Dedun (còn được viết là Dedwen, Dedan, Tetun) là một vị thần trong văn hóa Ai Cập cổ đại có nguồn gốc từ Nubia. Ông là người coi quản các loại nhũ hương và là vị thần của sự giàu có.[1]
Tên của thần Dedun trong tiếng Nubia nghĩa là "chàng trai trẻ" và được mô tả là một đứa bé trai ở Nubia, như thần Khonsu hay Harpocrates (Cổ Hy Lạp); tuy nhiên, kể từ thời kỳ Trung Vương quốc Ai Cập thì Dedun được khắc họa là một người đàn ông trưởng thành.[2] Có vẻ như, Dedun là vị thần cực kỳ quan trọng ở vùng sa mạc phía đông của Nubia hơn là ở dọc bờ sông Nin.[3]
Dedun xuất hiện sớm nhất là vào khoảng năm 2300 TCN dưới thời Cổ Vương quốc Ai Cập, khi tên của ông được nhắc đến qua các dòng Văn khắc Kim tự tháp.[3] Trên đó, Dedun được gọi là "Chàng trai đến từ Nubia" và "Lãnh chúa của Nubia".[2] Ngoài ra, tên của Dedun còn đi kèm với ký tự tượng hình của một loài chim săn mồi, được cho là đồng hóa với chim ưng Horus.[4]
Dưới thời Trung Vương quốc, Pharaon Senusret III (Vương triều thứ 12) cho dựng một tấm bia đá gần biên giới với Nubia để tôn vinh thần Dedun. Dưới thời Thutmose III (Vương triều thứ 18), ông đã cho xây đền thờ Senusret III và cả thần Dedun.[3] Trên tường đền, Dedun được gọi là "người nắm toàn quyền ở Nubia".[4][5]
Dedun còn được mô tả là vị thần coi quản các loại nhũ hương, một loại hương liệu được cho là đến từ Nubia.[3][4] Dưới thời Tân Vương quốc, Dedun được gọi là "Lãnh chúa xứ Punt", vùng đất được cho là cái nôi của những nguồn vật liệu quý.[2]
Tuy có nguồn gốc ngoại quốc nhưng Dedun luôn được mô tả nhân hóa là người Ai Cập. Không những thế, mặc dù đến từ Nubia nhưng Dedun lại không được tìm thấy trên bất kỳ nguồn chứng thực nào của nơi này, mà hoàn toàn là từ các nguồn ở Ai Cập. Vai trò của Dedun có lẽ chỉ là một vị thần trông coi nguồn nhũ hương.[2]