Các ví dụ và quan điểm trong bài viết này có thể không thể hiện tầm nhìn toàn cầu về chủ đề này.tháng 5/2022) ( |
Một số nguồn tham khảo trong bài này hay đoạn này có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn về nguồn đáng tin cậy. (tháng 12/2024) |
Bạn có thể mở rộng bài này bằng cách dịch bài viết tương ứng từ Tiếng Anh. Nhấn [hiện] để xem các hướng dẫn dịch thuật.
|
Thảm sát Huế Tết Mậu Thân | |
---|---|
Một phần của Chiến tranh Việt Nam | |
Một thiếu nữ đang cầm di ảnh của nạn nhân trong vụ thảm sát | |
Địa điểm | Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam Cộng hòa |
Thời điểm | 30 tháng 1 – 28 tháng 2 năm 1968 |
Loại hình | Thảm sát |
Tử vong | 2.800 – 6.000[1] |
Nạn nhân | Thường dân, tù binh chiến tranh |
Thủ phạm | Không rõ (các bên tham chiến quy trách nhiệm cho nhau) |
Thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân (tiếng Anh: Huế massacre) là một sự kiện trong Chiến tranh Việt Nam khi nhiều ngôi mộ tập thể chôn tử thi trong chiến trận Huế được phát hiện. Việc phát hiện hố chôn xảy ra khi Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và đóng ở Huế một tháng, sau đó bị triệt thoái trước sự phản công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Hoa Kỳ.[2]
Cho đến nay, tài liệu từ cả phía Việt Nam và Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho nhau về nguyên nhân và tính xác thực của sự kiện này. Trong khi đó, phía phản đối chiến tranh (như Gareth Porter) và nhiều học giả phương Tây khẳng định rằng số lượng và hoàn cảnh của những người bị giết đã bị phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khuếch đại, ngụy tạo nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền trong chiến tranh.[3][4][5][6][7][8][9] Nguồn từ phía quân Giải phóng thì ghi nhận họ đã chôn nhiều thường dân chết do hỏa lực hạng nặng của Mỹ cùng với binh sĩ tử trận của họ.[10][11] Ngoài ra cũng có nhiều nguồn tin khác cho rằng số người chết ở Huế trong chiến dịch này là do hỏa lực trong nỗ lực tái chiếm địa bàn của Mỹ cùng sự trả thù của phía Việt Nam Cộng hòa lên những người ủng hộ quân Giải phóng.[12][13][14]
Sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968, trong dịp Tết Nguyên Đán, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng lúc tấn công bất thình lình tại nhiều thành phố và địa phương trên miền Nam Việt Nam - trong đó có Sài Gòn và Huế.
Với mục đích giành giật chủ quyền tại Huế, trận chiến 28 ngày giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã diễn ra và kết quả là 40% thành phố bị phá hủy, 116.000 người mất nhà ở. Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chịu khoảng 4.400 lính thương vong, trong khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng tổn thất trên 4.000 quân. Cũng trong cuộc tái chiếm này, quân đội Mỹ đã sử dụng tối đa vũ khí hạng nặng như bom napalm, đại bác, pháo xe tăng và súng không giật cỡ lớn. Trong số 17.134 ngôi nhà tại Huế, 9.776 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 3.169 bị hư hỏng nặng; số thường dân thiệt mạng theo ước tính đầu tiên của chính phủ Việt Nam Cộng hòa là 3.776 người. Tài liệu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cho biết họ đã chôn cất khoảng 2.000 nạn nhân do bom đạn tại các khu mộ tập thể cùng với binh sĩ tử trận của chính họ.[3][11]
Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh[15]. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.
Theo Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu VNCH khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2.326 sọ người. Sau tết, các gia đình kê khai có người chết hoặc mất tích là 4.000 gia đình.[16] Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được họ xác định là đã bị mất tích, bắt cóc hoặc bị giết[17]. Theo các báo cáo của Việt
Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống[18][19][20]. Võ Văn Bằng, quan chức VNCH, Trưởng ban Cải táng nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008: "Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng..."[21]
Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike[22], lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:
Theo soạn giả Matthew White ghi lại trong cuốn sách "Tàn khốc: 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại" thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng đã có 2.800 người chết và 3.000 người mất tích.[23]
Mark Woodruff ghi rằng một bản báo cáo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bắt được ngày 25 tháng 4 năm 1968 ghi đã "loại khỏi vòng chiến đấu 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 tên ác ôn, sáu đại uý, 1 trung uý, 20 thiếu uý và nhiều sĩ quan trừ bị..." trong trận đánh ở Huế, tuy nhiên "loại khỏi vòng chiến đấu" là một khái niệm khá rộng (từ chết, bị thương, đầu hàng cho tới bắt làm tù binh).[24]
Hãng AFP thì đưa tin về nguyên nhân có những hố chôn tập thể tại Huế: "Trong các trận đánh hàng nghìn quân nhân đã bị giết. Quân đội Hoa Kỳ và quân chính phủ (Sài Gòn) phải chôn những binh lính chết của họ bất kỳ nơi nào và lúc nào có thể được. Còn lính dù Nam Việt Nam thì được chôn xác ngay trên trận địa"[25]
Theo Gareth Porter[26], một học giả Mỹ, các ước lượng ban đầu của Bộ Di dân và An sinh Xã hội Việt Nam Cộng hòa, số dân thường thiệt mạng do giao tranh và bom pháo là 3.776, trên tổng số dân thường bị thương, chết hoặc mất tích là 6.700 người[27], chứ không phải các con số 944 và 7.600 do Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đưa ra[28]. (Các con số 944 và 7.600 này đã được Pike Douglas dùng trong thống kê của mình.)
Về các con số cụ thể tại các địa điểm khai quật, Gareth Porter[26] viết:
Gareth Porter cũng dẫn lời kể của Alje Vennema[29], một bác sĩ làm việc cho một đội y tế Canada tại bệnh viện Quảng Ngãi và đã tình cờ có mặt tại Bệnh viện Huế trong thời gian xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, nói tổng số tử thi tại bốn địa điểm chính được phát hiện ngay sau Tết là 68, chứ không phải con số 477 như đã được tuyên bố chính thức, và hầu hết tử thi có dấu vết quân phục.
Có nhiều quan điểm trái ngược nhau về sự thật vụ Thảm sát Huế Tết Mậu Thân.
Theo phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhân vật chủ soái trong việc tuyên truyền và thổi phồng, thậm chí xuyên tạc và bịa đặt những số liệu liên quan tới thảm sát Mậu Thân là Liên Thành, trước đây là Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên - Huế[30].
Theo hồi ký của Trương Như Tảng (cựu Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa miền Nam Việt Nam, về sau ly khai chính phủ và vượt biên sang sống lưu vong ở Pháp), thì trong khi đóng quân tại Huế, một số người đã bị tử trận vì thuộc thành phần phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (viên chức, cảnh sát, sĩ quan, chính trị gia, địa phương quân...) nhưng cũng có người bị giết mặc dù không tham gia chiến trận. Ông dẫn lời "một người bạn" rằng do kỷ luật kém ở một số đơn vị, một số thường dân cũng nhân dịp hỗn loạn để trả thù nhau nên đã có những vụ giết hại vô cớ, nhưng những vụ việc này diễn ra lẻ tẻ, tự phát chứ không phải là có chủ đích.[31]
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người viết lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân Huế nổi dậy, ông bị đối phương coi là 1 những người trực tiếp chỉ đạo của "vụ thảm sát". Tuy nhiên, ông khẳng định: trong thời gian diễn ra trận đánh, ông và các cán bộ khác trú tại Sở chỉ huy tiền phương tại phía tây Huế chứ không hề vào thành. Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, cựu chiến binh quân Giải phóng, cũng khẳng định: Suốt thời gian chiến dịch diễn ra, Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn ở tại địa đạo Khe Trái trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà chứ không hề bước chân về chiến trường Huế, tất cả những "thông tin" nói ông Tường làm việc này việc nọ ở Huế trong những ngày tết Mậu Thân 1968 đều là bịa đặt.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với đài PBS năm 1982, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng mình có mặt tại Huế trong thời gian đó. Ông nói[32]:
“ | Nói riêng về những người bị giết thì trong số đó tất nhiên có một số là do du kích cách mạng. Khi chúng tôi vào nhà để gọi họ ra thì họ bắn trả đến cùng; họ bắn đến độ có những chiến sĩ của chúng tôi đã bị thương; khi đó chúng tôi phải bắn trả khiến những người đó bị chết tại chỗ. Trong trường hợp đó có một viên phó tỉnh trưởng của Huế... Còn một số những trường hợp khác thì chính nhân dân do đã căm thù quá lâu, đó là những người đã bị (chính quyền Sài Gòn) tra tấn, bắt tất cả gia đình phải đi ở tù ra ngoài đảo... và đến khi cách mạng bùng lên, họ lấy lại cái thế của người mạnh, thì họ tự đi tìm những kẻ đó để loại trừ như trừ những con rắn độc mà từ lâu nay nếu còn sống sẽ tiếp tục gây tội ác trong chiến tranh.
Có một số đó, mặc dù chúng tôi chủ trương rằng: những người đã bị bắt và đầu hàng để hỏi khai thác thì sẽ cải tạo chứ không giết, nhưng hành động của nhân dân trong một cuộc chiến tranh bùng nổ như vậy thì chính những người chỉ huy của cách mạng cũng không thể nào mà kiểm soát nổi họ, và họ đã tự mình thi hành lấy bản án tử hình với kẻ thù quá nặng nề của mình... Đa số những tù binh của chúng tôi đã được đưa đến các trại cải tạo trong rừng. Hầu hết trong số họ sau đó đã được thả. Chỉ có một vài trong số họ bị bệnh bởi vì họ không thích ứng tốt với khí hậu trong rừng. Tất cả họ đều đã trở về với gia đình. Nhưng một số người đã bị giết chết. Đa số những người này bị giết và được chúng tôi chôn cất tại thành phố, sau đó lại được khai quật bởi Mỹ và chính phủ Sài Gòn để quay phim. Trước hết, những người đó đã bị giết bởi bom đạn của Mỹ bắn phá trong các trận phản công. Ví dụ, máy bay Mỹ đã thả một quả bom trúng vào một bệnh viện ở vùng lân cận Đông Ba, giết chết và làm bị thương hơn 200 người. Đã có nhiều người theo lực lượng của chúng tôi vào rừng sau Tết Mậu Thân. Khi đối phương vào thành phố, họ đã giết chết các thành viên của các gia đình này và đưa đến các ngôi mộ tập thể. Thi hài quân Giải phóng mà chúng tôi không có thời gian đưa đi cũng được đưa đến các ngôi mộ tập thể. Ngoài ra, nhiều tù nhân chiến tranh đi cùng với chúng tôi đã bị giết bởi bom từ máy bay Mỹ cùng với cán bộ của chúng tôi. Trong khoảng 1975-1977, khi chúng tôi đào mương thủy lợi, chúng tôi phát hiện ra rằng, trong các ngôi mộ tập thể được cho là của "các nạn nhân bị thảm sát", toàn bộ các thi thể đều mang mũ tai bèo và trang phục của quân Giải phóng. Điều này thực sự là trò lừa tinh vi của chủ nghĩa thực dân mới. Họ định một đá ném hai chim. Đầu tiên, họ đã che giấu được tội ác của họ. Và thứ hai là họ đổ hết tội lỗi trên đầu quân Cách mạng. Một nhà sử học người Mỹ đến Huế sau đó đã nói công khai rằng đó là một chiến dịch tuyên truyền lớn mà Mỹ đã chi rất nhiều tiền và được sự chấp thuận của Kissinger, nhằm bôi nhọ quân Giải phóng. |
” |
Năm 2008, nhân kỷ niệm 40 năm trận đánh, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết thêm:[33]
“ | Không một quân đội nào dạy cho binh lính mình giết người dân cả. Dân là chỗ dựa của quân đội. "Nâng thuyền cũng dân, lật thuyền cũng dân" (Nguyễn Trãi). Hơn nữa tư tưởng chiến tranh của Đảng ta là "Chiến tranh nhân dân", dựa vào dân mà chiến đấu. Trong chiến tranh khốc liệt, người chết do nhiều nguyên nhân: Hai bên bắn nhau, tên rơi đạn lạc. Những ngày Mậu Thân suốt tháng trời đó, máy bay Mỹ dội bom, quân đội Sài Gòn bắn pháo dữ dội suốt tháng trời khắp các nẻo đường. Quân Giải phóng cũng chống trả quyết liệt. Bom pháo, súng đạn đó không biết cách phân biệt "Việt Cộng" hay người dân, tất cả đều bị chìm trong khói lửa. Vì thế, không thể đổ việc nhiều người chết cho một bên nào được.
Không hiểu sao đến giờ vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào "vụ" Mậu Thân Huế. Đúng Mậu Thân đã trở thành một bi kịch đời tôi! Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu, thế thôi! |
” |
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan là em ruột là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông cho biết mình đã phải chịu tiếng oan bởi sự rêu rao của bộ máy tuyên truyền Việt Nam Cộng hòa. Ông bày tỏ:[34]
“ | Khi ấy ở miền Nam xảy ra hai vụ giết người ghê rợn, là vụ tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết tù binh giữa Sài Gòn, và vụ thảm sát Sơn Mỹ. Bởi vậy, địch dựng lên vụ quân cách mạng, trong đó có anh em tôi "thảm sát" dân thường Huế trong sự kiện Tết Mậu Thân để "đánh đồng" hai bên, đánh lừa dư luận. Sự thật hiển nhiên là những ngày đó, pháo bầy cực nhanh của quân chư hầu Tân Tây Lan từ chiến hạm ngoài cửa biển Thuận An liên tiếp chụp xuống những khu chợ Đông Ba và nhiều nơi hủy diệt toàn bộ khu dân cư này. Trong loạt phim tài liệu Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình của Mỹ, có cảnh lính Mỹ tái chiếm Đại Nội Huế, lửa trùm lên Hoàng thành. Biết bao nạn nhân mà sau này bị rêu rao là "nạn nhân của Việt Cộng"! | ” |
Theo Lê Minh, Tư lệnh chiến dịch toàn Khu Trị Thiên Huế, là Bí thư Thành ủy Huế trong Tết Mậu Thân, viết trong hồi ký xuất bản năm 1988, thì phần lớn thường dân chết là do bị trúng bom Mỹ ném ồ ạt xuống thành phố, chỉ có một số nhỏ bị giết là do thường dân nổi dậy trả thù những người mà họ căm ghét[35][36]:
“ | Tôi thấy cần phải nói đến một điều đáng buồn. Sự tang tóc trong biến cố Mậu Thân là đề tài mà địch đã không ngừng khuếch đại và xuyên tạc ta từ trước đến nay. Trước hết là bom đạn Mỹ ném ào ạt xuống thành phố đã giết hàng ngàn dân thường, chúng bắn chết hàng loạt người tại chỗ khi tái chiếm thành phố, hàng trăm tù binh khác ta đưa ra, đáng lẽ được sống thì đã bị trực thăng Mỹ đón đường bắn chết, bởi hễ thấy đám đông là chúng bắn không phân biệt. Đó là một sự thật rõ như ban ngày, không phải là tội ác lớn nhất hay sao?
Tuy nhiên, còn lại một mặt khác của vấn đề, việc trừng trị những người có tội ác đối với nhân dân trong một cuộc chiến tranh là điều không tránh khỏi, một khi quần chúng đã nổi dậy. Và trong trường hợp đó, không một chính phủ nào có thể kiểm soát nổi những hành động trả thù bộc phát do lòng căm ghét của quần chúng từ lâu bị bức xúc, hoặc do một thứ ý thức dân tộc có tính chất tự phát ở nơi mỗi người... Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái của những người đã chết trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn trắng đen. |
” |
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Phó bí thư thường trực tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên Bí thư quận 1 - Huế năm 1968 nói:
“ | "Tất nhiên trong chiến tranh có tai nạn, có bom rơi đạn lạc nhưng nói thật, thảm sát là cái gì đó hoàn toàn không có, không xảy ra. Nhưng thằng địch (Mỹ-VNCH) bao giờ cũng thế, khi nó càng thất bại thì nó càng làm chiến tranh tâm lý, có thế thôi."[37] | ” |
Theo lời cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chính ủy Trung đoàn 9 tại Huế năm 1968, kể sau ngày về hưu:
“ | "Thế thì là nó (Mỹ và Việt Nam Cộng hòa) đến đâu là nó cứ tàn sát. Nó tàn sát gấp mấy lần như thế. Nó là nó dã man lắm. Thực ra ta (Quân Giải phóng) có ấy một số ác ôn là có thật nhưng không phải như cái cách dã man của nó. Khi nó chiếm lại được (Huế), nó tiêu diệt hết người dân (biến Huế) thành vùng trắng (những người ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Cơ sở (của Mặt trận) coi như mất hết, hai năm sau ta mới xây dựng lại được."[37] | ” |
Bùi Tín, một nhà bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam, trong hồi ký về giai đoạn còn ở Việt Nam, ông kể rằng mình đã hỏi nhiều sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào trận đánh ở Huế.[38] Ông đi đến kết luận[38][39]:
“ | "Khi kiểm tra lại thì không một ai, không cấp nào có ra lệnh thủ tiêu tù binh cả. Không có chỉ thị, chủ trương tàn sát tù binh. Quy định về kỷ luật chiến trường còn có ghi: Không được đánh đập tù binh; chỉ các cán bộ chỉ huy và chuyên môn (là quân báo và địch vận) mới được hỏi cung tù binh... Thế nhưng khi ở mặt trận lại có lệnh từ các sư đoàn xuống: "Phải giải hết tù binh loại ác ôn, loại nguy hiểm lên căn cứ"; phải "kiểm tra canh gác kỹ số này để không trốn được vì nếu để trốn, chúng sẽ làm lộ hết bí mật quân sự, sẽ hết sức nguy hiểm và tai hại." Danh từ "ác ôn" hồi ấy dùng cũng tràn lan, tuỳ tiện, mỗi đơn vị hiểu 1 kiểu: viên chức ở xã, ở huyện, ở tỉnh; chỉ huy tiểu đội trưởng lên đến đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng; đảng viên đảng Dân Chủ, Cần Lao cũ...; lính dù, biệt động, thủy quân lục chiến; lại còn có đơn vị coi người họ Tôn Thất, Bảo, Vĩnh... là gốc phong kiến, chống Cộng... Trên lại chỉ thị nghiêm không được để xổng tù binh, vì sẽ lộ bí mật quân sự, rất nguy hiểm. Đến khi chiến sự khẩn trương, quân Mỹ đổ bộ, ứng cứu, máy bay, pháo binh, pháo từ biển bắn dữ dội, bộ đội di chuyển, rồi lệnh rút lên núi, phải mang cả tù binh theo... Giữa cảnh hỗn loạn khi có lệnh rút, quân đối phương lại có những mũi vu hồi chặn hậu. Phía sau, phía trước, ngay trong khu vực hành quân đều bị bom và hỏa lực pháo... Quân hai bên và tù binh chết hoặc bị thương lẫn lộn. Một số đơn vị nảy ra hành động thủ tiêu tù binh "để không bị lộ bí mật, không bị nguy hiểm, khỏi vướng chân, nếu không sẽ chết cả nút..."[cần số trang] Cuối cùng cũng còn một số ít tù binh giải về căn cứ, được dùng để đào hầm hố, khuân vác... một số về sau được thả về. Hai nữa là có trường hợp xảy ra những trận ném bom rất lớn của máy bay Mỹ khi quân Mỹ phản công, bom Mỹ giết hại người của cả hai bên (quân Giải phóng cùng với những tù binh họ giải đi). Thi hài quân Giải phóng thì được chôn và đánh dấu, có khi được đưa về gần căn cứ, còn thi hài tù binh thì phải vùi nhanh." |
” |
Theo nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, cuộc thảm sát Mậu thân là sản phẩm tưởng tượng của một cuộc tâm lý chiến. Ông cho rằng kết cục tại Huế đã cho thấy một thất bại của Mỹ khi để quân đội chủ quan dẫn đến việc Mỹ buộc phải sử dụng không quân và hỏa lực cực mạnh để tàn phá nhiều khu phố, giết hại nhiều thường dân theo đúng mô-típ họ đã làm ở Bến Tre rằng muốn cứu lấy thành phố này, chỉ có cách phá hủy nó. Để rồi, khi kết thúc trận chiến, họ phải dựng lên cái gọi là một cuộc thảm sát để khỏa lấp thất bại đó cũng như đánh lừa dư luận.
“ | "Sau khi mình (Quân Giải phóng) rút khỏi Huế, họ (Mỹ-VNCH) truy kích mình tới tận bên Lào. Trong thành phố lúc đó chỉ có 1 triệu người, họ đã làm một cuộc phản kích về tâm lý chiến rất là mạnh mẽ. Họ làm điều đó với mục đích là để trấn tĩnh lại việc mình đã giải phóng thành phố Huế".[37] | ” |
Đạo diễn Lê Phong Lan đã bỏ 10 năm để tìm kiếm, gặp gỡ phỏng vấn để làm 12 tập phim tài liệu về chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Lý do quan trọng thôi thúc đạo diễn Lê Phong Lan thực hiện bộ phim là sau khi trò chuyện với thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông nói: "Suốt một thời gian dài, đã có những thông tin sai về sự kiện Mậu Thân 1968. Trong khi chúng ta lại không hề lên tiếng".[10]
Bà đã gặp gỡ cả những người lính và cả những người chỉ huy ở cả hai chiến tuyến. Ở cấp chỉ huy, ở cấp lính, mỗi người đều có cái nhìn khác nhau. Và với những gì tìm được, bà cho biết: "Tôi đã gặp những nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến, họ đã nói, tất cả những thông tin về vụ thảm sát năm 1968 tại Huế chỉ là sự vu cáo của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đổ lên đầu Quân Giải phóng miền Nam. Để khỏa lấp cho sự thất bại nặng nề, phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã phát động những tin đồn nhảm gây nhiễu loạn như một cuộc chiến tranh tâm lý, và nó đã kéo dài trong một thời gian. Nhưng sự thật là sự thật. Chiến dịch Mậu Thân trải qua thời gian càng khẳng định là bản anh hùng ca vĩ đại của quân dân Việt Nam".[40]
Trong phim Mậu Thân 1968, đoàn làm phim đã phỏng vấn ông Lê Khả Phiêu - người chỉ huy một Trung đoàn trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà sử học Mỹ Stanley Karnow, cựu phóng viên tờ Washington Post là Don Lux, giáo sư sử học Larry Berman, và cả những người lính từ hai phía. Những dẫn chứng lịch sử cho thấy thông tin bị làm méo mó, cái gọi là "cuộc thảm sát" chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế bom Mỹ đã làm nhiều thường dân chết lẫn lộn cùng với quân lính 2 bên. Vào thời điểm đó, một số hãng thông tấn nước ngoài và các nhà báo độc lập đã tìm hiểu và xác định không tìm thấy hố chôn người tập thể như phía Việt Nam Cộng hòa tuyên bố.[10] Điều này đặt câu hỏi về việc tại sao Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa sau khi tái chiếm được Huế đã không cho các phóng viên tới hiện trường để điều tra viết bài về sự kiện chấn động này, trong khi nếu sự việc có thật thì lẽ ra họ phải tận dụng vì đây sẽ là cơ hội tuyên truyền rất tốt cho họ.
Trong hồi ký, tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, đại tướng William Westmoreland công nhận rằng pháo binh, máy bay Mỹ khi đánh trượt mục tiêu quân sự đã khiến nhiều nhà dân bị tàn phá và gây nhiều thương vong cho thường dân[25]:
Theo sĩ quan Cục Tâm lý chiến Hoa Kỳ là Douglas Pike[22] thì có 3 giai đoạn đưa đến những vụ xử tử.
“ | Giai đoạn đầu là một loạt các cuộc xử án công cộng kéo dài khoảng 5 - 10 phút do giới chức trong quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng dựng lên. Bị cáo luôn bị kết án "có tội với nhân dân".
Giai đoạn nhì, khi cho rằng họ sẽ giữ được Huế lâu dài, Mặt trận Giải phóng bắt đầu tiến hành công tác giáo dục tư tưởng yêu nước cho quần chúng. Những ai bị tình nghi có hành động chống cách mạng từ từ bị truy bắt trong giai đoạn này. Người theo đạo Công giáo, các nhà trí thức, thương gia và đám người bị kết tội làm 'tay sai Đế quốc' sẽ bị bắt để "tạo dựng xã hội mới". Giai đoạn sau cùng, khi thấy rõ họ đang bị đánh bật ra khỏi Huế, quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng thi hành những vụ thủ tiêu nhân chứng - bất cứ ai biết mặt họ, đều bị giết và chôn mất xác." |
” |
Nhiều tác giả sử dụng báo cáo của Pike, trong khi nhiều người khác thì phủ nhận, cho rằng đây là một chiêu bài tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa để tạo hỗ trợ cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam.[3] Trong những thời gian đầu cuộc chiến, nhiều phóng viên chiến trường phải viết phóng sự tuân theo một quy định áp đặt từ chính phủ Hoa Kỳ.[3]
Marilyn B. Young trong sách tựa đề The Vietnam Wars, 1945-1990[4][cần số trang] ghi lại:
Về sau có khảo cứu của Gareth Porter[26] về vụ thảm sát Huế, trong đó, ông chỉ trích những phóng đại tuyên truyền từ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, vốn bắt nguồn từ các báo cáo của Tiểu đoàn Tâm lý chiến số 10) và Cục Tâm lý chiến Mỹ về các hố chôn tập thể.[41]
Ông nói các thông tin về cái gọi là đàn áp tôn giáo là thiếu chính xác, cũng như việc các cơ quan Hoa Kỳ đã hiểu sai từ ngữ trong các tài liệu thu được của đối phương đã dẫn tới những kết luận vô căn cứ[42] Porter cũng nêu là tại khu Gia Hội, nơi quân Giải phóng đã kiểm soát trong 26 ngày, một linh mục Công giáo nói với ký giả Len Ackland rằng không có một ai trong số các giáo dân của ông bị hại[26].
Ông đã nêu ra các nguồn gốc không xác thực của những thông tin về vụ "thảm sát" khi chính quyền Sài Gòn không cho phép bất kỳ phóng viên nào xem các địa điểm có mộ hay các tử thi[43]; sự không rõ ràng trong việc điều tra tại thực địa các ngôi mộ tập thể[44]; những mâu thuẫn trong các báo cáo về số lượng tử thi tìm thấy; những mâu thuẫn với kết quả tìm hiểu của một bác sĩ y khoa làm việc tại Huế lúc đó; một số chi tiết đáng chú ý xung quanh các cuộc khai quật vào năm 1969; những mâu thuẫn giữa bài viết của Douglas Pike với các nguồn thông tin khác, rằng "Bộ trưởng Y tế Trần Lưu Y, sau khi đi thăm các địa điểm chôn cất vào tháng 4 năm 1969, đã thông báo với Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên rằng các tử thi có thể là của những người lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị chết trong các trận giao tranh"[45]; những mâu thuẫn trong các lời khai của "người làm chứng" cho vụ thảm sát[46]; và thêm vào đó là kết quả của những trận bom Mỹ tại Huế đã khiến rất nhiều thường dân thiệt mạng.[47]
Gareth Porter cho biết rằng một người bác sĩ có mặt tại Huế vào thời điểm tìm thấy các mộ chôn, Alje Vennema[29], viết rằng "đối với các địa điểm trong khu lăng vua, hầu hết các tử thi có dấu vết của quân phục". Vennema đã hỏi chuyện các dân làng gần đó, họ nói rằng trong các ngày 21 đến 26 tháng 2 khu vực trung gian đã bị bom và pháo dữ dội. Và, trái với các tuyên bố của chính phủ rằng nhiều nạn nhân đã bị chôn sống tại đó, Vennema nói rằng tất cả các tử thi đều có các vết thương.
Trong kết luận của bài viết, Gareth Porter đồng ý rằng có những vụ giết người tại Huế trong giai đoạn chiến sự; tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân của những cái chết.
Noam Chomsky, nhà nghiên cứu chính trị và ngôn ngữ học người Mỹ, và Edward S. Herman, nhà kinh tế học người Mỹ, trong "Tài liệu về Kinh tế và Nhân quyền" tập 1, cho rằng vụ việc đã bị mô tả một cách sai lệch, bị thổi phồng, bị tô vẽ nhằm mục đích tuyên truyền. "Đó là những thường dân bị chết do những trận bom pháo Mỹ đã san bằng thành phố Huế. Rồi sau đó khi Mỹ và quân đội Sài Gòn phản kích trả thù lại thời kỳ hậu Mậu Thân cũng giết chóc rất nhiều. Thứ nữa là lực lượng quân Giải phóng đã tử trận trong lúc chiến đấu. Tất cả đều là người Việt với nhau và Mỹ tính gộp vào hết. Tất cả những điều đó được Mỹ dựng thành một vụ thảm sát tưởng tượng"[5] Các căn cứ được nêu ra có thể tóm lược như sau[6]:
Những tài liệu căn bản cho câu chuyện này gồm một bản báo cáo do chính phủ Sài Gòn đưa ra vào tháng 4/1968, một "tài liệu bắt được" và đã phổ biến trong công chúng của phái đoàn Hoa Kỳ vào tháng 11/1969, và một bài phân tích dài xuất bản năm 1970 của một nhân viên Phòng Thông tin "USIS" (Tâm lý chiến) là Douglas Pike. Cả hai bản báo cáo của Sài gòn và của Pike đã gây nên một sự nghi ngờ về nguồn tin, giọng điệu và vai trò của chúng trong một chiến dịch tuyên truyền mở rộng nhằm làm giảm đi ảnh hưởng của vụ thảm sát Mỹ Lai. Trong một phân tích cẩn thận về "tài liệu bắt được", Gareth Porter cho thấy bộ máy tuyên truyền của Mỹ đã cố tình nhập nhằng từ ngữ để đánh lừa. Cụm từ "loại bỏ" đã bị diễn giải thành "giết chết", mặc dù trong tiếng Việt từ này mang ý nghĩa rất rộng (giết chết, bị thương, bắt sống, đầu hàng hoặc bỏ trốn). Nhưng quan trọng hơn là những tài liệu này không được viết ngay khi sự việc diễn ra mà chỉ được viết ra nhiều tháng sau đó, và đã không có sự điều tra hay nghiên cứu tỉ mỉ để xác thực. Porter báo cáo rằng: không có tài liệu nào cho thấy rằng quân Giải phóng có ý định tàn sát dân thường hoặc ngay cả các chỉ huy của đối phương ở Huế. Chiến lược chung của quân Giải phóng chuyển tải trong các tài liệu đã bị bóp méo bởi Douglas Pike và cộng sự của mình.
Bằng chứng về các ngôi mộ tập thể cũng rất mơ hồ. Các con số này nhằm che lấp thực tế là đã có rất nhiều thường dân bị thiệt mạng khi quân Mỹ chiếm lại thành phố Huế bởi việc sử dụng hỏa lực mạnh một cách bừa bãi. Sau trận đánh 25 ngày, trong số 17.134 nhà thì 9.776 ngôi nhà đã hoàn toàn bị phá hủy và 3.169 ngôi nhà bị thiệt hại khá trầm trọng bởi bom đạn của Mỹ. David Douglas Duncan, phóng viên chiến trường, mô tả đó là "một sự nỗ lực dốc hết sức để loại bỏ bất cứ một kẻ địch nào. Tâm trí tôi bấn loạn trước cuộc tàn sát." Robert Shaplen viết về khi đó "Không có gì trong cuộc chiến ở Triều Tiên và Việt Nam khi nói về sự tàn phá, mà tôi thấy kinh hoàng bằng những điều tôi thấy được ở Huế năm ấy". Townsend Hoopes, người có quyền truy cập đặc biệt thông tin mật Bộ Quốc phòng, nói rằng các nỗ lực tái chiếm Huế đã khiến 80% các tòa nhà trở thành đống đổ nát, và rằng "trong đống đổ nát, khoảng 2.000 dân thường đã chết...". Quân Giải phóng cũng cho biết họ đã chôn cất khoảng 2.000 nạn nhân bị oanh tạc trong các ngôi mộ tập thể cùng binh sĩ tử trận của chính họ[11].
Một thông tin thú vị là việc các nhà báo độc lập không bao giờ được phép có mặt tại những cuộc khai quật mộ tập thể. Sự ước lượng về những nạn nhân của thảm sát tại Huế đã tăng vọt lên một cách đáng kể để đáp ứng lại với những nhu cầu chính trị bất ngờ đột xuất của chính quyền Nixon. Không có nhà báo phương Tây nào đã được dẫn đến những mồ chôn tập thể khi các hố chôn đó được khai quật cả. Ngược lại một nhà nhiếp ảnh người Pháp, Marc Riboud, đã nhiều lần bị từ chối yêu cầu muốn đi xem một trong số địa điểm nơi mà ông tỉnh trưởng tuyên bố "có 300 cán bộ chính phủ đã bị Việt cộng giết". Người của tổ chức AFSC tại Huế cũng không thể khẳng định bản báo cáo về những hố chôn tập thể, những nhà báo độc lập không hề được phép có mặt tại hiện trường và họ rất khó xác định chỗ chính xác nơi những hố chôn tập thể mặc dù đã nhiều lần yêu cầu được đến xem.
Một giả thuyết khác ít được nhắc tới, rằng những nạn nhân ở Huế là do quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trả thù khi tái chiếm thành phố. Nhiều người ủng hộ Mặt trận dân tộc đã lộ dạng trong suốt cuộc tổng tấn công, và đã hợp tác với chính quyền địa phương của những người cách mạng ở Huế, hoặc bầy tỏ sự ủng hộ của họ đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Khi quân giải phóng rút đi, nhiều cán bộ và những người ủng hộ quân Giải phóng bị kẹt lại và họ trở thành nạn nhân của những sự trả thù. Trong một bài mô tả, một nhà báo người Ý Oriana Fallaci, trích dẫn lời một linh mục Pháp ở Huế đã kết luận rằng: "Tất cả có khoảng 1.100 người bị giết (sau ngày quân Mỹ tái chiếm thành phố). Hầu hết là sinh viên, giảng viên, giáo sĩ. Những trí thức và người dân Huế đã không bao giờ che giấu cảm tình của họ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng"[12].
Hai ông kết luận: Trong bất kỳ trường hợp nào, tình trạng rất lộn xộn về các sự kiện và bằng chứng, cộng với các "bằng chứng" không thuyết phục, ít ra cũng có thể nói rằng việc "tắm máu" tại Huế hiển nhiên đã được phóng đại. Nó có vẻ khá rõ ràng rằng bom đạn Mỹ nhằm "bảo vệ" Việt Nam đã giết nhiều thường dân hơn là do quân Giải phóng. Những ví dụ này, tất nhiên, không chỉ gợi lên một thực tế rằng các báo cáo chính thức của chính quyền Sài Gòn là dối trá và lừa bịp, và trong một số trường hợp đã được chuyển thành những câu chuyện hoang đường không có bằng chứng xác thực.
Nhà báo Italy là Oriana Fallaci trong bút ký cho biết khoảng 1.100 người đã bị giết khi quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Mỹ tái chiếm Huế, hầu hết người bị giết là giáo viên, giảng viên, sinh viên đại học, tu sĩ, trí thức và tín đồ tôn giáo. Nhà sử học Stanley Karnow cho rằng đã có nhiều thường dân bị xử tử bởi quân Việt Nam Cộng hòa và thi thể của họ đã bị chôn trong các hố tập thể.[9]
Năm 1969, phóng viên Don Oberdorfer[49][cần số trang] sang ở Huế 5 ngày với Paul Vogle, giáo sư dạy Anh Văn người Mỹ tại Đại học Huế, và phỏng vấn nhiều nhân chứng trong thời gian Huế bị quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đóng giữ. Năm 1971, trong cuốn sách "Tết!", Don Oberdorfer kể về trường hợp Phạm Văn Tường, một người gác cổng bán thời gian cho cvăn phòng thông tin chính phủ Huế, người đã nằm trong danh sách quân Giải phóng gọi là "phản động", đã bị bắt khi ẩn náu cùng gia đình của mình. Don Oberdorfer viết rằng ông ta với con gái 3 tuổi, con trai 5 tuổi và 2 cháu trai, tất cả họ bị bắn chết, bỏ lại xác trên đường phố để gia đình ông ta chứng kiến.[50] Tuy không thể chứng minh câu chuyện này bằng nguồn tin nào khác, Oberdorfer báo cáo rằng hầu hết những người nam trên 15 tuổi trốn tránh trong một nhà thờ khu Phú Cam đều bị đưa đi. Khi Oberdorfer phỏng vấn Hồ Tý - một chỉ huy Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc tổng tấn công 1968 đã đào ngũ - ông này cho biết Đảng Lao động Việt Nam có lưu ý đặc biệt về khu Công giáo Phú Cam.[49] Don Oberdorfer cũng dẫn một số nguồn tin thông báo rằng có những "đội trả thù" do Việt Nam Cộng hòa lập ra, chuyên săn lùng và xử tử những thường dân đã ủng hộ quân Giải phóng khi họ đóng ở Huế.[51]
Nguyễn Công Minh, con gái của phó Quận trưởng quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào thời điểm đó, nói rằng cha cô, sắp về hưu, đã bị bắt tại nhà riêng khởi đầu cuộc tấn công. Sau khi ông nói với quân Giải phóng rằng ông là Phó Thị trưởng thành phố Huế sẽ được cho nghỉ hưu trong năm sau (1969), ông được lệnh phải trình diện ở khu cải tạo. Hai ngày đầu, ông được cho về nhà sau khi đến khai báo, đến ngày thứ 3 thì ông được yêu cầu đóng gói quần áo và thực phẩm để tới khu trại trong 10 ngày. Ông không bao giờ được nhìn thấy một lần nữa, cũng không tìm được hài cốt của ông. Cô kể lại rằng vào mùa hè năm 1969, khi tìm kiếm thi thể của cha cô (việc tìm kiếm do một người Cộng sản trình diện chiêu hồi chỉ dẫn), cô đã chứng kiến 7 thi thể trong một ngôi mộ đã được tìm thấy. Nguyễn Công Minh ước tính khoảng 250 thi thể được tìm thấy trong 1 tháng tìm kiếm trong 8 hố chôn tập thể.[52]
Ba giáo sư, Giáo sư Horst-Günther Krainick, bác sĩ Alois Alteköster, và Tiến sĩ Raimund Discher, người giảng dạy tại Đại học Y Khoa Huế, là thành viên Đại sứ Văn hóa CHLB Đức, cùng với bà Horst-Günther Krainick, đã bị bắt giữ bởi quân Giải phóng trong cuộc tấn công Huế của họ vào tháng 2 năm 1968. Ngày 05 Tháng Tư năm 1968, các bộ phận thi thể của giáo sư cùng với nhiều người dân Việt Nam đã được phát hiện trong ngôi mộ tập thể gần Huế.[50][53]
Một số soạn giả và phóng viên như Stephen Hosmer (Viet Cong Repression and Its Implications for the Future, 1970); Peter Braestrup (phóng viên báo Washington Post viết cuốn Big Story, 1977); Barbara Tuchman (viết cuốn The March of Folly, 1984); Loren Baritz (Backfire, 1985)[54] và Uwe Siemon-Netto (Springer Foreign News Service) thì cho rằng quân Giải phóng thực hiện cuộc tàn sát. Siemon-Netto cho rằng những thi thể bị trói tay là chứng minh họ không chết vì bom mìn mà đã bị bắn với mục đích thủ tiêu chứ không phải vì lạc đạn.[55]
Bà Nguyễn Thị Thanh Sung sinh năm 1949 tại An Cựu (Huế), cựu học sinh Đồng Khánh, năm 1974 theo chồng sang Mỹ định cư. Đầu thập niên 1990, bà cho xuất bản một hồi ký mang tên "Không Biên Giới". Hồi ký có 26 tiểu truyện, riêng tiểu truyện số 6 tác giả dành riêng kể chuyện trả thù của quân lực Việt Nam Cộng hòa sau Tết Mậu Thân 1968. Gia đình bà Sung từng suýt chết vì bị 1 trái bom Mỹ ném trúng nhà, sau khi tái chiếm Huế thì quân Việt Nam Cộng hòa cho lùng tìm những người có tên trong sổ quyên góp cho quân Giải phóng rồi xử bắn họ, cha bà Sung cũng bị bắt nhưng vì may mắn nên thoát được vụ xử bắn.[13]
Một nhân chứng người Việt ở Huế, chị Nguyễn Thị Hoa, thì cho biết: "Bắt đầu là chúng nó (quân Mỹ) dùng phi pháo. Chúng dội pháo vào khu vực chúng tôi sinh sống, san bằng nhà cửa, cây cối. Chúng bắn pháo vào nhà những khu vực quanh đó. Những nhà này bán xăng dầu nên khi pháo bắn thì cháy trụi. Tất cả người già, trẻ nhỏ, phụ nữ lánh nạn ở đây đều bị thiêu sống."[14]
Scott Laderman, giáo sư lịch sử tại Đại học Minnesota, trong một bài viết cho biết: Trong tháng 5 năm 1970, Ủy ban các học giả về châu Á đã xuất bản "Mười hai câu hỏi về Việt Nam" một tài liệu nhằm mục đích đáp ứng một số câu hỏi cơ bản về cuộc chiến tranh mà các tổ chức tin rằng đã bị che khuất bởi các thông tin chính thức nhưng sai lạc của chính phủ Mỹ. Phần cuối cùng của tài liệu, các học giả tỏ ý nghi ngờ và không đồng ý với báo cáo của chính quyền Nixon về vụ thảm sát Huế.[7]
Nhà sử học David Hunt cho rằng các tài liệu của Douglas Pike về vụ thảm sát là một trong các chính sách của chính phủ Mỹ, "về tất cả các phương diện, hoàn toàn là nhằm tuyên truyền". Năm 1988, Douglas Pike nói rằng chính ông ta trước đó "đã tham gia vào một nỗ lực có chủ đích nhằm làm mất uy tín của quân Giải phóng".[8]
Tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca xuất bản năm 1969 là một tác phẩm viết về thời điểm Tết Mậu Thân ở Huế, nói đến những biến cố đã xảy ra trong thành phố này vào dịp Tết 1968. Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân thì trong một cuộc nói chuyện sau này, Nhã Ca công nhận là cuốn sách đã hư cấu nên nhiều chuyện về các nhân vật có thật, vu oan cho rất nhiều nhân sĩ, trí thức ủng hộ quân Giải phóng khiến họ phải chịu oan nhiều tiếng xấu về sau[30] Cuốn Đêm nghe tiếng đại bác và cuốn phim Đất khổ cũng rút từ sự kiện này ở Huế, theo BBC thì phim Đất khổ đã bị cấm tại Việt Nam.[56]
Tác phẩm "Huế mùa mai đỏ" của Xuân Thiều (nguyên nguyên Đại tá, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội (1977 - 1987) thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam) có đề cập đến việc một số phần tử lợi dụng hỗn loạn để trả thù cá nhân. Tác phẩm này được viết xuất bản năm 1978 dựa trên thông tin Xuân Thiều thu thập được khi vào chiến trường Trị Thiên cuối năm 1968.
|nhà xuất bản=
(trợ giúp)
|date=
(trợ giúp)
(tiếng Việt)
(tiếng Anh)