Phạm Chi Lan | |
---|---|
Sinh | 14 tháng 1, 1943 xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Học vị | Cử nhân Kinh tế |
Trường lớp | |
Nghề nghiệp | Chuyên gia kinh tế |
Tổ chức | Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Chức vị | Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) |
Nhiệm kỳ | 2007-2009 |
Phối ngẫu | Nguyễn Gia Hảo[1] (s.1939) |
Con cái | Nguyễn Tuấn Anh |
Cha mẹ | Phạm Trinh Cán (cha) |
Phạm Chi Lan (sinh ngày 14 tháng 1 năm 1943) là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.[2]
Bà sinh tại Long Xuyên, An Giang[3] (quê gốc huyện Từ Liêm, Hà Nội) là con gái của cụ Phạm Trinh Cán, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân pháp – Bộ Quốc phòng, Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu kiêm Chánh án Tòa án binh khu Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục.
Bà theo học Bộ môn Ngoại Thương của Khoa Quan Hệ Quốc tế trường Đại học Kinh Tài (Kinh tế - tài chính) năm 1961-1962, nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1964, Khoa Quan Hệ Quốc tế được tách thành Trường Đại học Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương, nên có thể nói bà Phạm Chi Lan đã tốt nghiệp khóa đầu của Trường Đại học Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương (nay là đại học Ngoại Thương và Học viện Ngoại giao).
Bà tốt nghiệp đại học năm 1966. Sau khi tốt nghiệp, bà về công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, làm việc tại đây cho đến khi nghỉ hưu. Trong suốt quãng thời gian làm việc của mình bà Phạm Chi Lan là người luôn đi đầu cổ vũ cho quá trình đổi mới và cải cách tại Việt Nam, bền bỉ thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam và quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Chồng bà là ông Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên thành viên Tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Nguyễn Gia Hảo sinh năm 1939, tốt nghiệp Trường Quan hệ quốc tế Moskva (1961-1964), thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế quốc dân (1964-1966). Ông là trọng tài viên tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).[4]
Người con trai duy nhất là Nguyễn Tuấn Anh tốt nghiệp ngành ngoại thương, từng công tác tại ngân hàng nước ngoài, nhận Học bổng Thạc sỹ Fulbright sang Mỹ học MBA về quản trị tài chính, sau đó về nước kinh doanh riêng gần 10 năm rồi chuyển sang làm doanh nghiệp xã hội.[5]