Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp | |
---|---|
Thành lập | 1887 |
Sáng lập | Albert Benjamin Simpson (1887) |
Trụ sở chính | Veenendaal, Hà Lan |
Trang web | www |
Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp (tiếng Anh: The Christian and Missionary Alliance, viết tắt C&MA) là một cộng đồng các giáo hội Cơ Đốc thuộc trào lưu Tin Lành.
Được thành lập năm 1887 bởi Tiến sĩ Albert Benjamin Simpson, lúc ban đầu Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp chỉ là một tổ chức liên kết tín hữu thuộc các giáo phái khác nhau với mục tiêu vận động toàn thể hội thánh tích cực tham gia vào nỗ lực truyền giáo tại hải ngoại. Đến giữa thế kỷ 20, tổ chức truyền giáo này trở thành một giáo phái với khoảng 300.000 tín hữu và gần 2.000 nhà thờ (trong số này có 400 nhà thờ là những giáo đoàn đa văn hoá) tại Hoa Kỳ. Tại Canada, có 440 nhà thờ, 59 trong số này là đa văn hoá, với hơn 120 ngàn thuộc viên. Theo ước tính, bên ngoài Hoa Kỳ và Canada số tín hữu thuộc cộng đồng C&MA quốc tế vượt quá con số 3 triệu.[1]
Trung tâm Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp tọa lạc tại Nyack Heights, Thành phố New York, nhưng trụ sở hiện thời được đặt ở Veenendaal, Hà Lan.[2]
Trong khi chia sẻ với các giáo phái khác thuộc trào lưu Tin Lành trong cộng đồng Kháng Cách một quan điểm chung trong hầu hết các lĩnh vực, có hai điểm nổi bật trong tôn chỉ của C&MA:
Tiến sĩ Albert B. Simpson là một mục sư thuộc giáo hội Trưởng Lão, chịu cảm động khi nhận biết nhu cầu tâm linh của nhiều cư dân trong các đô thị tại Bắc Mỹ, cũng như nhiều người khác ở khắp nơi trên thế giới. Bị thôi thúc bởi ý tưởng phải chuyển tải thông điệp phúc âm đến các dân tộc vì mạng lịnh của Chúa Giê-xu trong Phúc âm Ma-thi-ơ 24. 14, "Phúc âm này về Vương quốc của Thiên Chúa sẽ được rao giảng khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến".
Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Simpson có quan hệ mật thiết với Phong trào Ngũ Tuần (khởi nguồn từ Phong trào Thánh khiết); người ta thường thấy các mục sư và giáo sĩ Ngũ Tuần được đào tạo tại Học viện Đào tạo Giáo sĩ được thành lập bởi Simpson. Khi ấy, Simpson và C&MA tạo lập ảnh hưởng đáng kể trên phong trào Ngũ Tuần, nhất là trong các giáo phái Assemblies of God và International Church of the Foursquare Gospel. Ảnh hưởng này gồm có những trọng điểm của giáo lý Tin Lành, thần học C&MA, những bài thánh ca và các tác phẩm của Simpson, cùng thuật ngữ "Đền tạm Phúc âm", được đặt tên cho các nhà thờ Ngũ Tuần với một chút thay đổi "Đền tạm Phúc âm Toàn vẹn".
Dần dần xuất hiện bên trong giáo phái C&MA những bất đồng về các vấn đề giáo lý của phong trào Ngũ Tuần (như hiện tượng nói tiếng lạ và cung cách thờ phượng chú trọng đến sự phô diễn các ân tứ). Trong năm 1912, cuộc khủng hoảng này trở nên tác nhân hình thành cấu trúc giáo phái cho C&MA, giao thẩm quyền lớn hơn cho hội đồng giáo phái và biến tổ chức này trở nên một giáo hội. Để bảo đảm sự tồn tại cho C&MA trước những phân hoá nội bộ, Simpson thiết lập cơ chế quản trị tài sản của giáo phái, theo đó nếu có sự ly khai, giáo hội có thể tiếp tục duy trì tài sản của mình.[3]
Sau khi Simpson qua đời năm 1919, C&MA bắt đầu xa lánh phong trào Ngũ Tuần, bác bỏ những giáo lý trọng tâm của phong trào này như quan điểm cho rằng khả năng nói các thứ tiếng là điều kiện cần thiết thể hiện tình trạng đầy dẫy Chúa Thánh Linh, thay vì nhấn mạnh đến một đời sống Cơ Đốc sâu nhiệm hơn.[3] Năm 1930, hầu hết các chi hội của C&MA đều thực thi chức năng của một hội thánh địa phương mặc dù họ vẫn không chịu nhìn nhận sự kiện này.
Trong năm 1965, các hội thánh địa phương chấp nhận chức năng giáo phái và thông qua một tuyên cáo đức tin. Tổ chức truyền giáo này chẳng bao lâu trở nên một phong trào tin lành quan trọng. Ngày nay C&MA được xem là một giáo phái đang trên đà phát triển, tận tuỵ trong các nỗ lực truyền bá phúc âm trên thế giới qua công tác thành lập hội thánh địa phương (church planting).
Bốn chức vụ của Chúa Giê-xu, theo sự giảng dạy của Simpson, được thể hiện trên biểu tượng của giáo hội được tóm tắt như sau, "Chúa Cơ Đốc là Cứu Chúa, Đấng thánh hoá, Đấng chữa lành, Vua hầu đến".
Thêm vào bốn biểu trưng truyền thống ấy là hình quả cầu cách điệu được trình bày như là hình nền cho biểu tượng. Quả cầu biểu trưng cho sứ mạng từ ban đầu của giáo phái là chuyển tải thông điệp Phúc âm đến mọi nơi trên thế giới.
Liên kết với giáo phái C&MA là tổ chức CAMA. "CAMA" là chữ viết tắt cho "Compassion and Mercy Associates" (Hỗ trợ Nhân ái).
CAMA hoạt động trong lãnh vực cứu tế và phát triển, cung cấp thực phẩm, áo quần, chăm sóc sức khoẻ và huấn nghiệp cho người dân đang sống trong tình trạng khủng hoảng ở khắp nơi trên thế giới. CAMA cũng duy trì động năng trong công tác truyền bá phúc âm.
Khởi đầu từ năm 1974 khi tìm cách giúp đỡ những người tị nạn tại Đông Dương, ngày nay CAMA đang xúc tiến các chương trình hoạt động tại những trại tị nạn ở Thái Lan, trợ giúp những người tị nạn ở Hong Kong, Liban, Jordan và Guinea, cứu trợ người dân đối diện với nạn đói ở Burkina Faso và Mali. Trong năm 2005, CAMA cộng tác với những nhà thờ địa phương thuộc giáo phái C&MA cung cấp sự trợ giúp cho nạn nhân bão xoáy Katrina tại Mỹ.
Hội thánh địa phương là thực thể bao gồm những người tin nhận Chúa Cơ Đốc đến với nhau để cùng thờ phượng Thiên Chúa, gây dựng nhau bởi Lời của Thiên Chúa, cầu nguyện, thông công, công bố Phúc âm, cử hành các thánh lễ Báp têm và Tiệc Thánh.
Đến năm 1998, C&MA có hai trường cao học, bốn trường đại học và một chủng viện được công nhận bởi Hiệp hội các trường thần học Hoa Kỳ.