Hoàng Lang | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Phạm Phúc Hiển |
Ngày sinh | 1930 |
Nơi sinh | Sài Gòn, Liên bang Đông Dương |
Mất | |
Ngày mất | 27 tháng 11, 2004 | (73–74 tuổi)
Nơi mất | Geneve, Thụy Sĩ |
Quốc tịch | Việt Nam Cộng hòa Thụy Sĩ |
Dân tộc | Kinh |
Nghề nghiệp | Nhạc sĩ Giáo viên |
Gia đình | |
Vợ | Nguyễn Phạm Kim Hoa |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Nghệ danh | Hoàng Lang |
Giai đoạn sáng tác | 1948 - 2004 |
Dòng nhạc | Nhạc tiền chiến Tình khúc 1954–1975 |
Ca khúc | Hoài thu Miền quê tôi Chiều thu ấy |
Hoàng Lang (1930 – 2004) là một nhạc sĩ Việt Nam. Ông là tác giả của một số ca khúc như Hoài thu, Miền quê tôi,... và là thầy của nhạc sĩ Lam Phương.[1][2][3]
Hoàng Lang tên thật là Phạm Phúc Hiển, sinh năm 1930 trong một gia đình trung lưu tại Hóc Môn, Gia Định.[4]
Năm 1948, ông bắt đầu viết tác phẩm đầu tay, mang tên "Tơ lòng nghệ sĩ". Sau đó, ông đã nhận Lam Phương làm học trò và xuất bản bài hát "Chiều thu ấy" với tên Lam Phương - Cẩm Huệ.[5]
Năm 1954, ông là trưởng ban văn nghệ Dầu Giây, sau đó ông làm Trưởng ban nhạc đàn dây Hoàng Lang tại đài phát thanh Sài Gòn. Ông còn phụ trách chương trình Hương Xưa, chương trình Thi nhạc giao duyên của Vương Đức Lệ, hợp tác với các ban Cổ kim hòa điệu của Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng, Văn Phụng,...cho đến năm 1972.[6] Cũng trong thời gian này, ông có mở một lớp nhạc dạy học trò, bao gồm nhạc sĩ Lam Phương,[6][7] Văn Trí, Thùy Linh, Huy Phong, Trương Văn Tuyên, Dương Quang Định, Mai Châu,... Ông còn hợp tác với một số hãng dĩa, như hãng Dĩa Hát Việt Nam của Lê Ngọc Liên, Asia - Sóng Nhạc,...[4] Ông còn có khả năng sử dụng nhiều loại nhạc cụ như đại hồ cầm, trung hồ cầm, mandolin,...[3]
Năm 1972, ông sang Thụy Sĩ du học và bị kẹt lại, sau đó ông chọn định cư tại đây.[6] Năm 1980, ông được chọn làm thông dịch viên của Tổng cục liên bang Thụy Sĩ và Hội Hồng thập tự Quốc tế.[3]
Ông qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 2004 tại Genève, Thụy Sĩ sau một thời gian bị bệnh tiểu đường.[6][4] Trước khi qua đời, ông đã cho xuất bản một tập nhạc mang tên "Nhạc tâm tình Hoàng Lang", bao gồm các bài ông viết từ trước và các bài ông viết sau này.
Ngoài vai trò nhạc sĩ, ông còn là một nhà báo cho báo Tiếng Chuông và là một giáo sư âm nhạc tại trường Petrus Ký. Ông còn viết sách giáo khoa Âm nhạc và đã được Kẻ Sĩ xuất bản năm 1970.