Lãng Thanh | |
---|---|
Sinh | Lê Quốc Tuấn 1 tháng 7, 1977 Tam Nông, Phú Thọ |
Mất | 20 tháng 7, 2002 (25 tuổi) Việt Trì, Phú Thọ |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Trường lớp | Đại học |
Nghề nghiệp | Nhà thơ |
Nổi tiếng vì | Hoa (tập thơ) |
Tác phẩm nổi bật | Hoa (tập thơ) Hoa và những trang viết để lại (tuyển tập) |
Lãng Thanh (1977-2002), tên thật là Lê Quốc Tuấn, là nhà thơ trẻ Việt Nam đã qua đời khi mới 25 tuổi và trở nên nổi tiếng với tập thơ Hoa đạt Giải thưởng cao nhất về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004.
Lãng Thanh là bút danh (mang nghĩa "tiếng sóng") của Lê Quốc Tuấn, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1977 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Khi lớn lên anh theo học và tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế khóa 23 (1996-2000) và Đại học Ngoại thương Hà Nội khóa 37 (1996-2001). Tháng 10 năm 2001, Lãng Thanh về công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc. Thành thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung và chữ Hán, chữ Nôm, có thể đọc được tiếng Đức[1], anh cũng đa tài trong các lĩnh vực thư pháp, hội họa, dịch thuật và thơ ca[2]. Ở độ tuổi thanh xuân đang tràn đầy nhiệt huyết, thậm chí Lãng Thanh còn ấp ủ dự định viết sách về thư pháp và thành lập Lãng Thanh thư phái, một trường phái thư pháp mang tên mình[3].
Ngày 20 tháng 7 năm 2002, Lãng Thanh và phụ thân bị một kẻ nghiện ma túy vốn là người bà con đâm chết ngay trong nhà mình. Sau khi Lãng Thanh mất, nhóm bạn bè của anh trong Câu lạc bộ văn hóa Chí Tâm đã đưa một phần di cảo thơ anh đến với Nhà xuất bản Thanh Niên, biến anh thành "người của công chúng"[2], một "hiện tượng của thơ Việt" trong thập niên đầu của thế kỷ 21[4].
Khi còn sống, Lãng Thanh đã tự tay tuyển chọn một số bài thơ với tâm nguyện trình làng một thi phẩm mang phong cách cá nhân nhưng chưa kịp thực hiện. Trong lời tâm sự với bạn bè, Lãng Thanh cho biết từ năm 1998 khi tròn 21 tuổi anh đã mong muốn in thơ nhưng không thực hiện được, tới năm 2001 anh lại muốn in nhưng nhà xuất bản vẫn chưa chấp nhận vì ái ngại sự mới lạ của tập thơ[3]. Đột ngột rời bỏ dương thế, những gì Lãng Thanh để lại được bạn bè anh tập hợp lại và Nhà xuất bản Thanh Niên đã ấn hành năm 2003 với tựa đề thi tập Hoa (thơ). Chỉ vỏn vẹn 14 bài thơ in trong khổ giấy nhỏ, dày 76 trang chia làm hai phần Thượng, Hạ xen cài một số bức thư họa của tác giả, Hoa đã ngay lập tức được trên dưới 30 tờ báo viết bài giới thiệu, bình luận, nghiên cứu, và số lượng các bài viết về hiện tượng Lãng Thanh cùng tập thơ ngày một nhiều hơn theo thời gian. Cho tới khi ra đi ở độ tuổi 25, Lãng Thanh chưa từng có một bài thơ in báo, nhưng chỉ một năm sau công chúng đã biết đến anh với tư cách là một nhà thơ thực sự[5]. Năm 2004, Hoa đoạt giải B Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (trong năm này không có tác phẩm nào được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải A), và tác giả đã trở thành người trẻ tuổi nhất được nhận giải (nếu còn sống, khi đó Lãng Thanh mới 27 tuổi)[6].
Sau khi tập thơ Hoa đến với độc giả, bạn bè và người thân của Lãng Thanh tiếp tục sưu tập được một số bài thơ nữa, trong đó có cả những bài được Lãng Thanh sáng tác từ năm 14 tuổi. Những người bạn của Lãng Thanh, các nhà văn, nhà báo và biên tập viên, đã lựa 7 bài trong số những bài thơ mới sưu tầm nói trên, gộp chung với các bài đã ra mắt bạn đọc trong tập Hoa trước đó thành 21 bài. Cùng một số tản văn, tiểu luận, lời ca khúc, dịch phẩm thi ca, ảnh chụp một số bức thư pháp, tranh vẽ, tranh xé dán của cùng tác giả, tập hợp lại và được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành trong cuốn Hoa và những trang viết để lại vào năm 2009[3]. Nhà văn Thiên Sơn (tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng) viết lời giới thiệu cho tác phẩm với tựa đề Lãng Thanh - hạt mầm của một thời đại thi ca.
1. Hoa (tập thơ), Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2003, 76 trang:
2. Hoa và những trang viết để lại (tuyển tập), Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2009, 231 trang:
Dưới đây trích một vài câu thơ trong các bài thơ của Lãng Thanh đã được xuất bản:
Thành công về thơ mới, thơ trẻ tiêu biểu nhất thập niên đầu thế kỷ hai mốt vẫn là Lãng Thanh.[1]
— Nhà thơ Hữu Thỉnh
Khi một nhóm thơ trẻ - cách tân nào đó đang khủng hoảng, thì may mắn thay, Lãng Thanh đột ngột từ cõi chết hiện về tặng chúng ta một bó "Hoa" thơ đích thực.[2]
— Nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Thơ cũng vậy, đọc được một cách thích thú như nhà thơ yểu mệnh Lãng Thanh là một chuyện cực hiếm
.[7]— Nhà thơ Thụy Kha
Nhà thơ trẻ Lãng Thanh người Vĩnh Yên, theo tôi, là nhà thơ trẻ trong thơ có nhiều linh cảm, nhiều dự báo.Tiếc là anh mất quá sớm. Nhưng phải chăng, chính vì linh cảm chuyến đi sớm của mình mà thơ anh đã thu hút được những dự báo mà ở tuổi anh ít người có được
[8]— Nhà thơ Thanh Thảo
Lãng Thanh không khác gì một họa sĩ tài hoa luôn phóng khoáng vẽ ra ngoài cái khung, nên một bức tranh khi anh ngừng cọ thở phào nhẹ nhõm thì công chúng ngỡ nhiều bức tranh cộng lại, mà bức tranh nọ xô đẩy và che khuất bức tranh kia.[4]
— Lê Thiếu Nhơn
Nếu cần tóm gọn hồn cốt thơ Lãng Thanh trong mấy chữ thì đó sẽ là: "Trẻ, hiện đại, có học, sung mãn và chất chứa tâm hồn thuần Việt".
— Trịnh Thanh Sơn
Trong lĩnh vực thơ Lãng Thanh đã xây được một hình ảnh và tầm vóc riêng, đủ để trụ lại với mưa nắng nhật nguyệt.[9]
— Lê Minh Đạt