Hoàng Phủ Ngọc Tường (9 tháng 9 năm 1937 – 24 tháng 7 năm 2023) là một cố nhà văn người Việt Nam. Ông được biết đến là tác giả của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Đánh giá chung về sự nghiệp văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sách Ngữ văn 12 có đoạn viết:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về bút ký. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa[6].
Trong một cuốn sách gần đây của anh, viết và in ngay giữa những ngày anh đang vật lộn với cơn bệnh nặng-chứng tỏ ở anh một đức tính dũng cảm và một nghị lực phi thường của một người lao động nghệ thuật-anh tự coi mình là "người ham chơi". Quả thật, anh là một người ham sống đến mê mải, sống và đi, đi để được sống, với đất nước, với nhân dân, với con người, đi say mê và say mê viết về họ...[8]
Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút ký văn học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lý sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được...[9]
Nhà thơ Ngô Minh:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình...Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc...thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thấm đẫm "triết học về cái chết...thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột...Đấy là thơ của cõi âm"... Đó là một nhận xét xác đáng.
Dường như trong suốt cuộc đời mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ám ảnh bởi hoa. Điều đó, dù cuộc đời lận đận những ngày tù cộng với những năm tháng bôn ba khắc nghiệt của chiến tranh vẫn không tước đoạt nổi của ông...Ông viết rất nhiều về hoa và đặc biệt, ông bị ám ảnh bởi sắc diện phù dung.[10].
...Tôi có đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu ở giữa cánh đồng Xuân Đài. Mộ không bề thế như tôi tưởng, còn quá nhỏ so với lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự trên triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy. Mộ là một nắm vôi khô nằm vùi giữa đồng cỏ voi, xa khu dân cư nên trong chiến tranh thoát khỏi bị xe Mỹ càn ủi.
Đúng một trăm năm sau ngày Hoàng Diệu tuẫn tiết, xã đã trùng tu lại nơi yên nghỉ của cụ, quy cách khiêm tốn như nó vốn thế. Tường lăng sơn trắng phơn phớt hồng nỗi lên màu lá xanh, bát ngát và trong sáng, đúng là giấc ngủ của người anh hùng.
Người sinh ra ở gò Nổi để chết dưới chân thành Hà Nội, xương thịt trở về với đất làng mà chính khí vang động sử sách,"trời cao bể rộng đất dày-núi Nùngsông Nhị chốn này làm ghi".
Trước mặt người ta đọc thấy cặp câu đối viếng của Tôn Thất Thuyết: "Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khả vô tâm" (Lấy cái chết để thành tên tuổi, xưa nay người anh hùng đâu muốn thế/ Một thời trung nghĩa lòng không thể hổ thẹn khi nhìn đai cuộc ngày nay)...
Hồi nhỏ nhà nghèo, mẹ chăn tằm dệt lụa nuôi con ăn học. Hoàng Diệu lớn lên bằng tuổi trẻ gian khổ ở làng quê, buổi sáng sớm đi học chỉ súc miệng và nhịn đói, trưa về ăn một chén bắp nấu đậu, đến tối cả nhà chia mỗi người một bát cơm. Ngày nghe tin chồng tuẫn tiết, bà Hoàng Diệu đang cuốc cỏ lá de, ngất xỉu ngay trên bờ ruộng.
Làm quan Tổng đốc mà nhà còn nghèo đến thế, huống là nhà dân!...[12]