Núi Tà Lơn

Một dòng suối trên núi Tà Lơn
Nhà thờ Công giáo trên núi Bokor

Núi Tà Lơn (người Khmer gọi là núi Bokor) cách thị xã Kampot (thuộc tỉnh Kampot) khoảng 10 km về hướng Tây Nam. Đây là nơi hành hương, tham quan và vui chơi của Vương quốc Campuchia. Đây là ngọn núi thiêng, gắn liền với rất nhiều những truyền thuyết, huyền thoại của người Khmerngười Việt ở Nam Bộ (hay gọi là Lan Thiên).

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà thờ Công giáo trên núi Bokor

Đây là một dãy núi, mà đỉnh cao nhất có chiều cao là 1.080 m (so với mực nước biển)[1]. Theo những dấu tích còn lại, thì hàng triệu năm trước, có thể núi Tà Lơn nằm sâu dưới đáy là biển. Rồi vì một tác động nào đó, khiến nó vươn mình ra khỏi biển như ngày nay. Bằng chứng là trên đỉnh núi có vô số khối đá bị nước biển ăn mòn, và cát ở nơi ấy cũng thật là trắng mịn [2]. Nhìn chung, vì cao độ của núi khí hậu mát mẻ. Tuy nhiên vào mùa khô, thời tiết trên đỉnh thường là "ngày nóng, đêm lạnh". Cảnh vật trên đỉnh núi vì đất cằn cỗi lẩn nhiều cát đá và thiếu nước nhất là vào mùa khô nên vắng bóng những cây mộc lớn. Đặc biệt, ở đây có nhiều cây bá tùng (lá của cây bách và cây tùng trên một cây), cỏ (mảnh và nhọn), địa lan [3] và cây "nắp nước" [4].

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Pháp thuộc năm 1917, nhân thấy khí hậu trên núi mát hơn với miền xuôi nên chính phủ bảo hộ lập kế hoạch dựng khu nghỉ mát ở Bokor. Theo đó xuất hiện nhiều tòa nhà như nhà thờ, nhà nghỉ, sòng bạc theo kiến trúc Âu châu. Từ khi người Pháp rút lui rồi lại nạn chiến tranh các công trình xưa đã trở thành hoang phế. Đến thập niên 1990, người ta đã ví Tà Lơn (Bokor) như là "một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới" và là "thành phố ma" vì vẻ hoang tàn và kỳ bí.[5]

Thắng tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Đối với một số người Việtngười Khmer, thì đây còn là ngọn núi thiêng, gắn liền với rất nhiều những truyền thuyết, huyền thoại. Trên núi nay vẫn còn những nơi thờ tự như Tượng nữ thần Dì Mâu (gọi theo người Việt) tên bản địa là Lok Yeay Mao, tượng Ông Địa,[6] chùa Năm Thuyền (Wat Sampov Pram)[7]... đều là nơi khách thập phương đến chiêm bái. Đối với một số người Việt thì điện Tứ Giao,[8] điện Minh Châu, Trung Tòa, Lan Thiên, cổng Bàn Ngự[9]... đều là nơi linh thiêng, ghi dấu chân những đạo sĩ đến nơi tu luyện từ hồi thế kỷ 19, trong đó có Nguyễn Thành Đa (Cử Đa, đạo hiệu là Ngọc Thanh), Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo), Ngô Văn Chiêu (khai sáng đạo Cao Đài).[10]. Sang thế kỷ 21 chính quyền Campuchia lại xúc tiến tái tạo Tà Lơn làm nơi vui chơi với casino, khách sạn để du khách dùng. Nhiều công trình đang được xây dựng tại đây, trong đó có một con đường trải nhựa rộng, mà theo kế hoạch là sẽ lên tận đỉnh (nơi có điện Tứ Giao).

Trong văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]
Một nhóm người Việt cao niên trên lối mòn trèo núi
Phong cảnh trên núi đỉnh núi Tà Lơn. Nơi này, người Việt gọi là Lan Thiên
Đường trải nhựa rộng dẫn lên núi Bokor (Tà Lơn) đầy sương mù

Trong truyện ngắn "Thơ Núi Tà Lơn" của nhà văn Sơn Nam được viết ở thế kỷ 20, có chép lại một đoạn "vè Tà Lơn" như sau (trích):

Tà Lơn xứ rày tạm con ở
Làm lưới chài ngày tháng náu nương...
...Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú,
Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan.
Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn,
Nhìn trên suối sấu nằm như trăm khúc.
Nay con tới nguồn cay nước đục,
Loại thú cầm trông thấy chỉnh ghê,
Giống chằng tinh lai vãng dựa xó hè.
Con gấu ngựa tới lui gần xó vách.
Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc,
heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên.
Trên chót núi, nai đi nối gót,
Cặp giả nhân kêu tiếng rảnh vang.
Ngó sau lưng, con kỳ lân mặt đỏ như vàng,
Nhìn phía trước, ông voi đen huyền như hổ.
Hướng đông bắc, con công như tố hộ.
Cõi tây nam, rừng gáy ó o...

Ngày nay, các loài thú ấy đã gần như vắng bóng.

Các di tích tham quan

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tượng Thần Núi
  • Diay Mao
  • Thác Popokvil
  • Chùa Năm Thuyền
  • Điện Tứ Giao
  • Điện Minh Châu
  • Trung Tòa
  • Lan Thiên
  • Cổng Bàn Ngự

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại được trong chuyến đi tham quan núi Tà Lơn vào tháng 3 năm 2013.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nguồn: bài viết "Cuối tuần đi Kampot" đăng trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 17 tháng 9 năm 2011: [1][liên kết hỏng].
  2. ^ Cát trắng trên đỉnh núi Tà Lơn khá giống lại cát trắng ở một số bờ biển thuộc miền Trung Việt Nam.
  3. ^ Theo nhà văn Sơn Nam thì đây là giống lan vệ hài (Lịch sử An Giang, Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang, 1988, tr. 86).
  4. ^ Cây này thuộc họ Nắp ấm (Nepenthaceae). Bên trong hoa có chứa một ít nước uống được nên gọi vậy. Nhờ số nước ít ỏi ấy mà cây sống được khi nắng nóng.
  5. ^ "Núi Tà lơn Bokor Campuchia huyền bí" [2] Lưu trữ 2012-12-11 tại Wayback Machine
  6. ^ Tượng Ông Địa được đặt bên đường, dưới chân gò đất nơi có tượng Dì Mâu
  7. ^ Chùa do vua Monivong xây dựng năm 1924; trước chùa có 5 tảng đá nhô ra như năm chiếc thuyền nên có tên là Năm Thuyền
  8. ^ Gọi là điện, nhưng ở đây chỉ là một hang động nhỏ do bốn hòn đá giao nhau mà thành. Trên nóc điện có 4 bàn thờ đơn sơ. Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo) đã từng đến viếng và ngủ đêm tại đây. Xem phần "Dõi gót theo thầy" trên website Phật giáo Hòa Hảo [3]
  9. ^ Đây chỉ là hai trụ đá ở trên núi Tà Lơn, được người Việt gọi tôn kính là cổng Bàn Ngự và đã lập bàn thờ ở đây
  10. ^ Theo lời kể, thì hiện nay có khoảng mười người Việt đang tu rải rác trong các hang động ở trên núi
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan