Jane Austen

Jane Austen
Chân dung Jane Austen bằng chì và màu nước
Chân dung, k. 1810[a]
Sinh(1775-12-16)16 tháng 12 năm 1775
Steventon, Rectory, Hampshire, Anh
Mất18 tháng 7 năm 1817(1817-07-18) (41 tuổi)
Winchester, Hampshire, Anh
Nơi an tángGiáo đường Winchester, Hampshire, Anh
Giai đoạn sáng tác1787–1817
Chữ ký
Chữ ký trong di chúc của Austen năm 1817

Jane Austen (/ˈɒstɪn, ˈɔːs-/ ; 16 tháng 12 năm 1775 - 18 tháng 7 năm 1817) là một tiểu thuyết gia người Anh. Bà nổi tiếng với sáu cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh giới địa chủ trung lưu Anh vào cuối thế kỷ 18. Cốt truyện của Austen thường phản ánh tình cảnh phụ thuộc của người phụ nữ vào hôn nhân như là cứu cánh duy nhất để đảm bảo vị thế xã hội và lợi ích vật chất. Các tác phẩm của bà phê phán thể loại tiểu thuyết tình cảm nửa sau thế kỷ 18 và góp phần vào giai đoạn chuyển đổi sang chủ nghĩa văn học hiện thực thế kỷ 19.[2][b] Tính châm biếm song song với tính hiện thực và phê bình xã hội đã khiến Austen được hoan nghênh và ca ngợi bởi cả công chúng và giới phê bình.

Với việc xuất bản Lý trí và tình cảm (1811), Kiêu hãnh và định kiến (1813), Trang viên Mansfield (1814), và Emma (1816), Austen đạt được một số thành công nhất định nhưng do tác phẩm đều được xuất bản ẩn danh, tên tuổi bà hoàn toàn không được biết tới khi còn tại thế. Bà còn hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết khác - Northanger Abbey (Tu viện Northanger) và Persuasion (Thuyết phục), đều được xuất bản sau khi bà qua đời vào năm 1818 - và một cuốn còn dang dở là Sanditon. Bà cũng để lại bản thảo ba tập truyện thanh thiếu niên, cuốn tiểu thuyết sử thi ngắn Lady Susan và cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành The Watsons (Gia đình Watson).

Danh tiếng của Austen đến sau khi bà qua đời, với sáu cuốn tiểu thuyết đã hoàn thành hầu như chưa khi nào ngừng tái bản. Một bước chuyển biến quan trọng diễn ra vào năm 1833, khi tiểu thuyết của bà được tái bản trọn bộ trong tuyển tập của nhà xuất bản Richard Bentley, minh họa bởi Ferdinand Pickering. Tiểu thuyết Austen dần dần được đón nhận và hoan nghênh rộng rãi. Năm 1869, nửa thế kỷ sau khi bà qua đời, cháu trai bà đã xuất bản Hồi ức về Jane Austen, giới thiệu một phiên bản hấp dẫn về văn nghiệp và cuộc đời vốn được cho là bình lặng của bà tới công chúng.

Austen đã khơi nguồn cảm hứng của một số lượng lớn các tiểu luận phê bình và tuyển tập văn học. Tiểu thuyết Austen là nguyên tác chuyển thể nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình, tiểu thuyết, hậu truyện, tiểu thuyết cải biên, từ Pride and Prejudice năm 1940 cho đến các chế tác gần đây hơn như Sense and Sensibility (1995), Nhật ký tiểu thư Jones (2001) và Love & Friendship (2016).

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Trang cuối cùng của lá thư Austen gửi cho chị gái Cassandra, ngày 11 tháng 6 năm 1799.

Có rất ít thông tin về cuộc đời của Austen ngoại trừ một vài lá thư còn sót lại và những ghi chú của các thành viên trong gia đình bà.[4] Trong suốt cuộc đời, Austen có thể đã viết tới 3.000 bức thư, nhưng chỉ còn sót lại 161.[5] Vào năm 1843, chị gái bà Cassandra đã tiêu hủy phần lớn thư từ nhận được từ Jane để ngăn chúng rơi vào tay họ hàng và đảm bảo rằng "đám cháu gái không đọc được bất kỳ lời bình luận nào, nhiều khi quá bộc trực, của Jane Austen về láng giềng hoặc các thành viên trong gia đình".[6][c]

Tiểu sử đầu tiên về Austen là bản "Thông cáo tiểu sử" năm 1818 của anh trai bà, Henry Thomas Austen. Nó được in kèm với một ấn bản Northanger Abbey, bao gồm các đoạn trích từ hai bức thư, bất chấp sự phản đối của các thành viên khác trong gia đình. Các chi tiết về cuộc đời của Austen tiếp tục bị lược bỏ hoặc tô vẽ trong cuốn Hồi ức về Jane Austen của cháu trai bà xuất bản năm 1869, và trong cuốn tiểu sử của William và Richard Arthur Austen-Leigh, Jane Austen: Cuộc đời và những bức thư, xuất bản năm 1913, tất cả đều bao gồm thêm các bức thư.[8] Gia đình và họ hàng Austen đã cố tạo dựng hình ảnh một "dì Jane tốt bụng", chân dung của một người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình hạnh phúc và coi gia đình là cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà viết tiểu sử hiện đại đã nghiên cứu lại các chi tiết bị lược bỏ từ các bức thư và tiểu sử gia đình trước đây, và có một số cái nhìn mới về Austen. Nhà nghiên cứu về Austen Jan Fergus cho rằng quan điểm trái ngược là khó tránh khỏi, về một Austen mệt mỏi chìm trong những bất hạnh liên tiếp, "một người phụ nữ chán nản, thất vọng bị mắc kẹt trong một gia đình hoàn toàn không dễ chịu”.[9]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Jane Austen sinh ra ở Steventon, Hampshire, Anh Quốc, vào ngày 16 tháng 12 năm 1775, là con của George và Cassandra (nhũ danh Leigh) Austen. Bà sinh ra muộn hơn một tháng so với dự kiến của cha mẹ.[10] Mùa đông năm 1776 đặc biệt khắc nghiệt nên phải đến ngày 5 tháng 4 bà mới được làm lễ rửa tội tại nhà thờ địa phương.[11]

Nhà thờ Steventon được mô tả trong Hồi ức về Jane Austen.[12]

George Austen (1731–1805) là mục sư cai quản một vài giáo xứ Anh giáo ở Steventon và Deane ở lân cận.[13][d] Ông xuất thân từ một gia đình buôn len lâu đời giàu có và đáng kính. Tuy nhiên, nhánh gia tộc của George không nhận được nhiều thừa kế và sống nghèo khổ. Ông và hai chị em gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được người thân nhận nuôi. George nhập học trường St John's College, Oxford theo diện nghiên cứu sinh và có thể đã gặp Cassandra Leigh (1739–1827) tại đây.[15] Bà xuất thân từ gia đình nam tước Leigh danh giá; cha bà là hiệu trưởng Đại học All Souls, Oxford, bà lớn lên giữa giới thân sĩ. Anh cả James của bà được thừa kế một gia tài và đất đai lớn từ bà dì Perrot và đổi họ sang Leigh-Perrot.[16]

Nhà thờ Steventon được mô tả trong Hồi ức về Jane Austen.

Sau khi hai người đính hôn, George nhận công việc ở giáo xứ Steventon từ họ hàng.[17] Họ kết hôn vào ngày 26 tháng 4 năm 1764 ở Bath trong một buổi lễ đơn giản, hai tháng sau khi cha của Cassandra qua đời.[18] Thu nhập của họ rất khiêm tốn, với trợ cấp ít ỏi hàng năm của George và kỳ vọng về một khoản thừa kế nhỏ của Cassandra.[19]

Gia đình Austens tạm trú tại giáo xứ Deane gần đó cho đến khi nhà xứ Steventon được cải tạo xong. Cassandra sinh được ba người con tại Deane: James năm 1765, George năm 1766 và Edward năm 1767.[20]

Tòa giáo xứ Steventon, như được miêu tả trong Hồi ức về Jane Austen, nằm trong một thung lũng và được bao quanh bởi đồng cỏ.[21]

Năm 1768, gia đình chuyển đến cư trú ở Steventon. Tại đây Henry ra đời năm 1771,[22] Cassandra năm 1773, tiếp theo là Francis năm 1774, và Jane năm 1775.[23] Vào thời gian này, cậu con thứ George có biểu hiện chậm phát triển, có thể bị câm và điếc nên đã được gửi nuôi ở nơi khác.[24]

Theo Honan, bầu không khí của gia đình Austen là một ngôi nhà "cởi mở, thú vị, trí thức", nơi nhiều ý tưởng khác nhau, dù có thể bất đồng về mặt chính trị hoặc xã hội, được đem ra xem xét và thảo luận.[25] Gia đình sống dựa vào sự bảo trợ của họ hàng và đón nhiều chuyến thăm viếng của người thân.[26] Bà Austen đã trải qua mùa hè năm 1770 ở London với các chị em chồng.[27][e] Thông tin về những chuyến du lịch nước ngoài và cuộc sống thời thượng ở London của những người họ hàng này rất có thể đã giúp mở rộng tầm nhìn và cuộc sống thời niên thiếu của Jane, điều này có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và tác phẩm của bà sau này.[28]

Anh họ của Cassandra Austen là Thomas Leigh đã đến thăm gia đình nhiều lần trong những thập niên 1770 và 1780, và mời Cassandra đến thăm họ ở Bath vào năm 1781. Trong khi Cassandra và Jane có mối quan hệ chị em vô cùng thân thiết, giữa Cassandra và Edward và giữa Henry và Jane cũng có mối liên kết đặc biệt."[29]

Từ năm 1773 đến năm 1796, George Austen gia tăng thu nhập qua công việc đồng áng và dạy kèm tại nhà.[30] Dinh cơ Austen có thu nhập hàng năm là 200 bảng Anh (32.000 bảng Anh hoặc 42.000 đô la Mỹ vào năm 2022) từ hai nguồn này.[31] Đây là một con số rất khiêm tốn vào thời điểm bấy giờ, khi một tay thợ lành nghề như thợ rèn hoặc thợ mộc có thể kiếm được khoảng 100 bảng Anh hàng năm, còn thu nhập thông thường của một gia đình quý tộc là từ 1.000 đến 5.000 bảng Anh một năm. [31]

Trong giai đoạn này, Austen thường xuyên đi nhà thờ, giao lưu với bạn bè và láng giềng,[f] và đọc tiểu thuyết cho gia đình nghe vào buổi tối - thường là những tác phẩm bà tự sáng tác. Việc giao tế với láng giềng thường là khiêu vũ, có thể là ngẫu hứng ở một gia đình nào đó sau bữa tối hoặc tại các vũ hội được tổ chức thường xuyên ở sảnh tòa thị chính.[32] Anh trai Henry sau này nói rằng "Jane rất thích khiêu vũ và rất xuất sắc ở môn này".[33]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]
Tranh bóng của Cassandra Austen, chị gái và người bạn thân nhất của Jane.

Năm 1783, Austen và chị gái Cassandra được gửi đến Oxford để học với bà Ann Cawley. Bà đã mang họ cùng đi khi chuyển đến Southampton vào cuối năm. Vào mùa thu, cả hai cô gái được đưa về nhà do mắc bệnh sốt phát ban và Austen thậm chí suýt mất mạng.[34] Từ đó Austen được giáo dục tại nhà, cho đến đầu năm 1785 khi bà đi học nội trú ở Reading cùng với chị gái tại Trường nữ sinh Reading Abbey, quản lý bởi bà La Tournelle, người có tật ở chân và đam mê sân khấu.[35] Chương trình học có thể bao gồm một ít tiếng Pháp, đánh vần, may vá, khiêu vũ và âm nhạc và có thể cả kịch nghệ. Hai chị em trở về nhà trước tháng 12 năm 1786 vì học phí gia đình Austen không kham nổi chi phí đắt đỏ.[36] Từ sau năm 1786, Austen "không bao giờ lại sống ở bất cứ nơi nào bên ngoài gia đình".[37]

Bà được tiếp thụ nền giáo dục qua sách vở, do cha và các anh trai James và Henry hướng dẫn.[38] Irene Collins tin rằng Austen "đã học cùng các giáo trình như các nam sinh" mà cha bà dạy kèm.[39] Austen có quyền tự do sử dụng thư viện của cha và cả thư viện của một người bạn của gia đình là Warren Hastings, vì vậy nguồn sách vở bà được tiếp cận rất rộng lớn và đa dạng. Cha bà cũng rất khoan dung với những thử nghiệm viết lách mà đôi khi khá mạo hiểm của Austen, và chu cấp cho cả hai chị em những loại giấy đắt tiền và các dụng cụ cần thiết khác khác để viết và vẽ.[40]

Sân khấu gia đình là một phần thiết yếu trong nền giáo dục của Austen. Từ thời thơ ấu, gia đình và bạn bè bà đã dàn dựng trong nhà kho một loạt vở kịch bao gồm The Rivals của Richard Sheridan (1775) và Bon Ton của David Garrick . Anh cả của Austen là James viết lời mở đầu và phần kết, còn bà có thể đã tham gia vào những hoạt động này, ban đầu với tư cách là một khán giả và sau đó là một diễn viên.[41] Hầu hết trong số này đều là hài kịch, đây là môi trường nuôi dưỡng tài năng trào phúng của Austen.[42] Ở tuổi 12, bà lần đầu thử sức mình trong lĩnh vực soạn kịch; và đã viết ba vở kịch ngắn khi còn niên thiếu.[43]

Juvenilia ( 1787–1793)

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm mười một tuổi hoặc có thể sớm hơn, Austen đã tập sáng tác thơ và truyện ngắn để giải trí cho bản thân và gia đình.[44] Bà đưa vào trong những tác phẩm đầu tay này các chi tiết phóng đại về cuộc sống hàng ngày và nhại lại các mô típ truyện phổ biến, với "những câu chuyện đầy ảo tưởng vô luật về quyền lực nữ giới, bằng cấp, hành vi bất chính và tinh thần cao cả", theo Janet Todd.[45] Austen đã gom nhặt chỉnh tề hai mươi chín tác phẩm đầu tay viết từ năm 1787 đến năm 1793 vào ba cuốn sổ đóng gáy, ngày nay được gọi là Juvenilia.[46] Bà gọi ba cuốn sổ là "Tập thứ nhất", "Tập thứ hai" và "Tập thứ ba", lưu giữ 90.000 chữ bà đã viết trong suốt thời niên thiếu.[47] Theo học giả Richard Jenkyns, Juvenilia đầy tính "náo nhiệt" và "vô chính phủ"; được ông so sánh với tác phẩm của tiểu thuyết gia thế kỷ 18 Laurence Sterne.[48]

Trong số này có một cuốn tiểu thuyết châm biếm bằng thư có tựa đề Love and Freindship (nguyên văn), được bà viết năm mười bốn tuổi vào năm 1790,[49], trong đó bà chế giễu những cuốn tiểu thuyết tình cảm nổi tiếng.[50] Năm tiếp theo, bà viết Lịch sử nước Anh, một bản thảo dài ba mươi tư trang kèm theo mười ba bức tiểu họa màu nước do Cassandra minh họa. Cuốn Lịch sử của Austen nhại lại các thư tịch lịch sử phổ biến, đặc biệt là Lịch sử nước Anh của Oliver Goldsmith (1764).[51] Honan suy đoán rằng không lâu sau khi viết Love and Freindship, Austen quyết định sẽ "viết để kiếm tiền, để biến những câu chuyện thành công việc chính trong cuộc sống", tức là trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Từ năm mười tám tuổi, Austen bắt đầu viết những tác phẩm dài và phức tạp hơn.[52]

Vào tháng 8 năm 1792, ở tuổi mười bảy, Austen bắt đầu viết Catharine or the Bower, trước tác cho các tác phẩm thành niên sau này, đặc biệt là Northanger Abbey; tác phẩm bị bỏ dở và câu chuyện sau đó được tiếp tục trong Lady Susan.[53] Một năm sau, cô bắt đầu viết một vở kịch ngắn dang dở, sau này được đặt là Ngài Charles Grandison hay Người đàn ông hạnh phúc, một vở hài kịch 6 màn, bà quay lại hoàn thành nó vào khoảng năm 1800. Đây là một vở hài kịch nhại lại những mẩu tóm tắt trong sách giáo khoa của cuốn tiểu thuyết đương đại yêu thích của Austen, Truyện Sir Charles Grandison (1753), của Samuel Richardson.[54]

Khi Austen lần đầu tiên được làm cô ở tuổi mười tám, bà đã gửi tặng cháu gái mới sinh Fanny-Catherine Austen-Knight "năm mẩu truyện ngắn trong Juvenilia như là 'ý kiến và khuyến nghị về cách ứng xử của phụ nữ trẻ'". Đối với Jane-Anna-Elizabeth Austen (cũng sinh năm 1793), Austen đã viết "thêm hai 'mẩu chuyện tào lao', dành tặng cho [Anna] vào ngày 2 tháng 6 năm 1793," khuyên rằng nếu cháu nghiêm túc theo dõi thì sẽ rút ra từ đó những Hướng dẫn rất quan trọng, liên quan đến Cách ứng xử trong cuộc sống.'"[55] Có bằng chứng tài liệu cho thấy Austen tiếp tục viết những mẩu chuyện này cho đến tận cuối năm 1811 (khi bà đã 36 tuổi), tặng cho cháu gái và cháu trai của bà, Anna và James Edward Austen, và còn chỉnh sửa thêm nữa cho đến năm 1814.[56]

Trong khoảng từ 1793 đến 1795 (từ mười tám đến hai mươi tuổi), Austen viết Lady Susan, một tiểu thuyết sử thi ngắn, thường được cho là tác phẩm đầu tay tham vọng và công phu nhất của bà.[57] Tiểu thuyết này không giống với bất kỳ tác phẩm nào khác của Austen, với giọng điệu giễu cợt hoài nghi, xoay quanh nhân vật nữ chính là một kẻ chuyên đi quyến rũ, sử dụng nhan sắc và trí thông minh để thao túng, phản bội và lợi dụng những người xung quanh.[58] Theo Janet Todd, Austen có thể lấy cảm hứng từ cuộc đời hào nhoáng và những cuộc phiêu lưu của người chị dâu Eliza de Feuillide. Người chồng trước người Pháp của Eliza bị chém đầu năm 1794; sau đó bà kết hôn với anh trai của Jane là Henry Austen vào năm 1797.[59]

Tom Lefroy

[sửa | sửa mã nguồn]
Thomas Langlois Lefroy, Thẩm phán tối cao Ireland, vẽ bởi W.H. Mote (1855); khi về già, Lefroy thừa nhận rằng ông đã từng yêu Austen.[60]

Năm Austen hai mươi tuổi, Tom Lefroy, một người hàng xóm, đã đến thăm viếng Steventon từ tháng 12 năm 1795 đến tháng 1 năm 1796. Ông vừa tốt nghiệp đại học và chuyển tới London để học nghề luật sư. Lefroy và Austen có thể đã làm quen tại một vũ hội hoặc một buổi xã giao láng giềng. Qua những lá thư của Austen gửi cho Cassandra, có thể thấy rằng họ nhanh chóng trở nên thân thiết. [61] Austen viết trong thư rằng Lefroy là một "thanh niên rất lịch lãm, đẹp trai, dễ mến".[62] Năm ngày sau trong một bức thư khác, Austen viết rằng bà mong đợi Lefroy sẽ cầu hôn nhưng "Em sẽ từ chối anh ta, trừ khi anh ta hứa sẽ bỏ cái áo khoác trắng đi", ở dưới viết "Em sẽ trao cả tương lai vào tay Ông Tom Lefroy, người mà em sẽ không cho đồng sáu xu nào, và từ chối tất cả những người khác" (đồng sáu xu ý nói bóng gió là một tín vật tình yêu).[62] Ngày hôm sau, Austen viết: “Sẽ đến ngày mà em tán tỉnh Tom Lefroy lần cuối và khi chị nhận được thư này, mọi chuyện đã kết thúc rồi. Nước mắt em tuôn rơi khi viết ra ý nghĩ u sầu này".[62]

Halperin lưu ý rằng trong các bức thư Austen thường chế giễu và nhại lại các loại tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, vì vậy một số lời lẽ nhắc đến Lefroy có thể mang ý nghĩa châm biếm. Tuy nhiên, rõ ràng là Austen đã thực sự bị thu hút bởi Lefroy và không ai trong số những người cầu hôn sau đó của bà có thể so sánh được với ông.[63] Gia đình Lefroy đã can thiệp và bắt anh ta đi London vào cuối tháng Giêng. Cả Lefroy và Austen đều biết cuộc hôn nhân này là phi thực tế. Lefroy không có tiền, phải dựa vào một người ông chú ở Ireland chu cấp cho việc học và lập nghiệp. Sau này khi Tom Lefroy trở lại Hampshire, ông bị bắt tránh xa gia đình Austen, và hai người không bao giờ còn gặp lại nhau nữa.[64] Vào tháng 11 năm 1798, Austen vẫn còn nghĩ đến Lefroy, như trong thư viết cho chị gái rằng bà đã uống trà với một người họ hàng nhà Lefroy, bà rất muốn hỏi thăm về ông ta nhưng mà không có cách nào gợi chuyện được.[65]

Những bản thảo đầu tay (1796–1798)

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi hoàn thành Lady Susan, Austen bắt đầu cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên Elinor và Marianne. Chị gái bà kể lại rằng nó đã được đọc cho gia đình nghe "trước năm 1796" và cũng được kể lại qua một loạt thư từ. Không còn bản thảo gốc nào ót lại nên không có cách nào biết được bản nháp này được giữ lại bao nhiêu phần khi cuốn tiểu thuyết cuối cùng được xuất bản ẩn danh vào năm 1811 với tên gọi Sense and Sensibility.[66]

Austen bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, Ấn tượng đầu tiên (sau này được xuất bản với tên gọi Kiêu hãnh và Định kiến), vào năm 1796. Bà hoàn thành bản thảo đầu tiên vào tháng 8 năm 1797, ở tuổi 21; như tất cả các tiểu thuyết khác, Austen đã đọc tác phẩm cho gia đình nghe trong quá trình viết và nó được đón nhận nồng nhiệt.[67] Vào thời điểm này, cha bà đã thử xuất bản một trong những cuốn tiểu thuyết tại Thomas Cadell ở London nhưng không thành. Austen có thể không biết về những nỗ lực của cha mình.[68] Sau khi hoàn thành Ấn tượng đầu tiên, Austen quay trở lại chỉnh sửa phần lớn Elinor và Marianne từ tháng 11 năm 1797 cho đến giữa năm 1798, thay đổi nhiều nội dung và chuyển dạng tường thuật sang ngôi thứ ba, tạo ra bản nháp Sense and Sensibility gần hoàn chỉnh.[69] Năm 1797, Austen gặp người chị họ (và cũng là chị dâu tương lai), Eliza de Feuillide, một quý tộc người Pháp có người chồng đầu tiên là Bá tước de Feuillide đã bị chém đầu trong Cách mạng Pháp, khiến bà phải chạy trốn sang Anh và sau đó kết hôn với Henry Austen.[70] Vụ hành quyết Bá tước Feuillide do Eliza kể lại đã gây cho Austen nỗi kinh hoàng tột độ về cuộc Cách mạng, kéo dài đến hết đời bà.[70]

Vào giữa năm 1798, sau khi hoàn thành chỉnh sửa Elinor và Marianne, Austen bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết thứ ba với tựa đề Susan —sau này là Tu viện Northanger —một tác phẩm nhại lại dòng tiểu thuyết Gothic thịnh hành thời bấy giờ.[71] Austen hoàn thành tác phẩm này khoảng một năm sau đó. Đầu năm 1803, Henry Austen gửi Susan đến Benjamin Crosby, một nhà xuất bản ở London, và được trả 10 bảng Anh tiền bản quyền. Crosby hứa sẽ xuất bản sớm và thậm chí còn quảng cáo cuốn sách công khai "trên báo chí", nhưng để đó không làm gì thêm.[72] Bản thảo nằm trong tay Crosby và không được xuất bản cho đến khi Austen mua lại tác quyền vào năm 1816.[73]

Bath và Southampton

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà của Austen ở 4 Sydney Place, Bath, Somerset

Vào tháng 12 năm 1800, George Austen bất ngờ thông báo quyết định về hưu, rời Steventon và chuyển cả gia đình đến số 4, Sydney Place ở Bath, hạt Somerset.[74] Điều này khiến Jane Austen bị sốc khi đột ngột phải chuyển đi xa 50 dặm (80 km) khỏi ngôi nhà duy nhất bà từng sống. [75] Điều này thể hiện qua năng suất viết lách suy giảm rõ rệt trong thời gian bà sống ở Bath. Bà có thể đã chỉnh sửa Susan, và bắt đầu rồi bỏ ngang một cuốn tiểu thuyết mới, Nhà Watson, nhưng bút lực không còn dồi dào được như giai đoạn 1795–1799.[76] Tomalin cho rằng điều này phản ánh một hội chứng trầm cảm, nhưng Honan không đồng ý vì Austen vẫn tiếp tục viết hoặc chỉnh sửa các bản thảo đều đặn trong cả cuộc đời mình, chỉ ngoại trừ vài tháng sau khi cha bà qua đời.[77][g] Người ta thường cho rằng Austen không hạnh phúc ở Bath nên bà mất hứng thú viết lách, nhưng cũng có thể là đời sống xã hội sôi động ở Bath đã khiến bà không còn nhiều thời gian để viết tiểu thuyết.[78] Nhà phê bình Robert Irvine cho rằng Austen viết lách nhiều khi bà còn ở nông thôn có thể là do bà có nhiều thời gian rảnh rỗi, hơn là do sống ở nông thôn hạnh phúc hơn.[78] Bên cạnh đó, Austen thường xuyên di chuyển và đi du lịch khắp miền nam nước Anh trong thời kỳ này, một hoàn cảnh không thuận lợi để viết một cuốn tiểu thuyết dài.[78] Austen đã bán tác quyển Susan cho nhà xuất bản Crosby & Company với giá 10 bảng Anh (tương đương £1.020 năm 2023) [79] The Crosby & Company đã đăng quảng cáo Susan, nhưng không bao giờ xuất bản.[79]

Austen thường xuyên viếng thăm dinh thự của anh trai Edward, Godmersham Park ở Kent, từ năm 1798 đến 1813. Ngôi nhà được coi là có ảnh hưởng đến các tác phẩm của cô.[80]

Những năm từ 1801 đến 1804 là khoảng trống đối với các học giả Austen vì Cassandra đã hủy tất cả thư từ giữa hai người trong thời kỳ này mà không rõ lý do.[81] Vào tháng 12 năm 1802, Austen nhận được lời cầu hôn duy nhất được biết tới từ Harris Bigg-Wither. Hai chị em bà đến thăm bạn cũ là Alethea và Catherine Bigg ở gần Basingstoke. Em trai của họ, Harris Bigg-Wither, mới quay trở về nhà từ Oxford, đã cầu hôn bà và được chấp nhận. Theo mô tả của Caroline Austen, cháu gái của Jane, và Reginald Bigg-Wither, một hậu duệ của Harris, ông này không phải người hấp dẫn, có dáng vẻ to lớn, giản dị, ít nói, mắc bệnh nói lắp, hành xử thô bạo và vụng về. Tuy nhiên, Austen đã biết ông ta từ khi cả hai còn trẻ và cuộc hôn nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Austen và gia đình. Ông là người thừa kế điền sản xung quanh ngôi nhà thời thơ ấu của Austen. Với điều kiện này, Austen có thể giúp cha mẹ có một tuổi già an nhàn, cho Cassandra một nơi cư trú ổn định và hỗ trợ các anh trai trong sự nghiệp của họ. Đến sáng hôm sau, Austen nhận ra mình đã mắc sai lầm và rút lại lời chấp nhận.[82] Không có bức thư hay nhật ký còn lại nào mô tả cảm nhận của Austen về lời cầu hôn này.[83] Irvine mô tả Bigg-Wither là một người "...dường như khó mà cảm mến được chứ chưa nói đến việc yêu".[84]

Năm 1814, trong một bức thư gửi cho cháu gái Fanny Knight khi được hỏi xin lời khuyên về một mối quan hệ nghiêm túc, Austen viết rằng "& và cầu xin cháu đừng đi xa hơn, & đừng nghĩ đến việc chấp nhận trừ khi cháu thực sự thích anh ta. Thà phải chịu bất cứ thứ gì cũng còn hơn kết hôn không tình yêu”.[85] Học giả người Anh Douglas Bush đã viết rằng Austen "theo đuổi lý tưởng rằng tình yêu là mối gắn kết giữa hai vợ chồng... Tất cả các nữ anh hùng trong tiểu thuyết của bà..., tỷ lệ thuận với sự trưởng thành của họ, đều thấm thía ý nghĩa của tình yêu chân chính."[86] Một chi tiết trong Sense and Sensibility có thể được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời Austen là khi Elinor Dashwood chiêm nghiệm rằng "thứ tồi tệ nhất và vô phương nhất trong tất cả các tai họa, là một mối gắn kết suốt đời" với một người đàn ông không phù hợp.[86][h]

Năm 1804, khi sống ở Bath, Austen bắt đầu viết tiểu thuyết Nhà Watson, xoay quanh một giáo sĩ tàn tật nghèo khổ cùng bốn cô con gái chưa chồng, nhưng cuối cùng bỏ dở. Sutherland mô tả cuốn tiểu thuyết là "một công trình về hoàn cảnh kinh tế khắc nghiệt và lệ thuộc của thân phận người phụ nữ".[87] Honan và Tomalin cùng cho rằng Austen đã ngừng viết tiếp sau khi cha bà qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 1805, và có thể sự tương đồng giữa hoàn cảnh cá nhân của bà với các nhân vật đã gây cho bà những cảm xúc không hề dễ chịu.[88]

Cái chết đột ngột của ông Austen khiến Jane, Cassandra và mẹ rơi vào tình cảnh bấp bênh. Edward, James, Henry và Francis Austen (được gọi là Frank) đã cam kết cùng đóng góp những khoản hỗ trợ hàng năm cho mẹ và các em gái.[89] Trong bốn năm tiếp theo, cuộc sống tằn tiện phản ánh tình hình tài chính eo hẹp của họ. Họ phải sống một thời gian trong các khu nhà trọ ở Bath trước khi rời thành phố vào tháng 6 năm 1805 để đi thăm viếng gia đình ở Steventon và Godmersham. Trong những tháng mùa thu, họ chuyển đến khu nghỉ mát ven biển mới nổi lên Worthing trên bờ biển Sussex, và cư ngụ tại Stanford Cottage.[i] Chính tại đây, người ta cho rằng Austen đã hoàn thiện bản thảo Lady Susan và thêm vào phần "Đoạn kết". Năm 1806, ba người chuyển đến Southampton sống cùng Frank Austen và người vợ mới cưới. Phần lớn thời gian này họ dành để đi thăm viếng họ hàng thân thuộc.[90]

Vào ngày 5 tháng 4 năm 1809, khoảng ba tháng trước khi cả nhà chuyển đến Chawton, Austen đã viết một bức thư đầy giận dữ tới Richard Crosby, đề nghị gửi cho ông ta một bản thảo mới của Susan nếu cần để cuốn tiểu thuyết phải được xuất bản ngay lập tức, hoặc là ông ta phải trả lại bản gốc để bà đi tìm một nhà xuất bản khác. Crosby không định xuất bản cuốn sách nên đã gợi ý Austen mua lại bản thảo với giá 10 bảng Anh ban đầu để đi tìm nơi khác xuất bản. Tại thời điểm đó Austen không có đủ tiền,[91] và phải đến năm 1816 bà mới có thể mua lại được bản quyền từ tay Crosby.[92]

Gia trang Chawton, Hampshire nơi Austen sống trong tám năm cuối đời, nay là Bảo tàng Jane Austen's House

Khoảng đầu năm 1809, anh trai Edward của Austen mời mẹ và các chị em gái tới sống tại ngôi nhà ở làng Chawton[j], thuộc khu đất Chawton House gần đó của Edward. Jane, Cassandra và mẹ chuyển đến Chawton vào ngày 7 tháng 7 năm 1809[94] và sống một cuộc sống yên tĩnh tại đây, không giao du nhiều mà chỉ tiếp đãi người trong gia đình thăm viếng. Theo cháu gái Anna của Austen mô tả, họ sống "yên tĩnh", "đọc sách nhiều", "bên cạnh việc nội trợ họ còn giúp đỡ người nghèo và dạy trẻ em đọc và viết."[95]

Xuất bản sách

[sửa | sửa mã nguồn]

Giống như nhiều tác giả nữ cùng thời, Austen phải xuất bản sách ẩn danh.[96] Thời bấy giờ, phụ nữ bị giới hạn trong vai trò làm vợ và làm mẹ, việc viết lách chỉ được coi như một thú tiêu khiển; một người phụ nữ mong muốn trở thành một nhà văn chuyên nghiệp hay bất kì một nghề nghiệp nào khác trong xã hội thì đều bị cho là mất phẩm giá, vì vậy các tác giả nữ thường phải xuất bản ẩn danh để tránh tai tiếng.[97]

Trong thời gian ở Chawton, Austen đã xuất bản bốn cuốn tiểu thuyết được đón nhận tích cực. Thông qua anh trai Henry, nhà xuất bản Thomas Egerton đã đồng ý xuất bản Sense and Sensibility, giống như tất cả các tiểu thuyết của Austen ngoại trừ Pride and Prejudice, được xuất bản "theo đặt hàng", tức là tác giả tự chịu chi phí in ấn và rủi ro. Khi xuất bản theo đặt hàng, các nhà xuất bản sẽ ứng trước chi phí xuất bản, thu tiền bán và tính hoa hồng 10% cho mỗi cuốn sách bán được, phần còn lại trả cho tác giả. Nếu một cuốn tiểu thuyết không bán được đủ để hồi vốn thì tác giả phải chịu bù lỗ.[98] Một phương thức khác là bán đứt bản quyền, trong đó tác giả nhận được khoản thanh toán một lần từ nhà xuất bản cho bản thảo, như đối với Kiêu hãnh và định kiến.[99] Austen đã có trải nghiệm cay đắng khi bán đứt bản quyền Susan (bản thảo gốc của Northanger Abbey) cho nhà xuất bản Crosby & Sons với giá 10 bảng Anh nhưng không được xuất bản để rồi phải mua lại bản quyền để đem đi xuất bản ở nơi khác.[100] Phương thức xuất bản theo số lượng độc giả đăng ký trước thì không phù hợp với Austen, vì chỉ những tác giả nổi tiếng hoặc được giới thiệu bởi nhà bảo trợ quý tộc có ảnh hưởng mới có thể đạt đủ số lượng đăng ký trước.[99] Sense and Sensibility ra mắt vào tháng 10 năm 1811, được giới thiệu là viết bởi "một phụ nữ".[100] Vì là xuất bản đặt hàng nên Egerton đã sử dụng loại giấy đắt tiền và yết giá ở mức 15 shilling, tương đương với £58 ở năm 2021.[100]

Nhiều tiểu thuyết của Austen đã được dịch và xuất bản lậu ở Pháp mà không có sự đồng ý của bà.[101]:1–2 Nhà phê bình văn học Noel King nhận xét rằng việc tiểu thuyết Austen với bối cảnh cuộc sống bình nhật nước Anh lại có thể chen chân vào thị trường văn học Pháp giữa thời kỳ nở rộ của tiểu thuyết diễm tình là một điều rất đáng nể.[101]:2 Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng phần lớn các bản dịch tiếng Pháp này thường bị cải biên và thêm thắt so với nguyên tác, thậm chí thay đổi hoàn toàn cốt truyện và nhân vật ban đầu.[101]:5–6 Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Austen được xuất bản chính danh ở Pháp là Thuyết phục vào năm 1821 dưới nhan đề La Famille Elliot ou L'Ancienne Inclination (Tạm dịch: Gia đình Elliot hay Xu hướng hoài cổ).[101]:5

Nhiếp chính vương (sau này là George IV) say mê tiểu thuyết Austen đến mức tư dinh nào của ông cũng đều giữ một bộ.[k] Vào tháng 11 năm 1815, Austen được thủ thư Hoàng gia James Stanier Clarke mời đến thăm dinh Nhiếp chính ở London, và còn được gợi ý đề tặng hoàng thân cuốn Emma sắp ra mắt. Tuy Austen không ưa vị Nhiếp chính vương với đầy những thói hư tật xấu nhưng bà vẫn phải miễn cưỡng chấp nhận đề nghị này.[103][104] Austen cũng vô cùng khó chịu với những thư từ và lời khuyên khoa trương từ Clarke, nên đã viết một bản Đề cương một cuốn tiểu thuyết, theo Gợi ý tứ phương, để châm biếm ý tưởng "cuốn tiểu thuyết hoàn hảo" từ những gợi ý Clarke đưa ra.[104][105]

Qua đời

[sửa | sửa mã nguồn]
8 College Street ở Winchester, nơi Austen sống những ngày cuối cùng và qua đời.

Sức khỏe Austen bắt đầu suy giảm và không ổn định từ đầu năm 1816.[106] Các tác giả tiểu sử sau này dựa vào chẩn đoán hồi cứu năm 1964 của Zachary Cope để xác định nguyên nhân cái chết của bà là bệnh Addison, hoặc có thể là cả bệnh ung thư hạch Hodgkin.[107][l] Bản thân Austen thừa nhận bà tái phát bệnh do cú sốc bị tước quyền thừa kế khi người chú qua đời và để lại toàn bộ tài sản cho vợ.[109]

Austen vẫn tiếp tục làm việc bất chấp bệnh tật. Không hài lòng với cái kết của Gia đình Elliot, bà viết lại hai chương cuối và hoàn thành vào ngày 6 tháng 8 năm 1816.[m] Vào tháng 1 năm 1817, Austen bắt đầu The Brothers (được đặt tên Sanditon khi xuất bản năm 1925), hoàn thành 12 chương trước khi bỏ dở vào giữa tháng 3 năm 1817, có thể do bệnh tật.[111] Cuốn tiểu thuyết chế nhạo thói đạo đức giả, còn nhân vật nữ chính được mô tả như một kẻ hai mặt. Bà ngừng viết hẳn vào ngày 18 tháng 3 năm 1817.[112]

Giáo đường Winchester, nơi Austen được chôn cất

Austen mô tả bản thân mắc bệnh "mật" và bệnh thấp khớp. Khi bệnh tình trở nặng, bà yếu đi và đi lại khó khăn, rồi bắt đầu nằm ; liệt giường từ giữa tháng 4. Đến tháng 5, Cassandra và Henry đưa bà đến Winchester để điều trị, khi đó bà đã phải chịu đựng cơn đau khủng khiếp và sẵn sàng đón nhận cái chết.[113] Austen qua đời ở Winchester vào ngày 18 tháng 7 năm 1817 ở tuổi 41. Henry thông qua các mối quan hệ giáo sĩ để sắp xếp chôn cất bà tại Giáo đường Winchester. Bia mộ Austen được viết bởi anh trai James, ca ngợi những phẩm chất cá nhân nhưng không đề cập rõ ràng đến những thành tựu văn nghiệp của bà.[114]

Sau khi Austen qua đời, Cassandra, Henry Austen và Murray đã xuất bản cặp tiểu thuyết Thuyết phụcTu viện Northanger.[n] Henry Austen đã tự mình thêm vào một tiểu sử tác giả vào tháng 12 năm 1817, lần đầu tiên công khai danh tính thật của Austen với tư cách tác giả.[116] Cặp tiểu thuyết tiêu thụ khá tốt trong năm đó— đến cuối năm 1818 chỉ còn lại 321 bản.[117]

Tuy đã ngừng xuất bản ở Anh vào những năm 1820, sáu cuốn tiểu thuyết của Austen vẫn tiếp tục được đọc qua các bản in tại các thư viện tư nhân và th cácchúng vẫn được đọc qua các bản sao được đặt trong các thư viện tư nhân và các thư viện thuê mượn sách. Austen dần trở nên thịnh hành và thu hút người hâm mộ. Bài viết có thể coi là fan fiction đầu tiên tưởng tượng chính Austen như là một nhân vật xuất hiện trong một bức thư gửi tới Tạp chí Quý cô,[118] nhắc đến thiên tài của Austen đã truyền cảm hứng và cả sự ghen tị tới nhiều tác giả khác.[119]

Năm 1832, Richard Bentley mua bản quyền toàn bộ tiểu thuyết Austen và xuất bản bộ năm tập có minh họa vào mùa đông năm sau. Vào tháng 10 năm 1833, Bentley phát hành ấn bản tuyển tập tác phẩm Austen đầu tiên. Kể từ đó đến nay, tiểu thuyết của Austen liên tục được in và tái bản.[120]

Thể loại và phong cách

[sửa | sửa mã nguồn]

Các tác phẩm của Austen đã châm biếm dòng tiểu thuyết tình cảm chủ đạo nửa sau thế kỷ 18 và góp phần dịch chuyển nền văn học Anh sang chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19.[121] Austen đã học hỏi phong cách hiện thực chủ nghĩa từ Samuel RichardsonHenry Fielding để tạo ra lối viết hiện thực châm biếm đặc trưng của mình.[122][123]

Walter Scott chú ý rằng Austen "bài xích chủ nghĩa giật gân rác rưởi của phần lớn tiểu thuyết hiện đại - 'những tác phẩm phù phiếm chỉ để đáp ứng nhu cầu lấp đầy giá sách'".[124] Tuy nhiên, bà cũng không hẳn xa rời hoàn toàn thể loại này, như đã thấy trong Northanger AbbeyEmma.[124] Tương tự như William Wordsworth, người đã chỉ trích thậm tệ lối viết cường điệu kịch tính của tiểu thuyết hiện đại trong "Lời nói đầu" của quyển Lyrical Ballads (1800), Austen tách mình khỏi những tiểu thuyết thoát ly; những nguyên tắc và phá cách mà bà thể hiện cũng tương tự như ông [Wordsworth], và bà đã cho thấy rằng "tính cường điệu giảm thì chất nghệ thuật lại tăng."[124] Bà tránh xa thể loại tiểu thuyết Gothic phổ biến bấy giờ, những câu chuyện rùng rợn mà nhân vật nữ chính thường bị mắc kẹt ở một nơi hẻo lánh, một lâu đài hoặc tu viện (có 32 tiểu thuyết từ năm 1784 đến 1818 có từ "tu viện" trong tiêu đề). Bà ám chỉ đến trope này trong Northanger Abbey, với nhân vật nữ chính, Catherine, du lịch đến một tu viện hẻo lánh. Thay vì phủ định hay chế nhạo hoàn toàn, Austen biến đổi thể loại này cho phù hợp với thực tế, ví dụ như những mô tả về phòng ốc trang nhã và tiện nghi hiện đại trái ngược với những kỳ vọng "như trong tiểu thuyết" của nữ chính.[125] Bà cũng không phủ nhận hoàn toàn tiểu thuyết Gothic mà thay vào đó bà biến đổi các bối cảnh và tình huống, ví dụ chi tiết nhân vật nữ chính vẫn bị giam cầm, nhưng là bị giam cầm bởi những quy tắc ứng xử ngặt nghèo và cứng nhắc của phòng khiêu vũ.[126] Theo nhà phê bình Keymer, trong Sense and Sensibility, Austen thể hiện những nhân vật có chiều sâu và động cơ phức tạp, mặc dù đây là một tác phẩm nhại tiểu thuyết diễm tình, "tâm hồn lãng mạn của Marianne phản ứng trước một thế giới đầy toan tính... với tiếng thét chính đáng của một người phụ nữ khổ đau."[127]

Austen là tiểu thuyết gia người Anh đầu tiên áp dụng thủ pháp tường thuật gián tiếp tự do, thông qua đó, bà có khả năng trình bày trực tiếp suy nghĩ của nhân vật với người đọc mà vẫn giữ được khả năng kiểm soát câu chuyện. Phong cách này cho phép tác giả chuyển đổi linh hoạt giữa giọng điệu của người kể chuyện và của những nhân vật khác.[128]

Mái tóc được cuốn lên, và cô hầu được cho ra ngoài, và Emma ngồi nghĩ ngợi và đau khổ. Thật là một sự tình đen đủi! Thật là một sự đảo lộn hoàn toàn mọi ước vọng của nàng! Thật là một tiến triển theo một cách nàng ít mong đợi nhất! — ví dụ về tường thuật gián tiếp tự do, Jane Austen, Emma.[129]

Theo học giả Mary Lascelles, Austen là thiên tài xây dựng ngôn ngữ và hội thoại giữa các nhân vật: "Rất ít tiểu thuyết gia có thể kỹ lưỡng hơn Jane Austen trong lời nói và suy nghĩ của các nhân vật."[130] Đặc điểm và giọng điệu của nhân vật thể hiện qua những lời nói rải rác; "cú pháp và cách dùng từ thay vì từ vựng" được sử dụng để ám chỉ thành phần xã hội của nhân vật.[131] Đối thoại bộc lộ tâm trạng của nhân vật — thất vọng, tức giận, hạnh phúc — mỗi người được thể hiện khác nhau thông qua các mẫu cấu trúc câu khác nhau. Ví dụ, khi Elizabeth Bennet từ chối Darcy, giọng điệu cứng nhắc và cấu trúc câu phức tạp cho thấy rằng anh thực sự đã làm cô tổn thương:[132]

Ngay từ đầu, có thể nói là ngay từ giây phút đầu tiên, của mối quen biết với anh, cách cư xử của anh đã gây cho tôi ấn tượng với niềm tin tuyệt đối về sự kiêu căng, tính tự phụ và thói ích kỷ coi thường cảm xúc của người khác, đó là cơ sở của sự không tán thành, mà từ đó dẫn tới các sự kiện tiếp theo đã tạo nên một sự ghét bỏ không gì lay chuyển được. Và tôi còn biết anh chưa được một tháng trước khi tôi cảm thấy rằng anh là người đàn ông cuối cùng trên thế giới mà tôi có thể lấy làm chồng.[133]

Các cốt truyện của Austen nhấn mạnh hoàn cảnh phụ thuộc truyền thống của phụ nữ vào hôn nhân để đảm bảo vị thế xã hội và kinh tế.[134] Xét trên phương diện nghệ thuật, tiểu thuyết thế kỷ 18 ít nghiêm túc hơn so với thế kỷ 19, khi tiểu thuyết được coi là "phương tiện tự nhiên để thảo luận và phơi bày những điều quan trọng trong cuộc sống".[135] Thay vì đi quá sâu vào tâm lý nhân vật, Austen thích thể hiện chúng qua lăng kính hài hước, theo nhà phê bình John Bayley. Ông cho rằng nguồn gốc của óc hóm hỉnh và châm biếm của bà chính là thái độ coi hài hước "là ơn huệ của cuộc sống".[136] Một trong những điều làm nên danh tiếng của Austen chính là ở việc bà là người phụ nữ đầu tiên thành công trong tiểu thuyết hài kịch.[137]

Óc hài hước của bà đến từ sự khiêm tốn và bình dị, khiến cho những nhân vật thành công nhất của bà, chẳng hạn như Elizabeth Bennet, vượt lên trên những điều tầm thường của cuộc sống, trong đó những nhân vật ngu ngốc hơn lại bị cuốn vào.[138] Austen sử dụng chất hài kịch để khám phá tính cá thể trong cuộc sống và các mối quan hệ của người phụ nữ, và để tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bà thường kết hợp hài kịch với "cảm quan đạo đức" để tạo ra các xung đột nghệ thuật. Nhà phê bình Robert Polhemus viết, "Để hiểu được trọn vẹn tác phẩm và thành tựu của Austen, chúng ta cần nhận ra niềm đam mê sâu sắc của bà đối với cả sự kính trọng và chế nhạo... và óc hài hước của của bà thể hiện cả sự hài hòa lẫn đối lập trong tâm trí và tầm nhìn, khi bà luôn cố dung hòa những thành kiến trào phúng của mình với ý thức hướng thiện."[139]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Phản ứng đương thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Vì các tác phẩm của Austen được xuất bản ẩn danh nên không mang lại nhiều tiếng tăm cho bà khi còn sống. Chúng khá thịnh hành nhưng ít khi được giới phê bình chú ý.[140] Hầu hết các bài đánh giá đều ngắn gọn và tích cực, nhưng hời hợt và dè dặt,[141][142] thường tập trung vào các bài học được rút ra từ câu chuyện.[143]

Sir Walter Scott, tiểu thuyết gia hàng đầu thời bấy giờ, đã viết một bài đánh giá ẩn danh về Emma năm 1815, trong đó ông khen ngợi tính hiện thực của Austen, "nghệ thuật sao chép từ tự nhiên như nó vốn tồn tại giữa mọi nẻo đường cuộc sống, và mang đến cho độc giả, thay vì những cảnh tượng choáng ngợp từ một thế giới tưởng tượng, một sự tái hiện chính xác và ấn tượng cái thế giới đang diễn ra hàng ngày xung quanh".[144] Một đánh giá quan trọng thời kỳ đầu khác được cho là của Richard Whately vào năm 1821, tuy Whately phủ nhận điều này, trong đó đã so sánh Austen với những ví dụ kinh điển như HomerShakespeare, đồng thời ca ngợi chất kịch tính trong mạch truyện. Scott và Whately đã định hình quan điểm cho hầu hết các bài phê bình Austen trong thế kỷ 19 sau đó.[145]

Thế kỷ 19

[sửa | sửa mã nguồn]
Bức vẽ Austen trong Hồi ức về Jane Austen (1871) được viết bởi cháu trai của bà là James Edward Austen-Leigh, và dựa trên bản phác thảo của Cassandra. Tất cả các chân dung sau này của Austen nói chung đều dựa trên bức vẽ này, bao gồm cả mặt trái của tờ 10 bảng Anh ra đời tháng 9 năm 2017.

Chủ nghĩa lãng mạn với phong cách cường điệu kịch tính là phong cách chủ đạo trong văn học thế kỷ 19 và văn học thời Victorian,[146] các tác giả được ưa chuộng thời kỳ này là Charles Dickens hay George Eliot.[147] Bất chấp sự khen ngợi của Walter Scott, tiểu thuyết Austen không phù hợp với mỹ quan thịnh hành của chủ nghĩa tư tưởng lãng mạn.[148] Các tác phẩm của bà được tái bản đều đặn và có doanh số ổn định ở Anh từ những năm 1830 nhưng cũng không được coi là ăn khách.[149]

Nhà phê bình người Pháp đầu tiên chú ý đến Austen là Philarète Chasles trong một bài tiểu luận năm 1842, cho bà là nhàm chán, bắt chước và rỗng tuếch.[150] Austen gần như hoàn toàn bị bỏ qua ở Pháp cho đến năm 1878,[150] khi nhà phê bình người Pháp Léon Boucher xuất bản cuốn tiểu luận Le Roman Classique en Angleterre, trong đó ông là tác giả người Pháp đầu tiên gọi Austen là một "thiên tài".[151] Bản dịch chính xác đầu tiên tác phẩm Austen sang tiếng Pháp là bản dịch Northanger Abbey sang Catherine Moreland năm 1899 của Félix Fénéon.[151]

Ở Anh, Austen dần dần lên ngôi cùng với sự quan tâm của giới phê bình. Triết gia và nhà phê bình văn học George Henry Lewes đã viết một loạt các bài đăng tâm huyết vào những năm 1840 và 1850.[152] Cuối thế kỷ 19, tiểu thuyết gia Henry James đã nhiều lần nhắc đến và tán dương Austen, có lần đã xếp bà cùng với Shakespeare, Cervantes, và Henry Fielding là một trong số "những họa sĩ vẽ cuộc đời".[153]

Việc xuất bản cuốn Hồi ức về Jane Austen của James Edward Austen-Leigh vào năm 1869 đã giới thiệu Austen với công chúng một hình ảnh "dì Jane thân yêu", một bà cô độc thân khả kính. Việc xuất bản Hồi ức đã thúc đẩy việc tái bản các tiểu thuyết của Austen.[154] Tác giả và nhà phê bình Leslie Stephen đã đặt tên cơn sốt Austen vào những năm 1880 là "Austenolatry". Có hẳn một biệt danh để gọi những người say mê Austen là Janeites. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, một nhóm trí thức Janeites đã phản đối trào lưu Austen, cho rằng lòng hâm mộ sâu sắc của họ không thể đánh đồng với nhiệt tâm thô thiển của quần chúng.

Đáp lại, Henry James chê bai "sự say mê đắm đuối" Austen, với làn sóng quan tâm đột biến của công chúng đã vượt quá "các giá trị nội tại" của Austen.[155] Nhà phê bình văn học Mỹ Walton Litz cho rằng những người "anti-Janites" trong thế kỷ 19 và 20 bao gồm nhiều tác giả đình đám như Mark Twain, Henry James, Charlotte Brontë, DH LawrenceKingsley Amis, nhưng trong "mọi trường hợp, sự phán xét tiêu cực chỉ đơn thuần tiết lộ những hạn chế đặc biệt hoặc tính cách lập dị của nhà phê bình, chứ không mấy đả động gì được đến Jane Austen".[156]

Thời hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Các tác phẩm của Austen thu hút mối quan tâm của một lượng đông đảo học giả. Luận án đầu tiên về Austen được xuất bản năm 1883 bởi George Pellew, một sinh viên tại Đại học Harvard.[157] Một bài phân tích học thuật thời kỳ đầu khác là bài tiểu luận năm 1911 của học giả Shakespeare học, A.C. Bradley từ Oxford,[158] ông đã phân các tiểu thuyết của Austen thành hai giai đoạn "sớm" và "muộn", cách phân loại này vẫn được sử dụng đến ngày nay.[159] Sách nghiên cứu đầu tiên về Austen ở Pháp là Jane Austen của Paul và Kate Rague (1914), phân tích lý do tại sao giới phê bình và độc giả Pháp nên coi trọng Austen.[160] Cùng năm, Léonie Villard xuất bản Jane Austen, Sa Vie et Ses Oeuvres, phát triển từ luận án Tiến sĩ, một nghiên cứu học thuật nghiêm túc đầu tiên về Austen ở Pháp.[160] Năm 1923, R.W. Chapman xuất bản ấn bản học thuật đầu tiên của các tuyển tập Austen, đây cũng là ấn bản học thuật đầu tiên của một tiểu thuyết gia người Anh. Bản Chapman vẫn là cơ sở cho tất cả các ấn bản xuất bản tiếp theo của các tác phẩm của Austen.[161]

Xuất bản năm 1939 Jane Austen và Phong cách nghệ thuật của Mary Lascelles đã đặt nền móng vững chắc cho ngành nghiên cứu Austen.[162] Lascelles phân tích những cuốn sách Austen đã đọc và ảnh hưởng của chúng lên các tác phẩm, đồng thời xem xét kỹ lưỡng phong cách và "nghệ thuật kể chuyện" của Austen. Bà cũng đưa ra lo ngại rằng giới học thuật đang làm lu mờ sự công nhận chính đáng dành cho Austen bằng những lý thuyết huyền hoặc. Đây vẫn là một chủ đề tranh luận cho đến tận bây giờ.[163]

Kể từ Thế chiến II trở đi các phương pháp tiếp cận phê bình Austen ngày một đa dạng, từ thuyết nữ quyền, cho đến thuyết hậu thuộc địa gây tranh cãi.[164] Có sự phân tách rõ ràng giữa niềm yêu thích đại chúng đối với Austen, tiêu biểu là những người Janeites hiện đại, và các đánh giá phê bình học thuật.[165] Năm 1994, nhà phê bình văn học Harold Bloom đã xếp Austen vào danh sách những nhà văn phương Tây vĩ đại nhất mọi thời đại.[166]

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau năm 1949, các tác phẩm của Austen bị coi là phù phiếm[167] và bị cấm trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa Trung Quốc 1966-1969 vì là "tư sản đế quốc Anh".[168] Vào cuối những năm 1970, các tác phẩm Austen được tái xuất bản ở Trung Quốc và thịnh hành đến nỗi gây nghi ngại cho giới cầm quyền vốn có thói quen gắn liền nghệ thuật với khuynh hướng chính trị.[169]

Trong một cuộc tranh luận thời hiện đại điển hình, giáo sư phái bảo thủ người Mỹ Gene Koppel, trước sự phẫn nộ của các sinh viên văn khoa theo phái tự do, đã tuyên bố Austen và gia đình bà là người "Tories ở mức độ cao nhất", tức là những người theo đảng bảo thủ đối lập với Đảng Whigs tự do. Trong khi một số tác giả nữ quyền như Claudia Johnson và Mollie Sandock giành Austen về phía mình, Koppel cho rằng những người khác nhau phản ứng với một tác phẩm văn học theo những cách chủ quan khác nhau, như nhà triết học Hans-Georg Gadamer giải thích. Do đó, các cách diễn giải đối chọi về Austen có thể có giá trị như nhau, miễn là chúng được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích văn bản và bối cảnh lịch sử: có thể coi Austen là một nhà nữ quyền phê phán xã hội nước Anh thời Nhiếp chính và đồng thời là một người bảo thủ đề cao các giá trị của nó.[170]

Chuyển thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiểu thuyết Austen đã truyền cảm hứng cho hàng loạt hậu truyện, tiền truyện và tác phẩm chuyển thể thuộc mọi thể loại. Từ thế kỷ 19, các thành viên trong gia đình bà đã xuất bản phần kết cho những cuốn tiểu thuyết chưa hoàn chỉnh, và tính đến năm 2000 đã có hơn 100 tác phẩm chuyển thể được xuất bản.[171] Tiểu thuyết Austen đã được đưa lên sân khấu kịch từ những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thể kỷ 20.[172] Bộ phim chuyển thể đầu tiên là Pride and Prejudice do MGM sản xuất năm 1940 với sự tham gia của Laurence OlivierGreer Garson.[173] Các vở kịch truyền hình của BBC từ những năm 1970 được xây dựng tỉ mỉ và bám sát với cốt truyện, tinh thần và bối cảnh của nguyên tác.[174] Nhà phê bình người Anh Robert Irvine nhấn mạnh rằng trong các bản phim chuyển thể Mỹ, bắt đầu từ phiên bản Kiêu hãnh và định kiến năm 1940, yếu tố giai cấp bị xem nhẹ và hệ thống phân cấp xã hội Anh quốc dựa trên điền sản và dòng họ đã không được người Mỹ nắm bắt đầy đủ.[175]

Từ năm 1995, nhiều tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết Austen đã xuất hiện, với bộ phim Sense and Sensibility của Lý An, do Emma Thompson biên kịch và thủ vai chính, bên cạnh Kate Winslet, Hugh Grant,... đã giành được giải Oscar, và bộ phim truyền hình ăn khách năm 1995 của đài BBC, Pride and Prejudice, với sự tham gia của Jennifer EhleColin Firth.[176] Những tác phẩm khác là bộ phim Kiêu hãnh và Định kiến của Anh năm 2005 do Joe Wright đạo diễn với sự tham gia của Keira KnightleyMatthew Macfadyen,[177] theo sau là Mansfield Park, Northanger AbbeyPersuasion của ITV năm 2007,[178] và bộ phim điện ảnh chuyển thể từ Lady Susan, Love & Friendship năm 2016 do Kate Beckinsale thủ vai chính.[179]

Tưởng niệm

[sửa | sửa mã nguồn]
Bia tưởng niệm Austen trên bức tường Góc thi sĩ ở Tu viện Westminster, London

Jane Austen có mặt trên tờ 10 bảng Anh mới được phát hành vào năm 2017, thế chỗ Charles Darwin.[180][181]

Vào tháng 7 năm 2017, một bức tượng của Jane Austen đã được dựng lên ở Basingstoke, Hampshire nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của bà.[182]

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiểu thuyết

Chưa hoàn thành

  • The Watsons (1804)
  • Sanditon (1817)

Các tác phẩm khác

  • Sir Charles Grandison (kịch chuyển thể) (1793, 1800)
  • Juvenilia Tập 1 (1787–1793)
  • Juvenilia Tập 2 (1787–1793)

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Bản gốc không ký tên nhưng được tin là vẽ bởi Cassandra và được lưu giữ trong gia đình cho đến năm 1920 cùng với một bức ký họa do Cassandra ký tên. Bản ký họa gốc không giống người thật lắm theo nhận xét của một người họ hàng nhà Jane Austen.[1]
  2. ^ Oliver MacDonagh says that Sense and Sensibility "may well be the first English realistic novel" based on its detailed and accurate portrayal of what he calls "getting and spending" in an English gentry family.[3]
  3. ^ Những chi tiết quan trọng về các bất hạnh của gia đình Austen bị cố ý lược bỏ, như người anh trai George bị gửi đi xa, hai người anh khác phải gia nhập hải quân từ sớm; hoặc bà dì giàu có Leigh-Perrot bị bắt và ra tòa vì tội tham ô.[7]
  4. ^ Irene Collins estimates that when George Austen took up his duties as rector in 1764, Steventon comprised no more than about thirty families.[14]
  5. ^ Philadelphia had returned from India in 1765 and taken up residence in London; when her husband returned to India to replenish their income, she stayed in England. He died in India in 1775, with Philadelphia unaware until the news reached her a year later, fortuitously as George and Cassandra were visiting. See Le Faye, 29–36
  6. ^ For social conventions among the gentry generally, see Collins (1994), 105
  7. ^ Doody agrees with Tomalin; see Doody, "Jane Austen, that disconcerting child", in Alexander and McMaster 2005, 105.
  8. ^ Elinor Dashwood's original quote from chapter 29, page 159, of Sense and Sensibility is: "the worst and most irremediable of all evils, a connection, for life, with an unprincipled man."
  9. ^ Austen's observations of early Worthing probably helped inspire her final, but unfinished novel, Sanditon, the story of an up-and-coming seaside resort in Sussex.
  10. ^ Chawton had a population of 417 at the census of 1811.[93]
  11. ^ The Prince Regent's admiration was by no means reciprocated. In a letter of 16 February 1813 to her friend Martha Lloyd, Austen says (referring to the Prince's wife, whom he treated notoriously badly) "I hate her Husband".[102]
  12. ^ Claire Tomalin prefers a diagnosis of a lymphoma such as Hodgkin's disease.[108]
  13. ^ Bản chỉnh sửa chương cuối của Persuasion là bản thảo viết tay duy nhất còn sót lại trong số các tác phẩm đã xuất bản của Austen.[110] Cassandra và Henry Austen đặt tiêu đề cuối cùng và ngày tháng trên bìa sách được để năm 1818.
  14. ^ Honan points to "the odd fact that most of [Austen's] reviewers sound like Mr. Collins" as evidence that contemporary critics felt that works oriented toward the interests and concerns of women were intrinsically less important and less worthy of critical notice than works (mostly non-fiction) oriented towards men.[115]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Kirkham 2005, tr. 68–72.
  2. ^ Grundy (2014), 195–197
  3. ^ MacDonagh (1991), 65, 136–137.
  4. ^ Fergus (2005), 3–4
  5. ^ Le Faye (2005), 33
  6. ^ Nokes (1998), 1; Le Faye (2005), 33
  7. ^ Nokes (1998), 1–2; Fergus (2005), 3–4
  8. ^ Nokes (1998), 2–4; Fergus (2005), 3–4; Le Faye (2004), 279
  9. ^ Fergus (2005), 3–4
  10. ^ Le Faye (2004), 27
  11. ^ Le Faye (2004), 27
  12. ^ Le Faye (2004), 20
  13. ^ Todd (2015), 2
  14. ^ Collins (1994), 86
  15. ^ Le Faye (2004), 3–5, 11
  16. ^ Le Faye (2004), 8; Nokes (1998), 51
  17. ^ Le Faye (2004), 6
  18. ^ Le Faye (2004), 11; Nokes (1998), 24, 26
  19. ^ Le Faye (2004), 12; Nokes (1998), 24
  20. ^ Le Faye (2004), 11, 18, 19; Nokes (1998), 36
  21. ^ Le Faye (2004), 20
  22. ^ Nokes (1998), 37; Le Faye (2004), 25
  23. ^ Nokes (1998), 37; Le Faye (2004), 24–27
  24. ^ Le Faye (2004), 22
  25. ^ Honan (1987), 211–212
  26. ^ Todd (2015), 4
  27. ^ Nokes (1998), 39; Le Faye (2004), 22–23
  28. ^ Le Faye (2004), 29
  29. ^ Le Faye (2004), 26
  30. ^ Honan (1987), 14, 17–18; Collins (1994), 54.
  31. ^ a b Irvine (2005) p.2
  32. ^ Tomalin (1997), 101–103, 120–123, 144; Honan (1987), 119.
  33. ^ Quoted in Tomalin (1997), 102; see also Honan (1987), 84
  34. ^ Le Faye (2004), 47–49; Collins (1994), 35, 133.
  35. ^ Todd (2015), 3
  36. ^ Tomalin (1997), 9–10, 26, 33–38, 42–43; Le Faye (2004), 52; Collins (1994), 133–134
  37. ^ Le Faye (2004), 52
  38. ^ Grundy (2014), 192–193; Tomalin (1997), 28–29, 33–43, 66–67; Honan (1987), 31–34; Lascelles (1966), 7–8
  39. ^ Collins (1994), 42
  40. ^ Honan (1987), 66–68; Collins (1994), 43
  41. ^ Le Faye (2014), xvi–xvii; Tucker (1986), 1–2; Byrne (2002), 1–39; Gay (2002), ix, 1; Tomalin (1997), 31–32, 40–42, 55–57, 62–63; Honan (1987), 35, 47–52, 423–424, n. 20.
  42. ^ Honan (1987), 53–54; Lascelles (1966), 106–107; Litz (1965), 14–17.
  43. ^ Tucker (1986), 2
  44. ^ Le Faye (2004), 66; Litz (1986), 48; Honan (1987), 61–62, 70; Lascelles (1966), 4; Todd (2015), 4
  45. ^ Todd (2015), 4–5
  46. ^ “Jane Austen's juvenilia”. British Library. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2020.
  47. ^ Southam (1986), 244
  48. ^ Jenkyns (2004), 31
  49. ^ Todd (2015), 5; Southam (1986), 252
  50. ^ Litz (1965), 21; Tomalin (1997), 47; Honan (1987), 73–74; Southam (1986), 248–249
  51. ^ Honan (1987), 75
  52. ^ Honan (1987), 93
  53. ^ Todd (2015), 5; Southam (1986), 245, 253
  54. ^ Southam (1986), 187–189
  55. ^ Austen-Leigh, William; Austen-Leigh, Richard Arthur; Le Faye, Dierdre (1993). Jane Austen: A Family History. London: The British Library. tr. 76–77. ISBN 978-0-7123-0312-5.
  56. ^ Sutherland (2005), 14; Doody (2014) 87–89
  57. ^ Honan (1987), 101–102; Tomalin (1997), 82–83
  58. ^ Tomalin (1997), 83–84; see also Sutherland (2005), 15
  59. ^ Todd (2015), 4
  60. ^ Tomalin (1997), 118.
  61. ^ Quoted in Le Faye (2004), 92.
  62. ^ a b c Halperin (1985), 721
  63. ^ Halperin (1985), 721
  64. ^ Le Faye (2014), xviii; Fergus (2005), 7–8; Tomalin (1997), 112–120, 159; Honan (1987), 105–111.
  65. ^ Halperin (1985), 722
  66. ^ Sutherland (2005), 16–18; LeFaye (2014), xviii; Tomalin (1997), 107, 120, 154, 208.
  67. ^ Le Faye (2004), 100, 114.
  68. ^ Le Faye (2004), 104; Sutherland (2005), 17, 21; quotations from Tomalin (1997), 120–122.
  69. ^ Le Faye (2014), xviii–xiv; Fergus (2005), 7; Sutherland (2005), 16–18, 21; Tomalin (1997), 120–121; Honan (1987), 122–124.
  70. ^ a b King, Noel "Jane Austen in France" Nineteenth-Century Fiction, Vol. 8, No. 1, June 1953 p. 2.
  71. ^ Litz (1965), 59–60.
  72. ^ Tomalin (1997), 182.
  73. ^ Le Faye (2014), xx–xxi, xxvi; Fergus (2005), 8–9; Sutherland (2005), 16, 18–19, 20–22; Tomalin (1997), 199, 254.
  74. ^ hubbard, susan. “Bath”. seekingjaneausten.com. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2017.
  75. ^ Collins (1994), 8–9.
  76. ^ Sutherland (2005), 21.
  77. ^ Le Faye (2014) xx–xxii; Fergus (2005), 8; Sutherland (2005), 15, 20–22; Tomalin (1997), 168–175; Honan (1987), 215.
  78. ^ a b c Irvine, 2005 4.
  79. ^ a b Irvine, 2005 3.
  80. ^ “Godmersham, Jane Austen's second home”. Press Reader. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2020.
  81. ^ Halperin (1985), 729
  82. ^ Le Faye (2014), xxi; Fergus (2005), 7–8; Tomalin (1997), 178–181; Honan (1987), 189–198.
  83. ^ Le Faye (2005), 51.
  84. ^ Irvine (2005), 3
  85. ^ Letter dated 18–20 November 1814, in Le Faye (1995), 278–282.
  86. ^ a b Halperin (1985), 732
  87. ^ Sutherland (2005), 15, 21.
  88. ^ Le Faye (2014) xxii; Tomalin (1997), 182–184; Honan (1987), 203–205.
  89. ^ Honan (1987), 213–214.
  90. ^ Tomalin (1997), 194–206.
  91. ^ Tomalin (1997), 207.
  92. ^ Le Faye (2014), xx–xxi, xxvi; Fergus (2005), 8–9; Sutherland (2005), 16, 18–19, 20–22; Tomalin (1997), 182, 199, 254.
  93. ^ Collins (1994), 89.
  94. ^ Le Faye (2014), xxii; Tomalin (1997), 194–206; Honan (1987), 237–245; MacDonagh (1991), 49.
  95. ^ Grey, J. David; Litz, A. Waton; Southam, B. C.; Bok, H.Abigail (1986). The Jane Austen companion. Macmillan. tr. 38. ISBN 9780025455405.
  96. ^ Irvine, 2005 15.
  97. ^ Irvine, 2005 10–15.
  98. ^ Fergus (2014), 6; Raven (2005), 198; Honan (1987), 285–286.
  99. ^ a b Irvine, 2005 13.
  100. ^ a b c Irvine, 2005 15.
  101. ^ a b c d King, Noel J. (1953). “Jane Austen in France”. Nineteenth-Century Fiction. 8 (1): 1–26. doi:10.2307/3044273. JSTOR 3044273.
  102. ^ Le Faye (1995), 207–208.
  103. ^ Austen letter to James Stannier Clarke, 15 November 1815; Clarke letter to Austen, 16 November 1815; Austen letter to John Murray, 23 November 1815, in Le Faye (1995), 296–298.
  104. ^ a b Halperin (1985), 734
  105. ^ Litz (1965), 164–165; Honan (1987), 367–369, describes the episode in detail.
  106. ^ Honan (1987), 378–379, 385–395
  107. ^ For detailed information concerning the retrospective diagnosis, its uncertainties and related controversies, see Honan (1987), 391–392; Le Faye (2004), 236; Grey (1986), 282; Wiltshire, Jane Austen and the Body, 221.
  108. ^ Tomalin (1997), Appendix I, 283–284; see also A. Upfal, "Jane Austen's lifelong health problems and final illness: New evidence points to a fatal Hodgkin's disease and excludes the widely accepted Addison's", Medical Humanities, 31(1),| 2005, 3–11. doi:10.1136/jmh.2004.000193
  109. ^ Todd (2015), 13
  110. ^ Tomalin (1997), 255.
  111. ^ Tomalin (1997), 261.
  112. ^ Todd (2015), 13
  113. ^ Todd (2015), 13
  114. ^ Le Faye (2014), xxv–xxvi; Fergus (1997), 26–27; Tomalin (1997), 254–271; Honan (1987), 385–405.
  115. ^ Honan (1987), 317.
  116. ^ Tomalin (1997), 272.
  117. ^ Tomalin (1997), 321, n.1 and 3; Gilson (1986), 136–137.
  118. ^ Looser, Devoney (13 tháng 12 năm 2019). “Fan fiction or fan fact? An unknown pen portrait of Jane Austen”. TLS: 14–15.
  119. ^ Looser, Devoney (13 tháng 12 năm 2019). “Genius expressed in the nose The earliest known piece of Jane Austen-inspired fan fiction”. TLS.
  120. ^ Gilson (1986), 137; Gilson (2005), 127; Southam (1986), 102.
  121. ^ Litz (1965), 3–14; Grundy (2014), 195–197; Waldron (2005), 83, 89–90; Duffy (1986), 93–94.
  122. ^ Grundy (2014), 196
  123. ^ Todd (2015), 21
  124. ^ a b c Keymer (2014), 21
  125. ^ Keymer (2014), 24–25
  126. ^ Keymer (2014), 29
  127. ^ Keymer (2014), 32
  128. ^ Lodge (1986), 171–175
  129. ^ qtd. in Lodge (1986), 175
  130. ^ Lascelles (1966) 101
  131. ^ Lascelles (1966), 96, 101
  132. ^ Baker (2014), 177
  133. ^ qtd in Baker (2014), 177
  134. ^ MacDonagh (1991), 66–75; Collins (1994), 160–161.
  135. ^ Bayley (1986), 24
  136. ^ Bayley (1986), 25–26
  137. ^ Polhemus (1986), 60
  138. ^ Bayley (1986), 25–26
  139. ^ Polhemus (1986), 60
  140. ^ Honan (1987), 289–290.
  141. ^ Fergus (2014), 10; Honan (1987), 287–289, 316–317, 372–373.
  142. ^ Southam (1968), 1.
  143. ^ Waldron (2005), 83–91.
  144. ^ Scott (1968), 58; Waldron (2005), 86; Duffy (1986), 94–96.
  145. ^ Waldron (2005), 89–90; Duffy (1986), 97; Watt (1963), 4–5.
  146. ^ Duffy (1986), 98–99; MacDonagh (1991), 146; Watt (1963), 3–4.
  147. ^ Southam (1968), 1; Southam (1987), 2.
  148. ^ Litz, A. Walton "Recollecting Jane Austen" pp. 669–682 from Critical Inquiry, Vol. 1, No. 3, March 1975 p. 672.
  149. ^ Johnson (2014), 232; Gilson (2005), 127.
  150. ^ a b King, Noel "Jane Austen in France" from Nineteenth-Century Fiction pp. 1–28, Vol. 8, No. 1, June 1953 p. 23.
  151. ^ a b King, Noel "Jane Austen in France" from Nineteenth-Century Fiction pp. 1–28, Vol. 8, No. 1, June 1953 p. 24.
  152. ^ Southam (1968), 152; Southam (1987), 20–21.
  153. ^ Southam (1987), 70.
  154. ^ Southam (1987), 58–62.
  155. ^ Southam (1987), 46–47, 230 (for the quote from James); Johnson (2014), 234.
  156. ^ Litz, A. Walton "Recollecting Jane Austen" pp. 669–682 from Critical Inquiry, Vol. 1, No. 3, March 1975 p. 670.
  157. ^ Devoney Looser, The Making of Jane Austen (Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press, 2017), 185–196.
  158. ^ Trott (2005), 92.
  159. ^ Southam (1987), 79.
  160. ^ a b King, Noel "Jane Austen in France" from Nineteenth-Century Fiction pp. 1–28, Vol. 8, No. 1, June 1953 p. 24.
  161. ^ Southam (1987), 99–100; see also Watt (1963), 10–11; Gilson (2005), 149–50; Johnson (2014), 239.
  162. ^ Southam (1987), 107–109, 124.
  163. ^ Southam (1986), 108; Watt (1963), 10–11; Stovel (2014), 248; Southam (1987), 127
  164. ^ Said, Edward W. (1994). Culture and imperialism (ấn bản thứ 1). New York. ISBN 0-679-75054-1. OCLC 29600508.
  165. ^ Rajan (2005), 101–110
  166. ^ Bloom, Harold (1994). The Western Canon: The Books and School of the Ages. New York: Harcourt Brace. tr. 2. ISBN 0-15-195747-9.
  167. ^ Zhu Hong "Nineteenth-Century British Fiction in New China: A Brief Report" pp. 207–213 from Nineteenth-Century Fiction, Volume 37, No. 2. September 1982 p. 210.
  168. ^ Zhu Hong "Nineteenth-Century British Fiction in New China: A Brief Report" pp. 207–213 from Nineteenth-Century Fiction, Volume 37, No. 2. September 1982 p. 212.
  169. ^ Zhu Hong "Nineteenth-Century British Fiction in New China: A Brief Report" pp. 207–213 from Nineteenth-Century Fiction, Volume 37, No. 2. September 1982 p. 213.
  170. ^ Koppel, Gene (2 tháng 11 năm 1989). “Pride and Prejudice: Conservative or Liberal Novel—Or Both? (A Gadamerian Approach)”. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2016.
  171. ^ Lynch (2005), 160–162.
  172. ^ Devoney Looser, The Making of Jane Austen (Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press, 2017), 85.
  173. ^ Brownstein (2001), 13.
  174. ^ Troost (2007), 79.
  175. ^ Irvine, Robert Jane Austen, London: Routledge, 2005 pp. 158–159
  176. ^ Troost (2007), 82–84.
  177. ^ Carol Kopp, "The Nominees: Keira Knightley", CBS News, 20 October 2008.
  178. ^ Julia Day, "ITV falls in love with Jane Austen", The Guardian, 10 November 2005.
  179. ^ Alonso Duralde, Alonso, "'Love & Friendship' Sundance Review: Whit Stillman Does Jane Austen—But Hasn't He Always?", The Wrap, 25 January 2016.
  180. ^ “Jane Austen is now on Britain's 10 pound note”. ABC News (bằng tiếng Anh). 14 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2019.
  181. ^ Morris, Steven (18 tháng 7 năm 2017). “Jane Austen banknote unveiled – with strange choice of quotation”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2019.
  182. ^ Zamira Rahim."World first’ statue of Jane Austen unveiled". CNN. 18 July 2017.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Alexander, Christine and Juliet McMaster, eds. The Child Writer from Austen to Woolf. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-81293-3.
  • Auerbach, Emily. Searching for Jane Austen. Madison: University of Wisconsin Press, 2004. ISBN 0-299-20184-8
  • Austen, Jane. Catharine and Other Writings. Ed. Margaret Anne Doody and Douglas Murray. Oxford: Oxford University Press, 1993. ISBN 0-19-282823-1.
  • Austen, Jane. The History of England. Ed. David Starkey. Icon Books, HarperCollins Publishers, 2006. ISBN 0-06-135195-4.
  • Austen, Henry Thomas. "Biographical Notice of the Author". Northanger Abbey and Persuasion. London: John Murray, 1817.
  • Austen-Leigh, James Edward. A Memoir of Jane Austen. 1926. Ed. R.W. Chapman. Oxford: Oxford University Press, 1967.
  • Austen-Leigh, William and Richard Arthur Austen-Leigh. Jane Austen: Her Life and Letters, A Family Record. London: Smith, Elder & Co., 1913.
  • Bayley, John. "Characterization in Jane Austen". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan Publishing Company, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 24–34
  • Baker, Amy. "Caught in the Act of Greatness: Jane Austen's Characterization Of Elizabeth And Darcy By Sentence Structure In Pride and Prejudice". Explicator, Vol. 72, Issue 3, 2014. 169–178
  • Brownstein, Rachel M. "Out of the Drawing Room, Onto the Lawn". Jane Austen in Hollywood. Eds. Linda Troost and Sayre Greenfield. Lexington: University Press of Kentucky, 2001 ISBN 0-8131-9006-1. 13–21.
  • Butler, Marilyn. "History, Politics and Religion". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan Publishing Company, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 190–208
  • Byrne, Paula. Jane Austen and the Theatre. London and New York: Continuum, 2002. ISBN 978-1-84725-047-6.
  • Cartmell, Deborah and Whelehan, Imelda, eds. The Cambridge Companion to Literature on Screen. Cambridge: Cambridge University Press, 2007. ISBN 978-0-521-84962-3.
  • Collins, Irene. Jane Austen and the Clergy. London: The Hambledon Press, 1994. ISBN 1-85285-114-7.
  • Copeland, Edward and Juliet McMaster, eds. The Cambridge Companion to Jane Austen. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2.
  • Doody, Margaret Anne. "The Early Short Fiction". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. 72–86.
  • Duffy, Joseph. "Criticism, 1814–1870". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan Publishing Company, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 93–101
  • Fergus, Jan. "Biography". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 3–11
  • Fergus, Jan. "The Professional Woman Writer". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. 1–20.
  • Gay, Penny. Jane Austen and the Theatre. Cambridge: Cambridge University Press, 2002. ISBN 0-521-65213-8.
  • Gilson, David. "Letter publishing history". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 121–159
  • Gilson, David. "Editions and Publishing History". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 135–139
  • Grey, J. David. The Jane Austen Companion. New York: Macmillan Publishing Company, 1986. ISBN 0-02-545540-0.
  • Grundy, Isobel. "Jane Austen and literary traditions". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. 192–214
  • Halperin, John. "Jane Austen's Lovers". SEL: Studies in English Literature 1500–1900 Vol. 25, No. 4, Autumn, 1985. 719–720
  • Harding, D.W., "Regulated Hatred: An Aspect of the Work of Jane Austen". Jane Austen: A Collection of Critical Essays. Ed. Ian Watt. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1963.
  • Honan, Park. Jane Austen: A Life. New York: St. Martin's Press, 1987. ISBN 0-312-01451-1.
  • Irvine, Robert Jane Austen. London: Routledge, 2005. ISBN 0-415-31435-6
  • Jenkyns, Richard. A Fine Brush on Ivory: An Appreciation of Jane Austen. Oxford: Oxford University Press, 2004. ISBN 0-19-927661-7.
  • Johnson, Claudia. "Austen cults and cultures". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. 232–247.
  • Kelly, Gary. "Education and accomplishments". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 252–259
  • Keymer, Thomas. "Northanger Abbey and Sense and Sensibility". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. 21–38
  • Kirkham, Margaret (2005), “Portraits”, trong Janet Todd (biên tập), Jane Austen in Context (bằng tiếng Anh), Cambridge: Cambridge University Press, tr. 68–82, ISBN 0-521-82644-6
  • Lascelles, Mary. Jane Austen and Her Art. Oxford: Oxford University Press, 1966 [1939].
  • Lane, Maggie. Jane Austen and Food. London: The Hambledon Press, 1995.
  • Leavis, F.R. The Great Tradition: George Eliot, Henry James, Joseph Conrad. London: Chatto & Windus, 1960.
  • Le Faye, Deirdre, ed. Jane Austen's Letters. Oxford: Oxford University Press, 1995. ISBN 0-19-283297-2.
  • Le Faye, Deirdre. "Chronology of Jane Austen's Life". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. xv–xxvi
  • Le Faye, Deirdre. Jane Austen: The World of Her Novels. New York: Harry N. Abrams, 2002. ISBN 0-8109-3285-7.
  • Le Faye, Deirdre. Jane Austen: A Family Record. Second Edition. Cambridge: Cambridge University Press, 2004. ISBN 0-521-53417-8.
  • Le Faye, Deirdre. "Letters". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 33–40
  • Le Faye, "Memoirs and Biographies". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 51–58
  • Litz, A. Walton. Jane Austen: A Study of Her Development. New York: Oxford University Press, 1965.
  • Litz, A. Walton. "Chronology of Composition". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 47–62
  • Lodge, David. "Jane Austen's Novels: Form and Structure". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 165–179
  • Looser, Devoney. The Making of Jane Austen. Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press, 2017. ISBN 1-4214-2282-4.
  • Lynch, Deirdre Shauna. "Sequels". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 160–169
  • MacDonagh, Oliver. Jane Austen: Real and Imagined Worlds. New Haven: Yale University Press, 1991. ISBN 0-300-05084-4.
  • McMaster, Juliet. "Education". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan Publishing Company, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 140–142
  • Miller, D.A. Jane Austen, or The Secret of Style. Princeton: Princeton University Press, 2003. ISBN 0-691-12387-X.
  • Nokes, David. Jane Austen: A Life. Berkeley: University of California Press, 1998. ISBN 0-520-21606-7.
  • Page, Norman. The Language of Jane Austen. Oxford: Blackwell, 1972. ISBN 0-631-08280-8.
  • Polhemus, Robert M. "Jane Austen's Comedy". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 60–71
  • Raven, James. "Book Production". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 194–203
  • Raven, James. The Business of Books: Booksellers and the English Book Trade. New Haven: Yale University Press, 2007. ISBN 0-300-12261-6.
  • Rajan, Rajeswari. "Critical Responses, Recent". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 101–10.
  • Scott, Walter. "Walter Scott, an unsigned review of Emma, Quarterly Review". Jane Austen: The Critical Heritage, 1812–1870. Ed. B.C. Southam. London: Routledge and Kegan Paul, 1968. ISBN 0-7100-2942-X. 58–69.
  • Southam, B.C. "Grandison". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 187–189
  • Southam, B.C. "Criticism, 1870–1940". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 102–109
  • Southam, B.C., ed. Jane Austen: The Critical Heritage, 1812–1870. Vol. 1. London: Routledge and Kegan Paul, 1968. ISBN 0-7100-2942-X.
  • Southam, B.C., ed. Jane Austen: The Critical Heritage, 1870–1940. Vol. 2. London: Routledge and Kegan Paul, 1987. ISBN 0-7102-0189-3.
  • Southam, B.C. "Juvenilia". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 244–255
  • Stovel, Bruce. "Further reading". The Cambridge Companion to Jane Austen. Eds. Edward Copeland and Juliet McMaster. Cambridge: Cambridge University Press, 2014. ISBN 978-0-521-74650-2. 248–266.
  • Sutherland, Kathryn. "Chronology of composition and publication". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 12–22
  • Todd, Janet, ed. Jane Austen in Context. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6.
  • Todd, Janet. The Cambridge Introduction to Jane Austen. Cambridge: Cambridge University Press, 2015. ISBN 978-1-107-49470-1.
  • Tomalin, Claire. Jane Austen: A Life. New York: Alfred A. Knopf, 1997. ISBN 0-679-44628-1.
  • Troost, Linda. "The Nineteenth-Century Novel on Film". The Cambridge Companion to Literature on Screen. Eds. Deborah Cartmell and Imelda Whelehan. Cambridge: Cambridge University Press, 2007. ISBN 978-0-521-84962-3. 75–89
  • Trott, Nicola. "Critical Responess, 1830–1970", Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 92–100
  • Tucker, George Holbert. "Amateur Theatricals at Steventon". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 1–4
  • Tucker, George Holbert. "Jane Austen's Family". The Jane Austen Companion. Ed. J. David Grey. New York: Macmillan, 1986. ISBN 0-02-545540-0. 143–153
  • Waldron, Mary. "Critical Response, early". Jane Austen in Context. Ed. Janet Todd. Cambridge: Cambridge University Press, 2005. ISBN 0-521-82644-6. 83–91
  • Watt, Ian. "Introduction". Jane Austen: A Collection of Critical Essays. Ed. Ian Watt. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1963.
  • Watt, Ian, ed. Jane Austen: A Collection of Critical Essays. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1963.
  • Wiltshire, John. Jane Austen and the Body: The Picture of Health. Cambridge: Cambridge University Press, 1992. ISBN 0-521-41476-8.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Công thức nước chấm thần thánh
Công thức nước chấm thần thánh
Nước chấm rất quan trọng trong bữa ăn cơm của người Việt Nam. Các bữa cơm hầu như không thể thiếu nó
Sơn mài - hình thức nghệ thuật đắt giá của Việt Nam
Sơn mài - hình thức nghệ thuật đắt giá của Việt Nam
Sơn mài là một hình thức tranh sơn phết truyền thống của Việt Nam được tạo ra từ một loại sơn độc được thu hoạch từ một vùng xa xôi của đất nước
Guide trang bị trong Postknight
Guide trang bị trong Postknight
Trang bị là các item thiết yếu trong quá trình chiến đấu, giúp tăng các chỉ số phòng ngự và tấn công cho nhân vật
Làm thế nào để có lợi thế khi ra trường
Làm thế nào để có lợi thế khi ra trường
Chúng ta có thể có "điểm cộng" khi thi đại học nhưng tới khi ra trường những thứ ưu tiên như vậy lại không tự nhiên mà có.