Margarethe của Phổ Margarethe von Preußen | |||||
---|---|---|---|---|---|
Vương hậu Phần Lan | |||||
Tại vị | 9 tháng 10 năm 1918 – 14 tháng 12 năm 1918 (66 ngày) | ||||
Tiền nhiệm | Alix của Hessen và Rhein (Với tư cách là Đại Công tước phu nhân) | ||||
Kế nhiệm | Chế độ quân chủ kết thúc | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | Cung điện Mới, Potsdam, Vương quốc Phổ, Đế quốc Đức | 22 tháng 4 năm 1872||||
Mất | 22 tháng 1 năm 1954 Lâu đài Friedrichshof, Kronberg im Taunus, Hessen, Tây Đức | (81 tuổi)||||
An táng | Lâu đài Friedrichshof, Kronberg im Taunus, Hessen, Tây Đức | ||||
Phối ngẫu | |||||
Hậu duệ | |||||
| |||||
Hoàng tộc | Nhà Hohenzollern | ||||
Thân phụ | Freidrich III của Đức | ||||
Thân mẫu | Victoria Adelaide của Liên hiệp Anh |
Margarethe của Phổ (tiếng Đức: Margarethe von Preußen; tên đầy đủ: Margarethe Beatrice Feodora; 22 tháng 4 năm 1872 – 22 tháng 1 năm 1954) là con út của Hoàng đế Friedrich III của Đức và Victoria của Liên hiệp Anh, Vương nữ Vương thất. Margarethe cũng là em gái của Hoàng đế Wilhelm II của Đức và là cháu ngoại của Nữ vương Victoria I của Liên hiệp Anh. Margarethe kết hôn với Friedrich Karl xứ Hessen, người được bầu làm Quốc vương Phần Lan, khiến Margarethe trở thành Vương hậu Phần Lan nếu như Friedrich Karl không quyết định từ bỏ ngai vàng vào ngày 14 tháng 12 năm 1918. Năm 1926, hai vợ chồng trở thành Phong địa Bá tước và Phong địa Bá tước phu nhân xứ Hessen trên danh nghĩa. Cặp đôi có sáu người con trai và lần lượt mất ba người trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai.
Vương tôn nữ Margarethe của Phổ sinh vào ngày 22 tháng 4 năm 1872 tại Cung điện Mới của Vương tộc Hohenzollern ở Potsdam, là người con út trong số tám người con được sinh ra bởi Hoàng đế Friedrich III của Đức, bấy giờ là Thái tử của Đế quốc Đức, và Victoria của Liên hiệp Anh, Vương nữ Vương thất, con gái lớn của Nữ vương Victoria I của Liên hiệp Anh. Vào thời điểm được làm lễ rửa tội, đầu của Margarethe được bao phủ bởi mái tóc ngắn như rêu, do đó Vương tôn nữ có biệt danh là "Mossy".[1] Tên đầy đủ của Vương tôn nữ là Margarethe Beatrice Feodora. Thái tử phi Margherita của Ý [1] và Hoàng đế Pedro II của Brasil là cha mẹ đỡ đầu của Margarethe.[2]
Margarete lớn lên trong một môi trường với nhiều đặc quyền và trọng tính lễ nghi.[3] Cùng với các chị gái Viktoria và Sophie, Margarete rất gắn bó với cha mẹ, tạo thành một nhóm đối lập với nhóm anh chị lớn gồm có Wilhelm II, Charlotte và Heinrich. Margarethe vẫn gần gũi với mẹ sau khi cha qua đời và là người được yêu mến nhất trong số các chị em của Hoàng đế Wilhelm II. Margarethe cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhiều thành viên trong gia đình.[3] Margarethe còn là chị họ của Quốc vương George V của Liên hiệp Anh và Alix của Hessen và Rhein (sau là Hoàng hậu Aleksandra Fyodorovna của Nga) và cả ba đều là cháu của Victoria của Anh. Khi trưởng thành, Margarethe được cho là giống người dì Alice.[4]
Margarethe ban đầu đầu bị thu hút bởi Maximilian xứ Baden.[5] Khi Maximilian không đáp lại tình cảm của Margarethe thì Margarethe đã chuyển sang lựa chọn thứ hai là bạn thân của Max Friedrich Karl xứ Hessen-Kassel, sau này là Gia chủ của gia tộc Hessen-Kassel và được bầu cử làm Quốc vương Phần Lan.[5] Hai người kết hôn vào ngày 25 tháng 1 năm 1893 tại Hohenzollern Stadtschloss ở Berlin nhân kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ Margarethe.[6]
Vào thời điểm tổ chức đám cưới, Friedrich Karl không phải là người đứng đầu Gia tộc Hessen-Kassel [7] mà là người anh trai gần như mù lòa của Friedrich Karl là Alexander Friederich, người đã từ bỏ vị trí gia chủ vào giữa thập niên 1920 để kết hôn không đăng đối.[7] Tại thời điểm kết hôn, Friedrich Karl sở hữu kính xưng Điện hạ (Highness) trong khi Margarethe sỏ hữu kính xưng bậc cao hơn là Vương thân Điện hạ (Royal Highness). Sự chênh lệch này chấm dứt vào năm 1925 khi Friedrich Karl trở thành Phong địa Bá tước xứ Hessen-Kassel và là Gia chủ của gia tộc Hessen-Kassel.[7]
Margarethe và chồng chính là chị em họ cùng chung ông cố là Friedrich Wilhelm III của Phổ. Trong đó Friedrich Karl có mối liên hệ với Quốc vương Frierich Wilhelm III qua mẹ là Maria Anna của Phổ, còn Margarethe thì thông qua cha là Friedrich III của Đức. Ban đầu, anh trai của Vương nữ là Wilhelm II phản đối mối hôn sự vì cảm thấy địa vị của Friedrich Karl quá "thấp" đối với em gái của Hoàng đế Đức. Tuy nhiên, sau đó Wilehelm II đã ban lời chúc lành cho hai người vì bản thân Margarethe "không quan trọng lắm".[8] Cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. Margarethe có cá tính mạnh mẽ; luôn có vẻ an toàn và vững vàng hơn chồng.[5] Nơi ở chính của cặp đôi trong những năm đầu chung sống là Lâu đài Rumpenheim. Chồng của Margarethe là người con rể được mẹ Vương nữ yêu quý nhất.[8] Năm 1901, Margarethe thừa kế Lâu đài Friedrichshof sau cái chết của mẹ.[3] Việc một người chồng sống tại nhà vợ là một điều hết sức lạ ở thời điểm đó. Tuy nhiên, Margarethe cam kết gìn giữ ngôi nhà của mẹ, điều này đòi hỏi một khoản chi phí lớn và cả gia đình chuyển đến Friedrichshof.[3]
Năm 1918, chồng của Margarethe chấp nhận lời đề nghị trở thành Quốc vương của quốc gia Phần Lan mới độc lập, nhưng do những thất bại của Đức trong Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nên đã từ bỏ vị trí này. Margarethe vì thế lẽ ra sẽ là Vương hậu Phần Lan. Người tiền nhiệm của Margarethe với tư cách là Đại Công tước phu nhân Phần Lan là người em họ Alix của Hessen và Rhein, Hoàng hậu Aleksandra Fyodorovna của Nga.
Các con trai lớn của Margarethe là Friedrich Wilhelm và Maximilian đã thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Công tử Maximilian, người con trai thứ hai và là người con Margarethe yêu thương nhất, bấy giờ đang phục vụ gần Aisne thì bị thương nặng do đạn súng máy vào tháng 10 năm 1914 [9] và qua đời ngay sau đó. Thi thể của Công tử được người dân địa phương bí mật chôn cất tại làng Caestre và người dân biết rằng Maximilian là cháu trai gọi bác của Hoàng đế Wilhelm II của Đức. Linh mục từ chối xác định vị trí của ngôi mộ cho đến khi quân Đức rời khỏi Bỉ và một khoản bồi thường đã được trả. Em trai của Max là Wolfgang đã kêu gọi chính quyền Anh giúp đỡ và cuối cùng, sau khi điều tra, thi thể của Maximilian đã được trả lại cho gia đình. Người con trai lớn của Margarethe là Friedrich Wilhelm đã qua đời vào ngày 12 tháng 9 năm 1916 tại Kara Orman ở România vì bị giết trong một trận cận chiến trong đó cổ họng của Friedrich Wilhelm bị cắt bởi lưỡi lê của bên đối địch.[10]
Hai người con trai khác của Margarethe là Philipp và Christoph theo chủ nghĩa của Đức Quốc xã và Margarethe đã mời Adolf Hitler đến uống trà và treo biểu tượng chữ Vạn từ nhà của mình ở Lâu đài Kronberg.[11] Philipp kết hôn với Vương nữ Mafalda của Ý, con gái của Quốc vương Vittorio Emanuele III của Ý.[12] Do có mối quan hệ gia đình với Quốc vương Ý, Philipp được bổ nhiệm vào đội ngũ nhân viên riêng của Hitler vào năm 1939, cũng là vì Philipp có thể là một đường dây liên lạc hữu dụng giữa Đức Quốc xã và Phát xít Ý. Tuy nhiên, sau này Hitler nghi ngờ Philipp có liên can đến sự thất thế của Thủ tướng Ý Benito Mussolini.[13] Tháng 9 năm 1943, Philipp bị bắt giữ, bị tước bỏ hết tước hiệu [14] và bị gửi đến Trại tập trung Flossenbürg. Mafalda bị đưa đến Buchenwald và qua đời vì xuất huyết do bị cắt cụt cánh tay trước đó bị gãy bởi một cuộc ném bom vào trại.[15]
Con trai thứ năm của Margarethe, tức Christoph, là người ủng hộ trung thành cho nỗ lực chiến tranh của Đức, nhưng sau Trận Stalingrad, Christoph thất vọng vì những hạn chế đặt ra cho mình trong cuộc xung đột và ngày càng chỉ trích giới lãnh đạo Đức.[16] Phản ứng của Christoph trước vụ ám sát Heydrich, người mà Christoph gọi là "kẻ nguy hiểm và độc ác" [17] vào năm 1942 chính là "tin tốt nhất mà tôi có được trong một thời gian dài".[17] Chế độ Đức Quốc xã đã quay lưng lại với gia đình của Christoph vào thời điểm Christoph qua đời trong một vụ tai nạn máy bay gần Forli vào ngày 7 tháng 10 năm 1943.[17][18] Christoph đã kết hôn với Sofia của Hy Lạp của Hy Lạp và Đan Mạch, chị gái của Filippos của Hy Lạp, chồng của Nữ vương Elizabeth II của Liên hiệp Anh.
Margarethe cũng mất một người con dâu trong chiến tranh là Marie Alexandra xứ Baden, vợ của Wolfgang. Marie Alexandra và bảy nữ nhân viên cứu trợ khác đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Frankfurt vào ngày 29–30 tháng 1 năm 1944.[19] Căn hầm nơi họ trú ẩn đã sụp đổ dưới sức nặng của tòa nhà dẫn đến thi thể của Marie Alexandra khó có thể nhận dạng được.[20]
Margarethe, với phong thái của một nữ chủ nhân trong ai đình, là nhân vật trung tâm của cả gia đình.[5] Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Margarethe đã chăm sóc cho các cháu của mình và cố gắng duy trì sinh hoạt chính ở Friedrichshof khi cha mẹ chúng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau.[5]
Margarethe đã gặp nhiều khó khăn sau năm 1945; mọi thứ còn phức tạp hơn bởi vụ trộm đồ trang sức từ Lâu đài Friedrichshof vào tháng 11 năm 1945 có trị giá hơn 2.000.000 bảng Anh.[21] Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Friedrichshof được chính quyền quân sự sử dụng làm câu lạc bộ sĩ quan trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng. Một người con trai của Hoàng nữ Margaret là Wolfgang, vì lo sợ sự an toàn của những món trang sức nên đã chôn chúng trong một tầng hầm của lâu đài.[21] Vào ngày 5 tháng 11 năm 1945, người quản lý câu lạc bộ, Đại úy Kathleen Nash, đã phát hiện ra những món trang sức và cùng với người chồng tương lai là Đại tá Jack Durant và Thiếu tá David Watson đánh cắp trang sức và mang nó ra khỏi Đức.[22] Đầu năm 1946, Hoàng nữ Margarethe phát hiện ra vụ trộm khi gia đình muốn dùng số trang sức đó cho đám cưới của Vương nữ Sofia của Hy Lạp và Đan Mạch, lúc bấy giờ chuẩn bị tái hôn với Vương tử Georg Wilhelm của Hannover. Sofia và Margarethe đã báo cáo sự việc với chính quyền Frankfurt và thủ phạm đã bị bỏ tù vào tháng 8 năm 1951. Tuy nhiên, gia đình nhà Hessen chỉ nhận lại được 10% giá trị tài sản bị đánh cắp.[23]
Margarethe, người con cuối cùng còn sống của Hoàng đế Friedrich III của Đức và là cháu nội cuối cùng của Hoàng đế Wilhelm I của Đức, đã trút hơi thở cuối cùng tại Kronberg vào ngày 22 tháng 1 năm 1954,[24] 14 năm sau khi chồng và đúng 53 năm sau bà ngoại của Margarethe là Nữ vương Victoria I của Liên hiệp Anh qua đời. Lúc ấy Margarethe thọ 81 tuổi.
Margarethe của Phổ và Friedrich Karl xứ Hessen có với nhau sáu người con trai, trong đó có hai cặp sinh đôi:
Những giấy tờ cá nhân của Margarethe của Phổ (bao gồm cả thư từ của gia đình) được bảo quản trong Kho lưu trữ của Vương tộc Hessen, tại Cung điện Fasanerie ở Eichenzell, Đức.[25]