Văn phong và cách dùng từ trong bài hoặc đoạn này không bách khoa. |
Bài này không có nguồn tham khảo nào. |
Đài Nghiên là một kiến trúc hình nghiên mực nằm bên cạnh Tháp Bút tại đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đài Nghiên ở bên dưới chân Tháp Bút.
Qua cổng Long Môn - Hổ Bảng, đường vào đền Ngọc Sơn thu hẹp lại vì hai bên lề có xây hai dãy tường hoa thấp. Cuối con đường là lớp cổng thứ ba. Khác với hai lớp cổng ngoài có bốn hàng cột hay lớp cửa trống, lớp cổng này có tường cao, có mái, cánh cửa gỗ sơn son. Trên mái đặt một cái nghiên đá cho nên cổng cũng có tên là Nghiễn Đài (Đài Nghiên). Vì có bút thì phải có nghiên, mà bút dùng để viết lên trời xanh thì nghiên cũng phải lớn tương xứng với bút. Đây là một cái nghiên được tạc từ cả một tảng đá xanh, hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm lòng chảo, bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi khoảng 2m, được làm từ lần trùng tu năm 1865. Nghiên được đội trên lưng ba con thiềm thừ (con cóc). Đặc biệt trên thân của nghiên có khắc một bài minh của Nguyễn Văn Siêu. Bài minh có 64 chữ Hán nhưng ý tứ hay, hàm súc:
Bài minh được dịch nghĩa là:
"Xưa lấy hốc đất làm nghiên, chú giải Đạo đức kinh, nghiền ngẫm bên nghiên lớn, viết sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông không tròn, dùng vào mọi việc thật là kì diệu. Không cao không thấp, ngôi ở chính giữa. Cúi coi hồ Hoàn Kiếm, ngửa trông ngọn tháp Bút đá ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi. Ngậm nguyên khí mà mài hư không".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc thì có thể đây là một quan niệm có tính chất bản thể luận về nghiên mực cũng như thể hiện tư tưởng của con người thời phong kiến. Ở khoảng giữa vòm cửa và hai chữ Nghiễn Đài có đắp bức cuốn thư bên trong là những dòng chữ Hán. Những dòng chữ đó cũng chính là bài minh khắc ở nghiên đá được đắp lại nhưng lại được viết theo lối chữ thảo.
Mặt sau của đài Nghiên, ở hai bên cửa có hai câu đối mang đậm màu sắc của Đạo giáo:
Dịch nghĩa:
Vế thứ nhất của câu đối lấy điển tích trong bài Hậu Xích Bích phú của Tô Đông Pha. Vế thứ hai lấy điển tích ở sách Trang Tử. Hai câu đối này thể hiện quan điểm hư vô của Đạo giáo.
Nhiều người cho rằng, trong năm, du khách đến thăm đền Ngọc Sơn có thể may mắn chứng kiến giây phút kì diệu nhất của kiến trúc này. Đó là khi mặt trời đứng bóng, bóng Tháp Bút chấm đúng vào giữa lòng Đài Nghiên. Cùng với Tháp Bút, Đài Nghiên trở thành biểu trưng văn hoá với triết lý cao siêu, hướng thiện, là một công trình vô giá trong quần thể di tích đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm.