Curcuma australasica

Curcuma australasica
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Monocots
(không phân hạng)Commelinids
Bộ (ordo)Zingiberales
Họ (familia)Zingiberaceae
Phân họ (subfamilia)Zingiberoideae
Tông (tribus)Zingibereae
Chi (genus)Curcuma
Loài (species)C. australasica
Danh pháp hai phần
Curcuma australasica
Hook.f., 1867[2]

Curcuma australasica là một loài thực vật có hoa trong họ Gừng. Loài này được Joseph Dalton Hooker mô tả khoa học đầu tiên năm 1867.[2][3] Tên gọi tiếng Anh của nó là Australian wild turmeric, nghĩa là nghệ hoang Australia.[1][2] Tên gọi khác là Cape York lily, nghĩa là loa kèn Cape York.[1] Tên gọi trong ngôn ngữ Gugu Yimithirr ở viễn bắc Queensland, Australia là kumbigi.[4]

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính từ định danh australasica là để chỉ Australia.[5]

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Loài này có tại Australia (Lãnh thổ Bắc Úc, Queensland), Indonesia (từ Maluku tới phần lãnh thổ trên đảo New Guinea), Papua New Guinea (đảo chính, quần đảo Bismarck, Bắc Solomons),[6] cũng như một vài đảo khác trên Thái Bình Dương như Polynesia thuộc Pháp (quần đảo Society, Tubuai), Guam, Micronesia, quần đảo Bắc Mariana, Palau, Quần đảo Solomon (Nam Solomons).[1] Cao độ sinh sống: 0 - 2.000 m. Môi trường sinh sống là những vùng đất ẩm ướt, rừng, bìa rừng nhiều bóng râm, trảng cỏ, chịu được sương giá nhẹ. Loài này ngủ trong mùa khô, và khi trồng trọt cần nhiều nước trong mùa sinh trưởng.[1]

Cây cao 30–80 cm. Thân rễ màu vàng.[1] Rễ gồm các chùm củ hình trụ với các chỗ thắt đây đó, màu trắng. Lá dài 1-1,5 ft (30–46 cm), rộng 6–19 cm,[4] hình mũi mác hẹp hay hình mũi mác, với đáy thuôn tròn, đỉnh nhọn. Cán hoa đầu cành, ban đầu ngắn, sau kéo dài ra đáng kể. Cụm hoa bông thóc, dài 5-7 inch (13–18 cm), hình trụ, nhiều hoa. Lá bắc dưới dạng nắp, mọc sát nhau, hợp sinh tại gốc, tù, uốn cong, màu xanh lục; lá bắc trên tỏa rộng, thuôn dài, nhọn, màu hồng, dài 1 inch (2,5 cm). Hoa màu vàng nhạt (đôi khi màu trắng). Bầu nhụy hình cầu. Ống đài dài bằng 0,5 lần ống tràng; 3 thùy, tù. Các thùy tràng thuôn dài, tù, 1,5–2 cm.[4] Môi hình tròn. Bao phấn thuôn dài, với các cựa chụm lại. Nhị lép thon nhỏ dần.[2] Ra hoa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.[4] Giống cây trồng "Aussie Plume" được trồng tại Hoa Kỳ có thể cao đến 2 m.[4]

Sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Người dân địa phương ở Micronesia sử dụng nghệ hoang Ausstralia; như thân rễ và lá được sử dụng làm thuốc trong y học dân gian trên các đảo san hô vòng Woleai và Namoluk, còn lá được sử dụng để gói thực phẩm ở Chuuk, nhưng không rõ là lá và thân rễ được thu hái từ cây mọc hoang dã hay từ cây trồng. Trên đảo Poluwat, loài cây này được trồng rộng rãi và những cây trồng này được sử dụng để làm vòng hoa, còn thân rễ được sử dụng làm thuốc nhuộm màu vàng để tô vẽ lên cơ thể.[1] Thổ dân trên bán đảo Cape York nướng thân rễ loài này để ăn.[4][5]

Quan hệ họ hàng

[sửa | sửa mã nguồn]

C. australascia được cho là có quan hệ họ hàng gần với loài cây trồng phổ biến là nghệ (C. longa).[7] Tuy nhiên, nghiên cứu phát sinh chủng loài gần đây của chi Curcuma lại không bao gồm C. australasica,[8] nên không rõ hai loài có quan hệ họ hàng gần như thế nào. Tuy nhiên, cả hai loài đều nằm trong phân chi Curcuma của chi Curcuma,[9] vì thế cho đến khi nghiên cứu sâu hơn được thực hiện về mối quan hệ di truyền giữa các loài, theo phương pháp của Maxted et al. (2006),[10] thì C. australasica có thể được phân loại là họ hàng hoang dã bậc ba (trong nhóm Đơn vị phân loại 3) của nghệ. Ở dạng hoang dã, C. australasica là họ hàng hoang dã chính của dạng trồng trọt của loài này, được sử dụng làm cây cảnh.

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tư liệu liên quan tới Curcuma australasica tại Wikimedia Commons
  • Dữ liệu liên quan tới Curcuma australasica tại Wikispecies
  • Vườn thực vật hoàng gia Kew; Đại học Harvard; Australian Plant Name Index (biên tập). “Curcuma australasica”. International Plant Names Index.
  1. ^ a b c d e f g Williams E. (2017). Curcuma australasica. The IUCN Red List of Threatened Species. 2017: e.T22486244A22488490. doi:10.2305/IUCN.UK.2017-3.RLTS.T22486244A22488490.en. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2021.
  2. ^ a b c d Hooker J. D., 1867. Curcuma australasica. Curtis's Botanical Magazine 93: tab. 5620.
  3. ^ The Plant List (2010). Curcuma australasica. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2013.
  4. ^ a b c d e f Beasley, John (2009). Plants of Cape York: The Compact Guide. tr. 29. ISBN 978-0-9806863-0-2.
  5. ^ a b Scarth-Johnson (2000). National Treasures: Flowering plants of Cooktown and Northern Australia. Vera Scarth-Johnson Gallery Association. ISBN 0-646-39726-5.
  6. ^ Curcuma australasica trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 25-2-2021.
  7. ^ Nicholson N. & Nicholson H., 1988. Australian Rainforest Plants: In the forest and in the garden II. 73 trang. Terania Rainforest nursery, The Channon. ISBN 978-0958943611, ISBN 0958943613
  8. ^ Záveská E., Fér T., Šída O., Krak K., Marhold K. & Leong-Škorničková J. 2012. Phylogeny of Curcuma (Zingiberaceae) based on plastid and nuclear sequences: Proposal of the new subgenus Ecomata. Taxon 61(4): 747-763, doi:10.1002/tax.614004 .
  9. ^ Leong-Škorničková J., Šída O., Záveská E. & Marhold K., 2015. History of infrageneric classification, typification of supraspecific names and outstanding transfers in Curcuma (Zingiberaceae). Taxon 64(2): 362-373, doi:10.12705/642.11.
  10. ^ Maxted N., Ford-Lloyd B. V., Jury S., Kell S. & Scholten M., 2006. Towards a definition of a crop wild relative. Biodiversity and Conservation 15: 2673-2685.