Mẹ chồng tôi | |
---|---|
Thể loại | Tâm lý xã hội Tình cảm |
Định dạng | Phim truyền hình |
Dựa trên | truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Chính |
Kịch bản | Vũ Thảo (bút danh Quang Huy) |
Đạo diễn | Khải Hưng |
Diễn viên | Nguyễn Thị Thu An Chiều Xuân Trần Lực |
Quốc gia | Việt Nam |
Ngôn ngữ | tiếng Việt |
Số tập | 2 |
Sản xuất | |
Thời lượng | 80 phút/tập (không bao gồm quảng cáo) |
Đơn vị sản xuất | Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam |
Trình chiếu | |
Kênh trình chiếu | VTV1 |
Phát sóng | 4 tháng 9 năm 1994 – 11 tháng 9 năm 1994 |
Mẹ chồng tôi là một bộ phim truyền hình được thực hiện bởi Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam do Khải Hưng làm đạo diễn. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Chính. Phim phát sóng lần đầu trong chương trình Văn nghệ Chủ Nhật vào ngày 4 tháng 9 năm 1994 và kết thúc ngày 11 tháng 9 cùng năm trên kênh VTV3.[1]
Ngày 14 tháng 8 năm 1994, Khải Hưng đã được Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Hồ Anh Dũng, đề nghị với ông về việc sản xuất và phát sóng các bộ phim có thời lượng 100 phút trên truyền hình mỗi Chủ Nhật hàng tuần. Khải Hưng ngay lập tức đồng ý với lời đề nghị này[2][3] và đánh máy các ý tưởng ra thành bản thảo gửi cho Tổng giám đốc để phê duyệt; bản thảo nhanh chóng được thông qua và Khải Hưng được đề nghị thực hiện dự án ngay lập tức; ông Dũng sau đó đã đặt tên cho chương trình với tiêu đề Văn nghệ Chủ Nhật và Khải Hưng là người chịu trách nhiệm chính về mặt nội dung của chương trình.[2]
Trước đó, Khải Hưng đã quay xong hai bộ phim là Mẹ chồng tôi và Người tình của cha (lúc này vẫn đang hoàn thiện khâu hậu kỳ), đều quay từ năm 1993.[4] Mẹ chồng tôi đã được chọn làm tác phẩm để phát sóng đầu tiên trong chương trình.[5]
Lấy bối cảnh tại thời điểm diễn ra Chiến tranh Việt Nam, Mẹ chồng tôi kể về Thuận (Chiều Xuân) – một người vợ đang thì xuân sắc nhưng vừa tổ chức đám cưới xong thì chồng lên đường ra mặt trận, cô phải ở nhà sống cùng mẹ chồng là Bà Hoà (Thu An). Cả hai mẹ con đều sống yêu thương, chan hòa và san sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Vì có giọng hát hay nên Thuận được cử làm văn công cho đài phát thanh xã. Ở đây, Thuận đã gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với Lực (Trần Lực) – người phụ trách đài phát thanh của xã. Trong một đêm mưa chỉ có hai người trong phòng, họ đã nảy sinh tình cảm với nhau, và sau đêm đó Lực hối hận bỏ đi công tác ở nơi khác, mấy năm sau thì hy sinh trong một trận bom của Mỹ. Thuận mang thai; biết chuyện con dâu ngoại tình và có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, dù đau buồn nhưng Bà Hoà vẫn thông cảm và rộng lòng tha thứ cho con dâu...[5][6][8]
Cùng một số diễn viên khác....
Bài hát trong phim là ca khúc cùng tên do Vũ Thảo sáng tác và Mai Tuyết thể hiện.[4]
Khải Hưng là người cầm trịch vai trò đạo diễn cho bộ phim. Bên cạnh việc soạn nhạc phim, nhạc sĩ Vũ Thảo cũng đảm nhận viết kịch bản phim dưới bút danh Quang Huy.[4][12] Phần kịch bản được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Chính, đăng tải trên một số báo cuối tuần.[5][6] Dù vậy, kịch bản này từng bị từ chối vì được cho là động chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm; chính tay đạo diễn Khải Hưng đã phải đích thân đem kịch bản lên Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) để đề nghị phê duyệt và được chấp thuận. Ngay sau đó, ông nhanh chóng bắt tay vào thực hiện bộ phim.[5] Quay phim cho tác phẩm là đạo diễn Bùi Huy Thuần.[13]
Ban đầu, đạo diễn Khải Hưng nhắm vai người mẹ chồng cho một vài diễn viên, nhưng cuối cùng Thu An đã được chọn để diễn xuất trong bộ phim vì hình ảnh "lam lũ" của bà chân thực đến mức "chỉ cần nhìn qua là người ta tin chị là bà mẹ nông thôn". Đây cũng là tác phẩm đầu tiên và duy nhất đánh dấu sự hợp tác giữa diễn viên Thu An và Khải Hưng.[9] Chiều Xuân được tuyển vào vai chính bộ phim sau lời mời của đạo diễn vào tháng 5 năm 1993; khi đó bà đang chuẩn bị cho lần giỗ thứ ba của bố chồng là nhạc sĩ Đỗ Nhuận và cũng vừa ra mắt khán giả với vai diễn trong vở kịch Ni cô Đàm Vân tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Lúc đầu, đạo diễn bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng bà quá hiện đại và không phù hợp với vai diễn, nhưng sau khi nhìn thấy nữ diễn viên trong bộ đồ hóa trang cô gái thôn quê, ông đã đi đến quyết định chọn Chiều Xuân vào vai diễn.[1][14]
Quá trình ghi hình bộ phim diễn ra trong vòng một tháng, với bối cảnh chính tại huyện Đông Anh, Hà Nội.[9] Máy quay và vật tư kỹ thuật dùng cho việc sản xuất phim khi ấy còn thô sơ và lạc hậu; để thực hiện một cảnh quay có mưa trong phim, đoàn phim đã phải mượn bốn bình tưới cây ozoa của nông dân sống xung quanh và cho hai người trèo lên trên mái nhà để tưới nước xuống giả mưa. Vì không có phương tiện để di chuyển, trong những ngày ghi hình cuối cùng, do tiền được chuẩn bị theo đoàn phim bắt đầu cạn kiệt, mọi người trong đoàn buộc phải ăn khoai và sắn thay cơm.[5]
Phim được phát sóng lần đầu trong chương trình Văn nghệ Chủ Nhật vào ngày 4 tháng 9 năm 1994.[2] Lúc đầu, Mẹ chồng tôi chỉ là một tập có thời lượng dài, tuy nhiên sau đó vì yêu cầu của chương trình nên Khải Hưng đã quyết định cắt bộ phim làm hai tập chiếu vào hai tuần khác nhau.[5] Đây cũng được coi là bộ phim truyện truyền hình Việt Nam đầu tiên thuộc dòng phim chính luận.[9]
Sau khi phát sóng, Mẹ chồng tôi đã gây tiếng vang lớn và có được sự đón nhận tích cực từ công chúng,[15][16] cũng như trở thành tác phẩm kinh điển của phim truyền hình Việt Nam.[17] Thậm chí sau nhiều năm phát sóng, bộ phim vẫn có nhiều người tìm xem và nhớ đến.[6] Sự thành công của Mẹ chồng tôi được cho là do tác phẩm có nội dung và thể loại khác hoàn toàn với các cuốn phim thuộc dòng phim mì ăn liền khi đó, vốn sau những năm đầu thập niên 90 đã dần mất đi vị trí của mình.[5][18] Các ý kiến cũng đánh giá phim là điểm xuất phát trào lưu làm phim truyện truyền hình của nhiều nhà làm phim lúc bấy giờ.[5]
Vai diễn trong phim đã giúp Chiều Xuân liên tiếp nhận được những lời mời tham gia phim điện ảnh sau đó.[1] Đây cũng là vai diễn nổi tiếng nhất của bà.[19] Tác phẩm còn mở rộng tên tuổi đạo diễn Khải Hưng đến với nhiều người hơn:[5] bộ phim cùng hai tác phẩm khác của ông Lời nguyền của dòng sông và Không còn gì để nói sau này đã đem về cho ông Giải thưởng Nhà nước đợt II năm 2007 về Văn học Nghệ thuật.[20] Trong một cuộc phỏng vấn với báo VietNamNet vào năm 2011, ông ghi nhận NSƯT Thu An khi góp phần lớn vào sự thành công cho phim, cũng như vai trò của bộ phim khi giúp chương trình Văn nghệ Chủ Nhật tiếp tục được sản xuất và phát sóng suốt một thời gian dài.[9] Hình ảnh bà mẹ chồng trong phim gắn liền với tên tuổi của diễn viên Thu An tới tận khi bà qua đời[5][7][16] và là một trong những nhân vật nhân văn được yêu thích nhất trên màn ảnh.[6][16]
Năm | Phim | Hạng mục | (Người) đề cử | Kết quả | Tham khảo |
---|---|---|---|---|---|
1995 | Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam 1994 | Phim truyện video | — | Giải B | [21] |