đấy. Nên đầu mối của học làm văn, là gấp sáng tỏ Lý, nếu chỉ muốn hay khéo, thì đời chưa từng có vậy! Ôi tháo nước ở Giang, Hà, Hoài, Hải, xuôi dòng mà làm, mênh mông cuồn cuộn, ngày đêm không nghỉ, xô Chỉ Trụ [26], cắt Lữ Lương [27], nương theo sông hồ mà chảy vào bể, thư thái gây sóng gợn, khua khoắng gây sóng cả, khích động gây gió bão, giận dữ gây sấm chớp, khiến thuồng luồng ba ba phun bọt chìm nổi, là biến hóa của nước vậy. Nước ở đầu nguồn, há như vậy sao! Xuôi dòng mà tháo ra, nhân những cuộc gặp gỡ mà thay đổi cuộc đời đấy. Còn như ngòi rãnh đông tháo thì tây cạn, dưới đầy thì trên rỗng, ngày đêm khích động, muốn tỏ gì Kỳ, đến bên kia kìa, ếch và đĩa đang đùa bỡn. Nước của Giang, Hà, Hoài, Hải cũng như văn đạt được Lý, không tìm Kỳ mà đến nơi. Khích động ngòi rãnh mà tìm Kỳ của nước, việc này không tỏ được Lý, còn muốn lấy lời lẽ câu cú làm Kỳ, sẽ nuốt ngược trở vào, rốt cục không có gì, là kém cỏi của văn đấy.” [28] Người có học đều xem lời này là chí ngôn [29].
Lỗi còn nói: “Văn chương là do người, có đầy tâm sự mà phát ra, buột miệng mà nên, không cần nghĩ ngợi mà khéo, không cần đẽo gọt mà đẹp, đều là tự nhiên của thiên lý mà cũng là đạo của bản tính đấy.” [30]
Lỗi có tài năng xuất chúng, bút lực rất mạnh, sở trường về Tao từ (骚词, còn gọi là Sở từ), cuối đời làm thơ ngày càng bình đạm, theo lối Bạch Cư Dị, riêng làm Nhạc phủ thì theo lối Trương Tịch.
Sáng tác của Lỗi còn lưu giữ đến ngày nay được hậu thế tập hợp vào 4 bộ sách:
- Uyển Khâu tiên sanh văn tập (宛丘先生文集) [31], 76 quyển; hiện còn bản sao của Lữ Vô Ẩn (吕无隐) thời Khang Hy nhà Thanh và bản sao của Tứ khố toàn thư.
- Kha Sơn tập (柯山集) [32] 50 quyển, Thập di (拾遗) 12 quyển và Tục Thập di (续拾遗) 1 quyển; hiện còn bản in của Vũ Anh điện Tụ Trân Bản và bản in của Quảng Nhã thư cục. Lưu ý rằng thơ văn của Uyển Khâu tiên sanh văn tập không thấy ở Kha Sơn tập thì đều được đưa vào Thập di.
- Trương hữu sử văn tập (张右史文集) 65 quyển; hiện còn bản sao thời Vạn Lịch nhà Minh và bản sao của Tạ Phổ Thái (谢浦泰) thời Ung Chánh nhà Thanh.
- Trương Văn Tiềm văn tập (张文潜文集) 13 quyển; hiện còn bản sao của Hác Lương (郝梁) thời Gia Tĩnh nhà Minh.
Cả bốn bộ sách nói trên tồn tại nhiều khác biệt, vì thế năm 1999, Trung Hoa thư cục lấy Lý Dật An làm tổng biên, tiến hành thẩm định, tổng hợp sáng tác của Lỗi mà mà soạn ra Trương Lỗi tập (张耒集), hiện lưu hành bản in tháng 3 năm 2005, ISBN 9787101004557, 1090 trang.
Ngoài ra, có nhiều tuyển tập của hậu thế đã lựa chọn tác phẩm của Lỗi:
- Toàn Tống từ (全宋词) sách 1 có 6 bài.
- Toàn Tống thi (全宋诗), từ quyển 1155 đến 1876 có 33 quyển.
- Toàn Tống văn (全宋文), từ quyển 2750 đến 2771 có 12 quyển.
- Nguyên tác: 春林
- 春林露如雨, 萧萧晓花寒.
- 引手攀高红, 微香来鼻端.
- 何以比芳洁, 置之青玉盘.
- 持归供像佛, 相对淡无言.
|
- Hán Việt: Xuân lâm
- Xuân lâm lộ như vũ, tiêu tiêu hiểu hoa hàn.
- Dẫn thủ phàn cao hồng, vi hương lai tị đoan.
- Hà dĩ bỉ phương khiết, trí chi thanh ngọc bàn.
- Trì quy cung tượng phật, tương đối đạm vô ngôn.
|
- Dịch nghĩa:
- (chưa có)
|
- Dịch thơ:
- (chưa có)
|
- Nguyên tác: 荆轲
- 燕丹计尽问田生,
- 易水悲歌壮士行.
- 嗟尔有心虽苦拙,
- 区区两死一无成.
|
- Hán Việt: Kinh Kha
- Yên Đan kế tẫn vấn Điền sanh,
- Dịch Thủy bi ca tráng sĩ hành.
- Ta nhĩ hữu tâm tuy khổ chuyết,
- Khu khu lưỡng tử nhất vô thà.
|
- Dịch nghĩa:
- (chưa có)
|
- Dịch thơ:
- (chưa có)
|
- Nguyên tác: 少年游
- 含羞倚醉不成歌, 纤手掩香罗.
- 偎花映烛, 偷传深意, 酒思入横波.
- 看朱成碧心迷乱, 翻脉脉, 敛双蛾.
- 相见时稀隔别多, 又春尽, 奈愁何.
|
- Hán Việt: Thiếu niên du
- Hàm tu ỷ túy bất thành ca, tiêm thủ yểm hương la.
- Ôi hoa ánh chúc, thâu truyện thâm ý, tửu tư nhập hoành ba.
- Khán chu thành bích tâm mê loạn, phiên mạch mạch, liễm song nga.
- Tương kiến thì hi cách biệt đa, hựu xuân tẫn, nại sầu hà.
|
- Dịch nghĩa:
- (chưa có)
|
- Dịch thơ:
- (chưa có)
|
- Tống sử quyển 444, liệt truyện 203 – Trương Lỗi truyện
- ^ Trong Đáp Lý Chiêu Khởi thư (答李昭玘书), Tô Thức đã đánh giá từng người, sau đó nhận định cả 4 người đều là tài năng mà người đời còn chưa biết, tự hào rằng chỉ một mình Tô Thức biết trước
- ^ Nay là Bạc Châu, An Huy
- ^ Đương thời có Băng Ngọc Đường từ (冰玉堂辞) thuộc Kê Lặc tập (鸡肋集) và Quận trai độc thư chí (郡斋读书志) quyển 4 của Triều Bổ Chi (晁补之), Thư tấn hiền đồ hậu (书晋贤图后) thuộc Hoài Hải tập (淮海集) của Tần Quan (秦观),... hậu thế có Kha Sơn Trương Văn Tiềm tập thư hậu (柯山张文潜集书后) của Uông Tảo (汪藻), Kinh tịch khảo quyển 64, tức Văn hiến thông khảo (文献通考) quyển 237 của Mã Đoan Lâm, Trực Trai thư lục giải đề (直斋书录解题) quyển 17 của Trần Chấn Tôn (陈振孙),... đều cho biết Trương Lỗi là người Tiếu Quận (hay Tiếu Quốc). Bản thân Trương Lỗi cũng thừa nhận như vậy, xem Ký Châu học ký (冀州学记) thuộc Kha Sơn tập quyển 42, Ngô đại phu mộ chí (吴大夫墓志) thuộc Kha Sơn tập quyển 49, Lý phu nhân mộ chí (李夫人墓志) thuộc Kha Sơn tập quyển 20,...
- ^ Nay là Hoài An, Giang Tô
- ^ Trương Lỗi xác nhận chi tiết này trong Tư hoài đình kí (思淮亭记) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 49: “Tôi là người Hoài Nam đấy, từ nhỏ đến lớn, quen ở Hoài mà vui vẻ.”
- ^ Trương Lỗi tự nhận như vậy trong Đầu tri kỷ thư (投知己书) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 55
- ^ Nay là Hoài Dương, Hà Nam
- ^ Nguyên văn: 汪洋冲澹, 有一倡三歎之声 (HV: uông dương xung đạm, hữu nhất xướng tam thán chi thanh). 汪洋/uông: sâu rộng, dương: bể lớn, ý nói khoát đạt; 冲澹/xung và đạm đều có nghĩa là lặng lẽ, ý nói giản dị, chất phác; 一唱三叹/nhất xướng tam thán là thành ngữ hình dung âm nhạc, văn thơ hay đẹp, có nguồn gốc từ Tuân tử, Lễ luận: “Thanh miếu chi ca, nhất xướng nhi tam thán dã.”, miêu tả khung cảnh 1 người cất tiếng hát, 3 người hòa nhịp
- ^ Xem thêm Đáp Trương Văn Tiềm thư (答张文潜书) của Tô Thức
- ^ Căn cứ vào Hậu thiệp Hoài phú (后涉淮赋) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 1, Trương Lỗi cho biết ông vượt sông Hoài (để đến Lâm Hoài) vào mùa thu “năm Giáp dần của niên hiệu Hi Ninh”, tức năm Hi Ninh thứ 7, từ đó tương ứng với kỳ thi năm thứ 6. Căn cứ vào Ký dị (记异) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 50, Trương Lỗi cho biết ông đến Hàm Bình vào tháng 6 “năm Kỷ sửu của niên hiệu Nguyên Phong”; qua khảo chứng cho thấy niên hiệu Nguyên Phong không có năm Kỷ sửu, mà phải là năm Ất sửu (1084)
- ^ Quán Các (馆阁) là những cơ quan quản lý sách vở, biên soạn quốc sử. Nhà Bắc Tống dựa trên quan chế đời Đường, lập ra Chiêu Văn quán, Tập Hiền viện, Sử quán, gọi là Tam quán, ngoài ra còn có Bí các, Long Đồ các,... Kỳ thi này do Tô Thức làm chủ khảo, ngoài Trương Lỗi còn có Hoàng Đình Kiên, Triều Bổ Chi tham dự. Từ đây Lỗi chính thức được người đời xem là môn sanh của Tô Thức
- ^ Tục tư trị thông giám trường biên (續資治通鑑長編) quyển 443 và quyển 459 cho biết: ngày 22 tháng 6 ÂL năm Nguyên Hữu thứ 5 (1090), Trương Lỗi từ Chánh tự thăng làm Trứ tác tá lang; ngày 4 tháng 12 ÂL cùng năm, gia Tập Hiền hiệu lý; ngày 8 tháng 6 năm thứ 6 (1091), trừ làm Bí thư thừa; ngày 16 tháng 11 cùng năm, làm Sử quán kiểm thảo. Bản thân Trương Lỗi ghi nhận giai đoạn thăng tiến này qua bài Dư Nguyên Hữu lục niên lục nguyệt bãi Trứ tác tá lang, trừ Bí thư thừa. Thị tuế trọng đông, phục trừ Trứ tác lang, kiêm Sử viện kiểm thảo, phục chí cựu cục đề bình (予元祐六年六月罢著作佐郎, 除秘书丞. 是岁仲冬, 复除著作郎, 兼史院检讨, 复至旧局题屏) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 26, về chi tiết có chút khác biệt so với Tục tư trị thông giám trường biên
- ^ Khởi cư xá nhân (起居舍人) là quan viên phụ trách ghi chép mọi hành vi của hoàng đế, thuộc Nội sử tỉnh. Tên gọi “Khởi cư xá nhân” do Tùy Dượng đế đặt ra, đời Đường nhiều lần thay đổi, có dạo gọi là Hữu sử. Đời Tống cũng nói theo mà đặt ra quan chức này, vì thế người quen gọi Trương Lỗi là Trương hữu sử
- ^ Vương Xưng (王称) – Đông đô sự lược (东都事略) quyển 116 chép: “Trạc Khởi cư xá nhân.”
- ^ Nay là Trấn Giang, An Huy
- ^ Đông đô sự lược quyển 116 chép: “Trạc Khởi cư xá nhân. Thỉnh quận, dĩ Trực Long Đồ các Tri Nhuận Châu.” Xem thêm bài Nhiệm khởi cư xá nhân khất quận trạng (任起居舍人乞郡状) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 34
- ^ Nay là Tuyên Thành, An Huy
- ^ Nay là Hoàng Cương, Hồ Bắc
- ^ Dựa theo lời kể của Trương Lỗi trong Dữ Từ Trọng Xa thư (与徐仲车书) ở phần phụ lục thuộc Tiết Hiếu tập (节孝集) của Từ Tích (徐积, tự Trọng Xa): sau khi được rời Tuyên Châu để quay lại kinh sư, Trương Lỗi lại chịu biếm làm Quản câu Minh Đạo cung (管勾/quản câu nghĩa là Trị lý, nhưng ở đây chỉ là hư hàm; Minh Đạo cung là quần thể kiến trúc thờ phụng Lão tử, được xây dựng từ đời Hán, đặt tại quê hương của Lão tử – ngày nay là Lộc Ấp, Hà Nam), ít lâu sau được tự do, nên quay về ở Trần Châu. Trải hơn nửa năm, đầu tháng nhuận năm sau (trong niên hiệu Thiệu Thánh chỉ có 1097 là năm nhuận), Trương Lỗi lại chịu lưu đày làm Giám Hoàng Châu tửu thuế, từ Trần Châu đi qua Thái Châu, Quang Châu để đến Hoàng Châu
- ^ Nay là Thiên Môn, Hồ Bắc
- ^ Nay là Phụ Dương, An Huy
- ^ Nay là Phòng, Hồ Bắc
- ^ Xem thêm Tống hội yếu tập cảo (宋会要辑稿), Chức quan 67 – Truất hàng quan 4 và Tư trị thông giám hậu biên (资治通鉴后编) quyển 95
- ^ Sử cũ chỉ chép tuổi thọ, mà không nhắc đến năm sinh, năm mất của Trương Lỗi. Căn cứ vào bài Quá Tống đô (过宋都) thuộc Kha Sơn tập quyển 19 có câu: 予元丰戊午岁自楚至宋,由柘城至福昌, 年二十有五. 后十年, 当元祐二年, 再过宋都, 追感存没, 怅然有怀 (Hán Việt: Dư Nguyên Phong mậu ngọ tuế tự Sở chí Tống, do Chá Thành chí Phúc Xương, niên nhị thập hữu ngũ. Hậu thập niên, đương Nguyên Hữu nhị niên, tái quá Tống đô, truy cảm tồn một, trướng nhiên hữu hoài; Tạm dịch: Tôi vào năm mậu ngọ của niên hiệu Nguyên Phong, từ Sở đến Tống, từ Chá Thành chí Phúc Xương, tuổi được 25. Sau 10 năm, vào năm Nguyên Hữu thứ 2 (1087), lại qua Tống đô, nghĩ đến còn mất, buồn bã cõi lòng.) Năm Mậu ngọ của niên hiệu Nguyên Phong tức là năm Nguyên Phong đầu tiên (1078), từ đó biết được năm sinh của Trương Lỗi
- ^ Xem Lão Học Am bút ký (老学庵笔记) quyển 4 của Lục Du
- ^ Chỉ Trụ (砥柱山) là quả núi nằm giữa dòng Trường Giang, thuộc địa phận Tam Môn Hạp, Hà Nam
- ^ Lữ Lương (吕梁山) là dãy núi ở Sơn Tây, kéo dài trong địa phận các địa cấp thị Hãn Châu, Thái Nguyên, Lữ Lương, Lâm Phần; chia tách Hoàng Hà và một nhánh của nó là Phần Hà
- ^ Xem thêm Đáp Lý thôi quan thư (答李推官书) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 58
- ^ Chí ngôn (至言) nghĩa là ngôn luận cực kỳ cao siêu. VD: Trang tử – Thiên địa: “Thị cố cao ngôn bất chỉ vu chúng nhân chi tâm. Chí ngôn bất xuất, tục ngôn thắng dã.” (tạm dịch: Là bởi cao ngôn không ở trong lòng mọi người. Chí ngôn không nói ra, tục ngôn thắng thế đấy.)
- ^ Xem Hạ Phương Hồi nhạc phủ tự (贺方回乐府序) thuộc Trương hữu sử văn tập quyển 51
- ^ Uyển Khâu là tên gọi của 1 thiên trong kinh Thi, ghi chép ca dao nước Trần đời Xuân Thu (tức Trần phong), về sau là Trần Châu đời Tống
- ^ Kha Sơn là tên 1 ngọn núi ở Hoàng Châu