Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Trận đồi Độc Lập | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong Chiến tranh Đông Dương | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Quân đội nhân dân Việt Nam | |||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Christian de Castries Edouard Kah (POW) Roland de Mecquenem (POW) Charles Piroth † (tự sát) | Bùi Nam Hà | ||||||
Lực lượng | |||||||
Lực lượng phòng ngự: Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 7 Algérie và một đại đội lính Thái (877 lính) Lực lượng phản kích: 2 tiểu đoàn nhảy dù Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam (khoảng 1.000 lính) và 2 xe tăng 4 súng cối 120mm và pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm chi viện hơn 10.000 viên đạn pháo. Không quân ném bom hỗ trợ |
2 trung đoàn bộ binh (khoảng 3.000 quân) Đại đoàn Công Pháo 351 bắn yểm trợ gần 1.000 viên đạn pháo | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
khoảng 1.000 chết, bị thương hoặc bị bắt | không rõ, khoảng vài trăm |
Trận đồi Độc Lập là trận đánh diễn ra tại ngọn đồi cùng tên trong giai đoạn 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là trận đánh thứ hai của chiến dịch, diễn ra từ đêm 14-3 đến rạng sáng 15-3. Sau trận đánh, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát quả đồi, đẩy lùi đợt phản kích của Pháp, qua đó gần như đánh sụp Phân khu phía Bắc của cứ điểm Điện Biên Phủ.
Phân khu Bắc của Pháp gồm hai trung tâm đề kháng là Gabrielle (đồi Độc Lập) và Anna Marie do André Trancart (Tơrăngca), viên trung tá đã phụ trách vùng "tự trị Tây Bắc" ở Lai Châu, chỉ huy. Gabrielle nằm trên một quả đồi riêng rẽ ở đầu bắc cánh đồng, dài 500 mét, rộng 200 mét, không một bóng cây, dày đặc những trận địa, đường hào, ụ súng. Cơ quan tham mưu chiến dịch của Việt Nam đặt tên cho nó là đồi Độc lập, còn người Pháp gọi nó là "tàu phóng ngư lôi".
Trước chiến dịch, Chỉ huy cụm cứ điểm Đờ Cát đã mở cuộc thi xem trung tâm đề kháng nào của tập đoàn cứ điểm có tổ chức trận địa vững chân và hoàn thiện nhất về mặt chiến thuật. Gabrielle, do Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Bộ binh Algérie số 7 tổ chức phòng ngự, được ban chấm thi đánh giá cao nhất. Đờ Cát trao cho nó một khoản tiền thưởng đủ tổ chức một buổi ăn mừng.
Đây là trung tâm đề kháng duy nhất có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc đối phương khi tiến công phải đột phá hai lần. Gabrielle ở cách xa phân khu trung tâm 4 km nên được tăng cường bốn khẩu súng cối hạng nặng 120 ly. Những người chỉ huy đã bố trí trận địa pháo khá cẩn mật, tính toán kỹ lưỡng những mục tiêu có thể xuất hiện. Bốn đại đội đồn trú đều có công sự vững chắc. Tiểu đoàn 5 Algérie là một tiểu đoàn đáng tin cậy trong chiến đấu. Trước khi đến Điện Biên Phủ, nó được trang bị lại những vũ khí mới, kể cả súng có kính ngắm hồng ngoại chuyên để bắn trong đêm tối. Ngoài ra còn có một đại đội lính Thái của Quân đội Quốc gia Việt Nam hỗ trợ phòng ngự, và được pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm chi viện.
Ngay sau khi cứ điểm Him Lam thất thủ tối 13-3, các chỉ huy Pháp dự đoán Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tấn công Gabrielle ngay sau đó. Đúng ngày hôm đó, Thiếu tá Kah tới Gabrielle thay Thiếu tá Méccơnem (Mecquenem) mãn nhiệm. Hai viên tiểu đoàn trưởng cùng đi thị sát lại vị trí, và thống nhất yêu cầu pháo binh ở Mường Thanh sẽ bắn vào chỗ có của thung lũng ở phía bắc và những đường hào tiếp cận khá sâu Việt Minh đã đào tới chân đồi. Đạn dược dự trữ được bốn ngày. Không quân hứa sẽ cho một máy bay C-47 thả đèn dù suốt đêm. Chỉ huy pháo binh Piroth cam kết dành cho Gabrielle sự yểm hộ cao nhất của pháo binh. Hai viên chỉ huy vui vẻ chạm cốc hẹn sẽ gặp lại nhau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Chỉ trong 3 ngày, từ 13 đến 15-3-1954, quân Pháp đã bắn hơn 30 nghìn viên đạn pháo, đêm 14-3 còn huy động máy bay oanh tạc suốt đêm thành hàng rào lửa ngăn chặn bước tiến quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Lúc đầu, Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ trương đánh cả Him Lam và đồi Độc lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt nốt trung tâm còn lại là Bản Kéo. Đánh cả hai nơi có lợi là phân tán được hỏa lực chi viện của tập đoàn cứ điểm. Nhưng khi tính toán cụ thể, nhận thấy không đủ sơn pháo 75 ly đi cùng một lúc với hai đơn vị xung kích, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đánh Him Lam trước, ngay sau đó chuyển pháo sang cho đơn vị đánh đồi Độc lập vào đêm hôm sau.
Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) có nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng đồi Độc Lập. Đại đoàn Công Pháo 351 tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh Pháp, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng.
Nhiệm vụ tiến công đồi Độc lập được giao cho Trung đoàn trưởng 165 Lê Thùy và Trung đoàn trưởng 88 Bùi Nam Hà dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ. Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 của Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà đánh vào hướng Đông Bắc là hướng thứ yếu, Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 của Trung đoàn trưởng Lê Thùy đánh vào hướng chủ yếu là hướng Đông Nam cứ điểm, ngoài ra có sự hỗ trợ của Đại đội lựu pháo 803, 2 đại đội sơn pháo 752, 753 và hai đại đội súng cối 120mm bắn chi viện, và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn phản kích từ Mường Thanh ra. Cùng lúc, sử dụng một phân đội bộ binh và một đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 255 Trung đoàn 174, tiến hành tích cực nghi binh tại A1.
Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc lập sẽ bắt đầu vào 16 giờ 45 ngày 14 tháng 3 năm 1954. Đúng giờ G, bộ phận nghi binh nổ súng bắn cháy ba lều vải trên đồi A1, và xung kích tiến lên mở hàng rào. Pháo 105 ly của Pháp từ Hồng Cúm và cối 120 ly ở Mường Thanh nã đạn dồn dập vào trận địa của Tiểu đoàn 255. Nhưng ở đồi Độc lập, do trời mưa, sơn pháo 75 ly và súng cối 120 ly điều từ Him Lam sang không tới kịp trước giờ nổ súng nên cuộc tiến công chưa bắt đầu. Bộ phận nghi binh được lệnh rút ra.
Đêm 14-3-1954, Đại đội trưởng Lê Nam Phong cùng trung đoàn hành quân dưới mưa đạn pháo 105mm, pháo 155mm của Pháp và trời cũng mưa tầm tã. Bộ đội phải dùng áo mưa và cởi cả áo che cho bộc phá và súng đạn.
Các chiến sĩ sơn pháo và súng cối 120 ly mò mẫm, khiêng pháo nhích từng bước trong rừng, giữa đêm đen dưới trời mưa tầm tã. Nửa đêm, họ chỉ còn cách trận địa 700 mét. Bất thần, một loạt bom nổ trên không chụp xuống đội hình. Một số chiến sĩ hy sinh và bị thương. Hầu hết các đòn khiêng pháo đều gãy. Những người còn lại biết bộ binh đang chờ, vẫn quyết tâm đưa pháo tới đích. 2 giờ sáng, các khẩu đội sơn pháo mới đến nơi.
Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 165 đột phá thuận lợi. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 115 tiến lên mở cửa giữa lúc pháo chi viện bắn trúng bãi mìn. Những trái mìn sáng của Pháp làm cho cửa mở sáng rực như ban ngày, giúp việc quan sát rõ hơn.
Lợi dụng lúc pháo binh bắn cấp tập, các trung đội bộc phá băng lên phá các hàng rào. Người đánh bộc phá đầu tiên là chiến sĩ Nguyễn Bá Tuệ. Pháp bắn trả vô cùng ác liệt, nhiều chiến sĩ bộc phá đã hy sinh, như Trung đội phó Đồng đang ôm bộc phá lao lên thì trúng đạn, Tiểu đội trưởng Cấp hy sinh, chiến sĩ Viên ôm bộc phá ngã dưới chiến hào. Nhưng sau 40 phút, các chiến sĩ bộc phá đã hoàn thành nhiệm vụ.
Trên hướng thứ yếu, lúc đầu Trung đoàn 88 xác định cửa mở chưa đúng hướng (trung đoàn mới ở Lào về 3 ngày, vừa trinh sát vừa tổ chức chiến đấu, vừa đào hào giao thông, nên địa hình chưa thật nắm chắc), tuy đã dọn trên một trăm mét rào dây thép gai, vẫn chưa lọt vào bên trong cứ điểm. Sau đó chiến sĩ Nguyễn Văn Ty phát hiện hướng mở sai, đã chỉnh lại hướng mở, một mình Ty đánh 9 quả bộc phá mở hàng rào (Nguyễn Văn Ty sau đó được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và sau này hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam).
Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 88 sau khi mở cửa được, các mũi xung kích lao thẳng vào bên trong cứ điểm bắt liên lạc với Trung đoàn 165 bao vây hầm cố thủ sở chỉ huy địch.
Hai mũi xung kích của hai trung đoàn 165 và 88 cùng phối hợp tiêu diệt quân địch. Binh lính Tiểu đoàn Algérie số 5 cố gắng chống cự. Pháo binh Pháp ở Mường Thanh bắn dữ dội vào ngay trong đồn hòng sát thương bộ đội Việt Nam, cứu vãn tình hình. Bộ đội Việt Nam giành giật với đối phương từng ụ súng, từng căn hầm, từng đoạn chiến hào.
Cũng sáng hôm đó, De Castries thấy rằng không thể dùng đại bác phản pháo hay máy bay oanh tạc để hủy diệt trọng pháo địch được như trong kế hoạch phòng thủ đã dự định. Thiếu tá Piroth, chỉ huy trọng pháo và thiết giáp của căn cứ, lúc trước bảo đảm là có thể diệt trọng pháo địch trong hai ngày, nay thất vọng hết sức vì không biết địch ở chỗ nào mà phản kích. Piroth bỏ ăn uống, mệt mỏi bước vào hầm Bộ Chỉ huy trung ương gặp De Castries. Hai ngày trước thì Piroth sẵn sàng trả lời là với trọng pháo 155 ly, ông ta có thể khóa họng được bất cứ ổ pháo nào của QĐNDVN, nhưng hôm nay thì khác. Khi được hỏi về vị trí pháo địch, ông ta chỉ có thể run run chỉ vào một điểm mơ hồ trên bản đồ. Ra khỏi hầm của Castries, Piroth gặp chỉ huy quân dù Pierre Langlais. Piroth như người mất hồn, nói: "Tôi vừa nói với đại tá [Đờ Cát] là mất hết cả rồi, Trung tá ơi! Đó là lỗi tại tôi!"
5 phút sau cuộc gặp, Piroth đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn. Giăng Pugiê (Jean Ponget) viết trong hồi ký: "Đại tá Piroth đã dành trọn một đêm (13 tháng 3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông, hai khẩu pháo 105 ly bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155 ly bị loại khỏi vòng chiến đấu..." Đại tá Trancart, Chỉ huy Phân khu Bắc, bạn thân của Piroth kể lại sau trận Gabrielle, Piroth khóc và nói: "Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với Castries và Tổng Chỉ huy [Navarre] sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, ta sẽ thua trận. Mình đi thôi".
Liền sau đó, một bức điện báo về cơ quan tham mưu của tướng Cô-nhi ở Hà Nội. Để giữ tinh thần cho binh sĩ, chuyện Pi-rốt tự sát không được nói tới mà cái chết của ông ta được ghi là "đã bỏ mình trên chiến trường trong danh dự!"
Ngày 13 tháng 3, trước trận đánh, cụm cứ điểm Gabrielle có 877 lính Lê dương Pháp. Trong chiến đấu, có 501 bị chết, 41 mất tích, 221 bị thương và bị bắt làm tù binh, 114 bị thương và được quân Pháp thu gom trong ngày 15 tháng 3. Đội quân phản kích bị thương vong khoảng 200 lính.
Theo nhà báo Bernard Fall: "...Sáng hôm ấy Trung tá Pháo binh Pi-rốt hứa với Tiểu đoàn trưởng Méc-cơ-nen sẽ dốc toàn lực chế áp pháo đối phương, không để pháo binh Việt Minh được "gãi vào bất cứ hỏa điểm nào ở Gabrielle. Nhưng cuối cùng những hầm vũ khí nặng của cứ điểm đều bị pháo binh đối phương bắn phá. Các vị trí của Đại đội 1 rồi Đại đội 4 đều lần lượt bị mất. Một tình huống khắc nghiệt xảy ra là vào 4 giờ 30 phút sáng 15-3: một viên đạn pháo xuyên qua hầm chỉ huy tiểu đoàn. Thiếu tá Méc-cơ-nen chưa kịp bàn giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Các mới được điều đến thay thì cả hai đều bị thương nặng. Sau đó những chiếc mũ cứng có gài lá ngụy trang của quân đội Việt Minh xuất hiện khắp nơi trên cứ điểm. Một phần tư quân số bị loại khỏi vòng chiến đấu. Số lính da đen còn sống đã tự nguyện hạ súng. 483 lính chết, 175 mất tích, số còn lại bị Việt Minh bắt sống... Thấy hỏa lực của mình bị hao mòn quá nhanh sau chưa đầy hai ngày đêm chiến đấu, từ chỗ khoe khoang khoác lác, viên Trung tá Pháo binh Piroth đã rơi xuống vực thẳm bi quan thất vọng, sau khi bị chỉ huy Đờ Cát nhiếc mắng, Piroth đã tự kết liễu đời mình bằng một trái lựu đạn..."
Các tướng tá Pháp tỏ ra ngỡ ngàng trước sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm mạnh nhất tập đoàn cứ điểm. Lănggơle viết: "Không hiểu vì lý do gì mà các cứ điểm ngoại vi Béatrice (Him Lam) và Gabrielle bị tiêu diệt trong vòng 6-12 giờ. Các cứ điểm này được bảo vệ bằng một dải phòng ngự phụ rộng, tổ chức hỏa lực bắn chặn tốt, do các đơn vị thiện chiến giữ và được chỉ huy hoàn hảo". Từ Thủ tướng Pháp Lanien đến Nava, Cônhi đều chuyển sang "thái độ bi quan sâu sắc". Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Eisenhower thắc mắc tại sao Đờ Cát để mất các trung tâm đề kháng ở phân khu bắc mà không chịu giành lại. Ngày 20 tháng 3 năm 1954, Tổng Tham mưu trưởng Pháp Êly phát biểu công khai: "Pháp không thể thắng được với phương tiện hiện có trong tay" và khẩn thiết yêu cầu Mỹ tăng cường giúp đỡ vũ khí, đặc biệt là máy bay ném bom B-26 Invader, và can thiệp bằng không quân.
Với chiến thắng ở đồi Độc lập, QĐNDVN đã tiêu diệt 2/3 cứ điểm quan trọng ở Phân khu Bắc. Cụm cứ điểm Bản Kéo sau đó 2 ngày cũng sụp đổ do lính Pháp tại đây bị suy sụp tinh thần đã bất tuân lệnh chỉ huy Pháp và đào ngũ đồng loạt. Sau khi tiêu diệt phân khu Bắc, QĐNDVN kết thúc giai đoạn 1 chiến dịch, chuyển sang giai đoạn 2 tiêu diệt các cao điểm phía Đông án ngữ đường tiến vào Sở Chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ.